Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội hôm 9 tháng 11 về tình trạng mua bán giấy tờ giả trên mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận rằng ngay trong đội ngũ cán bộ có nhiều người sử dụng giấy tờ giả.
Tình trạng mua bán giấy tờ giả và các website quảng bá dịch vụ làm giấy tờ giả, chứng chỉ giả diễn ra công khai trên mạng. Vì sao một dịch vụ bất hợp pháp như vậy lại diễn ra công khai dù Việt Nam đã có Luật An Ninh Mạng, là điều dư luận thắc mắc.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết, bản thân ông rất nhiều lần nhận được những lời chào mời làm các loại bằng cấp giả qua tin nhắn vào điện thoại di động. Ông nêu nhận xét về việc này:
“Việt Nam hiện nay có chính sách quản lý an ninh mạng, thế nhưng việc rao làm bằng giả trên mạng không bị xử lý vẫn tồn tại. Điều đó cho thấy hình như an ninh mạng ở Việt Nam chỉ tập trung vào một số điểm chứ không phải tập trung để xây dựng cái đạo đức xã hội.”
Luật An Ninh Mạng có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019. Luật này quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Việt Nam hiện nay có chính sách quản lý an ninh mạng, thế nhưng việc rao làm bằng giả trên mạng không bị xử lý vẫn tồn tại. Điều đó cho thấy hình như an ninh mạng ở Việt Nam chỉ tập trung vào một số điểm chứ không phải tập trung để xây dựng cái đạo đức xã hội. - Giáo sư Đặng Hùng Võ
Luật sư Đặng Đình Mạnh khẳng định, về mặt pháp luật, Việt Nam không dung túng cho việc làm và sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả. Nhưng sự thật thì việc làm giả vẫn tràn lan vì “có cầu thì có cung”. Ông giải thích:
"Ở Việt Nam cũng không chấp nhận chuyện bằng giả. Vẫn có quy định để chế tài việc làm giả những giấy chứng nhận, tài liệu của Nhà nước. Đó là tội hình sự nặng chứ không nhẹ đâu.
Nhưng rõ ràng là có cầu thì mới có cung. Tức là phải có người cần thì những dịch vụ cung cấp bằng giả mới phát sinh. Điều đáng nói là không chỉ người dân có nhu cầu bằng giả mà chính cán bộ là đối tượng mua bằng cấp giả khá nhiều. Họ cần bằng cấp để thăng quan tiến chức hoặc hợp thức hóa cái chức vụ hiện hành của họ.”
Theo Bộ trưởng Tô Lâm thì tất cả các loại giấy tờ, chứng chỉ, kể cả bằng tốt nghiệp các trường đại học, bằng lái xe đều có thể làm giả một cách tinh vi, không thể phát hiện bằng mắt thường. Các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều tổ chức, đường dây làm giấy tờ và chứng chỉ giả có quy mô rất lớn. Tuy vậy, tình trạng mua bán bằng đại học giả, chứng chỉ giả vẫn diễn ra công khai rất nhiều năm qua. Không ít người đã sử dụng những tấm bằng giả này để hoàn thiện hồ sơ xin việc, chứng minh trình độ học vấn.
Nhu cầu sử dụng bằng cấp giả
Chuyện học giả, bằng thật hay học giả, bằng giả là chuyện không hiếm trong xã hội ở mọi lĩnh vực nhưng lại không dễ phát hiện. Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Sơn, từng công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, có những trường hợp dùng bằng cấp giả vẫn không bị phát hiện do lầm lẫn với những bác sĩ học thật, bằng cấp thật nhưng trình độ chuyên môn quá kém. Ông nói:
“Thường thì bằng giả trong ngành y dễ bị phát hiện vì người bác sĩ đưa ra những cái không đúng bài bản. Nhưng trên thực tế cũng có nhiều trường hợp dù được đạo tạo chính quy nhưng cũng xử lý không bài bản, không chất lượng nên nhiều khi những trường hợp bằng giả mình cũng khó biết, đôi khi không phát hiện ra được.”
