Bị lạc đạn? Khó ai tin!
Tại Li-by, Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya, tạm gọi theo chức năng là chính quyền lâm thời của Libya, bị chỉ trích vì cái chết mang nhiều nghi vấn của cựu Tổng thống Gadhafi. Thủ tướng Jibril của Chính phủ lâm thời nói nhà độc tài đã thiệt mạng sau khi bị bắt và bị lạc đạn khi những binh sĩ trung thành với Gadhafi toan giải cứu ông, giao chiến với dân quân.
Mấy ai tin ở điều này! Thủ tướng Jibril đưa ra môt biên bản giảo nghiệm cho thấy ông Gadhafi bị đạn bắn vào đầu và bụng trong lúc giao tranh. Bác sĩ Al-Zintani, y sĩ trưởng pháp y của Libya cũng xác nhận về vết thương như vậy hôm chủ nhật. Hình ảnh thu được cho thấy ông Gadhafi bị thương; đầu, tạy và mặt đầy máu vào lúc bị bắt ra từ trong một ống cống.
Nhưng ông vẫn đi đứng được khi bị lôi kéo, xô một quãng trên đường phố, rồi bị đè ép dựa lưng vào đầu môt chiếc xe tải nhỏ, sau đó nghe nói được đưa lên một chiếc xe cứu thương. Nhưng không rõ ông bị bắn vào đầu lúc ở cửa xe cứu thương trước khi được đưa lên, hay lúc ở bên trong xe, mà chỉ ít lâu sau đó trong cùng ngày, có tin ông đã chết…
Misrata đầy căm thù
Hầu hết công luận đều cho là cựu Tổng thống Li-By đã bị quân kháng chiến giết chết. Những dân quân tấn công Sirte và bắt được Gadhafi là lực lượng từ thành phố Misrata, nơi đã bị quân Gadhafi bao vây tấn công dữ dội nhất trong cuộc chiến. Họ đã đẩy lui lực lượng tấn công, tạo được bước ngoặt quyết định cho cuộc chiến, với tổn thất của dân chúng và dân quân rất cao, lên tới mấy trăm người kể cả phụ nữ, trẻ em.
Dân quân “ragtag” của Misrata đi đầu trong cuộc tấn công Sirte, để trả thù. Khi bắt được Gadhafi, hình ảnh thu được cho thấy ông bị dân quân lôi kéo, làm nhục, có lúc bị chĩa súng ngắn vào đầu. Hôm thứ hai còn có một người tự nhận đã bắn chết ông, tuy nhiên tin này không được xác nhận và không đáng tin.
Rốt cuộc nhà độc tài của Libya cùng với một người con trai của ông và bộ trưởng quốc phòng sau cùng của Tripoli đã được đem chôn cất ở một nơi bí mật trong vùng sa mạc, sau khi được làm tang lễ theo Hồi giáo.
Kẻ cười - Người khóc
Có dân quân thuật lại rằng Gadhafi đã xin tha trong lúc vừa bị bắt. Đó là một lời thuật lại, nhưng một dân quân khác kể lại rằng ông Gahdafi nói với người đang lôi ông đi, rằng: "Các người có biết phân biệt đúng sai hay không? Có biết ta đã làm gì cho các người không, hỡi các con?" Câu nói này nghe rất có vẻ là khẩu khí của Gadhafi, đúng với cá tính và tư cách của ông trong suốt 42 năm cai trị Libya. Khó mà tin là nhà độc tài đầy kiêu hãnh này đã xin tha mạng.
Nhiều người ở Libya reo mừng khi nghe tin ông chết, nhưng cũng có nhiều người châu Phi ở Mali, Uganda tỏ ý đau buồn thương tiếc một nhân vật mà nhiều người dân nơi xứ họ coi như một nhà hảo tâm vĩ đại, một vị thánh tử đạo của họ. Chúa tể một nước Libya giàu có nhờ dầu khí, ông Gadhafi từng đổ hằng chục tỉ đô la vào những nước châu Phi nghèo nhất. Đến thăm Mali, ông dừng đoàn xe quốc khách, bước xuống đường bắt tay dân chúng đón chào và cho tiền người hành khất.
Đó là những hình ảnh được mọi người ở nơi này ghi nhớ. Cũng có nhiều người lên án ông đã ủng hộ những kẻ bạo chúa tàn ác nhất ở châu Phi, cùng lúc với những người tưởng niệm ông như một nhà cách mạng cho người nghèo, một mạnh thường quân hào phóng. Dù sao, nhà độc tải kiêu hành đó đã nhất quyết không bỏ chạy khỏi nước, và sau cùng, đã chết trên đất nước Libya như một chiến sĩ, đúng lời ông từng thề hứa.
Ngang ngược gây phẫn nộ
Trong khi đó tại Đông Nam Á cục diện cuộc đối đầu tại Trường Sa đã thay đổi hẳn. Tuần trước phát ngôn viên bộ ngoại giao Philippines nói sẽ xin lỗi Trung Quốc và trả lại mấy chục chiếc thuyền câu. Trung Quốc chỉ đáp ứng lạnh lùng, lên án Philippines xâm lấn lãnh hải thuộc chủ quyền đương nhiên của Bắc Kinh.
Bộ trưởng ngoại giao Philippines phản kích, nói nơi đó là vùng biển thuộc chủ quyền rõ rệt của Manila, không có gì phải xin lỗi, và Philippines sẽ xem xét các khía cạnh pháp lý coi có nên trả lại thuyền câu hay không. Hẳn nhiên Manila đã bực tức trước thái độ ngang ngược của Trung Quốc, nên cương quyết xác định vùng biển quanh Bãi Cỏ Rong là thuộc chủ quyền Philippines.
Hoà ước chưa ráo mực…
Hôm nay, thứ tư, lại có tin Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Philippines đã chứng kiến lễ ký kết thoả hiệp cho phép hải quân hai nước chia sẻ thông tin, phối hợp theo dõi và tiếp ứng trong tình hình khẩn cấp trong vùng biển Trường Sa. Hai bên còn thảo luận việc lôi kéo những nước khác, cả Liên Hiệp Quốc, vào giải quyết vấn đề Trường Sa. Cuối tháng 10 Thủ tướng Nhật mời Thủ tướng Việt Nam sang Tokyo, sau khi Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh sang công tác và từ nơi đó về nước. Việt Nam có vẻ như đang cùng các nước khác lập thế trận đối đầu, ngay sau khi vừa ký kết hoà ước ngon ngọt với Bắc Kinh.
Chỉ khua chiêng gõ trống
Nhưng cùng lúc, Đài Loan lại đòi tăng cường phòng thủ ở Trường Sa, tuyên bố quần đảo này thuộc chủ quyền của Đài Loan. Có phải Đài Bắc muốn bợ đỡ Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp này không?
Người ta có thể lưu ý đến một khía cạnh là cứ gần đến kỳ bầu cử ở Đài Loan là giới chính trị nơi này lại lên tiếng về chủ quyền quốc gia của Đài Loan, không phải chủ quyền của Trung Quốc. Tháng giêng này bầu Tổng thống, nên Đài Loan khua chiêng gõ trống để làm nổi bật tư cách quốc gia của họ bên cạnh Hoa Lục mà thôi. Hôm nay, thứ tư, Tổng thống Mã Anh Cửu cũng đưa ra đề nghị hoà hoãn với Hoa Lục, và được Bắc Kinh đón nhận.