Tuy vẫn khẳng định đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than theo xu thế chung của thế giới nhưng bản dự thảo quy hoạch phát triển ngành điện 2021-2045 của Bộ Công thương vẫn đề xuất phát triển thêm gần 17 GW điện than trong giai đoạn 2021-2030, tăng gần 83% so với công suất hiện tại và nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng tới 41% tổng sản lượng điện sản xuất trong năm 2030. Vì sao có nghịch lý này?
Ngày 22/2/2021 bản dự thảo "Quy hoạch phát triển ngành điện 2021-2045" hay còn gọi là Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8) hay Tổng sơ đồ 8 (TSĐ 8) đã được đăng tải trên website của Bộ Công thương để lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành. Động thái này đã được đánh giá cao vì lần đầu tiên toàn văn của một dự thảo quy hoạch điện của Việt Nam được đưa ra công khai và tham vấn rộng rãi. Tuy có nhiều điểm được đánh giá tiến bộ, dự thảo này cũng bị phê phán không ít, đặc biệt trong vấn đề quy hoạch nhiệt điện than (NĐT).
Nhiệt điện than: Rẻ hay đắt?
Kiến nghị góp ý của Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) có lẽ là một trong nhưng góp ý đầu tiên cho QHĐ 8. Được gửi tới Bộ Công thương vào ngày 2/3/2021, nghĩa là 8 ngày sau dự thảo này được công bố, kiến nghị của ba liên minh nêu rõ: Bản dự thảo cho thấy Việt Nam vẫn ưu tiên phát triển nhiệt điện than trong vòng 10 năm tới (2021-2030) vì đã bổ sung gần 17 GW điện than mới vào hệ thống, nâng công suất điện than của Việt Nam từ 20,4 GW năm 2021 lên 37,3 GW vào năm 2030. Kiến nghị cho rằng việc tiếp tục phát triển nhiệt điện than của Việt Nam là đi ngược lại với xu thế đóng cửa các nhà máy điện than của thế giới nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân. Vì vậy, ba liên minh này đã kiến nghị Bộ Công thương "không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới."
Giải thích về kiến nghị này, trong một diễn đàn trực tuyến vào cuối tuần qua, bà Nguyễn Thị Hằng, điều phối viên VSEA cho biết kế hoạch phát triển nhiệt điện than của QHĐ 8 có nhiều điểm đang lo ngại. Điều đầu tiên mà bà nhắc đến đó là việc chưa thấy có các tính toán cụ thể về tác động môi trường và xã hội trong khi những tác động này thường là nguyên nhân khiến nhiều quốc gia quyết định chia tay với nhiệt điện than cũng như gây bức xúc cho người dân trong nước.
"Trong bản đánh giá môi trường chiến lược được đăng tải trên website của Bộ Công thương, chúng tôi thấy giật mình vì chương số 3, chương quan trọng nhất đánh giá về môi trường xã hội của các loại hình năng lượng lại bị khuyết. Chúng tôi không biết vì sao những thông tin về đánh giá môi trường xã hội và lượng hóa kinh phí bằng tiền của những tác động này chưa có" – bà Hằng nói.
Bà cho biết, mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) tiến hành một nghiên cứu đánh giá tác động của các nhà máy nhiệt điện than ở 10 địa phương dự kiến bổ sung các dự án mới theo dự thảo QHĐ 8 và nghiên cứu này đã đưa ra những con số rất đáng báo động. Cụ thể khi được xây dựng và vận hành, 16 dự án điện than mới với tổng công suất khoảng 22GW của QHĐ 8 sẽ gây ra gần 1.000 ca tử vong sớm ở Việt Nam đồng thời gây tổn thất kinh tế cho xã hội (do chi phí y tế, giảm năng suất lao động và tuổi thọ) ước tính vào khoảng 270 triệu USD hàng năm.
