Một cuộc họp thượng đỉnh, được gọi là mật nghị giữa nguyên thủ Việt Nam, Lào, Campuchia, diễn ra vào khi Hà Nội đang vất vả chống dịch trong lúc bóng đen ảnh hưởng của Trung Quốc bao phủ ngày càng nhiều lên hai nước bạn gần nhất này. Đó là nội dung bài viết trên mang báo The Diplomat hôm 26/9 vừa qua.
Đối với phóng viên Sebastian Strangio, thượng đỉnh ba bên, do Việt Nam khởi xướng hôm 26/9 tại Hà Nội, là cuộc mật đàm hay mật nghị hiếm có giữa ba nước hữu nghị từng cùng nhau chia sẻ lịch sử chiến tranh lạnh và những vấn đề khó khăn tế nhị khi chiến tranh Việt Nam kết thúc 46 năm trước.
Ngồi vào bàn mật đàm là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Hun Sen - người đứng đầu Đảng đương quyền Nhân Dân Campichia, Chủ tịch Thongloun Sisoulith - Đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào.
Hà Nội không còn ngạc nhiên và ngày càng ý thức được mưu đồ của Bắc Kinh muốn bành trướng thế lực của mình Lào và Campuchia là hai lân bang truyền thống trước giờ của Việt Nam, là nhận định tiếp của ông Sebastian Strangio.
Nội dung chi tiết vòng mật đàm có sự kiểm soát nghiêm ngặt này, vẫn lời ký giả Sebastian Strangio, không được tiết lộ ngoại trừ một thông báo khái quát và quen thuộc là lãnh đạo ba đảng đương quyền ba quốc gia tái khẳng định tư thế hữu nghị truyền thống, lập trường đoàn kết vững chắc, nhìn nhận các thử thách mỗi nước phải đương đầu, trong đó có cuộc chiến chống COVID-19.
Theo tin từ báo Nhà nước Vietnam Times, được ký giả Sebastian Strangio trích dẫn lại, nguyên thủ ba nước đã thảo luận về sự hợp tác trong những năm qua cũng như đường hướng hợp tác trong tương lai.
Nhà nghiên cứu Trần Thị Bích, chương trình Đông Nam Á Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS ở Washington DC, nói với RFA qua điện thư:
“Trong những năm vừa qua Việt Nam quá bận tâm vào quan hệ với các nước lớn mà có phần bỏ bê hai nước láng giềng Cambodia và Lào. Đến giờ thì quan hệ của hai nước này với Trung Quốc đã quá thân rồi. Tôi nghĩ Việt Nam không thể cạnh tranh với Trung Quốc về mặt tài trợ và đầu tư vào Phnom Penh cũng như vào Vientiane (Viêng Chăn - Lào).”
"Tuy nhiên thông qua cuộc gặp gỡ giữa ba vị lãnh đạo, Việt Nam đang cố gửi một thông điệp tới hai nước bạn này rằng Việt Nam vẫn là một nước láng giềng quan trọng đối với họ. Campuchia và Lào sẽ nhân cơ hội này để dành được nhiều hơn nữa những khoản tài trợ và đầu tư từ cả Trung Quốc và cả Việt Nam".

Thạc sĩ Đinh Kim Phúc, tác giả tập sách “Biển Đông: Chiến Lược và Sự Kiện”, cho rằng cuộc họp thượng đỉnh giữa ba nước anh em Lào, Việt Nam, Campuchia theo tin chính thức là nhằm thảo luận về hợp tác phát triển an ninh và hòa bình trong khu vực:
"Thường chúng ta hay nghe là Việt Nam, Campuchia, Lào là ba nước anh em trên bán đảo Đông Dương trước đây có cùng kẻ thù chung vân vân…Nói như vậy thì phải đặt vấn đề ba nước thì ai anh, ai em?"
Hiện nay sự phát triển của Lào và Campuchia trong một số mặt rất đáng để Việt Nam phải học tập. Tôi nghĩ trong thời điểm này Việt Nam không dại gì chứng tỏ tư cách đàn anh đối với Campuchia và Lào. Thông qua các hội nghị thượng đỉnh của ASEAN, cũng như các hội thảo quốc tế trong các vấn đề toàn cầu, ta thấy Campuchia và Lào có những quan điểm, những quyết sách hết sức là độc lập chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của Việt Nam”
“Chính vì vậy tôi nghĩ Đảng Cộng sản Việt Nam muốn thỏa thuận những nội dung cốt lõi nhất với các đảng cầm quyền ở Lào và Campuchia để mà đối phó với tình hình Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương hiện nay. Tập trung vào sự đối đầu chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc; hay là vấn đề Biển Đông trở thành chiến trường cạnh tranh chiến lược Mỹ Trung thì Việt Nam sẽ là nước bị tác động, bị thiết hại nhiều nhất nếu như Việt Nam không chủ động có những kế hoạch thích ứng cho hoàn cảnh mới”.
