Đại biểu quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), hôm 7/10, tại buổi tiếp xúc để lấy ý kiến các cử tri quận 2 trước kỳ họp thứ 10 của Quốc Hội, đã hứa với cử tri sẽ tăng tốc giải quyết vấn đề Khu đô thị mới Thủ Thiêm, để tiến hành dự án thành lập thành phố Thủ Đức.
Tuy nhiên, nhiều cử tri khi đó cho rằng, vụ khiếu nại của người dân liên quan đến sai phạm tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã kéo dài hơn 20 năm, cần phải được giải quyết dứt điểm, trước khi thành lập thành phố mới Thủ Đức.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 9 tháng 10 năm 2020, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, cũng là một người dân oan Thủ Thiêm nói về buổi gặp gỡ ông Khuê:
“Dân Quận 2 hôm 7/10 gặp Đoàn ĐBQH, trong đó anh Khuê là trưởng đoàn, nghe thì ảnh nghe. Nhưng Đoàn ĐBQH không thật sự giám sát mọi hoạt động của UBND thành phố. Đáng lý Đoàn ĐBQH phối hợp với Hội đồng Nhân dân phải giải quyết hết tất cả nguyện vọng của người dân về Thủ Thiêm và việc thành lập thành phố mới, người dân đã có ý kiến là phải giải quyết khiếu nại trước. Chuyện lập thành phố mới, người dân không phản ứng nhiều, nhưng phải giải quyết những vấn nạn ở Q2, Q9, bấy lâu nay không chịu giải quyết... Anh Khuê có ghi lại và nói sẽ báo cáo lên quốc hội, lên trung ương... Nhưng bao nhiêu lần khác anh Khuê đề đạt mà ở trên không có nghe. Cho nên người dân gặp thì gặp, nói thì nói, nhưng rất thất vọng, vì họ phải hành động chứ không phải là chỉ nghe.”
Trước phản ánh của người dân Thủ Thiêm, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, nói đang trông ngóng Thanh tra Chính phủ đối thoại với người dân Thủ Thiêm, để đi đến bước giải quyết cuối cùng.
Thanh tra có vào đây cũng chẳng giải quyết được gì, vấn đề ở đây là có 4.3 hecta mà thành phố công nhận ngoài ranh, mà thành phố giải quyết chưa xong.<br/>-Nguyễn Đình Đệ
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 9 tháng 10 năm 2020, liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Đình Đệ, một người dân mất đất ở Thủ Thiêm nói:
“Thanh tra có vào đây cũng chẳng giải quyết được gì, vấn đề ở đây là có 4.3 hecta mà thành phố công nhận ngoài ranh, mà thành phố giải quyết chưa xong. Chưa xong vì đền bù mà vẫn dựa trên quyết định 1997, mà quyết định này hoàn toàn sai. Sai khủng khiếp luôn nên giờ này vẫn giải quyết chưa xong. Bà con thưa kiện khu 4.3 hecta có ba trăm mấy chục hộ giải quyết chưa xong. Nếu công nhận 6 khu phố ngoài ranh, với hơn 4 ngàn hộ thì ngoài tầm giải quyết của thành phố. Nên thanh tra có vào cũng cho có, ông Khuê có nói vậy cũng không giải quyết được gì. Trừ khi nào TPHCM nhận ra điều sai của quyết định 1997, thành phố thật sự cởi cái áo của nhiệm kỳ trước, bỏ quyết định đó đi, nhiệm kỳ sau lên thay bằng một quyết định mới, thì sẽ giải quyết được cho bà con.”
Theo ông Đệ, đề nghị của bà con Thủ Thiêm là rất đúng, chính phủ đã quá vội vàng trong việc lập thành phố mới, đặt tên là thành phố Thủ Đức cũng quá vội vàng. Ông Đệ cho rằng, nên giải quyết vấn đề Thủ Thiêm cho xong hết rồi hãy lập thành phố mới. Mà theo ông, lập thành phố mới nên lấy là Đông Sài Gòn... Vì Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông, tiếng Sài Gòn rất hay, nhiều người biết, hãy trả cho thành phố tiếng Sài Gòn. ông nói tiếp:
“Quyền lợi của họ lớn quá mà, mình cũng biết ý đồ họ muốn làm... Nhưng mình cũng hy vọng nhà nước lắng nghe ý dân, giải quyết vấn đề Thủ Thiêm đi, dân bây giờ cù bơ cù bất, đói quá trời luôn, giải quyết cho bà con đi, hỗ trợ người nghèo đi. Mình dùng một chính sách an dân đi, 20 chục năm rồi, giải quyết cho bà con đi rồi muốn làm gì thì làm.”
Ông Đệ cho rằng chính quyền chỉ giải quyết phần ngọn chứ không giải quyết phần gốc, chưa giải quyết xong cho dân mà nào là xây nhà hát, nào là lập thành phố mới...
Còn ông Cao Thăng Ca, một người dân mất đất ở Thủ Thiêm, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 9 tháng 10 năm 2020, cho rằng buổi tiếp xúc cử tri của ông Khuê chỉ là diễn tuồng, vì đúng ra chính quyền muốn lập thành phố mới, thì cũng đâu lấy ý kiến nhân dân. Ông nói tiếp:
“Mà bây giờ họ lại nói là chín mươi mấy % dân Thủ Đức đồng ý, chín mươi mấy % dân Quận 9 đồng ý, còn Quận 2 họ nói tám mươi mấy % người dân đồng ý... Nhưng họ có hỏi ý kiến người dân đâu, đại đa số người dân không đồng tình lập thành phố mới, tại vì không mang lợi lộc gì cho nhà nước và nhân dân hết, chỉ là dịp họ chia chác lợi ích với nhau thôi. Cho nên người dân chúng tôi hoàn toàn không đồng tình lập thành phố Thủ Đức mới. Còn bây giờ họ cứ hứa hẹn, đổ thừa này nọ, mục đích là họ quyết tâm làm thành phố mới thôi, chứ không thèm đếm xỉa đến ý kiến người dân.”
