Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (C08) thuộc Bộ Công an vào ngày 21/7 cho biết sẽ kiểm tra giao thông toàn quốc cao điểm từ tháng 7 đến tháng 9.
Báo trong nước loan tin cho hay đợt kiểm tra này sẽ huy động hàng ngàn cảnh sát giao thông cả nước được trang bị các loại phương tiện nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ để tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, chở quá tải...
Mục đích đợt kiểm tra giao thông cao điểm lần này được người đại diện C08 cho biết nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giúp người dân đi lại an toàn, thông suốt vào dịp lễ 2/9 trong nước sắp tới.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do tối 21/7, Nhà hoạt động xã hội dân sự Trần Bang từ Sài Gòn cho rằng với quy mô lớn trong đợt kiểm tra lần này, có thể thấy đây như một cuộc tổng kiểm tra giao thông. Tuy nhiên, có khác về mục đích:
“Đấy là nhằm vào chính trị chứ không thật sự nhằm vào trật tự an toàn giao thông. Không phải tổng kiểm tra mới trật tự an toàn giao thông mà cứ làm bình thường, làm hết khả năng theo chức danh, theo luật định đoạt, cho phép là tốt rồi. Còn này giống không bình thường, ở những trường hợp như chiến tranh, bão lũ, hoặc bạo động, bạo loạn mà anh buộc phải có những cái làm khác đi thông thường, làm thành đợt tổng kiểm tra theo kiểu thế này. Hoặc lâu lâu anh làm để anh rà soát, kiểm tra lại năng lực của dội ngũ chẳng hạn, còn đây vừa mới làm trong tháng 5, 6 bây giờ tháng 7 lại làm tiếp thì dân suốt ngày bị sợ hãi lo lắng, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người dân trong vấn đề tham gia giao thông.”
Sau đợt cả nước giãn cách xã hội, Cục Cảnh sát giao thông đã mở đợt tổng kiểm soát phương tiện từ ngày 15/5 đến 14/6.
Đối tượng tập trung vào ôtô kinh doanh vận tải hành khách, container, xe cá nhân và xe máy.
Kết quả công bố cho biết chỉ trong một tháng tổng kiểm soát, Cảnh sát giao thông toàn quốc đã lập biên bản trên 400.000 trường hợp; tước giấy phép lái xe 27.000 tài xế, tạm giữ 61.500 phương tiện.
Ngoài ra, hơn 20.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện; phát hiện gần 50.000 tài xế không có giấy phép lái xe, giấy phép lái xe giả...
Theo chị Ngọc Mỹ đang sống tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận những cuộc tổng kiểm tra giao thông như vừa qua đem lại mặt tốt khi giúp người tham gia giao thông cẩn thận hơn, tuy nhiên vẫn có mặt xấu nếu không kiểm soát tốt:
“Cũng có hiệu ứng tốt là cho người ta hạn chế việc ăn nhậu hay này kia mà đi xe. Đối với một vài người thì khi tiếp nhận người ta không thích, phản cảm vì người ta không quen đem giấy tờ hoặc có suy nghĩ ở Việt Nam lạm phát quá nhiều nên những trường hợp kiểm đột xuất như vậy ảnh hưởng nhiều. Tại vì cảnh sát ở Việt Nam hầu như kêu vô đều có những lỗi để bắt bẻ. Hoặc là phải có chốt chặn cố định để kiểm tra đoạn đường đó chứ không phải bất chợt gọi vô góc nào đó khuất, người dân sẽ đưa tiền cho cảnh sát để được đi, có hối lộ nhiều hơn. Nếu muốn kiểm tra thì bắt buộc giống như kiểu nước ngoài là nếu không đủ giấy tờ hay bị gì phải đóng phạt là bắt buộc phải lên chỗ đóng phạt để đóng, không phải đút tiền vô cho công an ăn rồi mình đi, coi như không có hiệu quả gì, tính kỷ luật không nghiêm.”
Còn Nhà báo Minh Hải, báo Quảng Nam lại cho rằng câu chuyện giao thông ở Việt Nam không chỉ mới đây mà sẽ còn kéo dai dẳng. Việc cảnh sát giao thông càng kiểm tra mà sai phạm cứ còn tiếp diễn, những chiếc xe vi phạm vẫn được chạy sẽ luôn là thắc mắc trong lòng người dân.
“Anh nghĩ pháp luật là thượng tôn, nếu làm đúng pháp luật dư sức hạn chế, chế tài đều có hết. Vấn đề là có làm đến nơi đến chốn để giải quyết dứt điểm hay không. Quan trọng bây giờ là những người chấp hành tham gia giao thông thắc mắc là có làm đến nơi đến chốn, làm đúng nghiêm minh pháp luật? Nếu làm nghiêm minh pháp luật thì ai cũng chấp hành, không ai dám phản kháng, bất tuân pháp luật, đó là cái người dân đang cầu mong làm nghiêm minh.”
Nhà hoạt động Trần Bang cho rằng nếu thật sự có lý do chính đáng thì ông hoàn toàn tán thành việc tổ chức những cuộc kiểm tra giao thông; tuy nhiên, phải có mức độ và thực hiện nghiêm minh:
“Thực sự ra việc cảnh sát giao thông là cần thiết, cứ trực bình thường, làm theo đúng điều lệ, điều lệnh, đúng chức năng, nhiệm vụ quy định của ngành từ trước đến nay tôi thấy là tốt rồi. Nhưng anh phải làm đàng hoàng, đừng để mang tai tiếng cứ chặn dân rồi xin tiền của dân, gây ảnh hưởng đến người dân. Người ta gọi đó là tham nhũng vặt nhưng theo tôi khôi phải vặt vì số lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông, rất nhiều, hàng chục triệu phương tiện. Cái đấy tích tiểu thành đại, tạo ra một tham nhũng rất lớn.”
Đồng quan điểm vừa nêu, nhà báo Minh Hải cho rằng phía người tham gia giao thông cũng cần thay đổi quan điểm:
“Nếu có ý thức giao thông thì không có chuyện can thiệp, nương tựa cơ quan công quyền nữa để lực lượng giao thông làm tự do. Nhờ vả dẫn đến nhiều chuyện, bộc lộ khiếm khuyết của giao thông nên không giải quyết triệt để được. Vì vậy đó mới là mấu chốt để người dân mong đợi giải quyết triệt để chuyện giao thông. Khi giải quyết được vấn đề này thì việc chấp hành giao thông ở Việt Nam an toàn hết.”
Trong Thông tư 65/2020 của Bộ Công an được thay thế Thông tư số 01/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông có quy định những điều luật mới liên quan đến việc thực hiện kiểm soát giao thông.
Trong đó bao gồm nội dung về việc thực hiện mệnh lệnh và kế hoạch kiểm soát giao thông theo kế hoạch tuần tra kiểm sát vi phạm theo chuyên đề được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, cảnh sát giao thông có quyền có văn bản đề nghị Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ cho đảm bảo an ninh trật tự cũng như đấu tranh phòng chống tội phạm.
Hai quy định nêu trên sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/8 tới đây.