Giáo viên hành xử bạo lực với học sinh!

Vụ việc mới nhất xảy ra hôm 19/11, chỉ một hôm trước ngày Nhà Giáo Việt Nam. Theo phản ánh của nhiều học sinh tại trường Trung học Cơ sở Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, một nam sinh lớp 6 vì nói bậy trong giờ học nên giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy phạt bằng cách yêu cầu 23 bạn khác trong lớp mỗi người tát 10 cái vào mặt em này. Kết quả người học sinh bị bạn cùng lớp tát 230 cái và cô chủ nhiệm tát cái cuối cùng phải nhập viện để điều trị.

Ngay sau vụ việc xảy ra, nhiều em học sinh cùng lớp cho biết đã từng có 10 bạn học sinh khác cũng từng bị tát như vậy trong lớp theo quy định của cô chủ nhiệm, nếu tát nhẹ sẽ bị phạt ngược lại.

Truyền thông trong nước dẫn lý do của cô chủ nhiệm cho rằng vì áp lực thi đua, học lực của học sinh yếu, thành tích của lớp luôn đứng cuối bảng xếp hạng toàn trường và dẫn đến giáo viên sẽ bị khiển trách, phê bình.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội chia sẻ với chúng tôi rằng, hành động này là quá tàn ác đối với cư xử của một giáo viên đứng trên giảng đường, mà đó là sự lạm dụng quyền lực. Thầy cho biết:

<i> Giáo viên phải coi học sinh là những đối tượng được phục vụ, nghề giáo là một nghề được coi là dịch vụ phục vụ người dân, chứ không phải nghề để ăn trên ngồi tróc bắt nạt các cháu.</i>

<i>- Đỗ Việt Khoa</i>

“Đối với biện pháp phạt này nếu đổ lỗi cho bệnh thành tích trong trường học theo tôi là không đúng, mà ở đây là bản chất của nó là một sự lạm dụng quyền lực. Tôi xin nhắc lại đó là sự lạm dụng quyền lực tại Việt Nam. Người giáo viên trên lớp luôn tự coi mình là một cái gì đó cao lắm hơn cả cha mẹ, hơn cả cảnh sát, hơn cả công quyền và họ coi học sinh là những đối tượng phải phục tùng, sai thì phạt và phạt rất nặng. Từ đó họ những biện pháp hành xử đối với những học sinh vi phạm lỗi nhỏ như là tội phạm. Thay vì giáo viên phải coi học sinh là những đối tượng được phục vụ, nghề giáo là một nghề được coi là dịch vụ phục vụ người dân, chứ không phải nghề để ăn trên ngồi tróc bắt nạt các cháu.”

Đồng ý với ý kiến của thầy Khoa, anh Nguyễn Minh Hùng một người dân sống tại Khánh Hòa nói với chúng tôi rằng, không thể chấp nhận đối với hành vi đó vì đó là hành vi bạo lực chứ không phải ‘giáo dục, uốn nắn’:

“Mình thấy đó là bạo lực của học đường, hồi xưa mình gọi là học sinh cá biệt nay mình gọi cái này là giáo viên cá biệt. không thể nào cho các bạn cùng lớp đánh một bạn khác như vậy được nó giống như là tập cho các em một thói quen là bạo lực, mà ở đây mới chỉ là phổ thông trung học mới lớp 6 mà thôi.”

Một giáo viên không muốn nêu tên trao đổi với chúng tôi qua tin nhắn rằng nghề giáo quan trọng nhất là đạo đức và phải có tâm. Vị này đặt vấn đề nếu biện pháp đó áp dụng với con mình thì sẽ phản ứng ra sao.

“Những cái tát đó sẽ ám ảnh em học sinh này suốt đời. Nếu đó là học sinh cá biệt thì người giáo viên phải có cách ứng xử khác để học sinh và phụ huynh nể trọng. Hành xử như vậy, chứng tỏ cô giáo này không có tâm và ko có tình thương. Nói đến áp lực công việc, thi đua ai cũng có nên đừng lấy những cái cớ đó ra để che lấp hành vi sai trái của mình”

Những hình phạt như vừa nêu diễn ra tại trường Duy Ninh không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra tại Việt Nam, mà còn có một số sự việc liên quan cũng được dư luận, báo chí bức xúc phản ánh liên tục trong những năm gần đây.

