Cô gái vàng bé nhỏ

Phụ nữ chơi thể thao không có gì lạ, nhưng chơi thể thao chuyên nghiệp ở mức đỉnh cao thì không phải là nhiều, nhất là ở những nước đang phát triển, nơi điều kiện tập luyện và thi đấu thể thao còn nhiều hạn chế.

0:00 / 0:00

Vượt qua chính mình

Có một cô gái bé nhỏ đã chứng minh rằng khó khăn không thể ngăn cản cô vươn đến những đỉnh cao trong thể thao mà nhiều người không dám nghĩ tới.

Người ta gọi cô là cô gái vàng, nữ hoàng đi bộ vì những thành tích liên tiếp và các tấm huy chương vàng mà cô đã đạt được chỉ trong vòng vài năm tham gia thi đấu điền kinh chuyên nghiệp ở trong và ngoài nước. Ngoài đời cô chỉ là một cô gái bé nhỏ, với ánh mắt và nụ cười vẫn còn mang những nét nhí nhảnh của một cô gái còn rất trẻ, trẻ hơn rất nhiều so với bề dày thành tích mà cô đã đạt được trong sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp của mình.

Cô là Nguyễn Thị Thanh Phúc, 24 tuổi, và là một trong số ít các vận động viên của bộ môn đi bộ thuộc làng điền kinh Việt Nam. Cô cũng là vận động viên điền kinh đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam vượt qua chuẩn B Olympic và trực tiếp giành vé một cách chính thống đến dự Olympic London 2012 vừa qua. Trong cuộc đua với 60 vận động viên đi bộ khác tại London, cô đã về thứ 36 và phá kỷ lục quốc gia do chính mình lập ra trước đó.

Nói về kỷ niệm lần đầu tiên tham gia Olympic của mình, Phúc chia sẻ:

“Đến đấu trường thế giới thì Phúc đứng thứ 36 thì Phúc cũng cảm thấy hài lòng vì mình đã vượt qua chính mình và không khiến giới chuyên môn phải thất vọng vì Phúc.”

Trước khi đến với Olympic, Phúc đã kịp giành cho mình 18 huy chương vàng và 14 kỷ lục ở các giải thi đấu trong và ngoài nước. Lần thi đấu nước ngòai đầu tiên trong sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp của PHúc chính là tại Seagames 26 ở Indonesia năm 2011. Trong lần tham gia Seagames lần đầu tiên này, Phúc đã mang về tấm huy chương vàng đầu tiên của làng điền kinh Việt Nam tại Seagames 26, một điều hầu như không có ai nghĩ tới trước đó.

Rồi đến với giải vô địch chấu Á ở Nhật bản vào đầu năm nay, tức là giải thi đấu quốc tế thứ hai của Phúc, cô đã mang về một tấm huy chương đồng và đọat vé đi dự Olympic London.

Để đạt được những thành tích đáng kể này, Nguyễn Thị Thanh Phúc đã trải qua những năm tháng khổ luyện từ khi còn học cấp hai ở thành phố Đà Nẵng.

Sinh ra trong một gia đình nghèo đông con tại một xã miền núi Hòa Sơn, Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, ngay từ hồi học lớp 9, Phúc đã được phát hiện có tố chất thể thao và được chọn tham gia vào đội điền kinh thành phố. Đây có thể coi là một may mắn cho cô và gia đình, bởi khi tham gia tập luyện thể thao chuyên nghiệp, bố mẹ cô sẽ được bớt gánh nặng nuôi con, trong khi tương lai sự nghiệp của cô cũng được đảm bảo hơn là ở nhà.

Đến đấu trường thế giới thì Phúc đứng thứ 36 thì Phúc cũng cảm thấy hài lòng vì mình đã vượt qua chính mình và không khiến giới chuyên môn phải thất vọng vì Phúc.<br/>Nguyễn Thị Thanh Phúc

Giã từ cha mẹ, anh chị em và bạn bè dưới quê, Phúc lên thành phố, bắt đầu những tháng năm tập luyện khổ cực, gian truân. Thật khó có thể kể hết những khó khăn, mà cô gái bé nhỏ đã phải trải qua trong suốt hơn chục năm qua, khi theo đuổi bộ môn điền kinh này. Phúc nói:

“Nếu như tính ra cự ly đi bộ thì rất là khốc liệt. Mình phải đặt ra câu hỏi tại sao hầu hết các vận động viên không chọn môn đi bộ mà chọn môn khác. Lý do đơn giản là môn này nó quá là khó khăn.

Khi bước đến bục vinh quang thì các vận động viên đều phải trải qua những khó khăn như vậy. Riêng đặc biệt với các vận động viên nữ và những nữ vận động viên trẻ tuổi như em thì đang ở tuổi xuân, phải hy sinh cả tuổi xuân của mình.

Em không được như những phụ nữ khác, em phải đánh đổi về da và vẻ bề ngoài của mình của mình. Phụ nữ luôn được tôn vinh là phái đẹp và cần những nét đẹp thế nào đó, còn bản thân em phải hy sinh những cái người ta có mà mình không có.”

Nghị lực phi thường

VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc chiến thắng sau một lần thi đấu. Photo courtesy of thethao.vn
VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc chiến thắng sau một lần thi đấu. Photo courtesy of thethao.vn (VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc chiến thắng sau một lần thi đấu. Photo courtesy of thethao.vn)

Với cự ly đi bộ 20 km, Phúc hàng ngày phải tập luyện dưới cái nắng gay gắt của miền trung, có khi là dưới mưa lạnh và ướt. Nắng gió đã làm da cô sạm đi, gương mặt cô như sắt lại.

