Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á ( AMTI), Việt Nam vừa lập một kỷ lục mới trong việc cải tạo, bồi lấp đảo ở Trường Sa.
Từ khoảng tháng 11, 2023 đến nay, Việt Nam đã tăng tốc bồi đắp đảo, nâng diện tích đảo bồi đắp lên khoảng 2.360 mẫu Anh (khoảng 9,6 km2.) Diện tích này gần bằng phân nửa diện tích bồi đắp của Trung Quốc (18,8 km2).
Trong khi ba năm truớc, Việt Nam chỉ bồi đắp được 329 mẫu Anh (tương đương khoảng 1,4 km2), không bằng 1/10 diện tích bồi đắp của Trung Quốc. Các đảo được bồi đắp gồm bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef), bãi Đá Lớn (Discovery Great Reef), Đá Nam (South Reef), Nam Yết, Phan Vinh và một số đảo khác.
Để bảo vệ bãi Vũng Mây hay vì mục tiêu lớn hơn?
Liệu việc bồi đắp đảo cấp tốc của Việt Nam có gây quan ngại cho các nước láng giềng như Philippines? Trao đổi với RFA, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á ( AMTI) của Trung tâm CSIS lưu ý rằng "những phản hồi chính thức của Philippines đối với báo cáo của chúng tôi đã nói rằng việc xây dựng đảo của Việt Nam không gây mất ổn định khu vực như Trung Quốc. Bởi vì Việt Nam không sử dụng cơ sở vật chất của mình để đàn áp các quốc gia khác."
Theo ông Greg Poling, tất cả các công trình xây dựng trên khu vực Trường Sa của Việt Nam dường như nhằm cho phép Việt Nam dễ dàng triển khai các lực lượng hải quân, lực lượng cảnh sát biển và không quân để tuần tra tốt hơn ở Trường Sa và chống lại các cuộc tuần tra hung hãn của Trung Quốc. Tuy vậy, ông cũng cho rằng hiện vẫn phải chờ xem những cơ sở vật chất nào sẽ được lắp đặt trên các đảo đó để có thể biết rõ hơn mục đích của Việt Nam.
Theo báo cáo của AMTI, trong các thực thể được Việt Nam cải tạo nhanh chóng vừa qua, bãi Thuyền Chài được cải tạo mạnh mẽ nhất. Điều đáng chú ý là bãi Thuyền Chài nằm cách vùng bồn trũng Vũng Mây (Rifleman Bank) không xa. Bồn trũng Vũng Mây (Rifleman Bank) hiện nay do Việt Nam quản lý. Hiện có nhà giàn DK-1 tại khu vực này. Theo một số ước tính, bồn trũng Tư Chính và Vũng Mây có trữ lượng "khoảng 800-900 triệu tấn quy dầu." Như vậy, đây là khu vực quan trọng về mặt kinh tế đối với Việt Nam. Tuy vậy, bồn trũng Vũng Mây nằm cách xa các căn cứ trên đất liền Việt Nam khoảng 360 hải lý, trong khi cách bãi Thuyền Chài chỉ 90 hải lý. Vậy việc nâng cấp bãi Thuyền Chài có phải nhắm đến mục đích bảo vệ vùng bồn trũng Vũng Mây?
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM cho rằng cần nhìn rộng hơn bồn trũng Vũng Mây. Ông nêu ra bốn lý do để Việt Nam bồi đắp đảo cấp tốc thời gian qua.
“Có nhiều lý do để Việt Nam tiến hành bồi đắp đảo ở Trường Sa. Thứ nhất là Việt Nam cần có những khu vực để cứu hộ cứu nạn cho ngư dân trên biển. Thứ hai là Việt Nam cần có tiền đồn để chống đánh bắt cá trái phép và không theo quy định (IUU). Thứ ba là các công trình trên biển rất dễ bị hư hại cho nên cần bảo dưỡng, tôn tạo thường xuyên. Thứ tư Việt Nam nhìn bài học Philippines khi nước này bị yếu thế trong tranh chấp bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).
