Thiếu nước lan đến Thủ Đức: có phải do ảnh hưởng hạn mặn?

0:00 / 0:00

Mấy ngày qua, báo chí trong nước và mạng xã hội đăng tải nhiều hình ảnh hàng trăm người dân chung cư Ehomes Phú Hữu, thuộc phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức, TPHCM trong đêm hôm 3/4/2024 phải dùng xô, chậu hứng nước từ xe bồn do bị cúp nước.

Một số cư dân trên mạng xã hội cho biết nhận thông báo mất nước từ sáng ngày 3/4/2024, nhưng đến đêm cùng ngày vẫn có rất đông cư dân xếp hàng dài chờ lấy nước từ xe bồn cung cấp. Một số người khác thì cho biết nước đã yếu và bị cúp từ khuya ngày 2/4/2024.

Theo thông tin từ trang mạng xã hội của Ban quản lý chung cư Ehomes Phú Hữu, khu chung cư này có 4 tòa nhà và gần 4.000 cư dân sinh sống, do đó việc mất nước ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân.

Đến ngày 4/4/2024, Ban quản lý chung cư Ehomes Phú Hữu đã ra thông cáo có nước trở lại.

RFA hôm 5/4/2024 gọi điện thoại đến Ban quản lý chung cư EHomeS Phú Hữu, thành phố Thủ Đức, thì được trả lời như sau:

“Dạ có nước từ hôm qua rồi... anh cần chi tiết thì mai anh liên hệ trực tiếp ban quản lý... mấy phần này bọn em không trả lời anh ơi... em chỉ nhận thông tin của cư dân thôi...”

Cùng trong ngày 5/4/2024, RFA gọi điện thoại đến một cư dân sinh sống ở chung cư EHomeS Phú Hữu, thành phố Thủ Đức, được bà xác nhận đã có nước, nhưng không xưng tên:

“Dạ có nước lại rồi ạ... còn chi tiết thì em không rõ....”

Theo tôi nhận định thì mặn càng lúc càng xâm nhập sâu và ảnh hưởng đến các nhà máy cấp nước, thời gian cấp nước bị ngắn đi.
-Thạc sĩ Hồ Long Phi

Không chỉ chung cư EHomeS Phú Hữu, thành phố Thủ Đức bị cúp nước, trên trang chủ Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức cũng thông báo tạm ngưng cung cấp nước tại nhiều khu vực như phường Phước Long A, Phường Phước Long B, Phường Phước Bình và một phần khu vực phường Tăng Nhơn Phú B... Lý do cắt nước được Công ty này thông báo là để bảo trì, thi công đường ống cấp nước hay cúp nước vì phải phối hợp thi công các công trình khác.

Một người dân sinh sống ở thành phố Thủ Đức không muốn nêu tên vì lý do an toàn cho biết:

“Thời gian gần đây càng ngày càng tệ... cúp nước một ngày từ 5 giờ rưỡi sáng tới 11 giờ đêm vẫn chưa có nước... hoặc là có nước rỉ rỉ thôi... không có nước rất là khổ, rửa cái tay cũng không có một giọt nước, đừng có nói gì những việc khác.”

RFA hôm 5/4/2024 liên lạc Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức nhiều lần, nhưng không nhận được hồi đáp.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, RFA hôm 5/4/2024 liên lạc Thạc sĩ Hồ Long Phi – nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM, và được ông nhận định:

“Theo tôi nhận định thì mặn càng lúc càng xâm nhập sâu và ảnh hưởng đến các nhà máy cấp nước, thời gian cấp nước bị ngắn đi. Xu thế này diễn ra ở cả đồng bằng sông Cửu Long, kéo dài lên đến sông Đồng Nai. Nó không đến nỗi là thiếu nước, nhưng tôi cho rằng có thể là một số nhà máy nước bị ảnh hưởng, thành ra không cung cấp đủ nước... Nhưng đó cũng chỉ là tạm thời, chứ không phải vấn đề quá trầm trọng, một số nơi nằm cuối nguồn nên đường ống yếu khi các trạm cấp không đủ nước.”

Còn Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, hôm 5/4/2024 khi trao đổi với RFA lý giải nguyên nhân nhiều nơi thiếu nước:

“Tại vì bây giờ những điểm lấy nước đã bị khô hạn, nên ở Sài Gòn hay một số nơi khác nhà máy nước không đủ nước để cung cấp, phải chở nước từ nơi xa hơn để cung cấp. Một số vùng ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long nước cũng có thể lấy được, nhưng nước đã nhiễm mặn trên mức cho phép không xử lý được, nên cũng phải chờ nước từ nơi khác để cung cấp.”

50ef8d48-3e93-4882-94d8-4e6fa9029197.jpeg
Ảnh minh họa chụp tại Sóc Trăng trước đây. AFP PHOTO.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhận định về tình hình hạn mặn hiện nay:

“Khô hạn đến giờ này gần tương đương năm 2020, có thể ít hơn năm 2016. Nhưng một số nơi hiện đang có dấu hiệu sụt lún rất nặng nề như tại Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang... do sụt lún và khô hạn kéo dài. Còn thiệt hại về nông nghiệp thì ít hơn do người nông dân đã biết cách xuống giống sớm và đã thu hoạch vụ đông xuân. Chỉ có một số nơi ở vùng ven biển thì nước ngọt cho người dân sử dụng phải chở từ vùng trên bằng xà lan và xe bồn vì nước máy đã nhiễm mặn.”

Ông Lê Anh Tuấn cũng đưa ra dự báo về tình hình khô hạn, nhiễm mặn những tháng tới:

“Người dân phải cầm cự thêm ít nhất một tháng, cho đến một tháng rưỡi, mới tới mùa mưa. Lúc này sản xuất nông nghiệp gần như không còn, nên thiệt hại với nông nghiệp không lớn, lo nhất là thiệt hại về công trình nước sinh hoạt.”

Người dân phải cầm cự thêm ít nhất một tháng, cho đến một tháng rưỡi, mới tới mùa mưa. Lúc này sản xuất nông nghiệp gần như không còn, nên thiệt hại với nông nghiệp không lớn, lo nhất là thiệt hại về công trình nước sinh hoạt.
-Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Về vai trò của chính phủ trong việc giảm thiệt hại cho người dân khi hạn mặn đến, ông Lê Anh Tuấn nhận xét:

“Chính phủ cũng đã cảnh báo chuyện khô hạn trước và yêu cầu người dân xuống giống sớm, né được thiệt hại cho nông nghiệp. Còn về chuyện cấp nước cũng đã dự đoán tới thời điểm này là các vùng ven biển sẽ bị khan hiếm nước, nên có giải pháp chở nước từ phía trên. Chắc chắn là khi chở nước về thì chính phủ phải bù thêm tiền cho những chi phí đó. Theo tôi biết, hiện nay tiền chở nước thô về rồi lóng phèn thì khoảng hai mươi mấy ngàn mỗi m³, nhưng chính phủ vẫn cung cấp cho người dân với giá 9.000 đồng, chính phủ bù cho phần còn lại, chính phủ ở đây là các nhà máy nước.”

Còn Thạc sĩ Hồ Long Phi thì cho rằng việc cung cấp nước sạch cho người dân ở Việt Nam dù còn nhiều hạn chế nhưng đã có tiến bộ:

“Tôi thấy có tiến bộ rõ, tức là mạng lưới đường ống khá đủ ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn thì gần như là nước sạch phủ 100 %. Nhưng đối với các thị trấn xa, thì phủ nước sạch khó, bởi vì nhà nằm rải rác, làm các đường ống không kinh tế. Ví dụ như nhà này sát nhà kia thì đi đường ống rẻ, còn nhà cách nhau 50 - 70 - 100m, thưa thớt như những thị trấn nhỏ khoảng vài ngàn dân thì, người ta vẫn phải dùng nước ngầm cấp tại chỗ, thì như vậy sẽ không kinh tế và ảnh hưởng đến môi trường.”

Theo ông Hồ Long Phi, việc giải quyết chuyện này không thể một sớm một chiều, vì mức độ đô thị hóa phải đủ cao thì việc lắp đặt hệ thống nước tập trung mới kinh tế.