Đảng và chính phủ Hà Nội mãi loay hoay với chính sách về người Việt ở nước ngoài

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt chuẩn bị cho năm mới tại Chùa Thiên Hậu ở Los Angeles, California vào ngày 16 tháng 12 năm 2018.
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt chuẩn bị cho năm mới tại Chùa Thiên Hậu ở Los Angeles, California vào ngày 16 tháng 12 năm 2018. (AFP)

0:00 / 0:00

Chiều 29 tháng 6 năm 2022, tại hội nghị bàn về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị mỗi ngành, mỗi địa phương cần quan tâm người Việt Nam ở nước ngoài. Cụ thể, khi xây dựng và triển khai các chính sách, quy định thì cần thực hiện sao cho mang lại lợi ích và tạo thuận lợi cho bà con Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ trưởng Sơn cũng đề nghị phải vận dụng linh hoạt, không rập khuôn, cứng nhắc các chủ trương, chính sách nhằm thể hiện sự quan tâm đến người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada cho rằng, các chính sách của Bộ Chính trị đã thất bại hoàn toàn trong việc thu phục nhân tâm người Việt hải ngoại. Ông phân tích:

“Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/03/2004 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và sáu năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/05/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36, ngày 12/08/2021, Bộ Chính trị đã phải chấp nhận một thực tế phũ phàng rằng Nghị quyết 36 đã thất bại hoàn toàn trong việc thu phục nhân tâm người Việt hải ngoại.

Việc vận động người Việt hải ngoại về thăm quê hương, sinh sống, làm việc, đóng góp và cống hiến cho đất nước chẳng những không có kết quả như mong đợi mà còn gây sự phản cảm của người Việt hải ngoại với chính quyền trong nước.

Từ nhận thức đó, Bộ Chính trị đã ra Kết luận 12-KL/TW ngày 12/08/2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và đề xuất một số cập nhật trong tình hình mới (2021-2026).

Thẳng thắn nhìn nhận rằng chủ trương "đại đoàn kết quốc gia dân tộc" luôn là một chủ trương đúng đắn trong mọi thời đại. Lịch sử từ ngàn xưa tổ tiên chúng ta đều làm thế để tập trung tất cả mọi nguồn lực cho việc dựng, giữ và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, vấn đề là ĐCSVN vẫn chưa chịu nhìn nhận lịch sử Việt Nam trong thời kỳ 1945-1975 một cách khách quan. Lãnh đạo CSVN vẫn cố tình không chấp nhận rằng đã từng có một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng người Việt không có cùng quan điểm chính trị với họ, và cũng đã từng có một cuộc nội chiến Nam-Bắc kéo dài trên 20 năm giữa những người Quốc gia và Cộng sản.”

Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, với tư tưởng độc tôn, độc quyền và không tôn trọng nhân quyền, ĐCSVN đã đi ngược lại tâm tư, nguyện vọng cũng như quyền lợi tối thượng của dân tộc. Nghị quyết 36 sẽ không bao giờ thành công vì đã loại bỏ một bộ phận không nhỏ cộng đồng người Việt quốc gia tự do, không thực hiện đúng tinh thần hòa giải, hòa hợp, đoàn kết dân tộc.

Họ không tạo một điều kiện nào thuận lợi cho người Việt Nam như chị cảm thấy thoải mái khi về lại quê hương. Họ xem việc cho mình được trở về Việt Nam là một sự mang ơn, thành gia khi trở về chị không cảm thấy thoải mái là đã trở về quê hương mình, mà nó gần giống như là một cái trại tù lớn khi bị họ kiểm soát. - Nhà báo Tường An ở Pháp

Cũng tại hội nghị chiều 29 tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết tình trạng vi phạm pháp luật của người Việt tại một số quốc gia có xu hướng tăng về số lượng cũng như tính chất nghiêm trọng. Một bộ phận nhỏ kiều bào còn định kiến về một số vấn đề của đất nước, cá biệt một số người còn có những hành động không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc.

2005-06-15T000000Z_43599118_RP6DRNATHCAA_RTRMADP_3_US-VIETNAM-BABYLIFT.JPG
Người Việt Nam ở Mỹ trở về thăm quên hương năm 2005. Reuters

Nhà báo Tường An ở Pháp cho rằng, với tư duy coi những đóng góp “không thuận tai” của kiều bào là nói xấu chế độ thì rất khó có sự công bằng trong cách đối xử với người Việt xa quê. Bà nêu trường hợp của mình:

"Chị có ngay cái thí dụ của cá nhân chị. Nếu họ quan tâm đến người Việt ở nước ngoài và họ muốn tạo thuận lợi cho những người ở nước ngoài thì trước hết họ phải mở rộng cái tấm lòng của họ. Thí dụ trường hợp của chị, chị về Việt Nam để đám tang mẹ chị nhưng họ rất là khó khăn. Và khi về thì họ cũng không hề tạo những điều kiện thuận lợi nào để chị có dịp đi lại trong nước. Khi chị về thì họ kêu lên họ điều tra, rồi mỗi lần đi đâu thì họ gọi điện thoại để xem mình đi đâu. Họ đến nhà xem mình đã trở về hay chưa. Tức là họ không tạo một điều kiện nào thuận lợi cho người Việt Nam như chị cảm thấy thoải mái khi về lại quê hương. Họ xem việc cho mình được trở về Việt Nam là một sự mang ơn, thành gia khi trở về chị không cảm thấy thoải mái là đã trở về quê hương mình, mà nó gần giống như là một cái trại tù lớn khi bị họ kiểm soát.

