Nghệ sĩ trở thành “điều tra viên”
“Đây là điều mà khi nói tôi cũng bị xúc động. Thậm chí nhiều lần tôi đã rơi nước mắt trong những đêm nằm nghĩ về những gì đã trả qua đối với họ. Tôi nghĩ về một người mẹ. Tôi nghĩ về một thanh niên, tất nhiên kém hơn tôi nhiều tuổi, cũng mê đá bóng cũng có mẹ…Tuy nhiên cuộc sống bị mất đi thì tôi cũng dành rất nhiều tình cảm.”
Trên đây là tâm tình của nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng với RFA vào ngày 26/8.
Nghệ sĩ Lê Thế Thắng được công chúng thưởng lãm biết đến qua phim nghệ thuật “Vietnam From Above”. Một phim ngắn gồm 2 tập, phổ biến trên Youtube với hình ảnh đất nước Việt Nam xinh đẹp, thanh bình cùng nỗi niềm ưu tư của tác giả cũng ẩn chứa phía sau những khung hình nhiều màu sắc lung linh đó.
Chia sẻ của nghệ sĩ Lê Thế Thắng với RFA không phải liên quan về “Vietnam From Above”, một phim được đánh giá cao về nghệ thuật, mà về một phim tư liệu vừa được công chiếu trên các kênh truyền thông trực tuyến. Series phim tài liệu có tựa đề “Nỗi oan Hồ Duy Hải”.
<i>Bà Loan đau khổ quá nhiều năm nên tôi muốn rằng hình ảnh bà mẹ nhỏ bé này được tôi nhìn rõ từ bên ngoài lẫn từ nội tâm và tôi muốn khắc họa một cách như vậy. Sự nghệ thuật hóa này không có gì là giả tạo cả. Tôi nghĩ đó là một bậc cao hơn, khó hơn của biểu đạt nghệ thuật đối với đời sống. Nó không dễ như tôi thấy một cảnh đẹp và tôi quay lại, mà thật sự là tôi phải tiếp xúc, tôi phải gặp gỡ, tôi phải cảm nhận, tôi phải thấu hiểu để tôi có thể nghệ thuật hóa được thực tế con người đó, cuộc sống đó và nỗi đau đó<br/>-Đạo diễn Lê Thế Thắng</i>
Anh Lê Thế Thắng cho biết từ sau khi được nghe vài người bạn nói về tâm tư của họ liên quan câu chuyện vụ án tử tù Hồ Duy Hải và theo dõi phiên tòa giám đốc thẩm, diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 6 đến ngày 8/5, anh thật sự bị sốc.
Quyết định tham gia cùng nhóm phóng viên Báo Sạch và là đạo diễn series phim tư liệu “Nỗi oan Hồ Duy Hải”, nghệ sĩ Lê Thế Thắng chia sẻ rằng đó cũng là một cơ duyên. Và, trong quá trình đi vào thực tế để tìm hiểu vụ án giết người ở Bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An, mà tử tù Hồ Duy Hải kêu oan kéo dài hơn một thập niên qua càng khiến cho một người nghệ sĩ bị sốc nặng hơn.
“Khi bắt đầu tìm hiểu vụ án này và đón nhận luồng thông tin ngày một dồn đến thì thật sự tôi bị gây choáng váng. Tôi là người làm trong lĩnh vực điện ảnh và tôi đã xem rất nhiều phim. Thật tình tôi không tưởng tượng được có một vụ án mà lại có chuỗi lô-gích và diễn tiến cho đến hôm nay lại kinh khủng đến như vậy. Và, cá nhân tôi thì tôi nghĩ rằng rất khó có một kịch bản nào trên thế giới, hoặc có thể tôi chưa xem được, mà nếu như lấy câu chuyện của Hồ Duy Hải để làm kịch bản phim thì kịch bản này là một kịch bản (tôi không biết dùng từ nào để mô tả) khó có cái nào tương tự.”
Đạo diễn phim tư liệu “Nỗi oan Hồ Duy Hải, nói với RFA rằng từ chuyện người mẹ của Hồ Duy Hải, chuyện hồ sơ pháp lý, chuyện những thông tin gần đây với những bằng chứng mới, bút lục bị mất, không có dấu vết nhân chứng…và chính bản thân người nghệ sĩ đóng vai Hồ Duy Hải làm thực nghiệm hiện trường để xác minh Hồ Duy Hải có mặt ở Bưu điện Cầu Voi trong lúc xảy ra án mạng hay không thì cá nhân anh Lê Thế Thắng quả quyết niềm tin và khẳng định rằng Hồ Duy Hải không thể là nghi phạm, chứ nói chi là thủ phạm.
