Tình trạng người tố cáo sai phạm tiếp tục bị trù dập, trả thù

0:00 / 0:00

Thay vì được phục chức, bố trí lại vị trí công tác phù hợp theo đề nghị từ Thanh tra Chính phủ, ông Lương Xuân Bình, người tố cáo sai phạm ở dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội lại bị phân công làm viên chức văn phòng, không đúng chuyên môn của ông. Trả lời báo chí nhà nước Việt Nam hôm 11/3, ông Lương Xuân Bình cho biết đã từ chối nhận sự phân công này.

Đài Á Châu Tự Do hôm 11/3 liên lạc với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam và được ông nói rõ hơn về việc này:

“Sự việc xảy ra sai phạm ở dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, nhiều nội dung tố cáo được Thanh tra Chính phủ kết luận là có cơ sở. Để bảo vệ người tố cáo, thì tháng 12 năm 2020 Thanh tra Chính phủ đã có công văn đề nghị chủ tịch UBND TP Hà Nội báo cáo, đề xuất cấp trên đánh giá lại việc không bổ nhiệm lại ông Lương Xuân Bình làm phó trưởng ban chỉ vì chưa đủ phiếu tín nhiệm. Đồng thời xem xét lại quá trình công tác để bố trí lại vị trí công tác cho ông Bình có tính kế thừa và phù hợp. Tuy nhiên, họ đã ra phân công ông Bình vị trí quản lý chất lượng ISO của dự án này.”

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, cơ quan Thanh tra Chính phủ đã có ý kiến kết luận và đề nghị bố trí công việc phù hợp. Việc lãnh đạo không thực hiện quy định pháp luật này sẽ phải bị xử lý theo pháp luật. Ông nói tiếp:

“Tôi thấy rằng ở đây có yếu tố trù dập, theo luật phòng chống tham nhũng thì phải xử lý đối với những người trù dập này. Vừa rồi Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu báo cáo việc trù dập này để trình Thủ tướng. Theo tôi, cần xử lý nghiêm người không chấp hành quyết định của Thanh tra, Thủ tướng sẽ quyết định vấn đề này.”

Tôi thấy rằng ở đây có yếu tố trù dập, theo luật phòng chống tham nhũng thì phải xử lý đối với những người trù dập này.
-Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Ông Lương Xuân Bình từng là Phó ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hà Nội - MRB. Vào năm 2017, ông Bình khi còn đương chức đã bị tố cáo có nhiều sai phạm xảy ra tại dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội, do Ban Quản lý Đường Sắt Đô Thị Hà Nội (MRB) làm chủ đầu tư. Vụ việc sau đó được đưa lên Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo để làm rõ. Đến cuối năm 2020, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra số 2234 cho biết nhiều tố cáo của ông Bình là có cơ sở và đã có văn bản yêu cầu Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội giải quyết, nhằm tránh nguy cơ thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.

Không những thế, vào năm 2019 Thanh tra Chính phủ còn phát hiện MRB có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi thành lập Hội đồng kỷ luật viên chức đối với ông Lương Xuân Bình. Trưởng ban MRB sau đó thừa nhận đã xếp ông Bình vào diện dôi dư với ý định loại bỏ ông Bình ra khỏi biên chế.

Qua nhiều lần chỉ đạo từ Thanh tra Chính phủ, đến UBND thành phố Hà Nội... nhưng vụ việc của ông Lương Xuân Bình vẫn chưa được ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hà Nội - MRB giải quyết thấu đáo.

Đây không phải là lần đầu tiên người tố cáo sai phạm, tiêu cực bị trả thù, trù dập. Những người lên tiếng tố cáo tiêu cực trong xã hội liên tục bị đánh đập, hành hung dã man với mục đích trả thù. Đơn cử như trường hợp anh Dương Tùng Nam, một người dân ở Hải Phòng. Anh cũng là nạn nhân bị trả thù sau khi lên tiếng tố cáo những tiêu cực, bất minh bạch trong hệ thống Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT vào năm 2010.

Bà Lê Hiền Đức, một cụ bà 90 tuổi vẫn kiên gan giúp nhiều người khác đấu tranh chống sai phạm, tham nhũng, bà từng được Tổ chức Minh bạch Quốc tế trao giải thưởng Liêm chính năm 2007, khi trả lời RFA hôm 11/3, nói:

“Tôi luôn luôn kề vai sát cánh với nhân dân để bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải cho nhân dân. Tôi 90 tuổi mà đơn từ của 63 tỉnh thành phố xếp cao nhanh hơn tuổi của tôi. Khi tôi gọi đến cơ quan này cơ quan kia, cấp xã, cấp quận, tỉnh thành phố... thì người ta nghe điện thoại tôi và tôi góp ý. Có những người cán bộ rất nghiêm túc lắng nghe rất nhiệt tình, có người nghe điện thoại còn đến tận nhà tôi để tiếp nhận thông tin và xử lý ngay lập tức. Những trường hợp đấy thì tôi thay mặt dân tôi cảm ơn. Nhưng mà có những trường hợp người ta không thèm nghe tôi, người ta cho tôi là một bà già 90 tuổi biết cái quái gì... nên người ta không nghe.”

luong_xuan_binh.jpg
Ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hà Nội - MRB. Courtesy TP.