"Với vòng đời của 1 dự án điên than tối thiểu cũng 30 năm thì tích lũy là một con số rất lớn, rất đáng lưu tâm. Trong vòng 30 năm sẽ có 46.000 ca tử vong sớm và chi phí kinh tế sẽ lên tới 8 tỷ USD" – bà Hằng nói tiếp và cho rằng những chi phí này sẽ làm cho chi phí thật của việc sử dụng nhiệt điện than không còn rẻ như chúng ta thường nghĩ.
"Năm 2017 chúng tôi có lượng hóa nhanh những tác động môi trường xã hội được tính vào giá thành điện thì con số như thế nào. Cụ thể, nếu không tính toán những tác động môi trường xã hội thì điện than có giá là 7,3 xu Mỹ/kWh nhưng nếu có tính thì trên 12,4 xu/kWh và trở thành loại hình điện đắt đỏ nhất vào thời điểm đó" – bà Hằng cho biết.
Tiến sĩ, chuyên gia độc lập Ngô Đức Lâm cho rằng nhiệt điện than có ưu điểm tạo ra nguồn điện ổn định, giúp bù đắp sự thiếu ổn đinh của điện gió và mặt trời do phụ thuộc nhiều vào thời tiết và chỉ tập trung phát điện vào một số thời điểm trong ngày. Tuy vậy, ngoài những tác động tiêu cực về môi trường và xã hội, việc đẩy tăng cường phát triển nhiệt điện than như trong QHĐ 8 còn mang đến nhiều rủi ro khác, trong đó có vấn đề khả năng huy động vốn và nguồn than nhiên liệu.
Ông cho biết nguồn vốn để làm NĐT rất lớn vì vậy Việt Nam thường phải vay vốn nước ngoài để phát triển loại hình năng lượng này. Tuy nhiên, thực tế trong những năm gần đây cho thấy việc vay vốn cho NĐT rất khó vì kể từ sau Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP 21) vào năm 2015, thế giới có xu hướng chuyển sang năng lượng tái tạo, hạn chế phát triển NĐT để giảm phát thải khí nhà kính.
"Thế giới hiện có những rào cản kỹ thuật là không cho vay tiền để làm nhiệt điện than. Không chỉ có World Bank, ADB, các nhà đầu tư khác cũng rút, không xây nhiệt điện than nữa nên từ năm 2018, nhiệt điện than ở Việt Nam đã gần như không phát triển được và phải chuyển nhanh sang năng lượng tái tạo" – ông Lâm nói.
Nhìn về vấn đề nguyên liệu than, ông cho biết theo QHĐ 8, dự kiến Việt Nam sẽ phải phải nhập tới 55 triệu tấn than vào năm 2030 và từ 80-100 triệu tấn vào năm 2045 trong khi giá than ước tính tăng bình quân khoảng 5%/năm. Theo ông, với kế hoạch này, Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào nguồn cung bên ngoài, trong khi khả năng nhập khẩu từ các nguồn đang được xác định trong dự thảo dự báo gặp nhiều khó khăn. Ông cho rằng trong bối cảnh NLTT trong nước đang phát triển mạnh, thậm chí đã dư thừa và nguồn khí lớn từ mỏ Kèn Bầu được dự báo có thể khả thi từ năm 2028 thì Việt Nam cần cân nhắc có nên nhập than và phát triển nhiệt điện than nhiều như dự thảo đề ra hay không.
Bài học phát triển nhiệt điện than ở giai đoạn trước (2016-2020) cho thấy loại hình này gặp rất nhiều khó khăn về huy động vốn, người dân và chính quyền địa phương không ủng hộ,… dẫn tới chỉ đạt được khoảng 57,6% kế hoạch theo QHĐ VII điều chỉnh. Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, chỉ có khoảng 7 GW điện than vào vận hành, trong đó riêng năm 2020 chỉ có duy nhất 1 tổ máy (0,6 GW) vào vận hành. Những khó khăn này sẽ tiếp tục trong tương lai, dẫn tới nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ của các dự án điện than. – Trích Kiến nghị gửi Bộ Công thương ngày 2/3/2021 của ba liên minh VSEA, NCDs-VN và VRN
“Khoảng lùi” nhìn từ góc độ phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Cố vấn Nhóm đối tác Chuyển dịch năng lượng bền vững ĐBSCL (SMEP) cho rằng nếu nhìn từ góc độ phát triển vùng ĐBSCL, dự thảo QHĐ 8 hiện có khá nhiều bất cập, thậm chí có thể xem là một “khoảng lùi” so với Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến từ cuối năm 2020 và thậm chí, một số điểm trong QHĐ 8 còn lạc hậu hơn hoặc mâu thuẫn với Nghị quyết 120/NQ-CP đã được ban hành cách đây 4 năm.
