Việt Nam từng ra báo từ rất lâu. Tuy nhiên theo nhận định ngay dưới thời bị Pháp đô hộ, báo chí lúc đó còn được những quyền tối thiểu mà nhiều cơ quan báo chí trong nước hiện nay không có được.
Gia Định báo được cho là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam được xuất bản vào ngày 15/4/1865.
Nhà nước phải coi trọng báo chí, đấy là những tiếng nói phản biện để nhà nước nghe những tiếng nói báo chí để điều chỉnh chính sách của mình, chứ không phải ra chính sách và yêu cầu báo chí phải cổ động những chính sách đó. - Ngô Nhật Đăng
Nội dung mỗi tuần báo được chia làm hai phần bao gồm công vụ và tạp vụ.
Trong đó công vụ chuyên về lĩnh vực chính trị, pháp lý và công quyền; còn phần tạp vụ đề cập đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, tôn giáo, văn hóa, xã hội…
Sau này thì có thêm phần mở rộng, được đánh giá là cuốn hút nhất với những bài khảo cứu, nghị luận về văn hóa, đạo đức, tư tưởng, lịch sử…
Gia Định báo cung cấp thông tin đến cho người dân trong suốt 44 năm và đình bản vào năm 1909.
Từ Nha Trang, Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết Gia Định báo và báo chí Việt Nam hiện nay có sự khác nhau cơ bản:
“Gia Định báo theo mô hình của phương Tây tức là độc lập, không bị ràng buộc, chỉ đạo, bị coi là công cụ tuyên truyền của bất cứ thế lực chính trị nào trong xã hội. Đối chiếu với hơn 1.500 cơ quan truyền thông nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam đã tuyên bố nhiều lần từ rất lâu rồi là báo trước hết là công cụ tuyên truyền của đảng, sau đó mới nói đến là diễn đàn của nhân dân, nhưng trên thực tế thì rõ ràng đó là một dàn nhạc mà chỉ có một ông nhạc trưởng là ông Trưởng ban Tuyên giáo.”
Còn theo nhà báo Ngô Nhật Đăng lại cho rằng khác biệt ở chỗ báo chí Việt Nam ngày xưa tự do rất nhiều:
“Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử một chút thì ta nhớ lại bài phát biểu Toàn quyền Paul Beau khi chúng ta vẫn còn dưới ách đô hộ của thực dân. Có những lời khi chúng ta đọc lại thấy tôn vinh nghề báo và thiên chức của nhà báo phải như thế nào và bênh vực nhân dân, tất cả các thứ mà lúc đó đất nước ta dưới thời bảo hộ của thực dân Pháp. Một người Toàn quyền Pháp, một tay thực dân trong kỷ niệm nói chuyện với báo chí Việt Nam tôn vinh nghề báo dám dũng cảm đứng lên chống cường quyền.”
Tại Trụ sở chính phủ vào chiều ngày 20/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với các lãnh đạo nhà báo cũng đã yêu cầu báo chí và truyền thông trong nước phải tạo niềm tin mãnh liệt hơn của xã hội vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Nhận xét về yêu cầu này, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất mâu thuẫn:
“Chức năng của báo chí quyền lực thứ 4 phản ánh những điều chưa đúng của phía chính phủ và trong hệ thống chính trị. Nhà nước phải coi trọng báo chí, đấy là những tiếng nói phản biện để nhà nước nghe những tiếng nói báo chí để điều chỉnh chính sách của mình, chứ không phải ra chính sách và yêu cầu báo chí phải cổ động những chính sách đó. Như thế nó ngược hoàn toàn với báo chí mà chúng ta lại kết hợp hai thứ trái ngược nhau vào một chỗ, tôi cho rằng chuyện đấy bất khả thi.”
Bên cạnh đó, cũng trong buổi họp mặt, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở tình trạng ‘2 mặt’ khi nhà báo viết đúng định hướng trên báo chính thống nhưng lại bày tỏ quan điểm trái ngược trên mạng xã hội.
Xác nhận thực trạng này vẫn có trong ngành báo chí tại Việt Nam, nhà báo Minh Hải cho biết thêm nguyên nhân:
“Nỗi khổ tâm của người phóng viên là đi phải thực hiện nhưng muốn thực hiện cho đúng để được đăng bài mà không bị ban biên tập khiển trách, kiểm điểm, đến tất cả những phóng viên được đăng có nhuận bút và cuộc sống nằm trong bài đó, thì phải làm theo tôn chỉ mục đích. Còn khi người ta bức xúc, câu chuyện người ta buộc phải viết như thế này thì trên trang cá nhân người ta phải nói thật thì đó là những người làm báo có tâm, muốn nói lên trang facebook cá nhân những sự thật để mong bạn đọc, mọi người lượng thứ.”
Do đó, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng thay vì nghĩ việc đó là tiêu cực thì chúng ta phải nghĩ xem tại sao lại những nhà báo này lại làm như thế.
"Những người nhà báo có lương tâm, vì lý do gì đấy, có thể vì mưu sinh, bắt buộc phải viết những điều mà họ không nghĩ như thế. Công nghệ phát triển thì quan niệm về báo chí cũng khác, nên họ không thể bẻ cong ngòi bút thì họ mới nói thật lòng mình trên mạng xã hội. "
Còn theo nhà báo Võ Văn Tạo, báo chí nếu được tự do thì họ có quyền viết nội dung hấp dẫn đối với nhân dân, với người xem. Nhưng khi không được tự do thì họ phải viết những đề tài mà lãnh đạo Đảng, nhà nước chỉ đạo, còn những nội dung được cho là nhạy cảm thì sẽ bị phạt ngay, rất nặng nề:
Trong lịch sử báo chí Việt Nam 2, 3 thập kỷ trở lại đây không thiếu những trường hợp các Tổng Biên tập, Phó tổng Biên tập của các tòa soạn bị trừng phạt bằng những cái cớ, những lỗi rất ngớ ngẩn, không ra sao, nhưng trái ý, lãnh đạo cấp trên không thích như thế nên họp cách chức… - Võ Văn Tạo
“Trong lịch sử báo chí Việt Nam 2, 3 thập kỷ trở lại đây không thiếu những trường hợp các Tổng Biên tập, Phó tổng Biên tập của các tòa soạn bị trừng phạt bằng những cái cớ, những lỗi rất ngớ ngẩn, không ra sao, nhưng trái ý, lãnh đạo cấp trên không thích như thế nên họp cách chức… có những người phải đi tù như ông Hoàng Linh của báo Doanh Nghiệp ngày xưa.”
Vẫn trong buổi gặp gỡ các lãnh đạo nhà báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu rằng để tìm được giá trị cốt lõi của nghề báo, cần phải quay về 94 năm trước đây khi báo chí cách mạng được xuất bản.
Tuy nhiên, theo nhận xét của nhà báo Ngô Nhật Đăng, những người tâm huyết với nghề báo đều cảm thấy ngược lại với lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
“Khi đọc lại những báo ngày xưa như Gia Định báo, Nông-cổ Mín-đàm, Tân Bắc Trung Văn… những ai tâm huyết với nghề làm báo đều thấy buồn vì cả một quãng dài cả trăm năm mà báo chí nước ta so với tinh thần các tiền nhân hình như đang đi thụt lùi.”
Trong Bảng xếp hạng tự do báo chí của Phóng viên không biên giới RSF được công bố vào tháng 4 vừa qua, Việt Nam hiện đứng hạng 176 trong danh sách 180 nước không có tự do báo chí.
Báo cáo của RSF cho biết tại Việt Nam hiện nay, mọi cơ quan báo chí đều hoạt động dưới sự chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam.