Ngày 15/1/2018 vừa qua, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội tiến hành bàn thảo về việc thực hiện thí điểm hợp nhất hai chức danh bí thư đảng kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân một số quận nội thành. Đó là những nơi được cho “đã đủ điều kiện, trong đề án chính quyền đô thị phải trình lên Bộ Chính trị trong năm 2018. Xoay quanh chủ đề này, giới quan sát nhìn sang khía cạnh tính dân chủ và hiệu quả trong nền chính trị Việt Nam hiện nay.
"Nhất thể hóa" Đảng và Chính quyền
Trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản và Chính quyền Việt Nam đã bàn thảo nhiều lần về đề tài “nhất thể hóa” hai chức danh đứng đầu đảng (tổng bí thư/bí thư các cấp ủy) và đứng đầu chính quyền (chủ tịch nước/chủ tịch UBND các cấp) – một điểm trong mô hình tổ chức bộ máy nhà nước được cho là giống Trung Quốc.
Trên thực tế, theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết, nhiều địa phương trên cả nước đã thí điểm việc bí thư bên đảng kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cấp xã – Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất tại địa phương trong vài năm qua.
“Bây giờ có vấn đề mới là người ta muốn Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, để anh Bí thư điều hành luôn công việc chính quyền.”
Các ý kiến tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội ngày 15/1 vừa qua đều cho rằng, mục tiêu của việc hợp nhất hai chức danh này là nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
<i>Một người làm bí thư kiêm chủ tịch, thì người ta sẽ phải chịu trách nhiệm những quyết định của người ta theo pháp luật.<br/>- NV. Nguyễn Nguyên Bình</i>
Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình và Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cùng nhìn nhận, Bộ máy Đảng và Nhà nước, cùng hệ thống chính trị tại Việt Nam là cồng kềnh và chồng chéo. Do vậy, việc nhất thể hóa góp phần giải quyết vấn đề này.
Mặt khác, theo bà Nguyên Bình, trong hệ thống chính trị Việt Nam, các quyết định quan trọng thường do người đứng đầu bên đảng đưa ra, phía chính quyền phải thực hiện theo, nhưng thiếu sự ràng buộc về trách nhiệm pháp lý của những người đứng đầu bên đảng – bởi họ không thuộc cơ quan hành pháp và chưa có luật về Đảng Cộng sản.
“Tất cả cán bộ trong hệ thống chính quyền đều là đảng viên, nên là người ta coi trọng việc thực hiện nghị quyết của đảng. Mà nghị quyết của đảng không thuộc cái mục nào trong Hiến pháp hay các luật nào cả. Cho nên, nếu mà một người làm bí thư kiêm chủ tịch, thì người ta sẽ phải chịu trách nhiệm những quyết định của người ta theo pháp luật. Thì đó là cái tốt.”
Tính độc đoán của việc "nhất thể hóa"
Cùng quan điểm với nhà văn Nguyên Bình, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhắc đến tính “song trùng” trong bộ máy nhà nước hiện nay giữa một bên là đảng và một bên là chính quyền. Điều này dẫn tới sự chồng chéo trong chủ trương, chính sách, mà Giáo sư Mai gọi là “Đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng”.
“Những chủ trương như dầu khí ném tiền đầu tư vào Venezuela. Tôi tin chắc đó là chủ trương của Bộ Chính trị, một chủ trương chính trị hoàn toàn, phi kinh tế, chả nghiên cứu gì cả. Ném một khoản tiền như thế mất toi. Thì anh Bộ Chính trị làm kinh tế mà mất toi tiền thì có xử không? Vừa rồi đây xử vụ Đinh La Thăng chỉ là xử ngọn thôi, còn cái gốc của nó thì chưa thấy sờ đến.”
Điều mà nhà văn Nguyên Bình quan ngại trong chủ trương nhất thể hóa hai chức danh đảng và chính quyền là tính độc đoán có bị đẩy lên cao thêm hay không, bởi phía chính quyền đã phải “quán triệt” thực hiện mọi quyết định của bên đảng.
“Thế thì bây giờ ông (bí thư) lại kiêm cả chức chủ tịch nữa, thì tính độc đoán càng cao hơn, chứ nó có bớt độc đoán đâu. Mà cái nguy hiểm nhất ở Việt Nam là cái tính độc đoán, độc tài toàn trị từ trên cao, đồng thời xuống hệ thống dưới thì đều bị chi phối bởi những quyết định độc đoán. Nếu bây giờ, trong tình hình thực tiễn ở Việt Nam, nếu hợp nhất hai chức danh thì chỉ có “lợi bất cập hại”.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự hợp nhất hai chức danh người đứng đầu, nhưng bộ máy cơ quan của đảng và chính quyền vẫn còn tồn tại song song, và ngân sách nhà nước do người dân đóng thuế vẫn phải gánh vác hai bộ máy này, trong bối cảnh nợ công cao.
<i>Không có bất cứ một luật nào nói rằng Đảng có tư cách nhà nước để mà hoạt động, để mà bố trí anh Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân ở trong điều luật nào, khoản nào.<br/>- GS. Nguyễn Khắc Mai</i>
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian qua đã có khẩu hiệu “Thể chế! Thể chế! Và thể chế!”, như để khẳng định quyết tâm cải cách thể chế và bộ máy chính quyền, nhằm loại bỏ những mặt hạn chế. Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, việc cải cách thể chế này cần được thực hiện bằng con đường xây dựng pháp luật, mà trước hết là phải có luật về Đảng Cộng sản.
“Tức là phải có một đạo luật thể chế vai trò nhà nước của Đảng. Đảng thực hiện vai trò nhà nước như thế nào bằng một đạo luật. Hiện nay, chả có luật nào cả, không có bất cứ một luật nào nói rằng Đảng có tư cách nhà nước để mà hoạt động, để mà bố trí anh Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân ở trong điều luật nào, khoản nào cho nó rõ.”
Bên cạnh đó, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhấn mạnh đến chất lượng nhân sự. Theo ông, các bí thư, ủy viên ban chấp hành đảng các cấp phải là người có chuyên môn trong lĩnh vực hành chính hoặc lĩnh vực chuyên ngành mà họ đảm trách để có thể hoạch định được những chính sách, quyết định đúng đắn cho ngành và địa phương.
“Ngoài cái am hiểu sâu, hệ thống cái lĩnh vực, và nhiệm vụ anh phải làm, thì còn có nhiều mối quan hệ khác. Anh phải là người am hiểu luật pháp, tức là các mối quan hệ trong xã hội. Đặc biệt, nhân cách của anh là một nhân cách của dân chủ, một tinh thần dân chủ, để có thể lắng nghe, tiếp nhận ý kiến trái chiều. Người lãnh đạo là người như thế.”
Trong mô hình chính trị và pháp luật hiện nay, Bí thư các cấp do Đại hội đảng các cấp bầu ra – theo nguyên tắc “dân chủ trong Đảng”; còn Chủ tịch UBND và Hội đồng Nhân dân các cấp do Hội đồng Nhân dân cùng cấp bầu ra, mà Hội đồng nhân dân là một cơ quan dân cử, do dân bầu lên trong mỗi kỳ bầu cử toàn quốc 5 năm/lần. Do vậy, việc hợp nhất hai chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND ở cấp quận, hay Bí thư và Chủ tịch HĐND ở cấp xã đang đặt ra câu hỏi về tính dân chủ trong các cuộc bầu cử “Đảng cử, dân bầu” trong hệ thống chính trị độc đảng.