Ông đơn cử Nghị quyết 120/NQ-CP đã yêu cầu "hạn chế tối đa việc bổ sung các nhà máy NĐT mới", thậm chí còn đề xuất "nên dừng cấp phép đầu tư các nhà máy điện than ở ĐBSCL" và"tập trung phát huy tiềm năng phát triển NLTT" thì QHĐ 8 lại đi theo hướng chậm lại hoặc ngược chiều. Cụ thể, trong khi Quy hoạch phát triển ĐBSCL đề xuất trong giai đoạn 2021-2030, chỉ phát triển 3.600MW NĐT thì QHĐ 8 đã "bổ sung" thêm hơn 5.000MW NĐT bằng việc đề xuất xây thêm 3 nhà máy mới là: Sông Hậu II (2.000MW); Long Phú II&III (3.000MW). Trong khi đó, đối với NLTT, Quy hoạch phát triển ĐBSCL đến năm 2030 đề xuất phát triển 9.400 MW thì QHĐ 8 chỉ nhỏ nhẹ đề xuất ở mức 6.700 MW.
“QHĐ 8 đang mâu thuẫn với quy hoạch tích hợp ĐBSCL và Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL khi vẫn đưa thêm nhiệt điện than vào quy hoạch sau năm 2030 ở kịch bản cao” - TS Trần Hữu Hiệp - Cố vấn Nhóm đối tác Chuyển dịch năng lượng bền vững ĐBSCL.
"Tại sao chúng ta lại rẽ sang một hướng khác, tại sao lại đẻ ra các nhà máy mới và không tiếp tục phát huy tiềm năng NLTT vùng này được đánh giá là có kết quả tốt, có tiềm năng rất lớn?" – ông Hiệp đặt câu hỏi tại một diễn đàn đóng góp ý kiến cho QHĐ 8 do VSEA tổ chức ngày 4/3/2021. Ông cũng cho biết từ thực tế triển khai kéo dài suốt 10 năm qua của dự án Long Phú 1 (Sóc Trăng) cho thấy việc phát triển NĐT không hề dễ dàng đồng thời đặt ra nhiều vấn đề môi trường, nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, trong vùng hiện có rất nhiều dự án NLTT như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… đang được khảo sát. Vì vậy ông cho rằng, nếu bản dự thảo QHĐ 8 hiện nay được phê duyệt thì rất có thể sẽ trở thành "điểm nghẽn" cho sự phát triển của ĐBSCL.
Cần một tư duy mới
Một đoạn đường khói bụi ở Hà Nội - Ảnh chụp: 2019. Ảnh: Reuters
Bộ Công Thương thường giải thích rằng Việt Nam vẫn cần phát triển NĐT vì đây là nguồn năng lượng có tính ổn định cao, giúp đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh nguồn thủy điện ở Việt Nam khó có thể phát triển thêm, năng lượng gió và mặt trời nhiều tiềm năng nhưng công suất không ổn định, nếu phát triển mạnh thì chi phí cho việc truyền tải, trữ điện rất lớn … Theo TS Ngô Đức Lâm, đối diện với bài toán năng lượng này và để tránh việc phát triển các nhà máy NĐT mới, Bộ Công thương cần có thêm những nghiên cứu về việc sử dụng khí hóa lỏng LNG vì đây là nguồn năng lượng có tính ổn định cao, có thể thay thế NĐT lại không gây ô nhiễm. Đây cũng là một hướng đi mới mà nhiều nước trên thế giới và một số nước trong khu vực đang đẩy mạnh.
