Vụ Pate Minh Chay và vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam!

0:00 / 0:00

Thông tin từ Công an thành phố Hà Nội loan đi ngày 3 tháng 9, cho biết, đã có chín trường hợp (2 người ở Hà Nội và 7 người ở TP.HCM) phải vào bệnh viện do có dấu hiệu ngộ độc khi sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay. Pate Minh Chay là sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới ở Hà Nội.

Tại hội nghị giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 1 tháng 9, nhiều câu hỏi đã được đặt ra với lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội về vụ ngộ độc hàng loạt do ăn Pate Minh Chay.

Tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan - phó giám đốc Sở Công thương - cho rằng, trách nhiệm trong vụ Pate Minh Chay thuộc ngành nông nghiệp, không thuộc Bộ Công thương. Bà Lan giải thích, theo phân cấp thì Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì đoàn kiểm tra, ngành công thương cử cán bộ của sở tham gia đoàn kiểm tra. Còn việc kiểm tra ở khâu lưu sản phẩm thì đã giao cho lực lượng quản lý thị trường vốn hoạt động theo ngành dọc thuộc Tổng cục Quản lý thị trường.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu thì phần lớn các trường hợp thực phẩm gây ngô độc cho người tiêu dùng là do lỗi của nhà sản xuất. Ông giải thích:

“Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý thì Việt Nam có luật An toàn thực phẩm và Luật dân sự. Nhà sản xuất phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về cả sức khỏe lẫn tinh thần nếu có căn cứ chứng minh sản phẩm là do lỗi của công ty này, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Việc bồi thường sẽ tôn trọng các bên và áp dụng theo quy định pháp luật của Việt Nam.

Theo tôi thì một sản phẩm thực phẩm khi đưa ra cho người tiêu dùng thì phải tuân theo Luật an toàn thực phẩm. Luật quy định rất rõ, chỉ có doanh nghiệp thực hiện hành vi gian dối mà thôi. Để bảo đảm nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh rất chú trọng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Cơ quan quản lý chất lượng có một quy trình rất chặt chẽ, hành vi gian dối là của doanh nghiệp.”

Theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, kết quả kiểm nghiệm ban đầu cho thấy, một số sản phẩm Pate Minh Chay ở các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum type B. Đây là vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử, độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

Dư luận cho rằng, Cục An toàn thực phẩm làm việc chậm trễ nên ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Từ ngày 18 tháng 8, cục đã nhận được thông tin về một số trường hợp ngộ độc nghi liên quan đến sản phẩm Pate Minh Chay nhưng đến ngày 29 tháng 8 mới cảnh báo rộng rãi người tiêu dùng.

Qua vụ Pate Minh Chay, người dân một lần nữa lo ngại tình trạng vệ sinh trong nước bởi Pate Minh Chay không phải là một sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Đây là sản phẩm từ một công ty sản xuất thực phẩm thì ắt hẳn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Bộ Công thương cấp.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 6 năm 2020, cả nước xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 393 người bị ngộ độc. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 40 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.087 người bị ngộ độc, trong đó có 15 người tử vong.

Trong một lần trao đổi với RFA về an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Quốc Anh, Khoa Công nghệ thực phẩm, Học Viện Nông nghiệp nhận xét:

“Nhận thức của xã hội về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã được nâng lên rõ rệt, sự quan tâm của cộng đồng về vấn đề này đã được nâng lên rất cao. Các doanh nghiệp kinh doanh và chế biến thực phẩm cũng đã ý thức được và thấy được trách nhiệm của mình. Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của nhà nước thì có đôi chỗ, đôi nơi vẫn còn những điểm tồn tại.

Chuyển thể từ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh hàng hóa thì chúng ta cần phải có giai đoạn thích nghi, cần có đầu tư về trang thiết bị cũng như các nguồn lực con người, cần có hệ thống pháp luật tân tiến hơn, đầy đủ hơn để đảm bảo quyền được sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng.”

Vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam từ nhiều năm qua đã được Cơ quan Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) quan tâm. Từ 10 năm trước, FAO đã giúp Việt Nam xây dựng năng lực cho hệ thống kiểm soát thực phẩm có tổng trị giá gần 800 ngàn đô la.

Vào ngày 4 tháng 7 năm 2017, một buổi hội thảo có tên “Tăng niềm tin vào mạng lưới cung ứng thực phẩm an toàn trong sản xuất quy mô nhỏ” đã được Đại sứ quán Bỉ, Trường Đại học Y tế Công cộng (HUPH), Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) phối hợp tổ chức tại Trường Đại học Y tế Công cộng, Hà Nội.

Hội thảo hướng tới nâng cao kiến ​​thức về an toàn thực phẩm và tìm hiểu các nguồn lực hỗ trợ cho các mạng lưới cung cấp thực phẩm an toàn để nhằm nâng cao năng lực và tăng quyền cho các nông hộ nhỏ trong bối cảnh sụt giảm niềm tin từ phía người tiêu dùng.

Đến hôm nay, dường như người dân trong nước vẫn lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm.

Cô Tuyết, một người ăn chay trường ở Sài Gòn cho biết đã từ lâu cô không tin những sản phẩm chay đóng hộp bán trên thị trường, bất kể của công ty nào trong nước. Cô nói:

“Em ăn chay từ hồi nào giờ nhưng chỉ mua đồ về nấu chứ không mua đồ sẵn vì không an toàn. Người ta ham lời nhiều nên cho vào thực phẩm những hóa chất tạo mùi, tạo vị, nhất là những thực phẩm chay đóng hộp.”

Theo cô Tuyết, không chỉ sản phẩm đóng hộp không an toàn mà ngay cả rau củ quả cũng vậy. Nếu người tiêu dùng muốn có sản phẩm sạch thì phải chấp nhận mua giá cao hơn trong các siêu thị. Cô giải thích:

“Cháu em trồng rau bán nó nói thiệt là đừng ăn những rau củ như bí đao, khổ qua, dưa leo bán ngoài chợ vì họ bỏ thuốc tăng trưởng và thuốc trừ sâu không đúng quy định. Những rau củ này chỉ phun thuốc một đêm là ngày mai thu hoạch được dù hôm trước chỉ bé xíu.

Người trồng không ăn mà chỉ để bán. Nếu trồng đúng quy trình thì thu hoạch không được bao nhiêu, không có lời”

Người tiêu dùng Việt Nam ngày nay quan tâm đến sức khỏe, đến chất lượng thực phẩm hơn nhiều năm về trước. Qua vụ Pate Minh Chay, có lẽ cơ quan chức năng sẽ phải kiểm soát chặt chẽ hơn để giúp người tiêu dùng tiếp cận thực phẩm sạch.

Kết quả xác định nguyên nhân những vụ ngộ độc sau khi dùng sản phẩm Pate Minh Chay là do vi khuẩn Clostridium Botulinum. Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 2013/ATTP-NĐTT gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đề nghị tiến hành điều tra, xác minh và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Công an thành phố Hà Nội ngày 3 tháng 9 cho biết đã bắt đầu điều tra xác minh vụ việc.