Đề xuất Bộ GD&ĐT độc quyền phát hành sách giáo khoa: trở lại vạch xuất phát?

0:00 / 0:00

Khi tiếp xúc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh hôm 13/9, ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Đặng Trần Côn ở quận Tân Phú cho rằng để giảm gánh nặng kinh phí mua sách đầu năm học cho học sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần trở lại độc quyền phát hành sách giáo khoa.

Ông Hùng lý giải, mỗi mùa tựu trường, người dân, phụ huynh hay than phiền giá sách giáo khoa năm nào cũng tăng, dẫn đến tăng gánh nặng chi phí đến trường của học sinh.

Nếu Bộ GD&ĐT trở lại độc quyền phát hành sách giáo khoa như trước đây, liệu những cố gắng cải cách về vấn đề này có trở về vạch xuất phát?

Trả lời RFA hôm 14/09/2022 từ Sài Gòn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:

“Không phải trở lại ban đầu, vì ban đầu chỉ có một chương trình và một bộ sách giáo khoa. Bây giờ là một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng có nhiều hạn chế là chỉ những bộ sách giáo khoa vượt qua được Hội đồng thẩm định nhà nước, thì mới được chấp nhận là sách giáo khoa. Nó khác với ngày xưa ở miền Nam, ngày xưa là một chương trình do Bộ Giáo dục ban hành, nhưng về sách giáo khoa thì tự do ai viết cũng được và cũng không cần ra hội đồng thẩm định gì cả, hoàn toàn do thị trường quyết định. Còn hiện nay có giống tí xíu, là một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng không phải thuần túy thị trường, và bây giờ nhà nước lại siết nữa về vấn đề phát hành.”

Không phải trở lại ban đầu, vì ban đầu chỉ có một chương trình và một bộ sách giáo khoa. Bây giờ là một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng có nhiều hạn chế là chỉ những bộ sách giáo khoa vượt qua được Hội đồng thẩm định nhà nước, thì mới được chấp nhận là sách giáo khoa.
-PGS. TS. Hoàng Dũng

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hùng, nếu Bộ GD&ĐT độc quyền phát hành sách giáo khoa thì sẽ không xảy ra tình trạng thiếu sách như đầu năm học 2022. Khi đó, dù năm học mới đã bắt đầu nhưng theo truyền thông nhà nước, tại TPHCM, Hà Nội và một số địa phương khác nhiều người không thể mua được những loại sách chuyên đề, sách bài tập theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều nơi thiếu cả sách giáo khoa.

Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội nói với RFA hôm 14/9:

“Sách giáo khoa tại các địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa có thể thiếu, nhưng thiếu là do học sinh không có tiền để mua. Chứ không phải do phát hành không đủ, vì họ đã nắm được sỉ số học sinh. Còn các vùng đồng bằng ven đô như Thường Tín chỗ tôi thì không thiếu sách giáo khoa.

Theo tôi nhà trường hay địa phương nên có sách trong thư viện để cho các cháu mượn, khỏi phải mua sắm. Vừa rồi có ý kiến là giữa các bộ sách giáo khoa không khác nhau nhiều, mà lại để nhiều nhà xuất bản phát hành là tốn kém lãng phí. Nếu mà lãng phí như thế thì tôi ủng hộ việc quay trở lại độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền phát hành sách giáo khoa, do Bộ Giáo dục biên soạn và giao cho nhà xuất bản.”

46740408-5d83-4b0e-a2cb-e4dea84eb982.jpeg
Ảnh minh họa. Quầy bán sách giáo khoa lớp 1 ở Sài Gòn. RFA PHOTO.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3 hôm 16/6/2022, Quốc hội khóa XVđã thông qua Nghị quyết về việc sách giáo khoa, bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật giá.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời báo chí Nhà nước khi đó biện minh, sở dĩ có sự chuyển dịch này là do quy định hiện hành về điều tiết giá sách giáo khoa không thực sự hiệu quả...

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này trước đây cho rằng, giáo dục là quốc sách và vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của một quốc gia... nên đối với sách giáo khoa phổ thông thì Nhà nước cần phải có chính sách trợ giá, hỗ trợ, giúp đỡ... Nếu nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, hạn hẹp thì phải mời nhiều đối tượng, nhưng vì đây là hàng hóa đặc biệt nên dù xã hội hóa vẫn phải có chính sách hỗ trợ chứ không nên độc quyền.

Bây giờ nhà nước mà đứng ra phát hành với hy vọng không chế được giá bán, thì thực chất phải làm sao cho người ta có lời, chứ không thể nào để lỗ… Như vậy dẫn đến chuyện người ta phải khống chế như đối với xăng hoặc là nếu không như vậy thì nhà nước bắt buộc phải trợ giá.
-PGS. TS. Hoàng Dũng

Trở lại với vấn đề phát hành giáo khoa, nếu Nhà nước nắm độc quyền thì theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cũng tương tự như chuyện giá xăng. Xăng tại Việt Nam hiện nay có một hội đồng Nhà nước định giá, chứ không phải ai muốn bán bao nhiêu là bán theo kiểu thị trường. Ông Dũng giải thích thêm:

“Về sách giáo khoa cũng vậy, các bộ sách được các nhà xuất bản đầu tư với số tiền khác nhau, tất nhiên là rất lớn, chứ không phải nhỏ. Nhưng mà lớn cỡ nào là tùy chính sách của họ, không đồng đều. Có thể có bộ sách giá gấp rưỡi bộ kia, tất nhiên phải ở mức mà họ có lời. Bây giờ nhà nước mà đứng ra phát hành với hy vọng không chế được giá bán, thì thực chất phải làm sao cho người ta có lời, chứ không thể nào để lỗ… Như vậy dẫn đến chuyện người ta phải khống chế như đối với xăng hoặc là nếu không như vậy thì nhà nước bắt buộc phải trợ giá.”

Nếu quay về cách cũ, thì riêng sách giáo khoa, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng không có vấn đề gì nhiều lắm. Nhưng ông Dũng lo ngại cách cũ là cách khác, tức trở về như trước đây một chương trình một bộ sách giáo khoa. Trong khi hiện nay là một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, đó là một tiến bộ.