Bất cập trong giải quyết chế độ thôi việc: ‘vắt chanh, bỏ vỏ’?

0:00 / 0:00

Nhân vật Đoàn Ngọc Hải từng gây xôn xao dư luận xung phong xuống đường trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giành lại vỉa hè trên địa bàn Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Vào năm 2018, sau khi chiến dịch giành lại vỉa hè thất bại, ông Hải đệ đơn từ chức Phó Chủ tịch UBND Quận 1, với lý do đã không thực hiện được lời hứa trước dân.

Ngày 4 tháng 6 năm 2019, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công bố quyết định phân công ông Hải giữ chức vụ phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn. Nhưng chiều cùng ngày, ông Hải từ chức.

Theo phản ánh của ông Đoàn Ngọc Hải với truyền thông trong nước, đến nay ông vẫn chưa được giải quyết chế độ thôi việc, mặc dù thời gian ông đệ đơn từ chức đã 6 tháng qua. Ông Đoàn Ngọc Hải cho rằng, cứ căn cứ luật Lao động thì 6 tháng là một thời gian quá dài để giải quyết chế độ cho ông.

Ngay bản thân mình từng đi rút tiền này, mình thấy rất phản cảm về thái đội của những cán bộ đó… Trong khi người lao động chỉ lo cơm áo gạo tiền, họ đâu có trang bị thông tin cho mình.<br/>-Nguyễn Đình Khôi

Trả lời RFA hôm 18/12, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, nói:

“Nếu người lao động là công chức thì phải theo luật công chức, còn nếu là viên chức thì phải theo luật viên chức, thì có quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì họ phải làm những thủ tục để cho người đó nghỉ theo quy trình mà luật công chức quy định và làm thủ tục cho người đó hưởng chế độ ở những cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tôi nghĩ những thủ tục này pháp luật đã quy định rõ, không có gì vướng.”

Liên quan trường hợp của ông Đoàn Ngọc Hải, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định:

“Ổng Hải làm công chức thì phải theo luật công chức, khi có quyết định của cơ quan thẩm quyền cho nghỉ thì cấp dưới tức là Tổng công ty xây dựng Sài Gòn phải làm thủ tục. Cái thủ tục đó có thể hơi lâu… chờ quyết định ở trên… rồi làm quyết định thôi việc… chuyển quyết định đó cho các cơ quan bảo hiểm y tế, thất nghiệp.v.v… Tôi nghĩ nó chỉ bị chậm chứ họ phải giải quyết cho ổng chứ, đâu thể không làm được, nhưng nói phải theo một thủ tục trình tự.”

Ông Đoàn Ngọc Hải nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Đoàn Ngọc Hải nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh. (Courtesy photo)

Theo Khoản 4 Điều 29 Luật viên chức năm 2010, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.

Về thủ tục giải quyết thôi việc, theo Khoản 3 Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ-CP: Viên chức có nguyện vọng thôi việc có văn bản gửi người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc.

Anh Nguyễn Đình Khôi, một người lao động ở Đồng Nai, chia sẻ với RFA hôm 18/12:

“Về thủ tục mình lãnh khi nghỉ việc, thì nhà nước cho mình 3 tháng lương thất nghiệp, nhưng với điều kiện người lao động phải biết chuyện này… Còn người nào không biết thì qua một tháng, đến ngày giờ nào đó… “mất”… qua tháng thứ hai, không lấy: “mất”… quy định của nhà nước nó như vậy. Còn tiền bảo hiểm xã hội thì một năm sau mới được rút. Ngay bản thân mình từng đi rút tiền này, mình thấy rất phản cảm về thái đội của những cán bộ đó… Trong khi người lao động chỉ lo cơm áo gạo tiền, họ đâu có trang bị thông tin cho mình.

Theo anh Khôi, đúng ra, nhà nước phải lo cái gì đó tốt cho người dân. Anh cho biết, thậm chí có những công ty, thường là công ty tư nhân, còn rút số tháng làm việc của người lao động ra khỏi sổ bảo hiểm xã hội, trong khi người lao động họ thường không đếm, chỉ đem sổ đi lãnh tiền chứ không cộng trừ, để biết đã vào làm việc từ ngày nào đến ngày nào, là bao nhiêu tháng?

Để tìm hiểu thêm, hôm 18/12/2019, RFA liên lạc Cô Huỳnh Thị Xuân Mai, một giáo viên từng nhiều lần chống tiêu cực, bị ép buộc thôi việc, và được cô cho biết về trường hợp của Cô:

“Trường hợp Chị nghỉ là theo nghị định 108, nhưng nói nghị định là để hợp thức hóa thôi, chứ họ buộc Chị nghỉ, mà nghỉ như vậy Chị bị mất quyền lợi nhiều lắm. Khi nghỉ thì về mặt lý thuyết thì họ trả lương Chị theo chế độ của nghị định 108. Mà họ trả cũng ăn gian của Chị 1 bậc lương. Chi nghỉ vậy bị thiệt thòi nhiều lắm, mình là giáo viên lương đâu có bao nhiêu mà họ ăn gian của mình hết một bậc lương, ăn gian vậy mình bị mất chắc khoảng một triệu 1 đồng mỗi tháng. Mà mình về hưu lương mình ít mà còn bị mất, buồn chứ.”

Mình là giáo viên lương đâu có bao nhiêu mà họ ăn gian của mình hết một bậc lương, ăn gian vậy mình bị mất chắc khoảng một triệu 1 đồng mỗi tháng. Mà mình về hưu lương mình ít mà còn bị mất, buồn chứ.<br/>-Huỳnh Thị Xuân Mai

Bộ luật lao động 2012 quy định, khi hợp đồng lao động chấm dứt, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, cho biết thêm:

“Người lao động muốn xin thôi việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng, theo luật lao động, trong những trường hợp ốm đau bệnh tật, nhà có khoảng cách xa không thể đến nơi làm được, hoặc phải báo trước cho người sử dụng lao động theo hợp đồng không xác định thời hạn là 45 ngày. Nếu hợp đồng xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng thì phải báo trước 30 ngày, còn nếu hợp đồng dưới 1 năm hoặc theo mùa vụ thì phải báo trước 3 ngày. Thì người sử dụng lao động sẽ căn cứ theo nhu cầu để cho nghỉ việc. Còn nếu nghỉ việc đột xuất trái với những số ngày vừa nêu thì người ta gọi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Còn nếu đúng luật thì cứ mỗi năm đã làm việc, đến khi người lao động nghỉ sẽ được thanh toán tiền bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, cho quá trình làm việc mà chưa đến tuổi nghỉ hưu.”

Ngoài ra, một số luật sư còn cho rằng, vì quy định về trợ cấp mất việc, trợ cấp thôi việc trong Bộ Luật Lao động năm 2012 còn bất cập khi áp dụng vào thực tiễn. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động bị mất việc, nên bổ sung thêm quy định, ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì cứ mỗi năm làm người lao động được trả thêm nửa tháng tiền lương cho khoảng thời gian có tham gia bảo hiểm thất nghiệp.