“Dân oan không giết người để giữ đất”

0:00 / 0:00

“Không ai giết công an để giữ đất!”

“Không ai giết ai đâu. Nhất là người dân rất sợ đụng chạm đến chính quyền thì sẽ thiệt thòi cho mình nữa. Không ai đi làm chuyện khuất lấp hết.”

Bà Lương, một dân oan ở An Giang, sau khi nghe thông tin về vụ án Đồng Tâm và bản án được tuyên tại phiên tòa ngày 14/9/2020, lên tiếng như trên với RFA.

Là một người đi khiếu kiện trong suốt thời gian dài đằng đẵng gần 3 thập niên, từ quê nhà ở đồng bằng sông Cửu Long ra đến tận thủ đô Hà Nội, bà Lương cùng với một số dân oan ở miền Tây Nam Bộ đều khẳng định rằng mọi việc làm của họ, kể cả của người dân Đồng Tâm đều là vì mục đích cuối cùng để giữ gìn từng tấc đất và quyền lợi chính đáng của họ.

Dù không tận mắt chứng kiến, dù không học cao hiểu rộng để phân tích được trắng đen rõ ràng của vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm vào rạng sáng ngày mùng 9/1 trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, những người dân oan này cùng chia sẻ rằng trời đất minh chứng cho tấm lòng của người nông dân Việt Nam, dãi nắng dầm mưa, chắt chiu từng hột lúa hạt gạo không thể nào hại chết những chiến sỹ công an để giữ đất. Có chăng, lời tuyên bố quyết hy sinh giữ đất của người dân Đồng Tâm cũng chỉ là nhằm đối phó với những kẻ làm sai pháp luật mà thôi.

Một phiên tòa chính trị?

<i>Nói thật, lòng tin vào Chính quyền Cộng sản là không còn. Nhưng công lý thì còn. Nhờ vào các tổ chức Ân xá Quốc tế, tổ chức nhân quyền quốc tế, nói chung là nhờ vào các tổ chức dân sự của thế giới cùng trong và ngoài nước, của bà con, của cộng đồng đóng góp tiếng nói xác thực mà Chính quyền Cộng sản cũng phải chùn tay<br/>-Ông Nguyễn Trường Chinh</i>

Dân oan ở Thủ Thiêm đón nhận thông tin về bản án dành cho 29 người dân Đồng Tâm trong cùng lúc Thanh tra Chính phủ thông báo hoãn đối thoại với người dân Thủ Thiêm và chờ cho đến khi nào đủ điều kiện thì mới tổ chức trở lại.

Ông Cao Thăng Ca, một dân oan ở Thủ Thiêm nói với RFA về quan điểm của ông đối với các bản án được tuyên cho người dân Đồng Tâm vào chiều ngày 14/9:

“Theo tôi thì việc tuyên án vụ Đồng Tâm, nói chung là mang màu sắc chính trị nhiều hơn vụ án hình sự bình thường. Nếu là một vụ án hình sự bình thường mà xử như vậy là quá tàn ác. Còn nếu đó là ý đồ chính trị thì người ta (chính quyền) chắc chắn cũng muốn gửi một thông điệp nào đó cho người dân Thủ Thiêm. Bởi vì, người dân ở Thủ Thiêm đã bị họ xử rất nhiều các vụ án hành chính rồi. Họ đã xử không căn cứ vào luật, mà chỉ căn cứ vào chỉ đạo thôi. Tòa án bây giờ xử hoàn toàn không theo luật pháp. Tại vì, ra tòa, dù có nêu đầu đủ chứng cứ mà người ta vẫn xử mình thua. Ở tại tòa, tôi đã nói rằng ‘Xử như thế này là xử Đảng thua, xử nhà nước thua, xử nhân dân thua và xử cho nhóm lợi ích, mhóm tham nhũng thắng. Tại tòa tôi đã từng nói nhiều lần như vậy.”

Ông Ca cùng bà con cư dân Thủ Thiêm ghi nhận rằng Chính quyền TP.HCM cũng đang chính trị hóa vụ Thủ Thiêm, vì luôn chụp mũ những người dân Thủ Thiêm đi khiếu kiện là “thành phần phản đối”, “thành phần chống chính quyền”.

Người dân Đồng Tâm đến viếng ông Lê Đình Kình, ngay sau khi được phóng thích tại tòa ngày 14/9/2020.
Người dân Đồng Tâm đến viếng ông Lê Đình Kình, ngay sau khi được phóng thích tại tòa ngày 14/9/2020. (Courtesy: Facebook Võ Hồng Ly (Chụp từ màn hình live stream trên Facebook Duyên Nguyễn))

Kêu gọi xét xử lại vụ án Đồng Tâm

Là một người am hiểu pháp luật Việt Nam và hỗ trợ về pháp lý cho dân oan Thủ Thiêm, ông Cao Thăng Ca bày tỏ rằng ông mong muốn vụ án Đồng Tâm được xét xử lại vì cụ Lê Đình Kình, khi bị lực lượng chức năng bắn chết trong đêm khuya vẫn còn là một đảng viên. Và, theo ông Ca, thì Đảng Cộng sản Việt Nam phải có trách nhiệm giải oan cho cụ Kình.

Đồng quan điểm với dân oan ở Thủ Thiêm, bà Nguyễn Thị Huần, một dân oan ở Hà Nội, cho rằng tất cả dân oan và người dân Việt Nam nên kêu gọi một phiên tòa khác để xét xử công bằng cho người dân Đồng Tâm và gia đình cụ Lê Đình Kình.

