Luật VN: Mỗi người hiểu mỗi kiểu
“Tuyệt đối không cài cắm, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào trong các quy định của luật”. Đó là phát biểu của ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam trước báo giới hôm 15/1/2023.
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nguyên Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư liệu của Đài truyền hình HTV, hôm 17/1 cho rằng:
“Ông Vương đình Huệ nói như vậy nghĩa là trên thực tế hàng chục năm qua có cài cắm lợi ích cục bộ vào trong luật… Luật mà có cài cắm lợi ích cục bộ thì không còn gọi là luật nữa, mà là một sản phẩm quái dị gắn nhãn hiệu văn minh, mang tên luật pháp. Thực tế làm việc trong nhiều năm tại HTV, thì hầu hết các cơ quan công quyền không căn cứ vào luật mà chỉ căn cứ vào các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư… thành ra luật của Việt Nam soạn ra bao giờ cũng phải chờ các văn bản dưới luật hướng dẫn. Các văn bản này chồng chất như đám rừng vì thay đổi xoành xoạch, nguyên nhân chính là do câu chữ rất mơ hồ vì trình độ tiếng Việt của người soạn luật hoặc họ cố tình soạn một cách mập mờ để gây khó dễ.”
Ông Vương đình Huệ nói như vậy nghĩa là trên thực tế hàng chục năm qua có cài cắm lợi ích cục bộ vào trong luật… Luật mà có cài cắm lợi ích cục bộ thì không còn gọi là luật nữa, mà là một sản phẩm quái dị gắn nhãn hiệu văn minh, mang tên luật pháp.
-Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già
Ngoài ra theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, trong luật của Việt Nam cũng như các văn bản dưới luật không có chế tài đối với công chức, viên chức… Ông Già nói tiếp:
“Khi nhà cầm quyền đối diện với những biến cố, hoặc những sự việc quan trọng chi phối toàn xã hội… thì họ hay lập ban chỉ đạo lập, lập tổ công tác từ cả cấp chính phủ, ví dụ như đại dịch COVID-19, thế là các tỉnh thành bắt chước lập theo. Hay vấn đề trầm trọng hiện nay là thị trường bất động sản, họ cũng lập tổ công tác của chính phủ và những tổ công tác này họ không nắm được gì và họ xé luật luôn… cuối cùng cho ra kết quả trớt quớt. Bằng chứng là đại dịch COVID-19, lập tổ công tác dữ dằn quyết liệt, nhưng cuối cùng vô cùng vô cùng ê chề với việc kỷ luật ngay cả ông Vũ Đức Đam, ông Phạm Bình Minh, rồi ngay cả ông Nguyễn Xuân Phúc với vai trò Chủ tịch nước cũng dính luôn.”
Tóm lại ông Già cho rằng, luật pháp của Việt Nam thứ nhất là không có giá trị trên thực tế, vì những người soạn luật và thi hành luật không có đầu óc văn minh. Thứ hai theo ông Già, trên thế giới việc soạn luật là để cho ai cũng hiểu đúng một kiểu, còn đối với luật Việt Nam thì ai cũng hiểu nhưng mỗi người hiểu một kiểu… Vì vậy, theo ông, mới sinh ra tình trạng luật pháp không có giá trị đối với thực tế.
Nguyên nhân được Nhà báo Nguyễn Ngọc Già lý giải là do vấn đề luật pháp của Việt Nam từ Quốc hội, Chính phủ, cho đến tất cả địa phương thì những người thi hành luật và những người soạn luật không phải do người dân bầu ra.
Chống “lợi ích nhóm”: bất khả thi
Điều Nhà báo Nguyễn Ngọc Già vừa nói cũng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận hôm 15/1/2023. Truyền thông nhà nước trích dẫn lời ông Huệ nói rằng, nhiều luật chỉ quy định chung chung, khái quát theo kiểu ‘luật khung, luật ống’, để đi vào cuộc sống phải có nhiều văn bản kèm theo… dẫn đến tình trạng luật ban hành xong không thi hành được ngay mà phải chờ nghị định, trong khi nghị định lại chờ thông tư.
Riêng vấn đề mà ông Huệ nói về lợi ích nhóm trong việc xây dựng luật, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khi trả lời RFA cho rằng:
“Quốc hội Việt Nam cũng đã nhiều lần sửa đổi, tuy nhiên do các nhóm lợi ích chi phối nên từ luật pháp đến thực thi có nhiều trở ngại và vướng mắc. Với lại hướng dẫn thực thi ở Việt Nam thường chỉ dựa vào nghị định hay thông tư để thực hiện mà Quốc hội lại không giám sát được các vi phạm pháp luật. Cho nên họ lợi dụng những sơ hở của pháp luật để thực hiện lợi ích nhóm là chỗ đó.”
Tại Hội nghị trực tuyến về vấn đề này hồi tháng 11 năm 2021, các Đại biểu Quốc hội được truyền thông nhà nước dẫn ý kiến rằng, nên chấm dứt hiện tượng ‘xếp gạch, đặt chỗ’, đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh một cách duy ý chí, không trên cơ sở nhu cầu thực sự, không dựa trên cơ sở bằng chứng, dẫn đến xây dựng luật chắp vá, phải sửa đổi, bổ sung thường xuyên... Nhất là luật đất đai không rõ ràng, các địa phương mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu...
Việc cài cắm thì tôi không biết cụ thể thế nào, nhưng nhìn trong luật, nhất là luật đất đai thì điều này thấy rất rõ.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này nhận định:
“Việc cài cắm thì tôi không biết cụ thể thế nào, nhưng nhìn trong luật, nhất là luật đất đai thì điều này thấy rất rõ. Riêng chuyện giá đất, trên thực tế việc giao đất thường giá thấp hơn thị trường rất nhiều. Việc xác định giá đất do cơ quan Nhà nước tiến hành, và do không quy định chặt chẽ, không quy định thế nào là phù hợp thị trường, nên nó dẫn đến chuyện giá đất xộc xệch và nhiều người giàu lên nhờ đất. Đặc biệt các công ty bất động sản phát triển rất nhiều, rất mạnh, vốn liếng đầu tiên không có gì, nhưng hiện nay đều trở thành các đại gia lớn, và tiền của chắc chắn từ đất ra.”
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, riêng những ví dụ vừa nêu của ông cũng đủ để kết luận rằng chắc chắn có “cái gì đó” về lợi ích nhóm tác động vào hệ thống pháp luật. GS Đặng Hùng Võ nói tiếp:
“Nếu không nói là có sự cài cắm lợi ích nhóm vào pháp luật đất đai thì cũng không có thể giải thích bằng con đường nào khác. Chính vì vậy, nếu vạch ra cụ thể quá trình vận động chính sách, vận động pháp luật, để pháp luận cứ mù mờ đi, thì chắc chắn sẽ khó kết luận ai đã làm và làm như thế nào? Việc ĐBQH phát biểu có lợi ích nhóm trong làm luật thì tôi cho rằng hoàn toàn có lý, và thể hiện trong hệ thống pháp luật đất đai khá rõ.”
Đối với việc sắp tới Quốc hội Việt Nam sẽ soạn thảo một số Bộ luật nữa, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng không có một căn cứ nào để ông tin có một sự thay đổi về nội dung cũng như việc thực thi pháp luật ở Việt Nam… Vì theo ông, điều căn bản nhất là luật của Việt Nam không có khoa học!