Lý do nữa cần nói thêm là tính thời điểm. Nghĩa là Việt Nam phải chọn thời điểm thuận lợi để làm việc đó. Năm 2023 là năm Việt Nam nâng cấp quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc. Do đó, từ cuối năm, Việt Nam có thể yên tâm cải tạo đảo mà không bị ai dòm ngó, cản trở.”
Vai trò của bãi Thuyền Chài?
Theo AMTI, hiện Việt Nam chỉ có đường băng dài 1.300m trên đảo Truờng Sa Lớn. Đường băng này chỉ cho phép máy bay cỡ nhỏ đáp xuống. Tuy nhiên, Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef) trong đợt bồi đắp vừa qua, đã được nâng diện tích lên hàng thứ 4 - sau Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập do Trung Quốc bồi đắp. Chiều dài bãi Thuyền Chài đã lên đến 4.318 mét, theo báo cáo của AMTI, đã đủ khả năng làm đường băng dài 3.000m cho máy bay quân sự, vận tải, ném bom... cỡ lớn. Việc bồi đắp bãi Thuyền Chài vẫn đang tiếp diễn và chưa có thiết bị mới được lắp đặt trên đó. Tuy nhiên, quy mô lớn của bãi Thuyền Chài liệu có thể góp phần thay đổi cục diện nào đó trên Biển Đông hay không? Trả lời câu hỏi này, nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải đáp cho RFA:
“Mục tiêu của Việt Nam xưa nay vẫn là bồi lấp đảo nhưng mục tiêu không phải là để làm gì ai mà là giữ được những gì mình đang có. Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là sức mạnh trên biển của họ. Điều đó tạo ra sự đe dọa rất lớn cho các quốc gia ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Đương nhiên, xây dựng trung tâm cứu hộ cứu nạn chỉ là một phần, còn quan trọng hơn là giữ được các tiền đồn mình đang kiểm soát. Cho nên có lẽ Việt Nam muốn xây dựng một căn cứ kiên cố hơn ở bãi Thuyền Chài.
Nhưng cụ thể thế nào thì hiện giờ chúng ta cũng cần chờ đợi thêm mới biết được. Vì bây giờ mọi thứ vẫn đang diễn ra chứ chưa xong.”
Trao đổi với RFA, TS. Nagao Satoru ở Hudson Institute cho rằng bãi Thuyền Chài có thể là hòn đảo trung tâm với đường băng dài 3.000m trong tương lai. Việc bảo vệ bồn trũng Vũng Mây là một vấn đề quan trọng trong chiến lược quân sự của Việt Nam. Tuy nhiên, không dễ nhận ra vì sao Việt Nam lại tập trung vào bãi Thuyền Chài. Việt Nam đang hiện đại hóa nhiều đảo ở Biển Đông và tất cả các cơ sở này đều có mục đích phòng thủ. Vì vậy, theo vị chuyên gia về an ninh quốc tế ở Hudson Institute, dự án cải tạo bãi Thuyền Chài cũng có mục đích phòng thủ.
Theo TS. Nagao Satoru, bóng dáng Trung Quốc luôn hiện diện đằng sau các bước đi này của Việt Nam ở khu vực Trường Sa. Trung Quốc đã và đang xây dựng một loạt đảo nhân tạo. Chưa có ai đủ khả năng ngăn chặn được Trung Quốc. Trong tình hình như vậy, Việt Nam cũng cần duy trì thế cân bằng quân sự với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc xây đảo nhân tạo thì việc Việt Nam phản ứng tương tự là đúng đắn. Vì vậy, theo TS. Nagao, có thể so sánh hoạt động cải tạo đảo này như một cuộc “chạy đua vũ trang” giữa Trung Quốc và Việt Nam. So với Trung Quốc, hoạt động xây dựng của Việt Nam có quy mô nhỏ hơn. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không hiện đại hóa như vậy, Trung Quốc sẽ càng mở rộng khoảng cách về sức mạnh quân sự ở Biển Đông và sớm xâm lược các đảo khác, TS. Nagao Satoru nhận xét.