Nhân vụ nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng - Đỗ Hữu Ca bị truy tố do “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” số tiền 35 tỷ đồng từ một doanh nghiệp nhờ chạy án, dư luận một lần nữa lên án về thực trạng tồn tại trong ngành tư pháp Việt Nam lâu nay – đó là chuyện chạy án, mà bắt đầu từ công an cấp phường, xã.
Ai là trung gian trong các vụ chạy án?
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, từng có gần 30 năm hành nghề luật sư ở Việt Nam, nói với RFA sáng 22 tháng 2 năm 2024 rằng, công an và luật sư là trung gian cho hầu hết các vụ chạy án:
“Hiện nay, trong tất cả các lĩnh vực, khi người dân gặp khó khăn liên quan đến luật pháp cái đầu tiên họ nghĩ đến là chạy (án-pv). Bất kể đó là hành chính, dân sự hay là hình sự. Bất cứ ai mà bị bắt trong thời hạn 12 cho đến 24 tiếng ở cấp phường, xã thì quyền lực đầu tiên thuộc về công an phường, nên họ đi tìm một công an phường nào đó để chạy.
Nếu không an phường nói phải đưa lên quận, huyện thì họ tìm công an quận, huyện để mà chạy. Nếu chạy không được mà buộc phải chuyển qua tòa thì họ phải tìm đến viện kiểm soát để chạy. Nếu lên đến viện kiểm sát mà họ vẫn còn đu đưa thì người dân phải chạy qua tòa án. Khi không được nữa thì họ mới nhờ tới luật sư chạy án. Tức là về danh nghĩa thì họ là luật sư bào chữa nhưng thực chất họ là luật sư chạy án”.
Theo giải thích của Luật sư Miếng thì chuyện chạy án ở Việt Nam không phải chuyện lạ và chính đó là “lỗ hổng trong ngành tư pháp ở Việt Nam”.
Mới hồi tháng 9 năm 2023, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Chung về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì đã nhận 100.000 USD để chạy án cho ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Lúc bấy giờ, ông Hà bị cáo buộc nhận tiền hàng tháng, hàng quý của các trung tâm đăng kiểm ở nhiều tỉnh thành.
Từ 10 năm trước, tại một phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào tháng 3 năm 2013, khi đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát, hỏi Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao lúc đó là ông Trương Hòa Bình: “Có hay không tiêu cực trong chạy án tham nhũng khi số vụ án đưa ra xét xử thì ít nhưng số bị cáo được hưởng án treo, phạt tù nhẹ chiếm rất cao, có nơi đến 45%?”.
Việc hối lộ để chạy án vốn là hành vi vi phạm pháp luật, cho nên, các bên thực hiện đưa nhận tiền hối lộ thường rất kín đáo. Tuy vậy, vẫn có nhiều thẩm phán bị bắt quả tang lúc đang nhận hối lộ xảy ra trong thời gian gần đây đã cho thấy phần nổi của tảng băng chìm, phản ánh thực trạng nền tư pháp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đã tệ hại đến mức nào. - Luật sư Đặng Đình Mạnh
Lúc bấy giờ, ông Trương Hòa Bình thừa nhận “thực tế có một số không ít cán bộ công chức tòa án bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tiêu cực, nhận tiền của đương sự.”
Nhìn nhận về trường hợp “chạy án” mới nhất qua vụ ông Đỗ Hữu Ca, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, việc ông Ca bị bắt chỉ là phần nổi của tảng băng chìm chạy án. Ông nói với RFA:
“Việc hối lộ để chạy án vốn là hành vi vi phạm pháp luật, cho nên, các bên thực hiện đưa nhận tiền hối lộ thường rất kín đáo. Tuy vậy, vẫn có nhiều thẩm phán bị bắt quả tang lúc đang nhận hối lộ xảy ra trong thời gian gần đây đã cho thấy phần nổi của tảng băng chìm, phản ánh thực trạng nền tư pháp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đã tệ hại đến mức nào. Do đó, tôi không hề ngạc nhiên gì đối với vụ án xét xử ông Đỗ Hữu Ca, nguyên cựu giám đốc công an tỉnh Hải Phòng, người đã có hành vi nhận số tiền 35 tỷ đồng để chạy án cho các bị cáo trong vụ án hình sự.”