Theo một số nhà quan sát thì chuyện sử dụng bằng cấp giả trong hàng ngũ cán bộ đa số là để thăng quan tiến chức, bởi hệ thống đề bạt cán bộ xưa nay vẫn chú trọng đến quy trình và tiêu chí hình thức. Nhiều thông tư, quyết định của các bộ ngành Nhà nước ghi rõ các tiêu chuẩn bắt buộc về giáo dục đối với cán bộ, công viên chức. Ví dụ trong Thông tư 1204/QĐ-BNV ban hành ngày 19/11/2012 của Bộ Nội vụ có ghi rõ tiêu chuẩn chức danh đối với các bậc lãnh đạo của bộ này phải có trình độ giáo dục từ cấp đại học trở lên. Hay cũng một quyết định khác của Bộ này yêu cầu tất cả các giám đốc sở tại các tỉnh thành phải có bằng đại học trở lên.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định:
“Trong tất cả mọi lĩnh vực thì thứ nhất, câu chuyện bằng giả nó gắn với việc lên chức. Ai cũng thủ một cái bằng để nói mình có trình độ thì sẽ thuận lợi hơn trong viêc chuyện cất nhắc cương vị, chức vụ. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp đặt ra tiêu chuẩn phải có bằng cấp loại này loại kia. Thứ ba, một số người cũng thích oai, chẳng hạn thích có chức danh tiến sĩ mà không học thì phải kiếm bằng giả.
Cuộc sống bây giờ nó cũng lung tung như thế nên giả hay thật thì người ta trông chờ vào đạo đức con người thôi. Chứ làm một cái bằng giả thì không khó trong thời buổi hiện nay. Tôi cho rằng pháp luật có tác động của nó nhưng cái gốc của vấn đề vẫn là đạo đức.”
Ông Đặng Hùng Võ kết luận rằng, những người sử dụng bằng giả chắc chắn là những người đạo đức kém, đạo đức tồi. Một người như thế mà vào cương vị lãnh đạo thì chắc chắn sẽ gây hại cho dân. Ông cho đó là sự xuống cấp về mặt đạo đức.
Làm sao xóa nạn làm và sử dụng bằng giả?
Trong quy định của pháp luật hiện hành, không có định nghĩa cụ thể về việc thế nào là giấy tờ giả. Pháp luật hiện hành không quy định một mức xử phạt hành chính chung đối với việc sử dụng các giấy tờ, bằng cấp giả. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo từng lĩnh vực cụ thể, phụ thuộc vào loại giấy tờ giả mà họ sử dụng.
Theo tôi thì phải tổng thanh tra, kiểm tra toàn bộ bằng cấp của cán bộ. Nếu có bằng cấp giả thì phải xử lý. Khi họ thấy bằng cấp giả không còn che giấu được như lâu nay thì lúc đó cái "cầu" không còn dẫn đến cái "cung" cũng sẽ hết. Chỉ còn cách đó thôi. - Luật sư Đặng Đình Mạnh
Bộ trưởng Công an Tô Lâm thì cho rằng, trước nay người sử dụng giấy tờ giả chỉ bị xử lý hành chính, ít khi xử lý hình sự. Bây giờ đã đến lúc cần xử lý hình sự.
Theo ông Đặng Hùng Võ thì việc này không khó vì bằng cấp thật sẽ có hồ sơ lưu và được quản lý. Nếu làm mạnh tay và làm tới nơi tới chốn thì sẽ phát hiện hết những trường hợp sử dụng bằng cấp giả để thăng tiến. Vấn đề là có muốn làm hay không mà thôi.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng nêu quan điểm của ông về một giải pháp có thể làm:
“Theo tôi thì phải tổng thanh tra, kiểm tra toàn bộ bằng cấp của cán bộ. Nếu có bằng cấp giả thì phải xử lý. Khi họ thấy bằng cấp giả không còn che giấu được như lâu nay thì lúc đó cái “cầu” không còn dẫn đến cái “cung” cũng sẽ hết. Chỉ còn cách đó thôi.
Không thể nào cứ tiếp tục gian dối nhau, cứ xuê xoa cho nhau. Trong cơ quan Nhà nước họ thường có sự xuê xoa cho nhau. Nếu người sếp trong phòng có sử dụng bằng cấp giả thì đương nhiên họ cũng tránh né việc kiểm tra hay đưa vấn đề bằng giả ra với nhân viên của họ được.”
Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, các cá nhân có hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.