Thủ tướng lại chỉ đạo không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá

0:00 / 0:00

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên hôm 19/3/2024 đã lập lại yêu cầu không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, không chấp nhận tăng trưởng trước, dọn dẹp sau.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm trong ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam, hôm 20/3/2024 khi trả lời RFA cho rằng:

“Thật ra rất dễ để mà nói ‘chúng ta không tăng trưởng bằng mọi giá’, thế nhưng phải có một định nghĩa rõ ràng rằng ‘mọi giá’ đó là ‘giá’ gì? Đó là ‘giá’ xã hội phải trả, đó là ‘giá’ ảnh hưởng đến đời sống công nhân viên, ‘giá’ phải trả cho môi trường… Nếu nói chung không tăng trưởng bằng mọi giá, có nghĩa chúng ta sẽ tăng trưởng một cách hài hòa hơn, thì cần phải có một định nghĩa rõ ràng, thì lúc bấy giờ các địa phương mới có thể theo sát các chỉ tiêu đó.”

Chứ còn cứ nói chung chung thì theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, sẽ không đem lại hiệu quả.

Thật ra rất dễ để mà nói 'chúng ta không tăng trưởng bằng mọi giá', thế nhưng phải có một định nghĩa rõ ràng rằng 'mọi giá' đó là 'giá' gì?
-Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Nhiều năm qua, Việt Nam luôn đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, thậm chí còn cao hơn dự báo của các Tổ chức Tài chính quốc tế. Đơn cử như năm 2023 Quốc hội Việt Nam đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 cao hơn cả dự báo của IMF, ở mức 6 - 6,5%. Trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho rằng, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm về những thiệt hại khi tăng trưởng bằng mọi giá:

“Để đạt được tăng trưởng bằng mọi giá chúng ta sẽ phải hy sinh rất nhiều. Cái thứ nhất, tăng trưởng bằng mọi giá sẽ bất chấp tất cả những hậu quả, kể cả chi phí kinh tế và xã hội… Cụ thể là những vấn đề về môi trường sẽ phải gánh chịu khi tăng trưởng bằng mọi giá, nó để lại hậu quả môi trường bị phá hủy, bị xâm lấn… Ngay cả vấn đề xã hội, nếu chúng ta tìm cách tăng trưởng bằng mọi giá thì có lẽ chúng ta có thể tìm cách tiết kiệm những chi phí an sinh xã hội, để dùng giải quyết những chuyện khác.”

Liên quan việc tăng trưởng bằng mọi giá sẽ tác động đến đời sống người dân như thế nào? Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói:

“Nói riêng về chất lượng cuộc sống thì tăng trưởng bằng mọi giá sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Tức là con người có thể sẽ trở thành những bộ máy để sản xuất, để kinh doanh. Những vấn đề về tâm linh, văn hóa, tôn giáo, xã hội… có thể sẽ bị ảnh hưởng, vì chúng ta dùng tất cả nguồn lực vào tăng trưởng kinh tế.”

5ccdcc70-ce28-4536-a79d-939f391112b9.jpeg
Ảnh chụp Cảng container Tân Vũ, Hải Phòng trong năm 2023. AFP PHOTO.

Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương thuộc đoàn Nghệ An, tại một cuộc họp Quốc hội vào năm 2023 từng nêu câu hỏi: “Có buộc phải hoàn thành tăng trưởng bằng mọi giá?”

Theo vị Đại biểu này, hiện nay tổng cầu thế giới giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng. Điều đáng ngại của các nước đang phát triển như Việt Nam không chỉ các đơn hàng phi thiết yếu như dịch vụ du lịch giảm mạnh mà ngay cả lượng đơn hàng thiết yếu như giày dép, quần áo, nông sản chất lượng cao cũng giảm theo.

“Liệu các giải pháp như tăng quy mô tín dụng, giảm lãi suất ngân hàng nhất là đối với doanh nghiệp bất động sản, xuất nhập khẩu có thể giải quyết được căn cơ vấn đề đầu ra cho hàng hóa dịch vụ nước ta lúc này hay không?” – Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương đặt câu hỏi.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA hôm 20/3/2024 từ Hà Nội, đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:

“Các biện pháp đó chắc chắn góp phần giảm được các chi phí đầu vào ở trong nước. Tuy vậy tác động của quốc tế như chi phí logictic và vận tải, tác động của việc an toàn ở biển Đỏ do các tàu vận tải phải đi vòng qua châu Phi để đến được châu Âu… là các yếu tố tăng thêm chi phí ngoài khả năng kiểm soát của Việt Nam, đây là các yếu tố bất lợi vì vậy Việt Nam phải đa dạng hóa các thị trường và tìm kiếm các thị trường cho những ngành dệt may, giày da và gỗ… đây là các ngành tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập.”

Chỉ tiêu trong 5 năm có thể đạt được, nhưng giá phải trả là rất lớn. Tức ngân sách sẽ phải chịu thiệt vì đã giảm giá đất, dưới cả mức quy định của luật pháp…
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, các bài học cho thấy tăng trưởng bằng mọi giá sẽ phải trả giá là hiệu quả kinh tế không cao, nợ công tăng lên, các công trình đầu tư vội vã không được hoàn thành… Ông Doanh nói tiếp:

“Ở Việt Nam có hiện tượng chu kỳ của lãnh đạo trong khoảng 5 năm. Mỗi lãnh đạo của tỉnh luôn muốn chứng minh dưới sự lãnh đạo của mình thì nguồn thu ngân sách tỉnh tăng lên, rồi công ăn việc làm… cho nên lãnh đạo đó đã đưa các biện pháp như ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư nước ngoài, hay cấp đất với giá rất ưu đãi… Bằng cách đó chỉ tiêu trong 5 năm có thể đạt được, nhưng giá phải trả là rất lớn. Tức ngân sách sẽ phải chịu thiệt vì đã giảm giá đất, dưới cả mức quy định của luật pháp…”

Đặc biệt theo ông Doanh, yếu tố bảo vệ môi trường cũng cần phải được chú ý, kiểm soát:

“Cấp tỉnh rất cần các thành tụ để chứng minh kết quả của ban lãnh đạo mới, vì vậy cho nên trong khoảng một thời gian ngắn đã triển khai rất nhiều các biện pháp ưu đãi có thể có tác động ngắn hạn và để lại những hệ quả mà thế hệ sau về môi trường hay nợ nần…”

Vì vậy Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam cần phải có một chính sách cân bằng hơn đối với đầu tư nước ngoài, chọn lọc hơn đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài quá nhỏ, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.