Nhà trường mượn tay Hội Cha mẹ học sinh để lạm thu!

0:00 / 0:00

“Em cũng từng nói với phụ huynh rằng đừng có theo chung cái lớp này, sợ hoàn cảnh khó khăn, thực sự đóng góp không có nổi.”

Đó là phát ngôn bà Tuyến trong một video clip được lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua. Báo chí Nhà nước cho biết, bà Tuyến là Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học An Hội ở quận Gò Vấp - TP.HCM.

Ngoài việc bà Tuyến 'lộng hành' chỉ mặt những phụ huynh khó khăn nhưng vẫn cho con theo lớp, chuyện công khai tuyên bố việc thu tiền cho quỹ trước mặt hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm là điều khiến công luận bức xúc.

Cách đây năm năm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã ký ban hành công văn gửi Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên phạm vi cả nước về kiểm tra và xử lý dứt điểm tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Công văn nêu rõ, cần chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng yêu cầu xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu.

Với phát ngôn của bà Tuyến, rõ ràng yêu cầu của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã không được thực thi. Lý do vì sao?

Đây là một tệ nạn rất là nghiêm trọng của ngành giáo dục. Gọi là lạm thu nhưng thực tế trong hệ thống pháp luật của Việt Nam không có từ nào là từ “lạm thu” cả. Phải gọi sòng phẳng đây là từ tham nhũng, cố ý làm trái, lợi dụng tín nhiệm để cố ý làm trái mà kẻ đứng đầu trong các trò tham nhũng này là hiệu trưởng các trường. - Thầy giáo Đỗ Việt Khoa

Thầy giáo Ngọc Sơn ở TP.HCM nêu quan điểm của ông với RFA qua ứng dụng Facebook Messenger sáng 13 tháng 10:

“Ở xứ này có nhiều cái lạ. Trong khi luật giáo dục nêu rõ PHỔ CẬP Tiểu học và Trung học cơ sở, nghĩa là nó phải miễn phí. Luật rành rành như thế nhưng mới đây tại TP.HCM, các đại biểu của dân, do dân, vì dân lại nhất trí tăng học phí lên gấp 5 lần so với hiện tại. Còn Sở Giáo Dục Hà Nội có báo cáo trên 72% phụ huynh được lấy ý kiến đồng ý tăng học phí. Như vậy Luật giáo dục một nơi họ làm một nẻo. Vì vậy chuyện các Sở Giáo Dục yêu cầu chấm dứt lạm thu nhưng các trường vẫn trắng trợn, lộng hành đẻ ra các khoản thu trên trời dưới đất để thu đến khô xương kiệt máu cha mẹ học sinh không còn là chuyện lạ nữa!”

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội thì nói:

“Đây là một tệ nạn rất là nghiêm trọng của ngành giáo dục. Gọi là lạm thu nhưng thực tế trong hệ thống pháp luật của Việt Nam không có từ nào là từ “lạm thu” cả. Phải gọi sòng phẳng đây là từ tham nhũng, cố ý làm trái, lợi dụng tín nhiệm để cố ý làm trái mà kẻ đứng đầu trong các trò tham nhũng này là hiệu trưởng các trường.

Chính các vị hiệu trưởng này được những đặc quyền rất lớn trong tay. Họ vừa là hiệu trưởng vừa là bí thư chi bộ. Quyền sinh sát của họ trong trường đi đôi với lòng tham vô đáy, lại được sự im lặng và tiếp tay của các cấp quản lý bên trên cho nên cá nhân hiệu trưởng lộng hành, bất chấp những tiếng gào thét của phụ huynh. Nó vẽ ra vô vàn những khoản thu vô lý. Hệ thống pháp luật Việt Nam thừa khả năng để xử lý hình sự các khoản thu đó."