Theo một báo cáo trình Bộ Công thương trong tháng 3/2021 về tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết có thể sẽ phải cắt giảm công suất điện gió và điện mặt trời ở nhiều thời điểm trong năm 2021 do dư thừa nguồn và cắt giảm ở mức cao trong giai đoạn mùa mưa lũ và dịp cuối năm 2021. Mức cắt giảm này có thể lên tới 350-400 triệu kWh mỗi tháng trong giai đoạn tháng 10-12/2021 vì đây là thời điểm mùa lũ chính vụ Miền Trung và Nam đồng thời cũng là lúc có nhiều dự án năng lượng gió mới được hoàn thành.
"Dùng LNG tốt hơn rất nhiều so với dùng than. Nó không có ô nhiễm như than, không có xỉ, không có bụi, hiệu suất cao, vận tải dễ. Ở gần ta Trung Quốc, Malaysia và Indonesia đã làm rồi" – ông nói và cho rằng ban soạn thảo QHĐ 8 cần cập nhật về xu hướng phát triển này, chứ không nên tiếp tục nhìn nhận là đắt quá không làm.
"Việc cập nhật thông tin tình hình thế giới của Tổng sơ đồ 8 vừa qua theo tôi là chưa đầy đủ. TSĐ 8 có đưa về LNG nhưng giải thích không thỏa đáng. Chưa có điều tra khảo sát kỹ nên họ vẫn có nhận định như xưa, nghĩa là LNG thì đắt lắm, phức tạp lắm" – ông cho biết và nói rằng không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia đổ xô làm LNG nên Việt Nam cần tiến hành khảo sát xem thế giới làm như thế nào, tránh tình trang chỉ nói chung chung mà không có chứng minh tính toán cụ thể thì không thuyết phục. Vì khí hóa lỏng LNG sẽ dùng trong nhiều lĩnh vực dân dụng và giao thông vận tải nên ông cũng gợi ý, để đạt hiệu quả kinh tế tốt, ngành điện nên bàn thảo với các ngành liên quan về sử dụng và nhập khẩu nguồn nguyên liệu này.
Theo thống kê, kể từ sau Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu (COP 21) nhu cầu khí hóa lỏng (LNG) trên thế giới tăng đáng kể, đạt tốc độ bình quân 6,3%/năm, công suất LNG trên thế giới tăng từ 340 triệu tấn/năm (năm 2017) lên dự kiến đạt 453 triệu tấn/năm vào năm 2022. Qatar, Autralia, Mỹ, Malaysia, Nga là những nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới. Tại các quốc gia nhập khẩu LNG lớn thế giới như Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc, LNG chủ yếu được dùng trong sản xuất điện và thương mại.
Ông Lâm cũng nêu lên vấn đề xuất khẩu năng lượng. Từ thực thế Việt Nam đã bắt đầu thừa năng lượng, đặc biệt có tiềm năng lớn về năng mặt trời và gió, ông cho rằng QHĐ 8 cần bắt đầu bàn đến vấn đề xuất khẩu năng lượng chứ không thể để trống như hiện nay.
"Từ trước đến nay Việt nam luôn thiếu năng lượng nên khi bàn đến [quy hoạch] tương lai thường là bàn cách nhập năng lượng. Theo tôi giờ phải bàn cách xuất khẩu năng lượng. Đã đến lúc Việt Nam thừa năng lượng, phải bàn về vấn đề xuất ngay từ bây giờ thì 10 năm nữa mới có thể xuất được" – ông Lâm nói và cho cho rằng trước mắt Việt Nam có thể nghiên cứu xuất khẩu năng lượng gió và mặt trời sang các nước trong khu vực có nhu cầu nhập khẩu điện như Thái Lan và Myanmar.