Chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử với giới hoạt động về hành động khủng bố tinh thần

Những ngày gần đây, căn nhà của ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Đà Nẵng ở đường Lê Lợi, thành phố Đà Nẵng đã trở thành tâm điểm của sự chú ý của dư luận, mà đỉnh điểm là vào ngày 5/4 vừa qua khi cửa nhà ông bị ai đó sơn đen dòng chữ Ấ Dâm (tức ấu dâm) và vứt chất bẩn trước cổng.

Ông Linh là người đã bị phát hiện sàm sỡ một bé gái trong một thang máy ở một chung cư tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1 tháng 4 vừa qua và được camera ghi lại, khiến dư luận bức xúc.

Nhiều người dân sau đó đã đến nhà ông để chụp hình tạo dáng đưa lên mạng, thậm chí treo cả quần lót trước cửa để chụp hình.

Vào ngày 5/4/2018 sau khi nhận được tin báo từ người dân thì công an quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường, tuần tra, điều tra và xử lý những người đã xịt sơn lên cổng nhà ông Linh. Đồng thời nhắc nhở người dân không nên quá khích dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, một nhà hoạt động tại Hà Nội cho chúng tôi biết đó chỉ là hành động phẩn nộ của người dân trước một vụ việc xã hội bằng nhiều cách khác nhau, người dùng ngòi bút, người trò chuyện và có người sử dụng hành động để thể hiện bức xúc của mình.

“Bình thường người dân đã không ưa các quan chức nhà nước rồi giờ lại vi phạm phát luật mà được những người có chức có quyền bao che cho sự việc này. Người dân đã biết rõ từ xưa đến nay rồi nên đó cũng là bình thường của xã hội thôi, đó cũng chỉ là hành động thể hiện sự phẩn nộ hôi, ở các nước khác các quan chức bị người dân ném trứng thối thì đó là thể hiện sự phẩn nộ mà thôi và bình thường thôi.”

Chúng tôi liên lạc với luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn để hỏi về vụ việc và được luật sư chia sẻ rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật nhưng điều đáng nói ở đây là sự nhanh chóng của cơ quan chức năng Đà Nẵng trong việc giải quyết vụ việc nhà ông Linh trong khi các vụ việc vẽ bẩn và phá hoại nhà của những người bất đồng chính kiến thì dường như không mấy được chú ý:

“Đích thân chủ tịch ủy ban nhân dân có ý kiến chỉ đạo cơ quan công an truy tìm những người xịt sơn chứng tỏ rất sốt xắn, thật ra đó cũng là điều tốt nhưng giá như tất cả mọi trường hợp như vậy đều được xử lý nhanh như vị chủ tịch thành phố Đà Nẵng thì tốt. Trong trường hợp ngược lại những người đấu tranh bị xịt sơn bị đổ keo vào ổ khóa, rồi bị tạt chất bẩn hôi thối vào cửa nhà thì những trường hợp đó khi báo cơ quan pháp luật thì chẳng ai đứng ra xử lý cả nên rõ ràng có sự phân biệt rất lớn đối với những trường hợp tương tự như nhau.”

Đồng ý với quan điểm của luật sư Đặng Đình Mạnh, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang cho rằng, theo nhà báo việc công an Đà Nẵng lên tiếng điều tra và xử lý nghiêm những người xịt sơn lên cổng nhà ông Linh là việc không cần thiết và có hay không cũng không quan trọng bởi vì vụ việc không quá lớn, nhưng:

“Nhưng vì công an Đà Nẵng đã tích cực làm chuyện đó thì có cái bất thường là trên cộng đồng mạng thì người ta mới liên hệ đến chuyện lâu nay những thủ đoạn trả thù hay khủng bố rất là bẩn thỉu của an ninh đối với các nhà trí thức hoặc các nhà hoạt động xã hội thường xuyên bị và thậm chí nó còn tồi tệ hơn thế. Một trường hợp rõ là nhà của Nguyễn Lân Thắng.”

Nhà của anh Nguyễn Lân Thắng bị tạt sơn vào tháng 10/2016.
Nhà của anh Nguyễn Lân Thắng bị tạt sơn vào tháng 10/2016. (Courtesy FB Nguyễn Lân Thắng)

Vào ngày 25/10/2016 nhà anh Nguyễn Lân Thắng một blogger thường có nhiều bài chỉ trích chính phủ Việt Nam bị tạt sơn trước cổng nhà khi gia đình anh đi vắng. Trước đó vào năm 2015 tư gia của anh cũng bị một nhóm người tới đổ mắm tôm vào nhà vì anh nhạo bán hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Đỗ Thị Minh Hạnh một nhà hoạt động vì quyền của người lao động vào tháng 10/2010 từng bị kết án 7 năm tù về tội “xâm phạm an ninh quốc gia” nhưng đến 6/2014 bà bất ngờ được trả tự do sớm sau 4 năm 4 tháng tù. Vào năm 2018 nhà Đỗ Thị Minh Hạnh liên tục bị những người lạ mặt tấn công ném đá vào nhà liên tục vào những ngày 24/6, 27/6 và 30/6.

Tổ chức Ân Xã Quốc Tế (Amnesty International) vào ngày 2/7/2018 đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam phải lập tức đảm bảo sự an toàn cho bà Minh Hạnh sau khi cô bị tấn công nhà 3 lần trong tuần. Tuy nhiên, Đỗ Thị Minh Hạnh cho biết đã gọi điện cho công an khu vực từ những ngày đầu khi vụ việc xảy ra nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng.

Blogger Nguyễn Lân Thắng, nạn nhân của những vụ bị tấn công vào nhà nói với đài Á Châu Tự Do rằng anh cũng không đồng tình với những hành động bôi bẩn hay phá hoại nhà như vậy:

“Tôi cũng không đồng tình. Tôi là những người trong giới hoạt động và cũng là một trong những người bị hất mắm tôm rồi xịt sơn và nhiều chuyện khác nữa liên quan đến các hoạt động của chúng tôi thế thì việc một ai đó xịt sơn thì theo quan điểm của tôi thì tôi không đồng tình nhưng câu hỏi là tại sao ai đó làm việc đó, thì việc này là sự bức xúc chung của người dân, rất nhiều người đã thấy được sự bất công, sự thiếu vắng công lý ở trong nền tư pháp của Việt Nam. Việc của ông Linh thì ổng không tấn công ai cả, chỉ tấn công đứa trẻ thế nhưng sự bao che và vô cùng chậm trễ của nhà nước trong việc xử lý vấn đề này như khởi tố vụ án chưa có, chưa bắt tạm giam nên người dân cảm thấy rất là bất bình. Nên việc xịt sơn như thế tôi nghĩ một số người đã không giữ được bình tĩnh cho nên họ đã làm như vậy.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh rất đồng tình với ứng xử của anh Thắng cho rằng nó thể hiện sự nghiêm túc của các nhà hoạt động về một vấn đề của xã hội.

“Không phải mình là nạn nhân của sự việc đó mà mình sẽ đồng tình với việc xảy ra ở nhà ông Linh. Một thái độ nhất quán của họ, cứ vi phạm pháp luật thì có thể xử lý chứ không thể nơi này dung túng nơi khác xử lý, pháp luật bình đẳng và cư xử mọi người như nhau.”