Thầy Khoa khẳng định, hầu như 100% các trường học đều lạm thu nhưng chỉ có một số trường "bị lộ" như trường hợp trường Tiểu học An Hội ở quận Gò Vấp mà thôi. Phụ huynh đa số nhẫn nhục đóng tiền chứ không dám lên tiếng. Ông nói thêm:

“Ví dụ khi tôi ở trường Vân Tảo trước kia, quỹ Hội phụ huynh học sinh mỗi năm họ thu trên một tỷ đồng nhưng ngày Tết hay 20 tháng 11 họ chi cho giáo viên chúng tôi mỗi người một gói quà khoảng hai, ba trăm nghìn đồng nhưng họ bắt ký khống. Bao giờ anh em ký xong rồi thì kế toán và hiệu trưởng ra lệnh tiền số tiền vào sau. Họ tham nhũng trắng trợn như thế nhưng không một cá nhân nào lên tiếng đấu tranh hết. Một mình tôi lên tiếng nó thuê xã hội đen đánh tôi, trù dập tôi bảy năm không lên lương.

Muốn giữ được cái cao quý của ngành giáo dục thì phải triệt hạ bằng được các trò thu trái phép trong trường, tiến tới việc cấm triệt để không cho thu bất cứ cái gì trong trường học cả.”

2020-05-05T000000Z_1683356421_RC27IG9479N6_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-VIETNAM-SCHOOLS.JPG
Học sinh của Trường THPT Marie Curie ở quận 3. Reuters

Mới đây, truyền thông Nhà nước trích dẫn phản ánh của một số phụ huynh, học sinh của Trường THPT Marie Curie ở quận 3 - TP.HCM rằng, nhà trường thu phí nghỉ giữa trưa tại lớp với giá 15.000 đồng/giờ cho mỗi học sinh. Nếu ai không có tiền đóng thì không được ngủ trong lớp, chỉ được quay lại lớp khi giờ học buổi chiều bắt đầu.

Còn tại trường Tiểu học Kỳ Trinh ở Hà Tĩnh, nhà trường yêu cầu mỗi học sinh lớp 1 phải đóng 550.000 đồng tiền bàn ghế, 173.000 đồng tiền bảng, ngoài ra còn tiền mua rèm cửa, đóng quỹ cha mẹ học sinh. Tổng cộng gần 1 triệu đồng. Giáo viên lưu ý: nếu phụ huynh không đóng tiền mua bàn ghế, con không có chỗ ngồi học!

Theo quy định của Bộ giáo dục - Đào tạo, cơ sở vật chất ở các trường công lập đều được trang bị từ nguồn vốn Nhà nước. Vậy những khoản thu trên đều bị coi là những khoản thu vô lý nhưng thực tế nó vẫn tồn tại năm này qua năm khác.

Giáo sư Đặng Hùng Võ giải thích:

“Sự thực mà nói thì gốc gác của nó là lương của giáo viên ở Việt Nam quá thấp. Mà mức lương quá thấp thì họ lấy đâu ra để họ sống. Thế nên chỉ còn mấy người gọi là tử tế thì họ kiếm thêm trong phạm vi mà họ cho rằng chưa vi phạm đạo đức. Còn những người tệ hại hơn thì lại coi đây là dịp để “mượn gió bẻ măng” để kiếm những đồng tiền không phải do họ làm ra. Trường hợp các trường học cũng vậy thôi.

Chỉ có điều, khi trong một trường mà có mâu thuẫn giữa các giáo viên thì tất nhiên họ cũng phải chừng mực là bởi vì lạm thu sẽ bị giáo viên khác moi móc. Như thế nội bộ sẽ không ổn.

Còn nếu trong một trường mà họ “đoàn kết”, tức là mọi người được sự chỉ đạo rất là đồng thuận với Ban Giám hiệu thì họ có thể đạt ra rất nhiều việc để lạm thu của phụ huynh học sinh.

Nếu chúng ta tạo ra được cái cơ chế để bản thân người giáo viên khi đi dạy mà thu nhập của họ đủ lo cho cuộc sống của họ thì chúng ta có thể xây dựng được một hệ thống giáo dục hiệu quả hơn. Như thế, những người có hành động thu sai cái này cái kia, tức là làm sai, sẽ bị đuổi thẳng cổ khỏi ngành. Xử lý rất dễ. Các giáo viên không cần phải nghĩ ngợi đến chuyện kiếm thêm mà tập trung tâm trí vào việc dạy dỗ thế hệ trẻ.”

Mức lương giáo viên là vấn đề được nhiều người trong ngành giáo dục nói đến từ lâu nhưng cũng chưa giải quyết được.