Cái chữ “người Việt ở nước ngoài” là trong đó họ đã phân biệt đối xử với một số thành phần rồi. Có những người muốn cho về và có những người họ không muốn cho về. Họ phải dẹp bỏ đi những cái phân biệt đối xử đó để cho mọi người có những cơ hội giống như nhau. Nếu họ muốn Việt Nam thực sự phát triển thì họ phải mở rộng tấm lòng và mở rộng tư duy của họ đối với những người Việt. Họ vẫn coi những sự đóng góp của một số người là nói xấu chế độ. Đóng góp thì nó có hai mặt tiêu cực và tích cực. Nếu đóng góp tích cực thì họ ok còn đóng góp tiêu cực thì họ cho là nói xấu chế độ. Họ phải phân biệt nói xấu và nói sự thật!”

Là một nhà văn sống ở Cộng hòa Séc, ông Trần Ngọc Tuấn đặc biệt quan tâm đến những người Việt Nam chưa có quốc tịch, thường xuyên phải ra đại sứ quán gia hạn giấy tờ. Ông nêu ý kiến:

“Đầu tiên là phải cải tổ các thủ tục hành chính, đỡ những cái quan liêu về giấy tờ tạo điều kiện cho những người còn quốc tịch Việt Nam đi gia hạn giấy tờ. Mỗi lần như vậy rất là mất thời gian và những cái biên lai thu tiền thì không rõ ràng. Họ thu tiền rất là tùy tiện gây khó khăn cho người Việt Nam Bộ máy hành chính rất là quan liêu. Giữa ngoại giao và tài chính cũng không rõ ràng minh bạch.

Mặc dù người Việt ở đây có sai về mặt hình sự thì họ vẫn là công dân Việt Nam. Theo luật pháp của nước sở tại họ vẫn có thể vào tù nhưng họ là người Việt Nam không thể bỏ họ được. Những ngày lễ tết thì cần có sự quan tâm và tác động đến chính quyền của nước sở tại. Có thể thuê luật sư hoặc là vào thăm hỏi họ. Nhân viên sứ quán Việt Nam họ ăn lương để làm những việc đấy mà không thấy cơ quan ngoại giao can thiệp cho họ.”

Nói đến tình trạng người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài, đại diện Bộ Công an Việt Nam, Thượng tướng Lương Tam Quang tại hội nghị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài diễn ra hôm 29 tháng 6 vừa qua cho biết, trong vòng ba năm qua, có hơn 25.000 người Việt bị nước ngoài trục xuất và gần 800 vụ việc Bộ Công an Việt Nam bị phía nước ngoài yêu cầu xử lý do người Việt vi phạm luật pháp ở nước ngoài.

Đại đa số người Việt ở nước ngoài sống ở các nước dân chủ. Họ quen lối sống tự do. Muốn có một sự hợp tác đúng nghĩa với họ và nhận lại một sự tôn trọng từ họ thì ít nhất chính quyền cộng sản phải đưa ra một lộ trình rõ ràng để hướng về một thể chế dân chủ và tự do. - TSKT Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy

Trở lại câu chuyện Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đề nghị các ban ngành phải quan tâm, tạo thuận lợi cho người Việt ở nước ngoài, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy nêu một số điều mà theo ông, phía Việt Nam phải thay đổi để tận dụng được sự hỗ trợ từ người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển đất nước:

“Việc trước nhất là tạo điều kiện để họ có thể đi lại dễ dàng về trong nước để du lịch, thăm thân nhân, và thậm chí ở lại để làm việc. Bất cứ người nào chứng minh được một cách hợp lý rằng mình có nguồn gốc Việt Nam, hoặc đã từng sinh sống lâu dài trước kia ở Việt Nam nên được cấp một giấy thường trú dài hạn, có giá trị 5 năm chẳng hạn, và sau đó có thể gia hạn hoặc chuyển đổi thành quốc tịch nếu muốn. Với giấy thường trú, thường trú nhân có tất cả các quyền như công dân Việt Nam ngoại trừ tham gia vào việc bầu cử quốc gia.

Việc thứ hai là phải tạo ra một cơ chế để người Việt ở nước ngoài có tiếng nói trong việc giúp quốc gia phát triển cũng như hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Muốn vậy thì phải hình thành một uỷ ban đại diện cho người Việt ở nước ngoài đúng nghĩa. Đối với những nước có đông người Việt, mỗi vùng hay bang hay nước, tuỳ lượng người, nên để cho họ bầu ra một đại diện vào uỷ ban đại diện cho người Việt ở nước ngoài. Còn ở những nơi ít người Việt thì có một đại diện chung cho người Việt ở vài vùng. Uỷ ban này sẽ làm việc liên tục với Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác của chính quyền để đưa ra những khuyến nghị giúp cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài và giúp cả nước Việt Nam.”

Việc cuối cùng, theo ông Vũ, chính quyền cộng sản Việt Nam phải có một lộ trình rõ ràng để thay đổi thể chế chính trị hướng về một thể chế dân chủ. Đại đa số người Việt ở nước ngoài sống ở các nước dân chủ. Họ quen lối sống tự do. Muốn có một sự hợp tác đúng nghĩa với họ và nhận lại một sự tôn trọng từ họ thì ít nhất chính quyền cộng sản phải đưa ra một lộ trình rõ ràng để hướng về một thể chế dân chủ và tự do.

Với sự phân cực của thế giới ngày càng tăng giữa hai phe dân chủ đứng đầu bởi Mỹ và Tây Âu và độc đoán đứng đầu bởi Nga và Trung Quốc, Việt Nam muốn có một tương lai, như mong muốn của nhiều người Việt trong và ngoài nước, tất cần phải cải cách thể chế chính trị để hướng đến một hệ thống dân chủ mà trong đó cho phép người dân được quyền bầu lãnh đạo đất nước của mình.