Cải cách tư pháp và vị trí của người luật sư

Tháng 6 năm 2005, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Mốc thời gian này không còn bao xa và một thành phần quan trọng trong lĩnh vực tư pháp là người luật sư đến nay được nhìn nhận thế nào?

Cải cách chậm và chưa thực chất

Nhận xét về việc cải cách tư pháp khi chỉ còn một năm nữa là cán mốc theo nghị quyết năm 2005, nhà báo Nguyễn An Dân cho rằng diễn tiến của cải cách tư pháp so với diễn tiến của xã hội là quá chậm. Ông dẫn lời ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương từng nói là ‘bây giờ người dân không tin vô quyết định gì của chính quyền hết’, vậy thì quyết định của tòa án người dân cũng không tin.

Luật sư Phạm Công Út, người từng lên tiếng tố cáo thẩm phán và chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, bị xóa tên khỏi danh sách luật sư đồng thời thu hồi thẻ luật sư vào năm ngoái nhận định về việc cải cách tư pháp:

" Theo tôi thì cải cách tư pháp là do Việt Nam phải ký kết với các quốc gia khác cho luật pháp phải tương đồng để các quốc gia khác có thể bảo vệ công dân của họ ở Việt Nam, cũng như Việt Nam có thể bảo vệ công dân mình ở nước khác.

Ngày xưa tôi là thẩm phán, và khi tập huấn thì thẩm phán Hoa Kỳ có nói với các thẩm phán Việt Nam qua phiên dịch rằng , Việt Nam muốn hội nhập với thế giới thì phải hội nhập luôn cả luật pháp. "

Ngày xưa tôi là thẩm phán, và khi tập huấn thì thẩm phán Hoa Kỳ có nói với các thẩm phán Việt Nam qua phiên dịch rằng, Việt Nam muốn hội nhập với thế giới thì phải hội nhập luôn cả luật pháp. - LS. Phạm Công Út

Với luật sư Minh Thọ ở Sài Gòn thì vai trò của luật sư trong nền tư pháp hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt là theo pháp luật Tố tụng Hình sự sửa đổi, bổ sung 2015, hiệu lực từ 1/1/2018, có một số thay đổi tiến bộ. Ông dẫn chứng cụ thể Điều 74 quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng như sau:

“Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.

Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.”

Như vậy, kể cả khi chưa có quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định tạm giữ của cơ quan điều tra, thì người bào chữa là luật sư được quyền tham gia tố tụng từ khi người phạm tội bị bắt, tạm giữ và được đưa về trụ sở cơ quan điều tra. Luật sư Minh Thọ nêu thêm ý kiến:

“Trên văn bản pháp lý là vậy, nhưng hình như trên thực tế thì hẳn nhiên không phải đơn giản như vậy. Hơn nữa, trình độ kiến thức hiểu biết về pháp luật của người dân chưa cao, họ chưa hiểu được các quyền của mình theo luật định. Vì thế, các vụ người dân mời luật sư từ khi người phạm tội bị bắt, tạm giữ và được đưa về trụ sở cơ quan điều tra, là khá hiếm hoi. Chính vì thế, những vụ người dân "khi đi trai tráng, khi về bằng cáng (băng ca), thậm chí mất mạng, mà theo cơ quan công an, là do người dân "tự tử" ở trụ sở công an vẫn diễn ra.”

Liên đoàn luật sư: Cánh tay nối dài của đảng

Quy định đầu tiên tại Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi năm 2012 thì nhiệm vụ của Đoàn luật sư là ‘Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư trong hành nghề.’

Vậy thực chất các luật sư được bảo vệ ra sao sau khi nhập đoàn luật sư và đóng phí thành viên để hành nghề?

Luật sư Võ An Đôn, người bị tước thẻ hành nghề vào năm 2017 vì lên tiếng cho nhân quyền cho RFA biết:

“Theo tôi biết thì đoàn luật sư là một tổ chức độc lập với cơ quan nhà nước nhưng thực tế thì nó cánh tay nối dài của đảng và chính quyền, chịu sự lãnh đạo của hai nơi này cho nên người đứng đầu của các đoàn luật sư là đảng viên. Trên lý thuyết thì liên đoàn luật sư và đoàn luật sư phải bảo vệ các luật sư thành viên của mình trong quá trình hành nghề, nhưng thực tế thì họ chẳng làm được gì hết.

Nếu luật sư nào mà đụng chạm tới các cơ quan tiến hành tố tụng như tòa án, cơ quan điều tra hay viện kiểm sát thì đoàn luật sư không can thiệp bởi vì họ sợ đụng chạm đến chính quyền.”

Trên lý thuyết thì liên đoàn luật sư và đoàn luật sư phải bảo vệ các luật sư thành viên của mình trong quá trình hành nghề, nhưng thực tế thì họ chẳng làm được gì hết. - LS. Võ An Đôn

Luật sư Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh ở Việt Nam không có luật sư độc lập:

"G ia nhập đoàn luật sư là thủ tục bắt buộc đối với bất kỳ luật sư nào, dù hoạt động theo mô hình công ty luật, văn phòng luật sư hay hành nghề theo tư cách cá nhân. Hoạt động theo tư cách cá nhân không đồng nghĩa với việc không phải gia nhập đoàn luật sư nào đó. Nói cách khác, sau khi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư, luật sư đó không đương nhiên được hoạt động hành nghề. "

Luật sư Minh Thọ cũng cùng ý kiến khi ông cho rằng trong một thể chế không tam quyền phân lập, thì đương nhiên là luật sư khó có thể có vai trò độc lập trong lĩnh vực tố tụng.