Theo số liệu được công bố trên cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ, năm 2019 có đến 62% số người được hỏi cho biết, lý do không tố cáo tham nhũng là do họ sợ bị trả thù.

Luật phòng chống tham nhũng của Việt Nam có những điều lệ quy định cụ thể về quyền tố cáo của người dân và nghiêm cấm những hành vi trả thù người tố cáo, khiếu nại, cũng như luật bảo vệ người lên tiếng tố cáo. Tuy nhiên vì sao người dân vẫn lo ngại?

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này vào năm 2020 cho biết:

“Ở Việt Nam chuyện gì cũng có luật cả. Chuyện khuyến khích nhân dân tố cáo tiêu cực, tham nhũng không chỉ có văn bản quy định mà ngay cả những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng hô hào. Luật cũng quy định người tố cáo được bảo vệ, nhưng vấn đề là cơ chế để bảo vệ như thế nào thì chưa được cụ thể lắm.”

Ngay trong ngành giáo dục, nhiều giáo viên khi tố cáo sai phạm của hiệu trưởng cũng bị trù dập, cho nghỉ việc. Mới nhất là trường hợp Cô P. N. T., giáo viên trường Trung học Cơ sở Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, vào tháng 5 năm 2020 đã phải gởi thư kêu cứu khắp nơi về việc cô bị trù dập, kỷ luật bằng hình thức cho thôi việc. Nguyên nhân vì cô đã công khai tố cáo Ban Giám hiệu ra lệnh nâng điểm thi học kỳ môn Địa lý Khối 7 để chạy đua thành tích và trục lợi. Tuy nhiên cho đến nay, cô T vẫn chưa được giải quyết vụ việc.

Chưa bao giờ người trả thù, vùi dập người tố cáo ấy mà bị xử lý thích đáng. Họ bao che bưng bít nhau, và tôi cũng thấy hiếm khi nào người đứng đầu quốc gia lên tiếng trừng phạt những người chuyên quyền đã vùi dập người đấu tranh tố cáo.
-Thầy Đỗ Việt Khoa

Trước đó, cũng từng xảy ra vụ việc tương tự kéo dài nhiều năm ở tỉnh Phú Yên. Đó là trường hợp Cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ, giảng dạy môn hóa học tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên. Cô Đệ phát hiện nhiều sai phạm ở trường, đã viết đơn tố cáo chống tiêu cực gửi đến ông Nguyễn Văn Tá - Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Phú Yên, yêu cầu giải quyết và xử lý tiêu cực. Nhưng Cô không được giải quyết, mà ngược lại, ông Tá còn chỉ đạo lãnh đạo trường xử lý kỷ luật cô Đệ với nhiều hình thức khác nhau và cuối cùng là đuổi cô Đệ ra khỏi trường không cho dạy học.

Trả lời RFA hôm 11/3, Thầy Đỗ Việt Khoa - giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, người từng có rất nhiều thành tích chống tiêu cực trong giáo dục, nhận định:

“Tôi năm nay 54 tuổi, chứng kiến rất nhiều vụ tố cáo tiêu cực, và bản thân tôi cũng đã tố cáo sai phạm nghiêm trọng của ngành giáo dục ở nhiều nơi. Tôi có thể thấy mặc dù chủ trương của chính quyền là bảo vệ khen thưởng người tố cáo, nhưng việc trả thù, trù dập người tố cáo diễn ra thường xuyên và chưa bao giờ chấm dứt. Chưa bao giờ người trả thù, vùi dập người tố cáo ấy mà bị xử lý thích đáng. Họ bao che bưng bít nhau, và tôi cũng thấy hiếm khi nào người đứng đầu quốc gia lên tiếng trừng phạt những người chuyên quyền đã vùi dập người đấu tranh tố cáo. ”

Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng, ở một quốc gia, ở một chính quyền, chính những người phê phán sai phạm của chính quyền, tố cáo tham nhũng sai phạm của các quan chức... đó là những người có ích cho đất nước. Tuy nhiên, không ít người tố cáo còn bị những người có quyền vùi dập, vu vạ cho là phần tử chống đối, thậm chí bị cho là phản động. Ông nói tiếp:

“Ngoài ra, chuyện khen thưởng người tố cáo xưa nay cực kỳ bôi bác. Như vụ của tôi đấu tranh chống tiêu cực ở Hà Tây cũ được khen thưởng chỉ 300 nghìn. Thật sự chúng tôi cũng chẳng cần số tiền ấy, phần thưởng cao quý nhất là đấu tranh chống tiêu cực để xây dựng đất nước. Trong khi người tố cáo sau này bị trù dập rất tàn bạo. Như trường hợp của tôi bị hiệu trưởng cũ vùi dập 7 năm không nâng lương, thuê xã hội đen đánh mình, nó làm đủ trò mặc dù mình là người được quan chức cả nước biết đến nhưng nó vẫn thách thức, nó không hề bị xử lý.”

Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, cho đến hiện nay, người hiệu trưởng có nhiều sai phạm mà ông đã tố cáo vẫn là đảng viên, vẫn được tiếp tục làm hiệu trưởng và vẫn lộng hành như xưa. Thầy Khoa cho rằng, đó là sự thật đáng buồn, hiện vẫn tồn tại ở đất nước Việt Nam này.