Vì lý do nêu trên nên việc Chính phủ huy động đầu tư từ khối ngành tư nhân trong nước và nước ngoài là điều hết sức cần thiết. Nhưng mô hình kết hợp công–tư này có điểm gì đặc biệt?
Mô hình đối tác công tư:
Mô hình đối tác công tư (tiếng Anh gọi là public private partnership) là hình thức đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng cơ sở gồm 9 địa hạt trọng yếu như đường bộ, giao thông đô thị, cảng hàng không, cảng biển, hệ thống nước sạch, nhà máy điện, môi trường, y tế… với việc tham gia đầu tư của Nhà nước không quá 30% vào dự án, phần còn lại là của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, khu vực tư nhân (private) ở đây phải được hiểu theo nghĩa là của cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.
Tại Việt Nam, những dự án mà khả năng thu hút vốn đầu tư không hấp dẫn, thời gian và khả năng thu hồi vốn lâu, trong khi những công trình này Nhà nước cần phải đầu tư ngay, nhằm phát triển kinh tế xã hội cho cả vùng hay một khu vực thì cần có sự góp vốn đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực đó.
phải đề nghị các nhà đầu tư mà chủ yếu là ở nước ngoài trực tiếp bỏ vốn vào
Phó vụ trưởng vụ kết cấu hạ tầng cơ sở
Ông Nguyễn Văn Bảo, phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu Hạ tầng Cơ sở (Bộ Kế hoạch đầu tư) cho chúng tôi biết như sau:
"PPP là một chương trình, khung pháp lý hiện nay đang thí điểm chứ chưa hoàn thiện, mục tiêu của Chính phủ nghiên cứu là để hợp tác công tư. Nhà nước bỏ ra tuỳ theo từng dự án, nhưng tối đa chỉ là 30% tổng vốn đầu tư, còn nữa là phải đề nghị các nhà đầu tư mà chủ yếu là ở nước ngoài trực tiếp bỏ vốn vào cùng nhau thực hiện dự án ấy"
Ông Bảo cũng giải thích thêm, về bản chất thì mô hình PPP dựa trên hình thức BOT (Build, operate, transfer): xây dựng, vận hành, chuyển giao hoặc BT (build, transfer): xây dựng, chuyển giao do nhà đầu tư đầu tư 100% vốn xây dựng rồi sau khi hết thời gian thu hồi vốn và lãi, sẽ chuyển lại cho Nhà nước quản lý. Còn với hình thức PPP này, thì Nhà nước và tư nhân cùng nhau chia sẻ mức vốn đầu tư cũng như những lợi ích, rủi ro và độ phức tạp từ dự án.
Còn chập chững
Ở các nước trên thế giới thì hình thức đối tác công tư PPP này không phải là mới mẻ, mà đã có khoảng 50 năm nay, nhưng ở Việt Nam thì mới đang ở những bước đi chập chững đầu tiên và mới chỉ dừng lại ở các mô hình thí điểm, như dự án đầu tiên là đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đang được giao cho bộ Kế hoạch đầu tư thực hiện. Câu hỏi đặt ra là tại sao khối ngành tư nhân trong và ngoài nước lại muốn tham gia vào những dự án hạ tầng đòi hỏi vốn lớn và thời gian thu hồi chậm như vậy. Trả lời câu hỏi này, một chuyên gia thuộc Bộ Kế hoạch đầu tư không nêu tên chia sẻ:
"Nhà đầu tư là nhà thầu tự thi công, tự thi công công trình đó bởi vì trong thi công đã có phần lãi trong đó" Cái lợi mà nhà đầu tư có thể thu được ngoài những kỳ vọng vào việc thu phí cầu đường, cầu cảng… thì họ lại còn chính là nhà thi công, mà điểm này mới là quan trọng. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, áp dụng hình thức PPP sẽ giải quyết được nhiều bài toán về ùn tắc giao thông, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương…
Lợi ích và rào cản
Tác động tích cực nhất của Quy chế thí điểm PPP sẽ là mở ra cơ hội, điều kiện huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân và nước ngoài vào việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, đồng thời tận dụng được năng lực, kỹ thuật và kinh nghiệm của các nhà đầu tư. Tuy thế, cũng giống nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, hình thức PPP này, hiện cũng đang vấp phải một vấn đề rào cản khi thực thi là làm sao quản lý nguồn vốn này. Vị chuyên gia không nêu tên cho biết tiếp:
"Rào cản thực thi PPP là việc quản lý nguồn vốn đầu tư vào dự án đó, ai đứng ra quản lý và quản lý như thế nào, đầu tư ra sao thì đó là vấn đề cơ bản nhất"
Ngoài rào cản về quản lý nguồn vốn, thì hiện nay còn có những rào cản khác là những dự án cần kêu gọi đầu tư hiện nay chưa được lập và chưa được phân tích một cách cụ thể. Tất cả mới chỉ dừng lại trên con số chung chung 30% và 70%. Vì thế, nhiều dự án chưa biết sẽ mang lại hiệu quả hài hoà ra sao cho nhà đầu tư và cho Chính phủ. Thiết nghĩ, khi các dự án khó thực hiện, với mức thu hồi thấp, thì Nhà nước cần có chính sách mở hơn nữa, không quy định cứng nhắc bao nhiêu %. Vì trước đây, kết cấu hạ tầng Nhà nước phải bỏ ra 100%, nếu ta có thể huy động 50%, Nhà nước bỏ ra 50% cũng chấp nhận được. Học tập kinh nghiệm của Malaysia, có những dự án Nhà nước bỏ ra 70%, tư nhân bỏ ra 30%, một công trình tính ra 90 năm mới thu hồi vốn, nhà đầu tư thu hồi vốn trước trong vòng 30 năm, rồi bàn giao lại cho chính phủ. Bên cạnh đó, cơ chế pháp lý liên quan đến công tác đấu thầu các dự án đầu tư vẫn là việc cần phải bàn đến. Vị chuyên gia cho biết tiếp:
"Vấn đề thứ hai là chuyện đấu thầu giữa các nhà đầu tư để tham gia hình thức PPP, phần đấu thầu hiện nay cũng gặp rất nhiều những khó khăn. Bởi vì một nhà đầu tư khi tham gia vào đầu tư họ phải chuẩn bị khá dài, thậm chí có những dự án 5 năm. Nhưng hiện nay khung pháp lý của mình, chính xác mà nói thì vẫn căn cứ theo Nghị định 78 là cơ sở pháp lý nhất vì nó là Nghị định chứ còn Quyết định 71 thì chỉ là quyết định của Thủ tướng mà thôi"
Nhà nước cần làm gỉ?
Vậy để PPP trở thành một kênh thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân hiệu quả hơn nữa, phía Chính phủ cần phải làm gì? Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì hiện tại việc tính toán hiệu quả đầu tư, để từ đó phân chia hài hoà lợi ích giữa Chính phủ và nhà đầu tư vẫn là một trở ngại. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần có những hình thức hỗ trợ thêm về thuế, quy đổi ngoại tệ … Vì thế:
"Vậy là cần phải có một đội ngũ chuyên gia tính toán như thế nào cho chính xác và từ đó mình kêu gọi đầu tư, rồi có những cơ chế: cơ chế về thuế, nguồn thu, quy đổi ngoại tệ".
Có thể nói, để thu hút được thêm mọi nguồn vốn đầu tư từ cả trong nước lẫn nước ngoài, nhất là cho những dự án cơ sở hạ tầng lớn, thì hình thức mới PPP được xem là một trong những giải pháp và bước đi được tập trung mạnh trong thời gian sắp tới.
phải chờ rất lâu sau mới mở rộng thì có lẽ khó đạt được yêu cầu phát triển
bà Phạm Chi Lan
Tuy vậy, để mô hình thí điểm đó trở thành thực tế lại là cả một bước dài thực hiện. Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế độc lập nhận xét:
"Trước đây gần như là truyền thống của Việt Nam chỉ có Nhà nước làm như là về phát triển cơ cấu hạ tầng chẳng hạn, đây cũng là ý tưởng mới của Nhà nước. Tuy nhiên điều này cần phải làm một cách riết róng và lẹ hơn nữa, chứ còn nếu mà như làm PPP mà chỉ là thí điểm trong một vài trường hợp, rồi phải chờ rất lâu sau mới mở rộng thì có lẽ khó đạt được yêu cầu phát triển của Việt Nam hiện nay"
Có lẽ kết luận của bà Phạm Chi Lan cũng là mong muốn của nhiều người dân ở những nơi mà học sinh còn phải trèo qua những cây cầu khỉ đi học, trẻ nhỏ còn phải băng qua hàng chục km đường đèo đến trường hay những nơi vùng sâu vùng xa chưa bao giờ nhìn thấy bóng đèn điện. Thì việc xây dựng róng riết và mau lẹ hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống người dân là điều đang rất được mong chờ.