Tại phiên thảo luận của Quốc hội hôm 24/5/2023 về dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Luật Đấu thầu không nên là “vòng kim cô” để kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, mà yếu tố cuối cùng vẫn là con người, bởi ai tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý. Ông Nghĩa nhấn mạnh, không nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu với công ty con của doanh nghiệp Nhà nước.
Một số đại biểu có ý kiến rằng, đấu thầu là biện pháp để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế, nên không thể loại trừ các công ty con của doanh nghiệp Nhà nước.
Cách đây hai tháng, cũng tại một phiên họp thường vụ Quốc hội về dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lại cho rằng, dự án Luật Đấu thầu sửa đổi là nội dung quan trọng bảo đảm cho minh bạch, công khai môi trường đầu tư kinh doanh, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Thực tế ra sao?
Tuy vậy, nguyên tắc đấu thầu là nguyên tắc tốt. Nó không gây hại gì. Chỉ có điều là phải xem xét cơ chế đấu thầu; quy trình thực hiện đấu thầu phải thật khách quan. Không vướng víu chuyện người thân, người quen thì được chỉ định … Giáo sư Đặng Hùng Võ
Giáo sư Đặng Hùng Võ nói với RFA sáng 30/5/2023, rằng cái gì mà đấu giá cũng sẽ tạo ra nguy cơ làm cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế suy giảm. Còn đấu thầu là việc xem xét bất kỳ mặt hàng nào, sản xuất bất kỳ mặt hàng nào cũng đều dẫn đến việc được xem xét một cách toàn diện nhiều tố ảnh hưởng đến việc sản xuất ra mặt hàng đó. Còn về mặt chống tham nhũng, ông Võ nhận định:
“Không chế tham nhũng, tiêu cực nó không nằm ở cơ chế đấu này hay đấu kia, mà nó nằm ở cơ chế quản trị công khai, minh bạch thông tin và có sự tham gia trực tiếp của những người bị ảnh hưởng; có trách nhiệm của cơ quan quản lý. Áp dụng được quản trị thì mới có thể không chế được tham nhũng. Đấy là điều thứ nhất.
Điều thứ hai, phải thiết lập được một cái hệ thống giám sát, đánh giá cụ thể thì mới theo dõi được toàn bộ quá trình đó diễn ra như thế nào. Những hành vi nào có thể có biểu hiện của tham nhũng, tư lợi. Những hành vi nào có thể là lãng phí…
Tất cả những điều đó chỉ hệ thống giám sát, đánh giá mới quản lý được. Cái câu chuyện nó nằm ở chỗ có áp dụng được quản trị và áp dụng được kỹ thuật đánh giá hay không, chứ cơ chế đấu giá hay đấu thầu nó chỉ là hình thức!.
Tuy vậy, nguyên tắc đấu thầu là nguyên tắc tốt. Nó không gây hại gì. Chỉ có điều là phải xem xét cơ chế đấu thầu; quy trình thực hiện đấu thầu phải thật khách quan. Không vướng víu chuyện người thân, người quen thì được chỉ định …”
Thời gian qua, một số vụ án liên quan đấu thầu đã đưa một loạt quan chức vào tù như vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội hay vụ Việt Á.
Về vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, giá của mỗi một stent nhập khẩu từ Ấn Độ về chỉ từ tám đến 11 triệu nhưng giá thẩm định và giá trúng thầu đã vọt lên 36 đến 42 triệu/stent, tức là tăng từ 28 đến 31 triệu. Đến nay cả tổng giám đốc và phó tổng giám đốc của đơn vị thẩm định giá đều đã vào tù. Hay công ty Việt Á bị cáo buộc đã thổi giá bộ xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45% và lại quả cho các đối tác 800 tỷ đồng.
Tính đến nay, theo số liệu của Bộ Công an, gần 100 quan chức ở cấp trung ương và địa phương bị vướng vào vòng lao lý, trong đó có người từng là Ủy viên Trung ương.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an từng cho báo chí biết, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, phòng, chống dịch bệnh…
Qua những vụ án tham nhũng nổi cộm thời gian qua, báo Nhà nước liệt kê một số cách thức mà các quan chức mua sắm tham nhũng thường sử dụng để hạn chế cạnh tranh, bao gồm: đặt ra các quy định của hợp đồng được thiết kế theo cách có lợi cho một doanh nghiệp cụ thể nào đó; chia nhỏ hợp đồng có giá trị cao thành một số hợp đồng nhỏ hơn, để giá trị của hợp đồng này giảm xuống dưới ngưỡng giá trị yêu cầu hợp đồng phải được mở đấu thầu để cạnh tranh; gộp nhiều hợp đồng khác nhau lại với nhau để tạo ra một gói thầu phức tạp đến mức chỉ một doanh nghiệp cụ thể mới có thể thực hiện và do đó có thể được sử dụng để tránh các thủ tục đấu thầu thực sự cạnh tranh.
Theo tôi, Luật đấu thầu hiện nay là một cơ hội rất tốt để tham nhũng và thanh trừng chính trị dưới nhãn hiệu chống tham nhũng vì những lý do sau: Thứ nhất, ở Việt Nam không có tam quyền phân lập và báo chí tự do. - Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Tờ Thanh Niên hôm 8/11/2022 dẫn trường hợp "một bệnh viện đa khoa của tỉnh" mà kết luận thanh tra tỉnh chỉ rõ, tổng giá trị hàng hóa mua sắm chỉ hơn 95 tỷ nhưng giám đốc bệnh viện đã ban hành tới 1.165 quyết định chỉ định thầu, với giá trị của mỗi gói thầu đều dưới 100 triệu đồng.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, Luật Đấu thầu ở Việt Nam chẳng những không ngăn ngừa được hành vi hối lộ, tham nhũng, mà ngược lại. Ông nói:
“Theo tôi, Luật đấu thầu hiện nay là một cơ hội rất tốt để tham nhũng và thanh trừng chính trị dưới nhãn hiệu chống tham nhũng vì những lý do sau: Thứ nhất, ở Việt Nam không có tam quyền phân lập và báo chí tự do. Thứ hai, Luật đấu thầu hiện nay họ học theo phương Tây nhưng không hội đủ điều kiện về chuyên môn, kỹ thuật và khả năng quản trị. Thứ ba, Luật đấu thầu hiện nay đánh đồng tất cả mọi lãnh vực với nhau, từ xây dựng cho đến y tế, giáo dục…
Trong khi đó, có những lãnh vực đòi hỏi chuyên môn rất cao. Chính vì yếu tố tố thứ ba này dẫn đến yếu tố thứ tư, đó là theo Luật đấu thầu hiện nay họ chỉ chọn giá rẻ nhất nhưng lại đòi chất lượng phải cao nhất.
Tôi cho rằng, những người soạn Luật đấu thầu này cũng như 500 vị đại biểu Quốc hội không hiểu biết gì về thị trường tự do cũng như văn hóa, văn minh, đạo đức trong kinh doanh.”
Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội Khóa 13 thông qua tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Sau chín năm thực hiện, Luật Đấu thầu bị cho là đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Một số quy định của luật chưa phù hợp với thực tiễn hoặc quy định chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn trong lựa chọn nhà thầu, nhất là trong trường hợp cấp bách, phòng chống dịch bệnh, xây dựng công trình khẩn cấp.