Từ giữa năm 2018, khi vụ việc ở Thủ Thiêm nóng trở lại, nhiều người dân ở đây đã nuôi hy vọng sẽ được đền bù thoả đáng sau nhiều năm khiếu kiện ròng rã. Tuy nhiên cho đến nay, khi mà ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư thành phố Hồ Chí Minh đã rời chức vụ thì lời hứa về chuyện giải quyết về bồi thường tái định cư cho người dân vẫn chưa thực hiện xong.
Khu Đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án đầy tham vọng của thành phố Hồ Chí Minh từ đầu những năm 2000 với hy vọng biến nơi đây thành một trung tâm tài chính. Việc giải toả Thủ Thiêm đã khiến khoảng 60.000 người phải dời đi, nhưng đến giờ vẫn còn hàng trăm hộ gia đình đi khiếu kiện ra trung ương vì những sai phạm trong việc giải toả, đền bù ở Thủ Thiêm của chính quyền thành phố.
Thủ Thiêm - sự thất hứa của cả hệ thống
Trong suốt hơn 2 năm nay, lần lượt các lãnh đạo thành phố hứa giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm trong nhiệm kỳ này. Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư thành phố hứa sẽ đền bù cho người dân trước tháng 9/2019. Ông Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Liêm thông báo sẽ hoàn thành bồi thường trong tháng 9/2020. Mới đây, ông Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND thành phố lại tiếp tục tuyên bố sẽ giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm trước tháng 6/2021.
Nhưng tất cả lời nói của những người trong bộ máy lãnh đạo thành phố đều chưa thực hiện được.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, người theo sát và đòi quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm nói rằng di sản mà ông Nguyễn Thiện Nhân để lại là sự “thất hứa” và “bất lực” của cả một hệ thống lãnh đạo:
“Tôi thấy đây là sự bất lực của ông Nhân, và không hẳn chỉ là một mình ông Nhân.
Thứ nhất khu vực ở Thủ Thiêm khi mà được chính quyền công nhận ngoài ranh là khu 4,3 ha thì vẫn không được giải quyết một cách rốt ráo theo nguyện vọng của người dân, theo thực tế. Tức là mức giá đề ra vẫn thấp hơn so với mức giá thị trường rất nhiều và nó có nhiều khúc mắc trong chính khu vực 4,3 ha này, dù đã được công nhận là ngoài ranh.
Cả hai bên vẫn chưa có bất kỳ một cuộc trao đổi pháp lý nào rõ ràng, sòng phẳng, rành mạch. Và với một hệ thống truyền thông đưa tin chưa được chính xác ở trong nước thì rất khó để phân định được rằng vấn đề pháp lý này là dân đúng hay chính quyền đúng. Đó là ở thời của ông Nhân.
Và còn một vấn đề nữa là khu vực 160 ha Tái định cư của người dân Thủ Thiêm bị mất. Với số đất đó và cái giá thị trường hiện nay thì làm sao để trả lại được đất cho người dân.
Cho nên tôi nhìn nhận nó không phải chỉ là sự thất hứa của ông Nhân, mà đây là sự bất lực của ông ấy, và là sự thất hứa của cả một hệ thống.”
Người dân vẫn mòn mỏi ra Trung ương khiếu kiện
Ông Nguyễn hồng Quang, là một người dân ở Thủ Thiêm cho biết hiện nay hàng chục người dân Thủ Thiêm đang còn “đội đơn” ra Hà Nội khiếu nại khắp các cơ quan công quyền. Lần nào bà con cũng bị cưỡng chế bắt về đồn:
“Người dân người dân bây giờ vẫn còn đang ở Hà Nội. họ đi xe ôm để lên nhà ông Trương Hòa Bình, nhà ông Nguyễn Phú Trọng, ông Vượng, rồi văn phòng Thủ tướng. Sáng nay vẫn còn bị lùa lên xe họ kêu gào, khóc lóc cầu cứu.”
Ông Quang nói rằng tất cả những gì ông Nhân để lại cho người dân Thủ Thiêm không có gì ngoài những lời hứa:
“Cho đến thời điểm anh Nhân về hưu thì không có vấn đề gì xảy ra cả, ngoài những lời hứa. hết người này đến người khác.
Ở trên Trung ương đá banh về thành phố, rồi thành phố đá xuống Ủy ban quận 2, rồi Chủ tịch quận 2 cũng bác đơn hết. Không có giải quyết một vấn đề gì hết.
Không có một giải quyết nào, một cái giải trình nào cụ thể. Chỉ có họp tiếp xúc, báo chí đưa tin, người dân đưa lên công nhận, rồi phóng viên viết bài. Chứ không có một giải quyết nào cụ thể, thiệt tâm cả.
Cho đến giờ này họ không có khả năng hoặc họ phải đối diện với những tảng băng quá lớn hoặc là họ bao che không có cái gì được giải quyết hết.
Mấy chục năm qua rồi, họ ghi nhận rồi họ hứa sẽ báo cáo lên Thủ tướng, Quốc hội, báo cáo lên cấp trên. Tiếp xúc cử tri cũng ghi nhận, thông cảm, chia sẻ, cũng đau buồn, nhận lỗi rồi cũng đâu vào đó.”
