Nhà nước định giá sách giáo khoa: Ma trận “lợi ích nhóm” của quan chức giáo dục?

0:00 / 0:00

Quản không được thì bỏ qua

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV hôm 16/6 vừa thông qua Nghị quyết về việc sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật giá.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khi trả lời báo chí Nhà nước trong cùng ngày biện minh sở dĩ có sự chuyển dịch này là do quy định hiện hành về điều tiết giá sách giáo khoa không thực sự hiệu quả...

Trả lời RFA hôm 17/06/2022 từ Sài Gòn về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:

“Cái đó có thể nói là quay 180 độ. Trước đây có thể nói sách giáo khoa rẻ vì nó được trợ giá, còn bây giờ giao cho thị trường quyết định. Mà sách nếu không có yếu tố gì khác, thì nó đã mắc hơn cũ rồi. Vì từ năm 1999 cho đến bây giờ, ăn tô phở cũng đâu như năm 99, bây giờ nó đắt hẳn. Nếu so sánh sách giáo khoa với tô phở từ năm 99 đến nay, thì sách giáo khoa không đắt hơn, sách cũng chỉ tăng theo kiểu của phở tăng. Tất nhiên dù tăng ít thì cũng đánh vào túi tiền của người dân, và khi tăng thì người ta la làng, đứng về phía dân thì ai hiểu được.”

Thật ra, theo lời của Tiến sĩ Hoàng Dũng, cũng có nhiều nguyên nhân để sách giáo khoa tăng giá, từ chuyện trượt giá cho đến chuyện Nhà nước cắt phần trợ cấp... Ông nói tiếp:

“Bây giờ Nhà nước quyết định giá thì Nhà nước phải chi tiền cho anh in sách chứ, vì đã giao cho họ theo kiểu kinh tế thị trường, có nghĩa nếu bán người ta không mua thì lỗ. Hiện nay ít nhất cũng có mấy bộ cạnh tranh với nhau. Bây giờ Nhà nước cấm bán theo giá thị trường thì phần chênh lệch Nhà nước phải bù vào, nghĩa là phần nào đó quay về cách cũ. Nếu quay về cách cũ, thì riêng sách giáo khoa tôi thấy không có vấn đề nhiều lắm. Nhưng tôi sợ cách cũ là cách khác, tức trở về như trước đây một chương trình một bộ sách giáo khoa. Trong khi hiện nay là một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, đó là một tiến bộ.”

Nhưng tôi sợ cách cũ là cách khác, tức trở về như trước đây một chương trình một bộ sách giáo khoa. Trong khi hiện nay là một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, đó là một tiến bộ.
-Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng

Luật giá năm 2012 quy định, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách đã kê khai.

Tuy nhiên một người làm trong ngành giáo dục ở TPHCM không muốn nêu tên cho RFA biết, dù Nhà xuất bản phải trình Bộ Tài chính giá sách giáo khoa trước khi công bố ra thị trường... nhưng không bao gồm các loại sách bổ trợ. Trong khi giá công bố bán lại phải theo yêu cầu của Bộ, nghĩa là gồm có cả sách bổ trợ. Theo người này, đây có thể là một kẽ hở.

Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội nói với RFA hôm 17/6:

“Về giá cả thì nói thật sách giáo khoa là một thứ đặc biệt. Nếu để ở thị trường tự do thì giá của nó phải chấp nhận theo giá thị trường. Theo tôi, sách giáo khoa phổ không nên xem là sách giáo dục đặc biệt, không nên để nó theo thị trường tự do quyết định. Nhưng giá như vừa rồi mà báo chí đăng 500.000 một bộ theo tôi không hề cao nếu đúng kinh tế thị trường. Bởi vì bây giờ rất nhiều nhóm sách được tự biên soạn, in ấn, phát hành theo khung chung của bộ, Nhà nước nên quyết định sách giáo khoa phục vụ ngành giáo dục và can thiệp. Nhưng không phải ép giá người ta thế này thế kia, để người ta lỗ... mà phải chi ngân sách ra để hỗ trợ các nhà xuất bản khác nhau nhằm hạ giá xuống, cho người ta không bị lỗ khi phục vụ học sinh. Chứ bây giờ tư nhân in sách giáo khoa mà bắt người ta bán giá lỗ thì làm sao người ta chấp nhận được.”

sgk-700.jpg
Ảnh minh họa. Quầy bán sách giáo khoa lớp 1. RFA PHOTO.

Kiểm soát giá hay tăng quyền lợi nhóm

Trong khi đó, tại Phiên thảo luận ở Quốc hội về vấn đề giá sách giáo khoa, đại diện Bộ Tài chính lại cho rằng, chi phí phát hành đang chiếm khoảng 23% trong cơ cấu giá sách giáo khoa và cho rằng đây chính là một trong những lý do khiến sách giáo khoa mới có giá thành cao.

Để tìm hiểu thêm, RFA hôm 17/6 liên lạc PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá thuộc Bộ Tài chính, và được ông giải thích:

“Vấn đề đưa sách giáo khoa vào hàng hóa đặc biệt và Nhà nước định giá thế thì dù muốn hay không muốn thì so với cơ chế thị trường, sản phẩm độc quyền thì Nhà nước vẫn định giá, nhưng phải định giá sát với giá thị trường, không thể phi thị trường. Nhưng theo quan điểm cá nhân tôi, đối với sách giáo khoa, đã giao giáo dục là quốc sách và vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của một quốc gia... nên đối với đối tượng sách giáo khoa phổ thông thì Nhà nước cần phải có chính sách trợ giá, hỗ trợ, giúp đỡ... Nếu nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, hạn hẹp thì phải mời nhiều đối tượng, nhưng đây là hàng hóa đặc biệt nên dù xã hội hóa thì vẫn phải có chính sách hỗ trợ, xã hội hóa ở khâu nào? Chẳng hạn như khâu in ấn, phát hành... còn khâu biên tập có thể dùng tiền ngân sách nhà nước.”

Muốn sách giáo khoa có giá rẻ cho học sinh dùng thì rất dễ mà không cần phải làm luật rườm rà. Chỉ cần cố gắng chắt lọc, giảm bớt số lượng sách, chỉ cần những sách rất cơ bản, giữ nguyên nội dung cố định ít nhất là 10 năm, và trong khi đó thầy cô có thể thêm những nội dung tham khảo tuỳ chọn thêm.
-Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ

Còn Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ khi trả lời RFA từ Na Uy hôm 17/6, thì cho rằng, có rất nhiều cách giải quyết mà không cần phải sửa luật:

“Thực ra ai cũng biết là Bộ Giáo dục là nơi tham nhũng một cách trắng trợn, trơ trẽn và công khai nhất. Bằng chứng là Bộ này cố tình liên tục thay đổi các bộ sách giáo khoa và kèm với nó là tăng số lượng sách không cần thiết để bắt gia đình các học sinh phải mua, mà ai cũng biết sự thật đằng sau nó là lợi nhuận khổng lồ từ việc bán sách này sẽ được chia chác giữa các nhà xuất bản và các quan chức của Bộ Giáo dục.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, muốn hỗ trợ chi phí sách giáo khoa cho các gia đình học sinh nghèo khó rất dễ. Dễ nhất là liệt kê những địa phương nào có học sinh khó khăn, chính quyền thông qua thư viện trường sẽ cho các em mượn sách để học. Cuối năm học xong, các em sẽ trả lại thư viện để cho các bạn khác được mượn. Học sinh nào giữ sách sạch sẽ, sẽ được khen thưởng. Ông Vũ cho biết tiếp:

“Còn muốn sách giáo khoa có giá rẻ cho học sinh dùng thì rất dễ mà không cần phải làm luật rườm rà. Chỉ cần cố gắng chắt lọc, giảm bớt số lượng sách, chỉ cần những sách rất cơ bản, giữ nguyên nội dung cố định ít nhất là 10 năm, và trong khi đó thầy cô có thể thêm những nội dung tham khảo tuỳ chọn thêm. Làm được như vậy thì sách cũ sẽ được tái sử dụng nhiều lần. Nếu sách mới đắt quá thì gia đình học sinh sẽ mua sách cũ học. Nhà xuất bản buộc phải hạ giá sách mới nếu muốn bán được sách. Cuối cùng thì giá sách mới sẽ không cao hơn bao nhiêu so với sách cũ.”

Còn nếu Bộ Giáo dục có tâm, thì theo ông Vũ, chỉ cần đăng tải những bộ sách giáo khoa bản điện tử lên trang web của bộ mình. Ai cũng có thể tải về để học, và ai cũng có thể tải về để in ra bán. Sách điện tử này được xem như tài sản công của quốc gia. Lúc này thì giá sách giáo khoa sẽ chỉ bằng xấp xỉ giá in.

Những giải pháp vừa nêu theo Tiến sĩ Vũ rất dễ thực hiện, nhưng ông cho rằng, nó khó mà vượt qua được ma trận lợi ích nhóm của Bộ Giáo dục khi mà một nhóm quan chức cấu kết với các nhà xuất bản để móc túi các gia đình học sinh.