Theo đề xuất của Bộ Công an Việt Nam trong dự thảo nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, hành vi phát tán thông tin bịa đặt, vu khống trên mạng nhằm xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt đến 60 triệu đồng, tức cao gấp 2-3 lần mức phạt đang được áp dụng hiện nay. Dự kiến nghị định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2021.
Nghị định 15/2020 quy định hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân thì bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Dự thảo nghị định mới quy định mức phạt cho các hành vi trên từ 40 triệu đến 60 triệu đồng.
Với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Dự thảo nghị định mới quy định mức phạt cho các hành vi tương tự là từ 20 triệu đến 40 triệu đồng.
Theo quy định tại Bộ luật Hình sự Việt Nam, vu khống là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều mà người loan truyền biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Tôi ở Sài Gòn. Tôi nghĩ Nhà nước hết tiền nên mấy ổng bày ra trò tăng mức phạt dân để kiếm tiền thôi. Mấy ổng vu khống dân thì ai phạt mấy ổng? Đừng có nói là theo quy định của pháp luật nhe. Luật cũng do mấy ổng làm chứ ai. - Chị Thi ở Sài Gòn
Bộ Công an cho rằng, việc tăng mức xử phạt là nhằm ngăn chặn những hành vi mà họ cho rằng vu khống. Nhưng người dân lại có suy nghĩ khác. Chị Thi ở Sài Gòn nói với RFA:
“Tôi ở Sài Gòn. Tôi nghĩ Nhà nước hết tiền nên mấy ổng bày ra trò tăng mức phạt dân để kiếm tiền thôi. Mấy ổng vu khống dân thì ai phạt mấy ổng? Đừng có nói là theo quy định của pháp luật nhe. Luật cũng do mấy ổng làm chứ ai.
Dân nói gì, làm gì không theo ý Nhà nước thì bị gọi là vu khống trong khi những điều dân nói là sự thật, là những bức xúc của dân. Dân không vu oan cho Nhà nước đâu vì họ biết họ thấp cổ bé miệng mà. Ai mà dám vu khống mấy ổng. Vậy chứ TV ra rả nói là dân được nhận tiền hỗ trợ từ Nhà nước trong đại dịch COVID-19 mà sự thật rất ít người được nhận thì có gọi là vu khống không?
Người dân bao giờ cũng thiệt thòi vì họ chẳng có gì bảo vệ. Dân nói sự thật bị coi là sai sự thật thì cũng phải chịu thôi. Ngay trong nước mà dân không được bảo vệ thì ra ngoài ai bảo vệ đây?”
Ông L., một viên chức ở Hà Nội bày tỏ suy nghĩ của mình với RFA:
“Đề xuất tăng mức phạt này do cấp có thẩm quyền nào ký? Có giá trị pháp lý hay không? Bộ Công an đề xuất trên cơ sở gì, bởi bộ này không thể vượt pháp luật. Theo tôi, mục đích của đề xuất này rõ ràng là trừng phạt hoặc trả thù. ‘Đảng viên đi trước, làng nước theo sau’. Nếu dân chỉ ra một đảng viên hoặc cơ quan Nhà nước nào đó sai thì phạt họ trước làm gương đi. Làm như thế mới chứng minh được chính quyền muốn xây dựng nhà nước pháp quyền, muốn mọi người bình đẳng trước pháp luật. Tôi thấy xưa nay chỉ phạt dân là chính.
Còn cơ quan truyền thông của Nhà nước, ví dụ hôm trước đưa tin Đại tướng Phan Văn Giang từ trần, có thể coi là hành vi xuyên tạc, bịa đặt, gây rối hoặc vu khống đấy. Phạt cơ quan báo chí ngôn luận của Đảng trước đi. Từ trước đến nay Đảng nói dối, nói sai rất nhiều. Phạt họ trước đi. Các ông có dám làm không, hay công an chỉ biết ‘còn Đảng còn mình’, sinh ra để bảo vệ Đảng? Với Đảng thì chỉ biết hy sinh, không dám đụng vào. Còn với dân thì trừng trị.”
