TP.HCM đề xuất quy định cây xăng bán hàng tối thiểu 12 giờ một ngày. Đây bị cho là đề xuất vô lý vì Nhà nước định giá xăng nhưng không trả lương nhân viên cũng như tiền mặt bằng kinh doanh cho các chủ cây xăng.
Sở Công Thương TP.HCM đang lấy ý kiến dự thảo tờ trình, quyết định ban hành quy định giờ bán hàng, các trường hợp dừng bán hàng, quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP.HCM. Theo lý giải của Sở Công Thương TP.HCM, việc quy định chi tiết về giờ bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhằm dễ dàng xử lý các hành vi vi phạm nếu có.
Theo dự thảo, tổng thời gian bán hàng trong một ngày và giờ bán hàng cụ thể trong ngày do thương nhân có cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự xác định theo thực tế, phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, nhưng “phải đảm bảo tối thiểu 12 giờ trong một ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật). Đồng thời phải đảm bảo không mở cửa bán hàng trễ hơn 6h và không đóng cửa bán hàng trước 18h hàng ngày”.
Tôi rất lấy làm quan ngại về việc sử dụng các công cụ hành chính, mà tôi nghĩ cần phải điều chỉnh các các tỷ suất lợi nhuận, các biên độ để bảo đảm cho các đại lý xăng dầu có mức lãi vừa đủ để họ có thể tiếp tục kinh doanh. - Tiến sĩ Kinh tế Lê Đăng Doanh
Đây bị cho là điều vô lý bởi xăng dầu được coi là mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý từ khâu nhập khẩu, định giá, quy định mức chiết khấu… các cửa hàng xăng dầu phải tuân theo dù bị lỗ.
Ông Châu, một người kinh doanh xăng dầu nói với RFA nguyên nhân hàng loạt cửa hàng xăng dầu phải đóng cửa cách đây hơn một tuần:
“Nhà nước chiết khấu giá cho nhà buôn lời được 150 đồng/lít xăng. Một chiếc xe bồn chở được 10.000 lít xăng. Như vậy người ta lời được 1.500.000 đồng. Mà 10.000 lít xăng này bơm vô cho đầy xe hai bánh thì phải bơm 3.000 chiếc xe. Để bơm xăng cho 3.000 chiếc xe thì cần 6 nhân viên làm việc 24 tiếng, tức là ba ca, nghĩa là phải trả lương tương đương 18 nhân viên, mỗi nhân viên tám tiếng.
Lương của nhân viên sẽ là bao nhiêu so với số lượng lời là 1.500.000 đồng cho một xe bồn? Như thế Nhà nước cũng phải có trách nhiệm chứ không chỉ nhà buôn.”
Ông Châu nói thêm "nếu Nhà nước khống chế giá bán rồi khống chế luôn giờ bán thì “chơi với ai!”.
Theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về Kinh doanh xăng dầu, các cây xăng thuộc quyền sở hữu của các thương nhân kinh doanh, nhập khẩu hoặc bán lẻ xăng dầu. Nhưng giá các sản phẩm xăng dầu do Liên Bộ Công Thương - Tài chính xác định và công bố.
Nếu cửa hàng muốn ngừng bán thì phải thông báo bằng văn bản về thời gian ngừng bán hàng gửi Sở Công Thương, trong đó ghi rõ lý do ngừng bán hàng. Cửa hàng chỉ được ngừng bán sau khi được Sở Công Thương chấp thuận bằng văn bản, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng (cháy nổ, lũ lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc bán hàng).
Tiến sĩ Kinh tế Lê Đăng Doanh thì cho rằng, Bộ Công thương và Bộ Tài chánh nên sớm xác định lại và ấn định một giá xăng hợp lý sao cho người bán xăng có lãi, không nên ra nghị định “bắt” họ phải bán theo ý mình. Với đề xuất mới đây của Sở Công thương TP.HCM, ông nêu quan điểm của mình với RFA:
“Việc cung ứng xăng dầu đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng là một điều rất cấp thiết cho nền kinh tế. Tôi rất lấy làm quan ngại về việc sử dụng các công cụ hành chính, mà tôi nghĩ cần phải điều chỉnh các tỷ suất lợi nhuận, các biên độ để bảo đảm cho các đại lý xăng dầu có mức lãi vừa đủ để họ có thể tiếp tục kinh doanh. Nếu không thì tình hình sẽ tiếp tục căng thẳng. Đấy là điều rất không hiệu quả đối với vận tải cũng như hậu cần. Cần phải hết sức tránh.”
Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ nêu ý kiến của mình với RFA từ Na Uy:
“Chính quyền có thể ra lệnh cho các cửa hàng xăng dầu phải mở ít nhất 12 giờ mỗi ngày nhưng không thể ra lệnh cho các cửa hàng phải phục vụ như thế nào. Và nếu cửa hàng không muốn phục vụ thì chính sách bắt buộc mở cửa trở nên vô nghĩa. Trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, muốn doanh nghiệp mở cửa để phục vụ khách hàng thì chính sách phải tạo ra cho họ một cơ hội để họ mưu tìm lợi ích của chính mình mà ở đây là lợi nhuận thông qua việc bán hàng. Còn nếu họ cảm thấy không có ích lợi khi tiếp tục việc bán hàng thì các quy định ép họ phải mở cửa cuối cùng sẽ trở nên vô nghĩa và không hiệu quả.”
Cách nay hai tuần, thống kê của Bộ Công thương cho thấy, hơn 100 cửa hàng xăng dầu ở TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk tạm ngưng bán hàng. Một số cửa hàng để bảng “hết xăng chờ nhập hàng”, “chiết khấu 0 đồng, doanh nghiệp thua lỗ hết tiền nhập hàng mong người tiêu dùng thông cảm”.
Bộ này lý giải, sở dĩ có hiện tượng một số cây xăng đóng cửa như vậy là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Bộ Công thương đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.
Trong khi đó, tại một cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ đầu tháng 10, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng việc một số doanh nghiệp xăng dầu nghỉ bán là do chiết khấu thấp, trong khi chi phí kinh doanh xăng dầu tăng cao nhưng chưa được đưa vào giá cơ sở. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu càng bán càng lỗ nên họ chỉ mở cửa bán nhỏ giọt hoặc nghỉ bán.
Theo cá nhân tôi thì đây là quan hệ giữa các cây xăng và Nhà nước là quan hệ hợp đồng dân sự. Họ tự thỏa thuận với nhau thôi. Nếu đã ký hợp đồng đồng ý như vậy thì họ tự thực hiện. Còn nếu họ cảm thấy quyền lợi bị ảnh hưởng thì họ thương lượng với nhau. Nếu không thương lượng được mà bị thiệt hại thì một trong hai có thể khởi kiện ra tòa. - Luật sư Hà Huy Sơn
Liệu đề xuất quy định cây xăng bán hàng tối thiểu 12 giờ một ngày của Sở Công thương TP.HCM có vi phạm quy định về kinh doanh hay không? Luật sư Hà Huy Sơn nêu quan điểm của ông với RFA:
“Theo cá nhân tôi thì đây là quan hệ giữa các cây xăng và Nhà nước là quan hệ hợp đồng dân sự. Họ tự thỏa thuận với nhau thôi. Nếu đã ký hợp đồng đồng ý như vậy thì họ tự thực hiện. Còn nếu họ cảm thấy quyền lợi bị ảnh hưởng thì họ thương lượng với nhau. Nếu không thương lượng được mà bị thiệt hại thì một trong hai có thể khởi kiện ra tòa.”
Vào ngày 27 tháng 10, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, cho rằng các cây xăng thường thiếu xăng dầu chủ yếu là của các doanh nghiệp nhỏ, không kinh doanh theo chuỗi, kênh bán lẻ. Hạn chế của những cây xăng như thế về bồn chứa, phương tiện vận chuyển... khiến họ không thể tiếp hàng kịp thời để bán ra.