Những chặng đường đi bộ dài hàng cây số mỗi ngày làm cơ bắp cô thêm săn chắc và người cô có phần như nhỏ lại, không có da có thịt giống như những bạn bè cùng trang lứa. Ý chí đã giúp Phúc vượt qua những khó khăn trong tập luyện và thi đấu nhưng không phải cô không có những lúc yếu lòng:

“Nhiều lúc suy nghĩ cũng tủi thân nhưng mà vì lòng yêu nghề mà Phúc không nghĩ đến nó nữa. Nhưng có lúc tối về ngủ thì Phúc lại nghĩ tại sao người ta dễ thương, trắng trẻo thế nọ thế kia mà mình không được. Đó là cái thiệt thòi của Phúc.

Nói xa hơn nữa thì những vận động viên nữ chơi cự ly trung bình như Phúc thì mình phải bỏ lại tất cả những gì thuộc về phái nữ của mình. Minh phải buộc mình như một người mạnh mẽ, can đảm.”

Không những thế, bộ môn đi bộ mà Phúc theo đuổi cũng không phải là một bộ môn được nhiều người ái mộ. Để đi bộ đúng kỹ thuật, vận động viên phải đảm bảo khi đi gót phải chạm đất, trong khi vẫn phải đảm bảo tốc độ nhanh.

Vì thế đã có người thậm chí còn chọc ghẹo bộ môn đi bộ của Phúc là bộ môn ‘đi lắc mông’.

Khi Phúc thi đấu ở trong nước, cô cũng không nhận được nhiều sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả như những bộ môn khác. Phúc nói:

“Việt Nam mình thường chú trọng các môn khác còn môn đi bộ thì chủ yếu đi cho có thôi chẳng có khán giả, chẳng có gì, đìu hiu, làm cho có.”

Thể hiện bản thân

VĐV môn Đi Bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc. Photo courtesy of thanh nien.com
VĐV môn Đi Bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc. Photo courtesy of thanh nien.com (VĐV môn Đi Bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc. Photo courtesy of thanh nien.com)

Nhưng cũng chính bởi vì sự thiên vị trong thể thao này mà Phúc đã chọn theo đuổi bộ môn đi bộ để chứng tỏ mình:

“Khi mình bước vào nghề thì đối với Phúc thì Phúc chọn cái nghề đi bộ vì đây là bộ môn chưa phát triển và Phúc muốn khẳng định được qua cái sự khó khăn khốc liệt của bộ môn này để khẳng định là phụ nữ mình cũng có thể làm được những gì mà nam giới cũng làm được”.

Là phụ nữ, lại xa mẹ từ nhỏ, Phúc phải chịu thêm nhiều thiệt thòi so với nhiều bạn gái khác. Đó là không được mẹ chỉ bảo cho những chuyện nữ công gia chánh mà phụ nữ thường nên biết:

“Phúc phải xa mẹ, Phúc không được học hỏi những gì ở bên mẹ ví dụ như nấu ăn hoặc những cái gì mà người con gái cần thì Phúc không được.

Phúc có thể học lén hoặc học qua sách báo. Đó là một khó khăn. Khi ở bên mẹ thì mình được mẹ chỉ bảo thế nọ thế kia, còn với Phúc thì phải tự mình.”

Ngoài 20 tuổi và có thể nói là đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, Phúc cũng có lúc nghĩ tới việc sẽ lập gia đình trong tương lai.

Cô biết những khó khăn trong nghề mà cô theo đuổi cũng có thể sẽ là những khó khăn mà cô và người bạn đời tương lai của cô sẽ phải đối mặt. Cô cũng biết có những vận động viên nữ phải từ bỏ nghề để về nhà an phận. Nhưng Phúc không muốn như vậy:

Phúc muốn khẳng định được qua cái sự khó khăn khốc liệt của bộ môn này để khẳng định là phụ nữ mình cũng có thể làm được những gì mà nam giới cũng làm được.<br/>Nguyễn Thị Thanh Phúc

“Phúc thấy có nhiều lúc có những vận động viên đẳng cấp ở trong nước thôi thì họ cũng phải bứt ra không theo nghề như Phúc. Họ không tiến thêm bước nữa vì họ thấy quá khó khăn, bất tiện nhiều. Đối với Phúc thì Phúc có cái hay là giờ Phúc hóa giải được và làm theo những gì mà mình muốn có thể điều hòa cuộc sống của mình cho êm đềm”.

Phúc tin cô sẽ tìm được một ý trung nhân hiểu cô và sẵn sàng chia sẻ với cô trong cuộc sống.

Nhưng đó là một kế hoạch lâu dài. Với Phúc mục tiêu trước mắt lúc này là Seagames 27 vào năm tới, và xa hơn một chút là Olympic Brazil 2016.

Gạt sang bên những dự định về gia đình lâu dài, Phúc lại bước vào những tháng ngày luyện tập để chuẩn bị cho các giải đấu lớn.

Và trên những chặng đường đi bộ hàng cây số mỗi ngày, ước mơ mang về thêm những tấm huy chương của cô gái vàng sẽ vẫn còn tiếp tục.

Theo dòng thời sự: