Trong những ngày qua, khi đề cập đến những hành động có tính cách xâm phạm lãnh hải và chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam đã nêu đích danh Trung Quốc với lời lẽ cứng rắn, không còn dùng từ “tàu lạ” để ám chỉ tàu Trung Quốc như trước nữa.
Cụ thể trong 2 ngày 19 tháng Bảy và 25 tháng Bảy, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã chính thức lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam, đồng thời gửi công hàm phản đối tới phía Trung Quốc.
Từ trung tuần tháng Sáu đầu tháng Bảy 2019 này, Trung Quốc đã điều hàng chục chiếc gồm các tàu Hải cảnh có trang bị vũ khí hạng nặng, tàu dân quân biển và tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 ra khu vực Bãi Tư Chính và bắc Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tàu Trung Quốc đã quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở lô 06.1 thuộc bể Nam Côn Sơn, liên doanh giữa Việt Nam với công ty Rosneft của Nga.
Hoạt động này của tàu Trung Quốc được coi là mạnh mẽ nhất đối với Việt Nam kể từ sau vụ Bắc Kinh năm 2014 cho điều động giàn khoan HD 981 đến vùng biển Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai quốc gia.
Bị dồn đến chân tường
Đúng là thái độ lần này của Việt Nam đối với Trung Quốc có vẻ như quyết liệt hơn những lần trước, là nhận định của nhà nghiên cứu Biển Đông, thạc sĩ Đinh Kim Phúc:
So với năm 2014 khi giàn khoan HD981 vào thì đợt này quan điểm của Việt Nam cứng rắn hơn, Việt Nam nhiều lần trao công hàm để phản đối hành động của Trung Quốc. Vì sao lần này Việt Nam mạnh mẽ, cương quyết không chịu rút tàu mà bằng mọi cách phải đuổi những tàu tham dò địa chất của Trung Quốc ra khỏi thềm lục địa kinh tế của Việt Nam? Phải nói rằng sự o ép của Trung Quốc không chỉ trong vùng biển mà trong đất liền rồi trong cán cân thương mại mất cân đối. Việc Trung Quốc lại xây dựng căn cứ quân sự ở Kampuchia, trên đảo Koh Kông và tại cảng Sihanoukville ở Kampuchia đã tạo ra nhiều mặt trận tứ bề thọ địch đối với Việt Nam, thì sự an nguy về mặt kinh tế, về mặt chính trị của Việt Nam bị đe dọa hơn lúc nào hết.”
Theo giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Australia, lần này Trung Quốc đã gia tăng thêm sức ép về đòi hỏi chủ quyền của nước này đối với Việt Nam sau những lần Việt Nam lùi bước trước kia. Trả lời RFA qua điện tư, giáo sư Carl Thayer cho biết:
“Điều này chỉ ra rằng Trung Quốc đang chuẩn bị để đẩy những đòi hỏi về chủ quyền trên biển vào khi Việt Nam lùi bước…. Việt Nam trước đó đã phải dừng các hoạt động thăm dò dầu khí ở Bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2017 và vào tháng 3 năm 2018 ở mỏ Cá Rồng Đỏ”
<i> <i>Nhìn kỹ lại cũng chỉ thấy người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao lên tiếng chứ chưa thấy lãnh đạo cao nhất của Nhà Nước Việt Nam lên tiếng. </i> <i>Trong giải quyết vấn đề Biển Đông thì thế giới cần phải được biết, nhân dân cần phải được biết để có thể tạo sức mạnh của lòng dân và sức mạnh quốc tế thì mới có thể gây sức ép cho Trung Quốc thực thi Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển mà Trung Quốc là một thành viên.<br/>-Thạc sĩ Đinh Kim Phúc</i> </i>
Vào các năm 2017 và 2018, trước sức ép của Trung Quốc, Việt Nam đã phải yêu cầu công ty Repsol ngưng việc khoan thăm dò dầu khí ngay trong thềm lục địa của Việt Nam. Những lô dầu khí này cũng nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên biển, đòi chủ quyền với cái gọi là ‘Vùng nước lịch sử”, chiếm tới gần 90% diện tích Biển Đông.
Tòa Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này vào năm 2016 nhưng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của tòa.
Nhận định về thái độ dường như mạnh mẽ hơn của Việt Nam lần này, thạc sĩ Đinh Kinh Phúc nói:
“Trước đây vì sự đe dọa trấn áp của Trung Quốc mà công ty Repsol của Tây Ban Nha đã rút ra khỏi khu vực thăm dò tìm kiếm dầu khí của Việt Nam và họ kiện Việt Nam phải bồi thỏa đáng, rồi việc mỏ Cá Voi Xanh mà Mỹ chuẩn bị khai thác đó thì nếu Việt Nam tiếp tục nhân nhượng thì coi như mất chủ quyền và quyền chủ quyền của mình trên Biển Đông. Thứ hai nữa, giá trị kinh tế của những hợp đồng với nước ngoài nếu không được duy trì, thì những số tiền Việt Nam phải bồi thường cho các đối tác là rất lớn. Việt Nam không đủ tài chánh để có thể tiếp tục nhân nhượng Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Đó là một trong những nguyên nhân mà chính phủ Việt Nam có vẻ cứng rắn hơn so với những lần trước đây.”
Nếu so sánh với vụ giàn khoan HD981 hồi 2014, phản ứng của Việt Nam lần này tại Bãi Tư Chính được cho là tương đối cương quyết hơn một chút theo nhận xét của thạc sĩ Hoàng Việt, Đại Học Luật Sài Gòn:
Nó cho thấy tới lúc này Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng tới quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam rồi và như vậy thì sự đe dọa rất lớn. Tôi nghĩ lý do lớn nhất là Việt Nam bị dồn tới chân tường và buộc phải phản công lại chứ nếu không thì sẽ mất hết, đó là điều quan trọng nhất. Ngoài ra còn có những tác động khác chẳng hạn sự lên tiếng và đồng tình ủng hộ từ một số quốc gia trên thế giới, đặc bệt từ Hoa Kỳ. Không phải ngẫu nhiên mà sau khi Việt Nam lên tiếng thì phía Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã có tuyên bố chính thức trong đó yêu cầu Trung Quốc thôi cái việc hung hăng, khiêu khích và bắt nạt các quốc gia trên vùng Biển Đông.
Dưới mắt nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, thái độ đe nẹt gây hấn thường xuyên của Trung Quốc khiến Việt Nam không còn chọn lựa nào khác mà phải lên tiếng mạnh hơn để bảo vệ quyền lợi của mình: :
Nguồn cơn khiến Việt Nam phản ứng có vẻ quyết liệt như vậy không phải vì Việt Nam đã bỏ thói đu dây chính trị mà vì đàn anh Trung Quốc đã dồn đàn em Việt Nam tới chân tường rồi.
Có thể nói từ 2011 khi Trung Quốc bắt đầu cho tàu hải giám cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam cho tới nay thì mục đích lớn nhất của Trung Quốc trong tất cả những vụ xâm phạm lãnh hải Việt Nam là vấn đề dầu khí. Trung Quốc nắm là Việt Nam có nguồn tài nguyên dầu khí khá lớn ở Biển Đông, đặc biệt khu vực Bãi Tư Chính, khu vực mỏ Lan Đỏ, khu vực mỏ Cá Voi Xanh. Trung Quốc nhiều lần gần như yêu cầu một cách bắt buộc Việt Nam phải chia bôi tài sản dầu khí khai thác được với Trung Quốc… Đó là hành động về mặt thực chất nhìn giống một thằng ăn cướp nhảy xổ vào nhà người ta rồi đòi chủ nhà phải chia tài sản với nó. Nó không mất gì cả mà nó để lại cho chủ nhà một phần coi như là ơn huệ.
Theo trang Minh Bạch Hàng Hải của Mỹ, đợt quấy nhiễu lần này của Trung Quốc ở Biển Đông động chạm đến bể Nam Côn Sơn nơi có các lô dầu khí đang khai thác, cung cấp đến 10% nhu cầu điện năng cho cả nước.
Lãnh đạo Việt Nam vẫn im tiếng
Thế nhưng vẫn theo nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, thái độ cứng rắn của Việt Nam vẫn nằm trong công thức đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, mong muốn hai bên đối thoại để tìm được tiếng nói chung để tránh xảy ra chiến tranh cục bộ hoặc chiến tranh toàn diện giữa 2 nước trên vùng biển Việt Nam.
Nhìn kỹ lại cũng chỉ thấy người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao lên tiếng chứ chưa thấy lãnh đạo cao nhất của Nhà Nước Việt Nam lên tiếng. Trong giải quyết vấn đề Biển Đông thì thế giới cần phải được biết, nhân dân cần phải được biết để có thể tạo sức mạnh của lòng dân và sức mạnh quốc tế thì mới có thể gây sức ép cho Trung Quốc thực thi Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển mà Trung Quốc là một thành viên.
Điều đáng chú ý là căng thẳng lần này giữa Việt Nam và Trung Quốc xảy ra vào khi quan hệ hai nước dường như đang tốt lên kể từ sau vụ giàn khoan HD 981 hồi năm 2014, theo nhận xét của giáo sư Carl Thayer trên trang blog của ông:
“Trong năm nay, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc dường như đang hồi phục kể từ sau vụ HD 981 năm 2014. Ví dụ, năm nay hai nước đã có những trao đổi hữu nghị trên biên giới và cảnh sát biển hai nước đã tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra, hai tàu của Hải quân Việt Nam vừa đi dự lễ kỷ niệm 70 năm Hải quân Trung Quốc. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, một Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội lại vừa thăm Trung Quốc”.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi trung tuần tháng Bảy vừa qua vào giữa khi các tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang phải đối mặt với các tàu Hải cảnh hạng nặng của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi Việt Nam nhìn vào đại cục, thăng tiến tình hữu nghị và tăng cường hợp tác nhằm nâng cao quan hệ hai nước. Theo truyền thông trong nước, vấn đề Biển Đông cũng được hai bên nhất trí sẽ được giải quyết trên tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng và nhà nước, đó là bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, kiềm chế, kiểm soát bất đồng vì đại cục hai nước.
<i>Năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, Lực Lượng Cảnh Sát Biển, Lực Lượng Kiểm Ngư đều được cải thiện trong thời gian qua. Đây là trường hợp cụ thể khi Việt Nam cần phát huy sức mạnh để có thể bảo vệ tốt hơn chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình trên biển.<br/>-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp</i>
Trong các vấn đề tranh chấp Biển Đông, từ năm 2011, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất thực hiện Thỏa Thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Theo Thỏa Thuận này, hai bên thống nhất sẽ giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Đông phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn đinh, hợp tác và phát triển của khu vực.
Trong khi đó, Bắc Kinh từ trước đến nay vẫn duy trì chính sách nhất quán là Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với khu vực Biển Đông và đây là quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc.
Nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng sức ép của Trung Quốc đối với Việt Nam lần này ở Bãi Tư Chính đã khiến Hà Nội bị dồn ép trong chính sách với Bắc Kinh:
Phải dứt khoát hơn vì tình hình thế Trung Quốc có thể đẩy tới chiến tranh cục bộ với Việt Nam trên Biển Đông.
Việt Nam chờ quốc tế
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, đồng ý rằng vụ việc Bãi Tư Chính cho thấy xu hướng càng ngày càng cứng rắn hơn của Việt Nam trước thái độ có thể gọi là được đằng chân lân đằng đầu của Trung Quốc:
Phản ứng cứng rắn lần này là vì Việt Nam không thể nhún nhường, nhường thì sẽ tạo tiền lệ khiến Trung Quốc càng lấn tới, tiếp tục đe dọa, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình. Trong hai tuần đầu Việt Nam giữ im lặng nhưng hai tuần gần đây Việt Nam đã có các tuyên bố và có các hành động mạnh mẽ cương quyết trên thực địa cũng như trong các hoạt động ngoại giao để lên án Trung Quốc.
Theo phân tích của chuyên gia Lê Hồng Hiệp Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á, im lặng là giai đoạn đầu để Việt Nam cân nhắc các bước đối phó. Sở dĩ Việt Nam sau 2 tuần đã tỏ ra quyết liệt hơn vì có yếu tố quốc tế, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp khẳng định, nhất là có ý kiến hậu thuẫn của Hoa Kỳ:
Sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối, kêu gọi cộng đồng quốc tế cũng như các nước đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông thì người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại ở Hạ Viện Mỹ cũng đã phát biểu tương tự.
Hôm 29/7, 4 Thượng Nghị sĩ Mỹ đã gửi thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, đề nghị ông chú trọng vấn đề gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông vào trong các thảo luận ở Diễn đàn khu vực ASEAN diễn ra ở Thái Lan vào ngày 2/8 tới.
Đó là sự phối hợp ngoại giao nhất định giữa Việt Nam với các quốc gia đối tác, trong đó có Hoa Kỳ, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh, giúp Việt Nam tự tin hơn trong các bước đương đầu với Trung Quốc cách này cách khác tại Bãi Tư Chính hiện giờ.
Ông Lê Hồng Hiệp còn nhắc đến một yếu tố cực kỳ quan trọng khác khiến Hà Nội trở nên cứng cõi trước một Trung Quốc chuyên bắt nạt mình là vì:
Tôi nghĩ rằng năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, Lực Lượng Cảnh Sát Biển, Lực Lượng Kiểm Ngư đều được cải thiện trong thời gian qua. Đây là trường hợp cụ thể khi Việt Nam cần phát huy sức mạnh để có thể bảo vệ tốt hơn chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình trên biển.
Việt Nam thời gian qua cũng đã gia tăng trang bị tàu cho lực lược Cảnh sát biển và kiểm ngư với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và Nhật Bản.