Kỳ vọng của người dân và đề xuất giải pháp
Ông Nguyễn Văn Nên được điều về lãnh đạo TPHCM thay cho ông Nhân từ ngày 17/10/2020. Ông Quang hy vọng lãnh đạo chính quyền thành phố nhiệm kỳ mới sẽ thực hiện được những lời hứa còn dang dở mà ông Nhân để lại:
“Anh Nên trước đây chưa bao giờ “dính chàm” vụ Thủ Thiêm. Anh ở xa cho nên chưa dính. hy vọng là sẽ độc lập, khách quan, trung thực, lắng nghe người dân.”
Nói về giải pháp nằm giải quyết dứt điểm khiếu nại của người Thủ Thiêm, ông Quang đề xuất:
“Đơn giản, thứ nhất là trong nhân dân có kiến trúc sư, có luật sư, có giáo sư luật, có những nhà quy hoạch, có những nhà tài chính… Cho nên tôn trọng quyền giám sát và lắng nghe góp ý của người dân thì chỉ cần một tiếng đồng hồ là sẽ có giải pháp.
Áp dụng chính sách đền bù mới, đúng pháp luật cho người dân, và luật sư sẽ tư vấn cho chính phủ là ở trong ranh bị đền bù rẻ mạt.
Còn ở ngoài ranh thì phải lập dự án trình cho Thủ tướng phê duyệt rồi thương lượng với người dân ở ngoài ranh. 4,3 ha là ngoài ranh, phải trả về nguyên trạng, thu hồi các các vùng đã cưỡng chế tàn bạo, đền bù vật chất tinh thần cho người dân, rồi mới lập dự án mới. Đó là đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đúng pháp luật.”
Bà Nguyễn Thuỳ Dương đưa ra một giải pháp cụ thể hơn mà bà cho rằng sẽ có lợi cho cả đôi bên, chỉ cần chính quyền chịu lùi một bước:
“Có một hướng giải quyết có lợi cho cả đôi bên nhưng vấn đề là họ có làm hay không. Thứ nhất là đối với những hộ dân chưa nhận đền bù thì nên có một chính sách đền bù mới cho họ. Bởi vì cái quy hoạch Thủ Thiêm này sai về đền bù là sai ngay từ chính sách. Chính cái chính sách sai đã dẫn đến hậu quả là người dân phải gánh chịu và cả ngân sách bị thất thoát.
N hư vậy, nếu như có thể thì UBND thành phố lùi một bước, ở chỗ là thu mua đất của một số doanh nghiệp lại, để ra một khu vực đất khoảng từ 20 đến 30 ha.
Thứ nhất là để tái định cư cho người dân chưa nhận đền bù. Thứ nhì là tạo nên một khu chợ ở phía Đông Sài Gòn. Khu chợ đó sẽ là khu chợ lớn nhất ở phía Đông. Và số ô trong khu chợ đó sẽ tương ứng với số hộ dân ở Thủ Thiêm đã bị giải tỏa.
Như vậy thì tất cả những hộ dân Thủ Thiêm đã bị giải tỏa với những mức giá đền bù rẻ mạt có thể quay về đó nhận một cái ki-ốt để họ kinh doanh làm ăn. Đó sẽ là một nơi ghi dấu lịch sử. Thứ hai, nó sẽ tạo ra một khu phức hợp mua bán lớn về thương mại, thuận lợi cho người dân phát triển.
Và một điều nữa là cái thiệt hại lớn nhất khi quy hoạch ở Thủ Thiêm, ngoài những cuộc đời của nhân dân ra thì còn thiệt hại về mặt văn hóa. Việc quy hoạch đã xóa bỏ toàn bộ văn hóa của người dân Thủ Thiêm. Như vậy thì trả lại cho người dân ở nơi đó một cái nền văn hóa là điều mà chính phủ cần phải cân nhắc hiện tại.
Bây giờ, quy hoạch đã xóa bỏ hết văn hóa chùa chiền, miếu mạo của họ. Văn hóa đó không chỉ của riêng người dân Thủ Thiêm mà của cả người dân trên cả nước Việt Nam này.”
Năm 1996, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm rộng 930 ha, bao gồm Khu đô thị mới 770 ha và Khu tái định cư cho người dân rộng 160 ha nằm giáp ranh, thuộc địa bàn phường An Khánh, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh và Thủ Thiêm (quận 2).
Sau đó, chính quyền thành phố thu hồi luôn 160 ha dùng để tái định cư, chia nhỏ thành nhiều khu tái định cư khác và chuyển đi những nơi rất xa thành phố.
Còn lô đất 4,3 ha đã được Thanh tra chính phủ kết luận nằm ngoài ranh giới quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào tháng 6/2019. Trước đó, hơn 330 hộ dân trong khư vực này cũng bị cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án.
Tại Đại hội Đảng TPHCM ngày 18/10/2020, báo Nhà nước dẫn lời ông Nguyễn Thành Phong, nói rằng thành phố “sẽ hoàn tất bồi thường tái định cư cho người dân đối với những trường hợp còn lại. Tập trung khắc phục những vấn đề mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra. Tập trung xây dựng các khu tái định cư, để bồi thường tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, rà soát lại các trường hợp cần tái định cư bổ sung, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn khiếu nại.
Vào ngày 12/10/2020, Hội đồng Nhân dân TPHCM đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Thành phố Thủ Đức bao gồm 3 quận là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức với diện tích hơn 211 km2 và dân số hơn 1 triệu người, định hướng xây dựng Thủ Thiêm thành một trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế.