Sở hữu toàn dân về đất đai chỉ làm thiệt hại cho Đảng và Nhà nước

0:00 / 0:00

Cổng thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới đây đã cho đăng bài cho rằng những ý kiến kêu gọi nên thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa nhận chế độ đa sở hữu đất đai giống như nhiều nước khác ‘là sai lầm’.

Trong khi một số chuyên gia phê phán chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là ‘mù mờ về mặt pháp lý’, vì không xác định được ai là chủ sở hữu trong các quan hệ đất đai, nhất là khi xảy ra tranh chấp... , cơ quan này cho rằng nếu tư hữu về đất đai sẽ có nhiều điều kiện bất lợi cho Việt Nam ngay cả khi chưa xét đến yêu cầu định hướng xã hội chủ nghĩa. Tư hữu cũng sẽ làm xáo trộn quan hệ sở hữu, sử dụng đất đai hiện tại mà không đem lại lợi ích cho người sử dụng đất cũng như quốc gia.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, khi trả lời RFA từ Na Uy hôm 31/3, bày tỏ không đồng tình với giải thích của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

“Về vấn đề sở hữu đất đai và tài sản trên đất thì chính quyền nên cho phép đa dạng các hình thức sở hữu. Làm như vậy nó sẽ giúp làm dễ dàng các giao dịch trong thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển dễ dàng. Việc có các sự đa dạng trong sở hữu và nhà nước bảo vệ bằng pháp luật nó còn giúp các nhà đầu tư yên tâm bỏ tiền vào phát triển thị trường địa ốc. Sự phát triển của thị trường địa ốc lúc này sẽ có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư khác nhau và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.”

Nhà nước nắm quyền sở hữu đất đai nhưng nhà nước là một thực thể rất lớn, và khi quá lớn thì lại mất kiểm soát. Sự mất kiểm soát dẫn đến quá trình quản lý đất đai do đó trở thành cơ hội kiếm chác của giới quan chức địa phương.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ

Ngược lại, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, việc duy trì hình thức sở hữu toàn dân, tức nhà nước nắm quyền sở hữu như hiện nay, thì đất đai nghiễm nhiên trở thành tài sản của nhà nước. Nhà nước có quyền tiếp tục cấp pháp, duy trì quyền sử dụng cho nhiều người đáng lẽ là chủ đất và tài sản trên đất. Điều này chỉ khiến cho giới đầu tư bất an rằng việc đầu tư vào đất đai là có một rủi ro về mặt hành chính. Và khi mà có rủi ro thì tất dẫn đến chi phí để xử lý, bảo hộ khỏi rủi ro, và những chi phí đó rơi vào chỗ tham nhũng. Ông Vũ giải thích thêm:

“Nhà nước nắm quyền sở hữu đất đai nhưng nhà nước là một thực thể rất lớn, và khi quá lớn thì lại mất kiểm soát. Sự mất kiểm soát dẫn đến quá trình quản lý đất đai do đó trở thành cơ hội kiếm chác của giới quan chức địa phương. Từ đó dẫn đến vô số vụ chiếm đất, cưỡng đoạt đất đai, xử lý đất đai không đúng với pháp luật, nhưng người bị hại không thể kêu oan vì họ phải đối chọi lại giới quan chức địa phương.

Nói như vậy để thấy rằng việc tiếp tục chính sách sở hữu toàn dân chỉ làm thiệt hại cho chính Nhà nước và hình ảnh của Đảng Cộng sản. Các cấp dưới ở địa phương họ muốn duy trì vì đây là cơ hội kiếm chác của họ. Chính quyền trung ương trong một thời gian dài ngó lơ vì muốn nhận được sự ủng hộ của địa phương.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, đã đến lúc chính quyền trung ương phải cải tổ lại chính sách này nếu họ muốn vực dậy nền kinh tế, vì thị trường phát triển bất động sản ở mọi quốc gia luôn là một nhánh kinh tế đem lại nhiều thâm dụng lao động, cung cấp một sức bậc cho sự phát triển quốc gia.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không phủ nhận quyền sử dụng đất của các pháp nhân, chỉ yêu cầu các pháp nhân này sử dụng đất đúng mục đích được giao cũng như bảo hộ lợi ích của chủ sử dụng đối với tài sản của họ là quyền sử dụng đất.

000_8Q969M.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Mù Cang Chải tháng 9 năm 2020. AFP.

Khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 31/3, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, cho rằng, cần phải quy định rõ hơn về vấn đề này:

“Sở hữu đất đai là đặc biệt, không bao giờ tư nhân hay công hữu một cách đầy đủ, nhằm phát triển... đó là nói trong hoàn cảnh chấp nhận kinh tế thị trường và có đầu tư phát triển, như Bắc Hàn thì tôi không bàn tới. Đối với những nước có như cầu phát triển, ngay cả những nước chấp nhận sở hữu tư nhân thì người nắm giữ đất cũng không có quyền toàn bộ. Hiện nay Việt Nam cứ loay hoay với việc nên chấp nhận chế độ sở hữu nào, dưới góc độ sở hữu đồ vật cụ thể, chính vì vậy nó cứ quẩn quanh chuyện này.”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, chấp nhận chế độ sở hữu đất đai toàn dân hay cho tư nhân sở hữu đất đai cũng đều được, vì đó chỉ là một thuật ngữ. Tuy nhiên ông nói tiếp:

“Điều quan trọng là luật phải quy định rõ, Nhà nước quyền đến đâu, được làm gì, người giữ đất được có những quyền nào và được làm gì... Câu chuyện nằm ở đó thôi, đó là sở hữu đất đai đích thực phù hợp với cơ chế thị trường, thì Việt Nam có thể đi từ chế độ công hữu mở rộng đi lại từ bên phải... Hoặc chấp nhận chế độ sở hữu tư nhân hạn chế đi từ bên trái. Còn thuận ngữ sở hữu gì chỉ mang tính biểu tượng, chứ không phải là nội dung cụ thể. Luật đất đai lần này sử phải làm rõ được nhà nước quyền đến đâu, tư nhân quyền đến đâu... trong tất cả các trường hợp khác nhau về người sử dụng, người nắm giữ, cũng như thể loại đất. Đừng lấy cái lý sở hữu đồ vật để nói về sở hữu đất đai.”

Điều quan trọng là luật phải quy định rõ, nhà nước quyền đến đâu, được làm gì, người giữ đất được có những quyền nào và được làm gì... Câu chuyện nằm ở đó thôi, đó là sở hữu đất đai đích thực phù hợp với cơ chế thị trường.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Không chỉ phê phán ý kiến nên thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn cho rằng sở hữu tư nhân về đất đai trong điều kiện kinh tế thị trường là điều bất lợi, vì sẽ dẫn đến tình trạng phân hóa giàu nghèo khiến người sở hữu quá nhiều đất, người không có tấc đất cắm dùi, nhất là tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp của người giàu.

Liên quan vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết ý kiến của mình:

“Muốn hay không muốn thì đất đai có yếu tố được thụ hưởng toàn dân. Vậy thì nó nằm ở sắc thuế như thế nào để toàn bộ người dân được thụ hưởng về đất đai. Tôi cho rằng người càng có nhiều đất mà sử dụng hiệu quả thì càng nên khuyến khích. Đừng nhìn vào đó để tị nạnh, có những người không có đất nông nghiệp thì sao? Phải có hệ thống kiểm soát hiệu quả sử dụng đất như thế nào? Sử dụng tốt có thể động viên nhận chuyển nhượng thêm, có thêm đất để phát triển. Nếu sắc thuế phù hợp thì người sử dụng đất không hiệu quả sẽ tự tìm cách chuyển nhượng đi.”

Luật Đất đai nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định rõ, đất đai là sở hữu toàn dân. Tuy nhiên người dân thực chất không có quyền sở hữu, mà khi mua đất hay đất do ông bà cha mẹ để lại... thì sẽ được nhà nước cấp cho giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trả lời RFA từ Hà Nội hôm 31/3, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nói:

“Họ đã đánh tráo khái niệm, làm tù mù vấn đề bằng những nhận thức hồ đồ. Bởi vì lịch sử tiến hóa của nhân loại do một bộ tộc, gia đình nào đấy chiếm đoạt, tức là họ đi đến cư trú khai thác làm ăn... Ban đầu là của chung của bộ tộc ấy, từ từ khi lực lượng sản xuất phát triển thì từng gia đình có quyền sống riêng lẻ... Và mặc nhiên họ có quyền sở hữu đất đai, ở vùng mà họ khai thác được. Từ xưa đến giờ người ta vẫn công nhận như vậy, và công nhận có quyền sở hữu tư nhân của đất đai. Trừ những người cộng sản tạo ra nhận thức có vẻ có lý, nhưng thật ra là phi lý để đánh lừa nhân dân, từ đó cướp đoạt đất đai cho dễ.”

Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng, Luật đất đai phải sửa để công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Đó là lẽ công bằng mà nhân loại đã thiết lập được cho đến hôm nay. Theo ông Mai, nếu xử lý vấn đề này có văn hóa, có đạo lý... thì xã hội sẽ ổn định... và sẽ không có những vụ việc tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân như Đồng Tâm, Thủ Thiêm hay Lộc Hưng... gieo rắc đau đớn cho con người. Vì vậy, để tiến tới, ông Nguyễn Khắc Mai khuyên những nhà chính trị lãnh đạo Đảng, Quốc hội mới tại Việt Nam cần nghiên cứu để có những bước tiến mới nhằm xử lý vấn đề đất đai cho tốt.