Ông Cao Thăng Ca cho biết, ông và người dân Thủ Thiêm, hiện đã mất niềm tin toàn diện vào chính quyền TPHCM. Ông nói tiếp:
“Hiện nay dân oan chúng tôi đang ra Hà Nội, đang căng băng rôn để yêu cầu thanh tra chính phủ phải tuân thủ chỉ đạo của Tổng Bí thư, của Chủ tịch nước, của Thủ tướng chính phủ, để giải quyết dứt điểm và đối thoại với người dân. Đồng thời chúng tôi cũng căng băng rôn tố cáo Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong, cố tình vi phạm pháp luật để bao che cho các tiền nhiệm, để chiếm đoạt tài sản của nhà nước và nhân dân.”
Từ ngày 5/10/2020, người dân Thủ Thiêm, tái tục các chuyến đi đến thủ đô Hà Nội để yêu cầu trung ương nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc ở Thủ Thiêm. Người dân cho rằng Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và quận 2 lộ rõ bản chất không muốn đối thoại với người dân Thủ Thiêm. Bên cạnh đó, vào ngày 30/9, khi một số người dân Thủ Thiêm đến khu đất cũ, nơi có nền nhà của họ để căng băng-rôn thông báo họ sẽ xây lại nhà nếu như Chính quyền thành phố không chịu giải quyết dứt điểm những sai phạm ở Thủ Thiêm, thì bị chính quyền địa phương dùng biện pháp công khai trấn áp một cách côn đồ.
Để tìm hiểu thêm, Đài Á Châu Tự Do hôm 9 tháng 10 năm 2020, liên lạc Luật sư Phạm Công Út, và được ông giải thích liên quan vấn đề này:
Tôi cho rằng việc Thủ Thiêm là phải giải quyết, nhưng nếu đặt lên bàn cân để phải giải quyết Thủ Thiêm trước rồi mới lập thành phố sau, thì tôi thấy hai vấn đề này không có mối liên hệ mật thiết với nhau, mà nó có lợi cho người dân.<br/>-LS. Phạm Công Út
“Theo cá nhân tôi, nếu giải quyết xong Thủ Thiêm mới lập thành phố Thủ Đức, thì đây là một điều kiện, nhưng nó không liên quan với nhau. Bởi vì chuyện giải quyết cho người dân Thủ Thiêm là bắt buộc phải giải quyết. Tuy nhiên phía thành phố đã nhiều lần hứa hẹn, đưa ra nhiều mốc thời gian để giải quyết, nhưng các mốc thời gian đó đều không giải quyết chứ không phải chưa giải quyết. Thành ra thiệt hại của người dân vẫn diễn ra mỗi ngày, mỗi giờ, chứ không nói mỗi tháng, mỗi năm, hay hàng chục năm, hay bao giờ mới chấm dứt tình trạng người ta bị mất nhà mất đất, không chốn dung thân.”
Theo Luật sư Phạm Công Út, hai việc không liên quan đến nhau, một bên là thành phố thuộc thành phố, đó là việc phát triển nâng cấp 3 quận hợp nhất lại thành một thành phố. Và sẽ có phát triển cho 3 quận này, nhưng thiệt thòi của Thủ Thiêm, là một cộng đồng dân cư nhỏ, nên không thể đòi hỏi giải quyết cái nhỏ trước rồi mới giải quyết cái lớn. Theo Luật sư Út, hai vấn đề này không liên hệ mật thiết với nhau. Ông nói tiếp:
“Tôi cho rằng việc Thủ Thiêm là phải giải quyết, nhưng nếu đặt lên bàn cân để phải giải quyết Thủ Thiêm trước rồi mới lập thành phố sau, thì tôi thấy hai vấn đề này không có mối liên hệ mật thiết với nhau, mà nó có lợi cho người dân. Vì khi nâng cấp lên, cơ sở hạ tầng sẽ phát triển, dân cư phát triển, đường xá phát triển... Như vậy 3 quận sẽ lên thành phố, điều kiện của người dân 3 quận này sẽ được thể hiện rõ rệt, giá đất sẽ tăng và người dân có lợi. Do đó cái lợi của cái chung và quyền lợi của một khu vực cư dân không có liên hệ mật thiết với nhau.”
Nhưng Luật sư Phạm Công Út cho biết, riêng bản thân ông vẫn mong muốn chính quyền giải quyết cho bà con Thủ Thiêm. Ngoài Thủ Thiêm, Luật sư Phạm Công Út cũng mong chính phủ giải quyết những khu vực khác như vười rau Lộc Hưng, từ tháng 1/2019 đến nay đã 1 năm 9 tháng người dân lưu lạc, không có chốn dung thân. Theo Luật sư Phạm Công Út, tất cả những việc này phải giải quyết cho dân, chứ không thể để cho người dân mất trắng như vậy. Và để tránh để lâu 10 năm, 20 năm như Thủ Thiêm, thì phải giải quyết cho vườn rau Lộc Hưng cũng như những nơi khác.