Theo báo Người Lao Động đưa tin, một giáo viên của trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương, Thành phố Hải Phòng đã dùng hình phạt bằng cách bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng, sau khi học sinh này vi phạm lỗi nói chuyện riêng trong giờ học. Một sự việc khác diễn ra tại trường tiểu học Kỳ Liên, Hà Tĩnh do phụ huynh bức xúc tố giáo viên chủ nhiệm đánh con mình đến tím lưng lên mạng xã hội.

Ngoài ra, một số vụ việc bị báo chí phản ánh về những hình thức phạt của các giáo viên đối với học sinh như tát vào mặt, véo tai, cầm cây đánh và nhiều loại hình phạt khác với lý do được cho là vi phạm nội quy của lớp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. (AFP)

Thầy Đỗ Việt Khoa khẳng định với chúng tôi rằng, nhận thức của các giáo viên Việt Nam hiện nay vẫn còn chậm thay đổi.

“Ngoài chuyện đánh học sinh bằng những cách như là tát, đấm đá, bạo hành học sinh bằng thể xác thì giáo viên còn hành hạ học sinh về mặt tinh thần như là mắng, chửi, sỉ nhục học sinh trong nhiều vụ việc mà báo chí vẫn thường xuyên đưa lên. Tôi cũng đã từng xử lý vài vụ giáo viên như vậy nên tôi thấy rằng nhận thức của giáo viên VN mình từ trước đến nay vẫn còn chậm thay đổi rất nhiều nơi vẫn diễn ra việc đó.”

Ngoài ra, thầy Khoa còn cho biết thêm, tại Việt Nam lâu nay người ta coi nghề nhà giáo ghê gớm lắm nên những ngày lễ mà không quà cáp thì sẽ không xong với thầy cô, họ công khai vòi vĩnh phụ huynh.

Anh Nguyễn Minh Hùng cũng đồng ý điều đó cho rằng, ngành giáo dục của Việt Nam hiện nay đã thương mại hóa.

“Ngành giáo dục của mình hiện nay nó thương mại hóa và chạy theo thành tích là nhiều. Nó không chú tâm như hồi xưa là tiên học lễ hậu học văn, cái câu khẩu hiệu như thế rồi thế mà những người giáo viên đại diện giáo dục đảm bảo nhân cách của một con người sau này phát triển mà làm thế này thì làm cho càng ngày càng đi xuống.”

Qua các vụ việc diễn ra, ban giám hiệu nhà trường luôn lên tiếng cho rằng sẽ họp kỷ luật và khiển trách trước toàn trường đối với những hành vi vi phạm với đạo đức của nghề giáo như thế.

Tuy nhiên, thầy Khoa cho rằng kỷ luật và khiển trách thì vẫn sẽ xảy ra nên cần phải xử lý nghiêm và khởi tố để làm gương cho các giáo viên khác.

“Trước hết các cơ quan chức năng, báo chí, dư luận, phụ huynh học sinh cùng nhau giám sát những biểu hiện đó ở trong nhà trường để có biện pháp ngăn chặn. Căn dặn nói với cha mẹ, người thân, những người có chức có quyền để người ta can thiệp. Chứ không nên im lặng, nhịn để cho cái bạo hành ấy tiếp diễn. Tại VN người ta im lặng trước các sự việc bạo hành, khủng bố của những người có chút quyền lực cho nên lâu nay nó không được xử lý triệt để.”

Đến ngày 26 tháng 11, có ý kiến thắc mắc tại sao người đứng đầu ngành giáo dục là ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn chưa lên tiếng gì về trường hợp cô giáo cho 23 học sinh cùng lớp tát bạn trước khi cô tát cái cuối cùng như thế!