Người lao động trong đợt dịch COVID-19 thứ nhì
Trong ngày lễ Quốc khánh 2/9/2020, đồng thời cũng trong đợt dịch COVID-19 bùng phát trở lại, một vài công nhân làm việc ở các hãng xưởng sản xuất, xuất khẩu chia sẻ với RFA.
Một công nhân không muốn nêu tên, làm việc ở Biên Hòa cho biết:
Công ty tôi vẫn có việc làm, nhưng ít hơn. Bình thường làm 6 ngày/1 tuần và giảm xuống còn 4 ngày/1 tuần. Tuy nhiên chỉ có 1 tháng thôi. Những ngày nào mình không làm thì công ty trả theo lương Nhà nước là 170 ngàn/ngày. Còn ngày nào đi làm thì lương vẫn bình thường. Bây giờ thì công ty có việc đều lại rồi.”
Một công nhân ẩn danh khác, đang làm việc tại Long An bộc bạch:
“Ví dụ như tôi làm 15 năm và công ty kêu tên em, hỏi làm hay nghỉ. Nếu bây giờ đồng ý nghỉ thì tôi ký tên vào giấy tờ và được cho 12 tháng lương. Công ty hỗ trợ cho 12 tháng lương và các khoản tiền trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội thì vẫn bình thường. Còn nếu không nghỉ, vẫn ở lại làm thì sang năm sẽ không cho 12 tháng lương.”
Còn đây là trần tình của một công nhân làm việc trong công ty may xuất khẩu da giày ở Đồng Nai:
“Công ty chỉ bớt tăng ca và nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật. Làm việc có mấy ngày trong tuần thôi. Lương trùng bình khoảng hơn 7 triệu/tháng. Còn bây giờ chỉ 4-5 triệu/tháng. Mức lương vậy thì có thể nuôi sống bản thân được. Còn mức lương này, đối với em thì ít quá để lo đủ cho gia đình được.”
Qua phóng sự do phóng viên RFA thực hiện tại thành phố Đà Nẵng, là trung tâm dịch đang bị giãn cách xã hội nghiêm ngặt, chúng tôi ghi nhận tình cảnh nhiều công nhân làm việc tại khu công nghiệp Đà Nẵng và Hòa Khánh tiếp tục gặp khó khăn vì bị cho nghỉ việc đến cả 2 tháng, không được hưởng lương. Không những vậy, trước đợt dịch bùng phát lần thứ nhì này, các công nhân tâm sự rằng họ lo ngại cho cuộc sống trong những ngày sắp tới vì rất khó tìm việc làm. Một số nhân công nhập cư đến Đà Nẵng, làm việc cho các dự án xây dựng đang phải qua ngày bằng mấy gói mì tôm và từ lòng hảo tâm của người dân địa phương.
<i>Khả năng chi trả của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện tại đang rất bấp bênh. Ngay cả doanh nghiệp không có tiền chi trả cho người lao động thì buộc họ phải nghỉ việc thôi. Thông thường ở Việt Nam khi người lao động nghỉ việc thì họ về quê hết. Từ đó, việc kêu gọi họ trở lại thành phố làm việc thì không phải là điều dễ dàng. Chính vì thế mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải có một sự hỗ trợ tức thời. Tôi cho rằng gói hỗ trợ hơn 18 nghìn tỷ còn quá nhỏ để giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo tôi thì gói hỗ trợ tối thiếu phải lên đến từ 100 đến 300 nghìn tỷ thì mới có thể tương đối hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Chứ gói hỗ trợ mười mấy nghìn tỷ thì không thấm vào đâu cả<br/>-Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu</i>
Trong lĩnh vực du lịch, ngành công nghiệp không khói mang về cho Việt Nam 726 ngàn tỷ đồng năm 2019. Tuy nhiên, ngành này được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19.
Một hướng dẫn viên du lịch, ở TP.HCM, lên tiếng với RFA rằng chỉ làm việc được 2 tháng và bị thất nghiệp đến 6 tháng trong năm nay. Thế nhưng, anh không hưởng được tiền thất nghiệp hay trợ cấp nào do dịch bệnh tác động.
“Tôi cũng làm giấy tờ thì họ bảo rằng trường của tôi không được hỗ trợ. Theo thông báo thì tất cả đối tượng bị tác động bởi dịch COVID-19 mất công ăn việc làm thì được hưởng hết. Nhưng khi trình giấy tờ thì họ nói rằng tôi thuộc diện lương cao do làm công việc dẫn tour du lịch nên không được xét duyệt.”
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, công bố tại cuộc họp báo vào ngày 10/7, ở Hà Nội, cho thấy có đến 30,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 trong Quý II năm 2020. Trong số này có 2,4 triệu người bị mất việc. Và, tỷ lệ thất nghiệp cả nước trong Quý II tăng 2,73%, tương đương 1,3 triệu người. Số người bị giảm thu nhập do dịch COVID-19 trong Quý II vào khoảng 17,6 triệu, chiếm tỉ trọng hơn 57% số người bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Trong cuộc trao đổi với Báo mạng VnExpress hồi đầu tháng 8, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Lê Văn Thanh cho biết tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị trong Quý II năm 2020 là cao nhất 10 qua, ở mức 4,46%. Tuy nhiên, ông Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng thị trường lao động Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi và thị trường việc làm tại Việt Nam sẽ khả quan hơn nếu như kiểm soát được dịch bệnh tốt.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng đề cập đến kịch bản xấu nhất mà Cục Việc làm, thuộc Bộ lao động-Thương binh-Xã hội dự liệu có thể xảy ra trong Quý III năm nay là số lao động mất việc làm trung bình từ 600 đến 700 ngàn người/tháng, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng tăng 70% và số lao động bị ngừng việc, giảm việc, giãn việc dao động từ 3,5 đến 5 triệu người.

Doanh nghiệp và người lao động trông đợi gì từ Chính phủ?
Về hoạt động của doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê ghi nhận tính đến cuối tháng 6/2020 có 29.200 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh và 7.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Đài RFA trao đổi với một số doanh nghiệp vừa và nhỏ và được cho biết là họ đang cầm cự rất đỗi gian nan vì chưa kịp trở mình sau đợt dịch bùng phát kéo dài suốt gần 4 tháng thì lại tiếp tục đợt dịch tái phát. Không ít doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính, mà báo giới trong nước mô tả là doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ “khó như lên Trời”.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 8, Bộ lao động-Thương binh-Xã hội vừa đề xuất một gói hỗ trợ lần thứ nhì với 18.600 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh, người lao động mất việc làm…
Chuyên gia tài chính kinh tế-độc lập, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, vào tối ngày 2/9 nói với RFA về gói hỗi trợ mới vừa nêu:
“Đó là điều mà chúng ta phải chờ xem. Tại vì trong gói hỗ trợ trước cũng đã đưa ra các tiêu chí, nhưng đến cuối cùng cũng không có bao nhiêu doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ đó. Thành ra lần này hy vọng là nếu mà Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đưa ra những tiêu chí chặt chẽ hơn và họ thực hiện đúng theo các tiêu chí đó thì có thể doanh nghiệp sẽ được hưởng quyền lợi trong gói hỗ trợ này.”
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh vấn đề hỗ trợ phải được thực hiện nhanh chóng:
“Vấn đề quan trọng nhất cho doanh nghiệp hiện tại là vấn đề thanh khoản, tức là khả năng chi trả cho thuê mặt bằng, chi trả cho người lao động, thanh toán cho nhà cung cấp, trả nợ cho ngân hàng, trả thuế cho Chính phủ và các loại phí khác…Khả năng chi trả của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện tại đang rất bấp bênh. Ngay cả doanh nghiệp không có tiền chi trả cho người lao động thì buộc họ phải nghỉ việc thôi. Thông thường ở Việt Nam khi người lao động nghỉ việc thì họ về quê hết. Từ đó, việc kêu gọi họ trở lại thành phố làm việc thì không phải là điều dễ dàng. Chính vì thế mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải có một sự hỗ trợ tức thời. Tôi cho rằng gói hỗ trợ hơn 18 nghìn tỷ còn quá nhỏ để giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo tôi thì gói hỗ trợ tối thiếu phải lên đến từ 100 đến 300 nghìn tỷ thì mới có thể tương đối hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Chứ gói hỗ trợ mười mấy nghìn tỷ thì không thấm vào đâu cả.”
<i>Theo ước tính có đến 30 triệu lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Còn số người bị mất việc lên đến hàng triệu người. Do đó, gói cứu trợ 62 ngàn tỷ mà Chính phủ tuyên bố áp dụng không chỉ hỗ trợ cho người lao động mà còn hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh lại cho rằng số tiền hỗ trợ quá là nhỏ bé, cũng không làm được gì cả. Thế thì ngay cả trong trường hợp gói hỗ trợ đó được giải ngân nhanh hơn, thủ tục giấy tờ bớt rườm rà hơn thì quả thật cũng không có ý nghĩa gì nhiều. Những người lao động nói rằng điều họ mong chờ nhất là sớm có công ăn việc làm, chứ cũng không trông chờ gì vào gói cứu trợ đó cả<br/>-Ông Benn Đặng</i>
Ông Benn Đặng, tổng thư ký Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam, trong cùng tối ngày 2/9 cũng đưa ra nhận xét tương tự:
“Trong trường hợp ngay cả điều đó xảy ra thì khả năng cứu trợ của Chính phủ cũng quá nhỏ bé, tại vì lực lượng lao động ở Việt Nam quá là đông. Theo ước tính có đến 30 triệu lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Còn số người bị mất việc lên đến hàng triệu người. Do đó, gói cứu trợ 62 ngàn tỷ mà Chính phủ tuyên bố áp dụng không chỉ hỗ trợ cho người lao động mà còn hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh lại cho rằng số tiền hỗ trợ quá là nhỏ bé, cũng không làm được gì cả. Thế thì ngay cả trong trường hợp gói hỗ trợ đó được giải ngân nhanh hơn, thủ tục giấy tờ bớt rườm rà hơn thì quả thật cũng không có ý nghĩa gì nhiều. Những người lao động nói rằng điều họ mong chờ nhất là sớm có công ăn việc làm, chứ cũng không trông chờ gì vào gói cứu trợ đó cả.”
Đại diện của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam cho rằng điều đáng quan ngại nhất là người lao động đang phải đối diện với bữa ăn, chỗ ở hàng ngày và chi phí học hành của con cái họ. Vì vậy, việc Chính phủ cần làm là tạo công ăn việc làm cho người lao động.
“Tôi chỉ sợ không có công việc làm, chứ không lo lắng dịch bệnh. Tới đâu hay tới đó.”
Đó là tâm tình của các công nhân Đài RFA có dịp trao đổi. Và, một vài chuyên gia kinh tế trong nước, như tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định rằng khi Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách nhanh chóng và tích cực thì từ đó người lao động sẽ có được công ăn việc làm.