Một bị đơn trong vụ kiện đất đai ở Sài Gòn, yêu cầu ẩn danh, kể với RFA câu chuyện liên quan đến “chạy án” của chính bản thân bà:
“Họ kiện sai nhưng tòa xử chị thua ở phiên sơ thẩm cách đây 6 tháng nên chị kháng cáo. Luật sư của chị nói phải chạy án với số tiền 50 triệu đồng cho phiên phúc thẩm, nhưng tỷ lệ thắng cũng chỉ 50% nên chị đang phân vân. Chị không biết người ăn tiền bên tòa là ai, chỉ biết đưa tiền qua luật sư của mình mà thôi. Nếu mình không chạy thì thua chắc, mà chạy cũng năm ăn năm thua hà. Chắc bên nguyên đơn cũng có chạy án.”
Người phụ nữ này có nêu tên vị luật sư của mình nhưng cũng yêu cầu RFA ẩn danh.
Nguyên nhân và giải pháp
Theo nội dung được quy định trong Nghị quyết 03/2020 về thu hồi tài sản tham nhũng của Hội đồng thẩm phán tòa án Nhân dân tối cao có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 2 năm 2021, nếu người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ trong quá trình tố tụng chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ... sẽ không bị áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử, kể cả mức án tử hình cũng sẽ được hạ xuống chung thân.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều ngày 3 tháng 3 năm 2023, khi báo chí đề nghị thông tin thêm về kết quả điều tra vụ ông Đỗ Hữu Ca, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra liên quan hành vi chạy án, ông Tô Ân Xô cho biết: "Khi xét hỏi, ông Đỗ Hữu Ca hợp tác với cơ quan điều tra. Ông Ca khai xác định đã nhận tiền của doanh nhân nhưng không và chưa tác động đến cá nhân hoặc cơ quan chức năng nào để chạy án. Ông Ca đã nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận từ doanh nhân là 35 tỷ đồng".
Việc trả lại tiền tham nhũng trước phiên xử để đổi lấy mức án thấp, hay đổi lấy tự do cũng là một hình thức chạy án. Nếu quy trình này tiếp tục được thực hiện thì việc “diệt trừ” nạn chạy án là điều không thể.
Theo tôi, thứ nhất là cần một hệ thống luật pháp minh bạch và nghiêm minh. Không thể một mớ luật pháp hỗn độn, ai muốn vận dụng kiểu gì thì vận dụng, người dân không biết đâu mà lần, chỉ biết bỏ tiền ra để đèn trời soi xét. Cái thứ hai mức lương, quyền lợi của những người tiến hành tố tụng phải đủ cao để họ không bán rẻ lương tâm, danh dự bằng những đồng tiền chạy án. - Luật sư Nguyễn Văn Miếng
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với RFA rằng, trong thời gian hành nghề luật sư tại Việt Nam, ông biết hầu hết những chức nghiệp liên quan đến quá trình ban hành một phán quyết gồm: Thẩm phán, công an, kiểm sát viên và ngay cả luật sư đều có người tham gia vào việc chạy án. Ông nói thêm về nguyên nhân:
“Có khá nhiều nguyên nhân đưa đến thực trạng đáng buồn này, tiêu biểu như: Luật pháp không rõ ràng, đến mức xử như thế nào cũng được. Đạo đức của người làm việc. Đương sự không còn tin cậy vào hệ thống pháp đình ban phát công lý nữa, khi có việc, thì họ muốn mua công lý hơn là chờ ban phát một cách may rủi… Nhưng nguyên nhân tiên khởi là ở chính chế độ.
Thông qua cái gọi là Ban Nội Chính, họ đã từng can thiệp thô bạo vào các phán quyết của tòa án mà bất chấp quy định của pháp luật. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, họ tạo tiền đề cho việc xét xử, vận dụng pháp luật tùy tiện. Hậu quả là chúng ta có một nền tư pháp bất lực với việc ban phát công lý.”
Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Miếng, việc chạy án là một điều nhức nhối trong giới luật sư cũng như trong thực trạng của nền tư pháp Việt Nam. Thế nhưng muốn diệt trừ được, theo ông, phải có một hệ thống luật pháp minh bạch, rõ ràng trong mức án; không thể cùng một tội mà mức án rộng từ tù treo đến vài năm tù ở như hiện nay. Ông nêu ý kiến về giải pháp ngăn ngừa nạn chạy án:
“Theo tôi, thứ nhất là cần một hệ thống luật pháp minh bạch và nghiêm minh. Không thể một mớ luật pháp hỗn độn, ai muốn vận dụng kiểu gì thì vận dụng, người dân không biết đâu mà lần, chỉ biết bỏ tiền ra để đèn trời soi xét. Cái thứ hai mức lương, quyền lợi của những người tiến hành tố tụng phải đủ cao để họ không bán rẻ lương tâm, danh dự bằng những đồng tiền chạy án”.