Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây cho báo giới nhà nước Việt Nam biết quy định yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ tin học và ngoại ngữ sẽ được bãi bỏ trong tháng 12.
Theo lời ông Bình được báo chí trích dẫn, Bộ Nội vụ đã có ý kiến chính thức về việc bãi bỏ vừa nêu tại Công văn số 4853 ngày 16/9/2020 và Công văn số 5646 ngày 27/10/2020.
Bên cạnh đó, người đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục còn đưa ra điểm nhấn của các Thông tư được Bộ Giáo dục ban hành sau khi có công văn của Bộ Nội vụ là tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng không còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; không quy định giáo viên dạy ngoại ngữ phải có ngoại ngữ 2; không quy định giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc.
Đồng tình với việc bãi bỏ sắp được áp dụng trong tháng cuối năm 2020, một giáo viên không muốn nêu tên vì lý do an toàn hiện đang dạy trường Trung học Cơ sở ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh cho hay:
Họ lúng túng với cách quản lý làm thế nào mà ràng buộc được, chắc chắn được cán bộ họ đang quản lý có đủ trình độ về ngoại ngữ, tin học được. Việc họ bỏ yêu cầu đó thể hiện sự lúng túng của quản lý hơn là sự thay đổi mục đích. - PGS.TS. Hoàng Dũng
“Thế hệ giáo viên mới ra trường họ đã bắt buộc phải học rồi, tin học, ngoại ngữ là một phân môn, nên không thể nào nói họ. Còn tụi chị ở tốp trước, thế hệ trước nên bắt buộc, mà tụi chị đã nộp rồi. Còn sinh viên mới ra trường bắt buộc phải có nên người ta hủy bỏ cái bằng.”
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng dạy tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng yêu cầu một cách đồng loạt mọi giáo viên phải có bằng ngoại ngữ và tin học là yêu cầu không đúng, phải tùy từng công việc. Ông nói:
“Sau một thời gian lâu áp dụng, người ta thấy quy định đó đẻ ra hàng loạt vụ chạy bằng nghĩa là là quy định đó không đủ hiệu lực như người đề ra quy định đó mong muốn, do đó họ phải bỏ. Việc bỏ đó không có nghĩa là họ thay đổi nhận định cho rằng kiến thức về ngoại ngữ và tin học là cần thiết đối với công việc làm. Họ lúng túng với cách quản lý làm thế nào mà ràng buộc được, chắc chắn được cán bộ họ đang quản lý có đủ trình độ về ngoại ngữ, tin học được. Việc họ bỏ yêu cầu đó thể hiện sự lúng túng của quản lý hơn là sự thay đổi mục đích.”
Với nhiều năm kinh nghiệm trên bục giảng, PGS.TS Hoàng Dũng cho hay tình trạng giáo viên có đầy đủ chứng chỉ nhưng không đủ năng lực vẫn xảy ra:
“Tôi là người trong ngành giáo dục biết có nạn chạy bằng cấp. Có những người anh yêu cầu tôi có bằng thì tôi có bằng gì tôi có bằng ấy, nhưng gặp ông Tây nói chuyện không được, những chức năng trong tin học rất đơn giản cũng không làm được, chứng tỏ không biết. Đó không phải là hiếm.”
Xác nhận thực trạng này, ông Đặng Văn Bình khi nói với truyền thông nhà nước cũng cho biết đã có nhiều phản ánh về những áp lực, cũng như tiêu cực khi giáo viên phải đi học để có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Còn theo cô giáo giấu tên hiện đang dạy ở trường Trung học Cơ sở ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, thực tế cho thấy chuyện mua bằng có thể xảy ra với các lãnh đạo trong ngành giáo dục, còn giáo viên mua bằng là chuyện hi hữu. Cô đưa ra nguyên nhân:
“Bây giờ tất cả đều đưa vô vi tính hết, soạn bài hay bất cứ gì cũng đưa về công nghệ thông tin nên nếu giáo viên làm không được sẽ ra khỏi lớp.”
Một câu hỏi khác được nhiều người quan tâm là nếu việc có chứng chỉ, bằng cấp chỉ là hình thức, mang lại nhiều tiêu cực, vậy sau khi không cần phải nộp chứng chỉ, bằng cách nào có thể biết được năng lực giáo viên?
Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục, nhìn nhận Bộ Giáo dục đã đề ra tiêu chuẩn tùy theo giáo viên dạy cấp 1, cấp 2, hay cấp 3 mà phải tốt nghiệp cao đẳng, đại học, hay thạc sĩ, và khi đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, thạc sĩ thì đương nhiên giáo viên đã có những kỹ năng đó rồi.
“Tôi nghĩ bỏ quy định hình thức đó đi là đúng. Quan trọng là đánh giá giáo viên bằng thực tế người ta giảng dạy. Phải tự học nhiều chứ bằng đâu giải quyết được vấn đề. Bằng cấp thì dễ thôi, nhất là trong hiện nay người ta đi mua được hết. Quan trọng thực tiễn là công việc người ta làm, chất lượng giảng dạy và phương pháp sư phạm của giáo viên phải tự học. Tôi nghĩ mọi quy định hình thức đó chỉ làm khổ giáo viên và làm giả dối.”
Quan trọng là đánh giá giáo viên bằng thực tế người ta giảng dạy. Phải tự học nhiều chứ bằng đâu giải quyết được vấn đề. Bằng cấp thì dễ thôi, nhất là trong hiện nay người ta đi mua được hết. - PGS.TS. Mạc Văn Trang
PGS. TS. Hoàng Dũng cho rằng cấp có quyền lực bỏ yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ chứng tỏ họ biết được rằng không thể đánh giá một người nào đó có đủ năng lực về ngoại ngữ và tin học hay không mà chỉ căn cứ vào bằng cấp. Ông cho rằng cách quản lý như vậy là bất lực.
“Tôi tin rằng rồi họ sẽ có cách quản lý khác qua công việc hơn là cách quản lý qua bằng cấp. Thật ra hiện nay theo tôi biết chuyện bằng cấp đòi cho được chỉ lừa được đối với khu vực nhà nước thôi, chứ khu vực tư nhân đố mà lừa được. Anh nói anh có bằng ngoại ngữ, đến làm việc tôi giao tài liệu tiếng Anh anh dịch được tôi mới cho anh làm việc. Bởi vì khu vực tư nhân kiểm tra bằng năng lực chứ không phải kiểm tra bằng bằng cấp. Trong khu vực nhà nước đôi khi công việc chẳng dính gì tới bằng cấp nhưng người ta cần có bằng cấp. Chẳng vậy bây giờ hàng loạt lãnh đạo ở Việt Nam đều có bằng Tiến sĩ, tỉ lệ các lãnh đạo ở Việt Nam có bằng Tiến sĩ cao hơn tất cả các nước trên thế giới.”
Trao đổi với báo Nhà nước Việt Nam, Phó Cục trưởng Đặng Văn Bình cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành một chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nhằm giúp giáo viên cập nhật các kiến thức cơ bản. Theo đó, Bộ sẽ đưa toàn bộ chương trình đào tạo ngoại ngữ, tin học vào chương trình đào tạo và chương trình bồi dưỡng giáo viên.
Nhiều người làm trong ngành giáo dục bày tỏ đồng tình với quy định mới sẽ được áp dụng trong những ngày tới, tuy nhiên vẫn hy vọng chính phủ Hà Nội sẽ thay đổi cách quản lý đối với ngành ‘gõ đầu trẻ’, quan tâm đến chất lượng và thực tài hơn là những chứng chỉ, bằng cấp.