Người khiếm thị Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0

0:00 / 0:00

Hiện Việt Nam có khoảng 2 triệu người khiếm thị. Đời sống sinh hoạt của họ ra sao trong thời đại công nghiệp 4.0?

Hòa nhập cộng đồng

Ca nhạc sĩ Hà Chương, thủ khoa hệ trung cấp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2004,là ca nhạc sĩ khiếm thị đầu tiên phát hành CD riêng, ở Việt Nam và ở Mỹ, được nhiều thính giả ái mộ qua những làn điều dân ca ngọt ngào.

Vào năm 2014, với nhạc phẩm “Cõng mẹ đi chơi” tại cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Việt Nam-Vietnam Got Talent, ca nhạc sĩ Hà Chương đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng. Cuộc sống của anh trở nên bận rộn và có nhiều ý nghĩa hơn kể từ sau khi tham gia sân chơi âm nhạc trên truyền hình.

“Hà Chương tham gia cuộc thi với hai mục đích: đầu tiên, Hà Chương cũng muốn tiếng hát, sáng tác, ca khúc, tiếng đàn của mình có cơ hội đến gần hơn với bà con ở vùng sâu vùng xa tại Việt Nam và ở rất nhiều nơi trên thế giới; thứ hai nữa, đặc biệt quan trọng hơn đối với Hà Chương là Hà Chương muốn là một hình ảnh đại diện cho những người khuyết tật để nói lên tiếng nói rằng người khuyết tật thật sự có những khả năng và thông qua đó các bạn khuyết tật cũng sẽ có thêm niềm tin, động lực để các bạn mạnh mẽ quyết định làm điều gì đó cho cuộc sống này.”

Ca nhạc sĩ Hà Chương nói cuộc sống của anh có được nhiều cơ hội mở ra: anh nhận được nhiều sô diễn hơn cả trong và ngoài nước, nhận làm đạo diễn cho các chương trình âm nhạc, tham gia biên tập cho các sản phẩm âm nhạc của những ca sĩ trẻ, làm diễn giả truyền cảm hứng cho thanh thiếu niên để biến ước mơ, hoài bão của họ thành hiện thực…

<i>Chuyên môn của mình là dạy Anh văn, nhạc và vi tính cho người khiếm thị. Hiện tại công việc của mình cũng bấp bênh, không ổn định. Mặc dù chuyên môn của mình như vậy, nhưng mình phải tìm các công việc để kiếm sống thêm, như đi đàn cho các nhà hàng, quán bar hay phòng trà…Thậm chí có những chủ quán cũng không chấp nhận cho người khiếm thị làm việc trong quán của họ nữa<br/>-Anh Dương Chí Hùng</i>

Tuy nhiên, trong số 2 triệu người khiếm thị tại Việt Nam, những người có được cuộc sống hạnh phúc, hài lòng như ca nhạc sĩ Hà Chương chỉ là con số hiếm hoi.

Anh Dương Chí Hùng, một người khiếm thị ở Sài Gòn tâm tình với Đài Á Châu Tự Do:

" Chuyên môn của mình là dạy Anh văn, nhạc và vi tính cho người khiếm thị. Hiện tại công việc của mình cũng bấp bênh, không ổn định. Mặc dù chuyên môn của mình như vậy, nhưng mình phải tìm các công việc để kiếm sống thêm, như đi đàn cho các nhà hàng, quán bar hay phòng trà. Thật sự mà nói, ở Việt Nam thì số lượng nhạc công đi làm các công việc này rất đông và mình là người khiếm thị thì không có lợi thế bằng như người sáng mắt được. Thậm chí có những chủ quán cũng không chấp nhận cho người khiếm thị làm việc trong quán của họ nữa."

Công ăn việc làm

Cựu giảng viên Đại học Văn Lang thành phố Hồ Chí Minh, thầy giáo Trần Bá Thiện, một người có đóng góp rất lớn trong lãnh vực công nghệ vi tính cho cộng đồng người khiếm thị ở Việt Nam, nêu lên ghi nhận của ông với RFA:

“Thời gian 2003-2004, thời đó số sinh viên mù đi học đại học khoảng mười mấy người. Tôi biết số liệu này qua nhóm Diễn đàn Việt, lúc đó họ cấp học bổng cho sinh viên khiếm thị 200 đô la Mỹ/năm. Nhưng đến bây giờ, gần đây tôi hỏi thăm mỗi năm có hơn 60 người mù được đi học.”

Cô Nguyễn Thị Ngọc, Chủ tịch Hội người mù, ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước chia sẻ:

“Hiên tại, Hội ở huyện Chơn Thành có 114 người hội viên, nhưng có được 2 em có điều kiện được gia đình cho đi học ở thành phố và đã tốt nghiệp đại học. Bây giờ, người bình thường tốt nghiệp đại học tìm việc đã khó rồi, đừng nói chi đến người khiếm thị, cho nên công việc của hai em này cũng chưa ổn định.”