“Trong sự việc cả gia đình nhà ông Kình thì coi như là 3 thế hệ đấy. Đời bố, đời con và đời cháu. Cho nên, chúng ta cũng phải kêu gọi và lên tiếng giúp đỡ cho gia đình nhà ông cụ Kình cũng như các gia đình công dân ở Đồng Tâm.”

Hoàn cảnh tương tự cụ ông Lê Đình Kình, với 3 thế hệ phải chịu cảnh sống cuộc đời của những người dân đi khiếu kiện đất đai, bà Nguyễn Thị Huần nói trong nước mắt về thời gian 31 năm qua, mà trong đó hết 16 năm đơn từ gửi đến các cơ quan Trung ương vẫn không được giải quyết.

<i>Theo tôi thì việc tuyên án vụ Đồng Tâm, nói chung là mang màu sắc chính trị nhiều hơn vụ án hình sự bình thường. Nếu là một vụ án hình sự bình thường mà xử như vậy là quá tàn ác. Còn nếu đó là ý đồ chính trị thì người ta (chính quyền) chắc chắn cũng muốn gửi một thông điệp nào đó cho người dân Thủ Thiêm. Bởi vì, người dân ở Thủ Thiêm đã bị họ xử rất nhiều các vụ án hành chính rồi. Họ đã xử không căn cứ vào luật, mà chỉ căn cứ vào chỉ đạo thôi. Tòa án bây giờ xử hoàn toàn không theo luật pháp. Tại vì, ra tòa, dù có nêu đầu đủ chứng cứ mà người ta vẫn xử mình thua. Ở tại tòa, tôi đã nói rằng 'Xử như thế này là xử Đảng thua, xử nhà nước thua, xử nhân dân thua và xử cho nhóm lợi ích, mhóm tham nhũng thắng. Tại tòa tôi đã từng nói nhiều lần như vậy<br/>-Ông Cao Thăng Ca</i>

“Tôi rời khỏi hàng ngũ quân đội và chuyển công tác cho đến bây giờ suốt 31 năm tôi vẫn phải đi đấu tranh chống lại bọn quan tham, phá nhà cướp đất rồi còn trù dập gia đình nhà tôi không còn một lối thoát. Càng đi đòi công lý thì lại càng trù dập mình thêm. Người ta trù dập đến nỗi cướp cả xe máy và giấy chứng minh thư, xóa tên hộ khẩu, đẩy mình ra đường. Bản thân tôi đã thế này rồi mà đến đời con tôi lấy chồng, cũng không đăng ký kết hôn được. bây giờ cháu tôi được sinh ra cũng không làm được giấy khai sinh. Nhiều lúc tôi cũng nghĩ đến tự thiêu từ lâu rồi.”

Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Chinh, ở Hải Dương, thân phụ của tử tù oan Nguyễn Văn Chưởng, vừa đi thăm con ở trại giam sau thời gian dài không thể gửi thuốn men do dịch COVID-19, vội vã liên lạc với RFA để muốn nói rằng ông thật đau xót khi nhìn cảnh đứa con trai của ông tiều tụy do bệnh tật và do chân cẳng bị xiềng đến mang tật. Và, ông càng đau xót hơn khi nghe tin con và cháu của cụ Kình nhận lãnh 2 án tử hình và một án chung thân.

Bố của tử tù oan Nguyễn Văn Chưởng từng thăm gặp cụ Kình, ông Công và ông Chức. Vào tối hôm 14/9, ông Chinh chỉ có thể nói với RFA về bản án dành cho con và cháu ông Kình với 3 từ “Bản án vừa bất công, vừa độc ác, vừa tàn bạo”.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng ông có niềm tin vào những lời kêu gọi của dân oan Thủ Thiêm và dân oan ở Hà Nội, như bà Nguyễn Thị Huần về một phiên tòa khác công tâm hơn cho người dân Đồng Tâm như suốt 14 năm qua ông vẫn làm để kêu oan cho con trai của mình hay không, ông Chinh giải bày:

“Nói thật, lòng tin vào Chính quyền Cộng sản là không còn. Nhưng công lý thì còn. Nhờ vào các tổ chức Ân xá Quốc tế, tổ chức nhân quyền quốc tế, nói chung là nhờ vào các tổ chức dân sự của thế giới cùng trong và ngoài nước, của bà con, của cộng đồng đóng góp tiếng nói xác thực mà Chính quyền Cộng sản cũng phải chùn tay.”

Đài RFA ghi nhận hầu hết những dân oan khắp các miền đất nước Việt Nam mà chúng tôi tiếp xúc được đều cùng một suy nghĩ rằng không biết số phận của những người dân Đồng Tâm có được giảm án hay không, nhưng họ không hề nao núng và sờn lòng trong cuộc đấu tranh giữ đất trước lòng tham của nhóm lợi ích và bọn tham nhũng. Họ, dân oan Việt Nam phải liều mình đến hơi thở cuối vì niềm tin vào công lý vẫn tồn tại trên quê hương hình chữ S của họ.

“Những bản án đó lại càng kích thích chúng tôi phải chiến đấu và hy sinh nhiều hơn nữa, kể cả hy sinh mạng sống. Bây giờ mình chết cũng chả thành vấn đề gì hết, với điều kiện là phải chết một cách xứng đáng.”