Từ Hà Nội, trong cùng ngày 26/8, nghệ sĩ Thịnh Nguyễn, một nhà làm phim về các vấn đề xã hội như dân oan và tử tù chia sẻ đồng quan điểm với nghệ sĩ Lê Thế Thắng về Hồ Duy Hải.
“Oan hay không thì không biết (vì chỉ Hải mới là người biết). Nhưng mà nỗi khổ thì có thật. Đi cùng với mẹ của Hải thì tôi cảm nhận nỗi đau là thật. Đấy là điều để còn hy vọng. Và, điều gì khiến tôi hy vọng? Đó là tình mẫu tử. Là một nghệ sĩ, tôi cảm thấy với tình mẫu tử đó thì bà Loan sẽ cứu được Hải.”
Làm phim tư liệu về tử tù
Đề cập đến mẹ của Hồ Duy Hải, nghệ sĩ Lê Thế Thắng bày tỏ:
“Bà Loan đau khổ quá nhiều năm nên tôi muốn rằng hình ảnh bà mẹ nhỏ bé này được tôi nhìn rõ từ bên ngoài lẫn từ nội tâm và tôi muốn khắc họa một cách như vậy. Sự nghệ thuật hóa này không có gì là giả tạo cả. Tôi nghĩ đó là một bậc cao hơn, khó hơn của biểu đạt nghệ thuật đối với đời sống. Nó không dễ như tôi thấy một cảnh đẹp và tôi quay lại, mà thật sự là tôi phải tiếp xúc, tôi phải gặp gỡ, tôi phải cảm nhận, tôi phải thấu hiểu để tôi có thể nghệ thuật hóa được thực tế con người đó, cuộc sống đó và nỗi đau đó.”
Nghệ sĩ Thịnh Nguyễn lên tiếng với RFA rằng hình ảnh bà Loan trong những thước phim tư liệu được quay lại không còn một bà mẹ của riêng Hồ Duy Hải, mà đối với người nghệ sĩ thì đó là những số phận oan khiên, những hoàn cảnh khốn cùng của người dân Việt Nam nhưng rất nhẫn nại, kiên cường, mạnh mẽ không chỉ để đấu tranh cho công lý, mà còn giành lấy từng hơi thở của một phận con người.
“Tôi làm phim thì tôi nghĩ cần phải để xã hội nhìn nhận những tư tưởng mới. Mặc dù tôi không có, nhưng tôi quay phim lại để người ta nhận ra trong xã hội vẫn tồn tại những tư tưởng như sức sống của người tử tù. Họ cố níu lại cái gì đó rất là mong manh, thật sự là oan ức và họ sống từng mười mấy năm rất kinh khủng. Tôi nghĩ rằng điều đó cũng truyền cảm hứng cho nhiều người. Trong đó có tình mẫu tử, tình gia đình, những sự hy sinh cho con cái và thêm nữa đối với người tử tù là công lý. Trên đường đi thì rất nhiều khó khăn và họ luôn cố gắng để có thể đi tiếp được. Đó là những gì tạo cho tôi cảm xúc để làm phim về những tử tù. Tôi được nghe rằng tôi đang giúp nhưng tôi không biết có phải là mình giúp hay không. Vì tôi chỉ thấy là họ đẹp quá.”
Hình ảnh đẹp đẽ mà nghệ sĩ Thịnh Nguyễn vừa mô tả là vào khi anh quay lại trực tiếp cảnh “diễn” trên đường phố Hà Nội của bà Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải, ông Chinh, cha của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, bà Việt, mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh trong bộ quần áo của người ăn mày, múa may điệu bộ như một người mất trí. Nhưng phía sau sự biểu đạt đó, là những lời kêu oan của họ không được lắng nghe, họ có thể làm những điều mà biến thành người điên họ cũng làm thì cho thấy nỗi tuyệt vọng của họ đã đến mức tận cùng. Họ làm tất cả vì những đứa con bị án oan tử tù của họ.
Vào khi nghệ sĩ Lê Thế Thắng đến Long An để cùng nhóm phóng viên Báo Sạch thực hiện điều tra vụ án Hồ Duy Hải, thì nghệ sĩ Thịnh Nguyễn tìm đến gặp ông Nguyễn Thanh Chấn để quay lại cảnh “diễn” mà ông Chấn là một tử tù bị bắt buộc phải làm trong thời gian 10 năm trường, cho đến khi hung thủ ra tự thú thì ông Chấn mới được minh oan.