Thực tế là như vậy, còn thực sự Việt Nam có thành công trong việc tăng cường ảnh hưởng của mình lên hai nước bạn truyền thống lâu đời này là câu hỏi trước mắt. Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói:
“Mà cuộc họp cấp cao này diễn ra khi chỉ còn ba tháng nữa thì Campuchia sẽ là chủ tịch luân phiên của ASEAN, và ASEAN năm 2022 phải đàm phán dứt điểm để ký kết được COC (Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông) theo mong muốn của Trung Quốc”
"Chúng ta nhớ hồi năm 2012, Campuchia làm chủ tịch luân phiên ASEAN, đã không ra được thông cáo chung từ thượng đĩnh của lãnh đạo 10 nước ASEAN. Do đó trong bối cảnh hiện nay của khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương, tôi nghĩ đề xuất của đảng Cộng sản Việt Nam gặp lảnh đạo hai nước Lào và Campuchia, chủ yếu là tìm sự thỏa thuận nhằm đối phó các nhân tố tác động từ Trung Quốc mà tôi thấy là khó".
Mối quan hệ giữa ba quốc gia Đông Dương Campuchia, Lào và Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không thể được hiểu một cách chính xác, chỉ đơn giản là một trò chơi tổng bằng không để giành ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Hà Nội, là quan điểm của chuyên gia Đông Nam Á và Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia:
"Trung Quốc và Việt Nam không phải là những quốc gia duy nhất hoạt động tại Lào và Campuchia mà Thái Lan, Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng đều có những lợi ích quan trọng của họ những nơi đó" .
“Ba quốc gia có chung biên giới trên bộ và cũng là các quốc gia ven sông Mekong, có lợi ích kinh tế và địa-chính trị đáng kể. Vì có biên giới chung nên có chung mối quan tâm trong việc kiểm soát sự lây lan của vi-rút COVID-19.”

Việt Nam là đối tác quan trọng của Campuchia và Lào do mối quan hệ lịch sử giữa các đảng cầm quyền ba nước, và vì nền kinh tế đang phát triển mạnh, Giáo sư Thayer phân tích. Ông nói các sĩ quan quân đội Campuchia và quân đội Lào là những người nước ngoài tham gia kế hoạch đào tạo quân sự chuyên nghiệp lớn nhất tại Việt Nam:
"Phải nói Việt Nam đã gắn bó với các nước láng giềng từ rất lâu, nghĩa là trước khi kinh tế Trung Quốc trỗi dậy. Từ giữa năm 1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX đã ưu tiên mối quan hệ hữu nghị với Campuchia và Lào lên hàng đầu, đẩy mạnh sự phát triển cho điều gọi là 'tam giác Phnom Penh, Vientiane, Hà Nội"
Về góc độ lịch sử, trong khuôn khổ cuộc họp thượng đĩnh ba bên tại Việt Nam như The Diplomat loan tin ở đây, Việt Nam đang thực hiện chính sách được phê duyệt tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 năm nay.
"Báo cáo Chính trị tuyên bố rằng Việt Nam cần "coi trọng việc phát triển các mối quan hệ truyền thống, hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, Giáo sư Thayer nói tiếp, đại hội đảng lần thứ XIII cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng, đặc biệt để giải quyết các vấn đề chung trong tinh thần đa phương"..
Chính vì thế cuộc họp ba bên của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản vào ngày 26 tháng 9, dù được cho là hiếm, vẫn là chuyện Việt Nam phải thực hiện ngay trong lúc này, theo Giáo sư Carl Thayer:
"Lập luận cho rằng Việt Nam đang đánh mất "những người bạn tốt nhất" vào tay Trung Quốc cần được chứng minh bằng những bằng chứng chứ không phải giả thiết. Trung Quốc tìm cách phát triển quan hệ huynh đệ với Việt Nam và Lào trên cơ sở chung tư tưởng xã hội chủ nghĩa".
“Năm 2021, đầu tư Việt Nam vào Vientiane tăng vọt 130% so với cùng kỳ năm 2020. Thương mại song phương Việt Nam Lào tăng 39% trong năm nay so với cùng kỳ năm ngoái”
“Campuchia là điểm đến lớn thứ hai trong số 178 quốc gia nhận đầu tư của Việt Nam. Việt Nam đổ 2,8 tỷ USD vào 188 dự án đầu tư ở Xứ Chùa Tháp”.
Đơn cử thí dụ như vậy, Giáo sư Thayer nói ông muốn khẳng định rằng nếu Trung Quốc đang cố gắng đẩy Việt Nam ra khỏi Lào và Campuchia, thì làm thế nào để giải thích rằng Việt Nam đầu tư vào Lào và Campuchia nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác?