Kêu gọi tự khai báo
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 28/12, dẫn nguồn từ Bộ Công an cho biết đang điều tra vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô và yêu cầu người sử dụng bằng giả do trường đại học này cấp nên tự trình báo.
Theo kết quả điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, đến thời điểm xác định sai phạm, trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân giả cho 193 người không qua tuyển sinh, đào tạo. Trong đó, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để dự xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. Các trường hợp sử dụng văn bằng giả mạo của Đại học Đông Đô được xác minh đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành; phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội, có người là giảng viên một cơ sở đào tạo đại học ngành tư pháp.
Cơ quan An ninh điều tra kêu gọi những người dử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô ra trình báo trước ngày 15/1/2021.
Liên quan vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Đại học Đông Đô, Cơ quan An ninh điều tra, hồi tháng 11 đã đề nghị truy tố bị can đối với 10 cựu lãnh đạo và cán bộ của trường đại học này. Đến trung tuần tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương truy bắt ông Trần Khắc Hùng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Đông Đô; đồng thời mở rộng điều tra vụ án và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ vào Quý I/2021.
Vụ việc Đại học Đông Đô làm bằng cấp giả và Bộ Công an tuyên truyền, nói rằng những người dùng bằng giả của Đại học Đông Đô nên ra tự thú. Việc làm đó của ngành công an có thể nói là chấp nhận được. Đây là một cách không sai về quy định pháp luật. Bởi vì họ nói như vậy để những người nào làm chuyện sai trái đó đến tự thú thì họ sẽ tùy theo từng trường hợp để xử lý theo luật hay xử phạt vi phạm hành chính. Còn một điều nữa, người ta thắc mắc tại sao không nêu danh sách những người dùng bằng giả đó, công khai danh tính ra. Đây cũng là bí mật điều tra của cơ quan điều tra nên họ cũng không nêu tên. Tại vì thứ nhất, đang trong quá trình điều tra và theo luật thì những người nào chưa bị kết án hoặc chưa bị xử phạt thì người ta vẫn còn là ‘nghi can’-Luật sư Đặng Dũng
Đài RFA ghi nhận ngay sau khi thông tin về vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Đại học Đông Đô được loan báo trên phương tiện truyền thông đại chúng, dư luận trong nước yêu cầu công khai danh tính 55 người đang sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô, được xác định là “những người có uy tín, vị trí chủ chốt tại các cơ quan ban, ngành”.
PGS-TS Hoàng Dũng, vào tối hôm 1/12 đã lên tiếng với RFA về vấn đề này.
“Một trong những điều khiến cho người dân tin rằng nhà nước quyết tâm giải quyết triệt để vụ này, là những người được cho là ‘có uy tín’ bỏ tiền ra mua bằng có được công khai danh tính hay không.
Tôi thấy không có lý do gì mà không công khai danh tính những người này. Mà nếu họ không công khai thì người dân bắt buộc phải đặt ra câu hỏi ai đứng đằng sau 55 người này. Và 55 người này chắc chắc không phải ‘dân đen’, bởi nếu ‘dân đen’ thì đã bị trị từ lâu. Những người này chắc có chức vụ gì đó nên họ không tiện công bố. Nếu vậy thì đây là cái thể chế đứng về phía những người có chức, có quyền chứ không phải đứng về phía công lý.”
Ý kiến trái chiều về Bộ Công an kêu gọi “tự trình báo”
Trước lời kêu gọi của Bộ Công an rằng những người dùng bằng giả của Đại học Đông Đô tự trình báo, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một người chống tiêu cực trong ngành giáo dục, vào tối ngày 30/12 nói với RFA về quan điểm của ông:
“Về vụ việc này tôi có theo dõi và cho rằng đấy là một kiểu không minh bạch đến nơi đến chốn của Bộ Công an. Với vị thế của một ngành quyền lực như ngành công an thì họ thừa khả năng để họ có đủ danh sách, không phải chỉ 55 người kia mà tôi nghĩ rằng họ có cả những danh sách của nhiều năm trước nữa về vi phạm của Đại học Đông Đô. Nếu họ cương quyết làm thì công cần ai phải ra đầu thú, tự khai cả. Họ gọi triệu tập là ra hết.”
Báo giới Nhà nước Việt Nam trong tháng 12 cũng đăng tải thông tin về thắc mắc của dư luận vì sao danh tính của 55 “nhân vật có uy tín dùng bằng giả” lại không được công khai và cơ quan nào có thẩm quyền trong việc công khai danh tính đó. Điển hình, nhà báo Nguyễn Như Phong vào đầu tháng 12 đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân yêu cầu “55 vị mua bằng giả của Đại học Đông Đô” từ chức; nếu không ông sẽ công bố danh tính của họ.
Báo mạng Công an nhân dân, vào hôm 19/12, dẫn lời của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Bộ Công an cho rằng công khai danh tính những người mua bằng tại trường Đại học Đông Đô là việc nên làm, song việc công khai đến mức độ nào cần phải tính toán để đảm bảo “thấu tình, đạt lý”. Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh và chúng tôi trích lại nguyên văn:
“Việc công bố công khai danh tính chỉ nên thực hiện trong cơ quan, không nên công khai rộng rãi trên báo chí. Điều này một mặt vừa đảm bảo tính nghiêm minh nhưng đồng thời cũng không đẩy người ta vào đường cùng. Đây có thể gọi là công khai một nửa, đúng mức và vừa phải”
Luật sư Đặng Dũng, vào tối ngày 30/12 cho RFA biết ý kiến của ông:
“Vụ việc Đại học Đông Đô làm bằng cấp giả và Bộ Công an tuyên truyền, nói rằng những người dùng bằng giả của Đại học Đông Đô nên ra tự thú. Việc làm đó của ngành công an có thể nói là chấp nhận được. Đây là một cách không sai về quy định pháp luật. Bởi vì họ nói như vậy để những người nào làm chuyện sai trái đó đến tự thú thì họ sẽ tùy theo từng trường hợp để xử lý theo luật hay xử phạt vi phạm hành chính. Còn một điều nữa, người ta thắc mắc tại sao không nêu danh sách những người dùng bằng giả đó, công khai danh tính ra. Đây cũng là bí mật điều tra của cơ quan điều tra nên họ cũng không nêu tên. Tại vì thứ nhất, đang trong quá trình điều tra và theo luật thì những người nào chưa bị kết án hoặc chưa bị xử phạt thì người ta vẫn còn là ‘nghi can’. Và hơn nữa họ cho biết những người sử dụng bằng giả đó là những người có ‘uy tín’. Bây giờ nêu tên như thế thì những cơ quan có các ông/bà sử dụng bằng gải đó lập tức bị tác dụng rất xấu. Người ta bàn tán và không tâm phục, khẩu phục.”
Luật sư Đặng Dũng trình bày thêm, khi đề cập đến ý kiến của Thiếu tướng Lê Văn Cương:
“Tôi nghĩ ông Thiếu tướng Cương chỉ là nói thêm vào thôi, chứ bây giờ những người đương chức trong ngành công an đang giải quyết thì chúng ta cũng tôn trọng để xem họ xử lý vụ việc rốt ráo như thế nào. Tôi nghĩ họ làm một cách thận trọng để xử lý một vụ có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay.”
Sai phạm của Đại học Đông Đô không phải chỉ xảy ra trong mấy năm vừa rồi, mà theo tôi theo dõi thì đã xảy ra từ thời kỳ ngay khi trường đại học này mới được thành lập. Trường Đại học Đông Đô bị sai phạm ghê gớm. Lỗi của họ lập đi lập lại nhiều lần trong nhiều năm và không được xử lý đến nơi đến chốn nên cứ tái phạm đi, tái phạm lại. Tôi cho rằng nếu phép nước nghiêm thì Đại học Đông Đô sẽ phải bị đóng cửa sau vụ việc này. Phải cương quyết đình chỉ, giải tán trường đại học này ngay và cương quyết không để cho nó núp bóng ‘trường đại học’ để làm ra những sai phạm tày trời kéo dài mấy chục năm-Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Qua trao đổi với RFA, luật sư Dặng Dũng và thầy giáo Đỗ Việt Khoa đều tỏ ra đồng thuận với yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là phải xử lý đến nơi đến chốn vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại trường Đại học Đông Đô. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhấn mạnh:
“Sai phạm của Đại học Đông Đô không phải chỉ xảy ra trong mấy năm vừa rồi, mà theo tôi theo dõi thì đã xảy ra từ thời kỳ ngay khi trường đại học này mới được thành lập. Trường Đại học Đông Đô bị sai phạm ghê gớm. Lỗi của họ lập đi lập lại nhiều lần trong nhiều năm và không được xử lý đến nơi đến chốn nên cứ tái phạm đi, tái phạm lại. Tôi cho rằng nếu phép nước nghiêm thì Đại học Đông Đô sẽ phải bị đóng cửa sau vụ việc này. Phải cương quyết đình chỉ, giải tán trường đại học này ngay và cương quyết không để cho nó núp bóng ‘trường đại học’ để làm ra những sai phạm tày trời kéo dài mấy chục năm.”
Nhà báo Nguyễn Như Phong chia sẻ trên trang Facebook của ông rằng đáng lẽ ngày 30/12 ông sẽ công bố danh tính của 55 người mua bằng giả Đại học Đông Đô. Tuy nhiên, ông nhận được thông tin 55 người đó hầu hết đã bị thu bằng cũng như đã bị xử lý và vụ án đang trong quá trình điều tra thì không được tiết lộ tài liệu.
Nhà báo Nguyễn Như Phong khẳng định rằng ông có niềm tin vụ án này sẽ được giải quyết đến nơi đến chốn qua những gì Chính phủ, Bộ Công an và Cơ quan An ninh điều tra đang tiến hành.