Một người khiếm thị kiếm sống bằng nghề hát rong và bán vé số.
Một người khiếm thị kiếm sống bằng nghề hát rong và bán vé số. (RFA)

Để trang trải cuộc sống với số tiền trợ cấp an sinh xã hội vài trăm ngàn đồng/tháng, nhiều người khiếm thị làm các công việc thủ công ở những cơ sở sản xuất nhỏ. Những công việc này dần mất đi do xu hướng ngành sản xuất ngày càng được tự động hóa. Do đó, đa số người khiếm thị ở độ tuổi lao động chuyển qua làm công việc dịch vụ, chủ yếu làm nghề xoa bóp, bấm huyệt.

Anh Nguyễn Đình Trụ, chủ cơ sở Massage Khiếm thị Sen Vàng, ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

“Bản thân mình là người khiếm thị, khi đi học nghề này và làm thì mình thấy không có khó khăn trở ngại gì hết, mà khách hàng rất thích những bạn khiếm thị làm. Bởi vì họ rất tập trung trong công việc. Cái nghề này với người khiếm thị thì không chỉ nuôi sống được bản thân họ, mà còn nuôi sống được vợ con gia đình nên họ rất chú tâm và tay nghề càng ngày càng giỏi hơn.”

Khó khăn, Trở ngại

Mặc dù những người khiếm thị làm công việc xoa bóp, bấm huyệt luôn trao dồi tay nghề với mong muốn có được nguồn thu nhập cao hơn, nhưng cơ hội có được việc làm tốt hơn vẫn là một cánh cửa hẹp. Cựu giảng viên Trần Bá Thiện giãi bày:

“Một người làm spa trong khách sạn 5 sao, tại các khu du lịch lớn thì một đêm có thể kiếm mấy trăm đô la. Một đêm họ có thể làm bằng cả tháng của người khác. Vấn đề nâng cấp cơ hội là có thể mở những lớp đào tạo cho người mù học để làm công việc trong spa như thế ở các khách sạn 4-5 sao. Tôi nêu ra vấn đề, tôi vận động nhưng chưa có ai đồng cảm để làm chuyện này.”

<i>Một người làm spa trong khách sạn 5 sao, tại các khu du lịch lớn thì một đêm có thể kiếm mấy trăm đô la. Một đêm họ có thể làm bằng cả tháng của người khác. Vấn đề nâng cấp cơ hội là có thể mở những lớp đào tạo cho người mù học để làm công việc trong spa như thế ở các khách sạn 4-5 sao. Tôi nêu ra vấn đề, tôi vận động nhưng chưa có ai đồng cảm để làm chuyện này<br/>-Cựu giảng viên Trần Bá Thiện</i>

Thầy giáo Trần Bá Thiện cho biết thêm hiện Chính phủ Việt Nam có nhiều chương trình hỗ trợ cho người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị qua hoạt động tích cực của các hội người mù ở từng địa phương. Tuy nhiên, trong thời đại kỹ thuật số, cộng đồng người khiếm thị còn gặp phải nhiều trở ngại trong sinh hoạt xã hội, chẳng hạn như rất nhiều ngân hàng không cho họ mở tài khoản ngân hàng và sử dụng thẻ ATM vì cho rằng người khiếm thị không đủ hành vi năng lực và yêu cầu phải có người giám hộ.

Ca nhạc sĩ Hà Chương ghi nhận:

“Một khó khăn nữa đối với những người khuyết tật tại Việt Nam nói chung và những người khiếm thị nói riêng thì những cái người ta gọi là ‘mô hình tiếp cận cho người khuyết tật’ tại Việt Nam không có. Ví dụ, Hà Chương đi diễn ở Châu Âu và ở Mỹ thì tất cả những nơi công cộng như bến xe, nhà ga, thang máy…thì đều có các công cụ riêng dành cho người khuyết tật. Ở Việt Nam còn thiếu rất nhiều. Trong những năm gần đây, mặc dù chính phủ để tâm hơn đối với những người khuyết tật, ra một số đạo luật và cũng bắt đầu tìm hiểu và học hỏi các mô hình ở nước ngoài để về áp dụng trong nước giúp người khuyết tật. Tuy nhiên vẫn còn rất ít và đối với Hà Chương thì cũng còn là sơ khai.”

Trả lời câu hỏi của RFA về mong muốn cho cuộc sống được thuận tiện và tốt hơn, những người khiếm thị mà chúng tôi tiếp xúc đều bày tỏ hy vọng chính quyền quan tâm hơn và đồng cảm hơn đối với những người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng, để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho họ hòa nhập vào xã hội với các cơ hội bình đẳng. Đồng thời, họ cũng mong mỏi được cộng đồng nhìn nhận một cách hoàn thiện hơn, xóa bỏ định kiến thương hại bằng cách ban phát lòng hảo tâm cho những kẻ tật nguyền thoáng qua trên đường phố.