![2015-12-30T120000Z_1690554336_GF10000278799_RTRMADP_3_VIETNAM-POLITICS-INTERNET.JPG](https://www.rfa.org/resizer/v2/IZKMBHOL6U64QVIST6W7JU2G3I.jpg?auth=35c64c367e43fe08badc190efcd717a39cbefa96846c35ca9fcef08816c8c22d&width=800&height=529)
Hôm 15 tháng 9 năm 2021, báo Tiền Phong điện tử đăng bài “Đại tướng Phùng Quang Thanh là tấm gương Bộ đội Cụ Hồ tiêu biểu” kèm tấm ảnh lễ tang vị đại tướng này nhưng chú thích ảnh lại ghi tên Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Báo Tiền Phong sau đó đính chính là do sai sót và gửi lời xin lỗi đến các bên liên quan.
Dư luận cho rằng, nếu người dân có những sai sót tương tự thì sẽ không có cơ hội đính chính mà bị quy ngay vào tội vu khống, bịa đặt và phải nộp phạt, thậm chí bị bắt giam.
Có thể nêu vài ví dụ điển hình. Hôm 14 tháng 9 năm 2021, Facebooker Nguyễn Duy Linh bị Công an tỉnh Bến Tre bắt tạm giam với cáo buộc ‘làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’, theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Trước đó, ông Linh đăng tải một số video clips về hành xử của các cán bộ thi hành công vụ, đồng thời phê phán biện pháp chống dịch COVID-19 của cơ quan chức năng Việt Nam.
Hồi tháng 7 năm 2021, ba người dùng mạng xã hội tại Lâm Đồng đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này phạt hành chính 30 triệu đồng với nguyên nhân được nói do tung tin sai sự thật về dịch COVID-19 trên mạng xã hội. Theo truyền thông Nhà nước, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã phạt hơn 250 trường hợp vi phạm quy định về đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội liên quan đến dịch bệnh COVID-19 với số tiền phạt thu được lên tới 220 triệu đồng.
Vu khống ở đây rất rộng. Vu khống trong thương mại, trong đời tư nên nếu phạt nặng thì khi người ta nhấn nút ‘like’ thì người ta cũng phải cân nhắc. Muốn nói xấu ai thì phải có bằng chứng chứng minh điều mình nói là đúng sự thật. - Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Liên quan đến đề xuất nâng mức phạt lên 2-3 lần của Bộ công an cho tội vu khống, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM nêu quan điểm của ông với RFA:
“Trung Quốc họ có câu “hãy xử phạt nặng một tội nhẹ thì tội nặng sẽ không có nữa”. Có những người dùng sự phỉ báng để hạ gục đối phương nên tôi nghĩ phải phạt nặng thì mới chấm dứt tình trạng này. Vu khống người khác, làm nhục người khác hiện nay xảy ra trên mạng xã hội rất nhiều nhưng mức phạt không cao nên người ta sẵn sàng đóng phạt rồi lại làm tiếp.
Vu khống ở đây rất rộng. Vu khống trong thương mại, trong đời tư nên nếu phạt nặng thì khi người ta nhấn nút ‘like’ thì người ta cũng phải cân nhắc. Muốn nói xấu ai thì phải có bằng chứng chứng minh điều mình nói là đúng sự thật.
Thẩm quyền xử phạt và áp dụng những biện pháp xử lý hành chính được quy định trong luật xử lý vi phạm hành chính. Dưới luật này có hàng chục quy định trên từng lãnh vực. Luật giao cho Chính phủ quy định chủ tịch ủy ban từng cấp, hoặc một số ngành giao cho công an cấp tỉnh, quận, xã thẩm quyền về mức phạt. Nếu chính quyền vượt quá thẩm quyền, làm không đúng theo luật định thì người dân có thể kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính đó ra tòa. Sẽ có tòa án hành chính xử.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, khi cơ quan chức năng muốn phạt ai tội vu khống trên mạng xã hội thì phải chứng minh người đó phạm tội. Người bị phạt cũng có quyền kiện ra tòa nếu thấy mình bị oan.
Trong thời gian qua, dư luận chú ý đến những cáo buộc của bà Nguyễn Phương Hằng, CEO Khu Du Lịch Đại Nam ở Bình Dương, về hoạt động quyên góp từ thiện của một số nghệ sĩ được nhiều người biết đến ở Việt Nam. Phía bà Hằng cho là có tình trạng thiếu minh bạch trong sử dụng tiền quyên góp được; trong khi đó những người bị cáo buộc cho rằng đó là sự vu khống và họ làm đơn nhờ công an can thiệp. Bộ Công an Việt Nam vào ngày 22 tháng 9 năm 2021 cho biết sẽ rà soát những đơn nhận được từ những người nói họ bị vu khống.