Nhà báo Nguyễn An Dân cho rằng điều cần thiết là phải có một tòa án bảo hiến độc lập vì khi sự xét xử vi phạm bộ luật và hiến pháp và có tòa án bảo hiến một cách độc lập, thì lúc đó vai trò của bất kỳ bên nào tham gia tố tụng như chánh án, viện kiểm sát lẫn luật sư đều được bảo vệ. Ở đây không phải chỉ nâng cao vai trò của luật sư mà là nâng cao vai trò của luật và tính hiệu quả của việc thực thi pháp luật.

Vai trò mờ nhạt của luật sư trong các vụ án chính trị

Phiên xử nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh hôm 5/10/2018.
Phiên xử nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh hôm 5/10/2018. (AFP)

Nhà báo Nguyễn An Dân nhận định "Vai trò của luật sư trong các vụ án dân sự nhỏ còn có hiệu quả, nhưng những vụ án quy mô càng lớn, ảnh hưởng chính trị của vụ án càng lớn thì vai trò của người luật sư càng nhỏ lại. "

Theo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước mà RFA ghi nhận được thì những vụ án chính trị, mà trong pháp luật hình sự gọi đó là các tội về ‘xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống phá nhà nước’…, thì dường như bản án đã có sẵn, nên tiếng nói của luật sư tại tòa chỉ nhằm mục tiêu chứng tỏ dân chủ và minh bạch.

Luật sư Phạm Công Út nhận định trước đây, tất cả diễn ra trong bốn bức tường, nếu thẩm phán không tôn trọng luật sư, mạt sát luật sư không ai biết. Bây giờ thì mọi sự đã khác nhờ có công nghệ thông tin. Ông nói:

" Bây giờ khi luật sư bị xúc phạm mà báo chí lên tiếng là mệt rồi, bởi quy chế của bên ngành tòa án rất khắc nghiệt với những thẩm phán xét xử mà tạo dư luận, tạo điểm nóng. Chính vì những áp lực đó mà họ buộc phải nén lòng, nhưng bản án tuyên thì ngược lại. Khi họ thỏa mãn các yêu cầu của luật sư như triệu tập thêm người làm chứng, triệu tập giám định viên hay thậm chí cả điều tra viên thì họ cũng đồng ý để lộ ra sự thật khách quan diễn ra tại tòa".

Ông nói thêm rằng tòa án tỏ ra tôn trọng luật sư bởi họ sợ dư luận lên án. Họ thỏa mãn tất cả các yêu cầu của luật sư nhưng bản án đưa ra là án bỏ túi, theo nghi vấn của ông.

Vai trò của luật sư trong các vụ án dân sự nhỏ còn có hiệu quả, nhưng những vụ án quy mô càng lớn, ảnh hưởng chính trị của vụ án càng lớn thì vai trò của người luật sư càng nhỏ lại. - Nhà báo Nguyễn An Dân

Còn với Luật sư Võ An Đôn, người có nhiều kinh nghiệm trong các vụ án về tôn giáo, sắc tộc thì cho rằng vai trò của luật sư chỉ là cầu nối thông tin giữa bị can, bị cáo và gia đình cũng như bị can, bị cáo và dư luận thôi:

“Thực tế mà nói thì luật sư Việt Nam chỉ đóng vai trò hình thức để thể hiện tính dân chủ trong các phiên tòa thôi chứ tiếng nói luật sư không ảnh hưởng gì đến việc xét xử hết bởi vì khi xét xử các vụ án chính trị thì các cơ quan nội chính gồm công an, viện kiểm sát và tòa án đã họp và ra một mức án cụ thể. Luật sư có cũng như không mà thôi, trừ khi luật sư chạy án thì có tác dụng”.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong số ít các luật sư tham gia bảo vệ pháp lý cho các nhà bất đồng chính kiến thì khẳng định việc luật sư bị “gạt ra ngoài” trong các vụ án nêu trên thường diễn ra ngay từ giai đoạn điều tra. Tuy nhiên khi luật sư tham gia tố tụng tại tòa thì phần này được giảm xuống:

"L uật sư được hỏi, tranh luận, đối đáp bình thường - việc hạn chế ở đây đó là có (đặc biệt là tỉnh lẻ) nhưng không nhiều - tuy nhiên, những ý kiến của luật sư được lắng nghe tới mức độ nào thì cho tới giờ chưa có số liệu thống kê. Theo quan điểm của riêng tôi là không đáng kể. "

Chính quyền Hà Nội nhận được trợ giúp khá nhiều từ các nước khác, nhất là các nước theo hệ thống tam quyền phân lập như Hoa Kỳ. Đảng cộng sản ra nghị quyết về cải cách tư pháp và lãnh đạo Việt Nam luôn tuyên bố đang đi theo chiều hướng dân chủ, tôn trọng Hiến Pháp cũng như qui trình tố tụng để bảo đảm công bằng cho mọi thành phần dân chúng khi phải ‘đáo tụng đình’. Thế nhưng như những trình bày vừa nêu thì khoảng cách giữa tuyên bố cải cách tư pháp và thực tiễn thi hành vẫn còn khá xa.