Nghệ sĩ Thịnh Nguyễn kể lại cảm xúc khi thấy ông Nguyễn Thanh Chấn thực hành lại những động tác “giết người” mà ông đã không gây ra:
“Tôi thấy việc ông ấy phải diễn lại những cảnh mà ông ấy không làm. Những cảnh diễn thì người làm để kiếm tiền, còn ông ấy diễn thì khiến mình bị chết. Tôi cảm thấy bị đau đớn với suy nghĩ như vậy. Và, trong lúc ông bị bắt phải diễn đi diễn lại cảnh đấy thì có phần nào về tâm lý làm cho ông tự nghĩ rằng mình là kẻ giết người không? Sau khi gặp ông, tôi muốn tìm hiểu về điều này. Và tôi cũng muốn qua các phim mà tôi quay lại hình ảnh ông diễn những động tác giết người mà ông đã không làm, vì ông đã được giải oan thì những người xem hình dung được công an là như thế này. Thật ra cách tôi tiếp cận không giống như báo chí, mà tôi tiếp cận về mặt tâm lý nhiều hơn. Cảm xúc của riêng tôi về cảnh đấy thì làm tôi cảm thấy người dân luôn luôn cô đơn trong vòng vây của công an.”
<i>Tôi làm phim thì tôi nghĩ cần phải để xã hội nhìn nhận những tư tưởng mới. Mặc dù tôi không có, nhưng tôi quay phim lại để người ta nhận ra trong xã hội vẫn tồn tại những tư tưởng như sức sống của người tử tù. Họ cố níu lại cái gì đó rất là mong manh, thật sự là oan ức và họ sống từng mười mấy năm rất kinh khủng. Tôi nghĩ rằng điều đó cũng truyền cảm hứng cho nhiều người. Trong đó có tình mẫu tử, tình gia đình, những sự hy sinh cho con cái và thêm nữa đối với người tử tù là công lý. Trên đường đi thì rất nhiều khó khăn và họ luôn cố gắng để có thể đi tiếp được. Đó là những gì tạo cho tôi cảm xúc để làm phim về những tử tù. Tôi được nghe rằng tôi đang giúp nhưng tôi không biết có phải là mình giúp hay không. Vì tôi chỉ thấy là họ đẹp quá<br/>-Nghệ sĩ Thịnh Nguyễn</i>
Là một người xem được những phim tư liệu về tử tù do hai nghệ sĩ Thịnh Nguyễn và Lê Thế Thắng thực hiện, nghệ sĩ Kim Chi, từ Sài Gòn chia sẻ với RFA về ghi nhận của bà đối với họ:
“Họ là những người nghệ sĩ chân chính. Đồng thời, họ còn là chiến sĩ nữa. Phải nói rằng tôi rất ngưỡng mộ và rất kính trọng họ. Tôi cũng là người làm việc trong lĩnh vực phim ảnh, nhưng vì tuổi già sức yếu nên không đi lại được nhiều và cũng không dấn thân được được vậy. Người khác làm được thì mình rất quý trọng và biết ơn họ. Tôi rất mong có nhiều văn nghệ sĩ dám dấn thân và dám sống cho đồng bào mình.”
Nghệ sĩ Lê Thế Thắng chia sẻ 3 tập phim tư liệu “Nỗi oan Hồ Duy Hải” được công chiếu trên Youtube đã gặp những dấu hiệu bị rắc rối, nhằm gây trở ngại cho phim. Tuy nhiên, đạo diễn Lê Thế Thắng khẳng định rằng anh sẽ tiếp tục và hoàn thành dự án phim lớn thứ hai của mình, qua series về hành trình tìm công lý của tử tù Hồ Duy Hải với niềm tin vào lẽ phải và sự thật cùng kết quả Hồ Duy Hải sớm được tự do và đoàn tụ với gia đình.
Còn nghệ sĩ Thịnh Nguyễn, từng bị công an mời làm việc liên quan công việc làm các phim tư liệu, bộc bạch rằng anh sẽ tiếp tục làm phim về những người dân thấp cổ bé họng, những con người trong cộng đồng yếu thế của xã hội. Vì chính họ là động lực cũng như là nguồn sáng tạo nghệ thuật cho một nghệ sĩ bởi đất nước, quê hương Việt Nam vẫn luôn tồn tại những cái đẹp của tình thương yêu, lòng bao dung, sự tha thứ và trên hết là sự không khuất phục trước bạo quyền và bất công.