Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên hôm 13/4 đưa ra cam kết rằng thành phố sẽ dồn sức giải quyết những dự án lớn có vấn đề khiến dư luận bức xúc, trong đó có dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đang bị bỏ dở.
Tại hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói rằng Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho thành phố. Ông cho rằng đó là lối ra và cơ hội để thành phố trả nợ nhân dân trong việc xử lý các tồn đọng từ lâu.
Trao đổi với RFA tối cùng ngày, ông Cao Thăng Ca, một người dân sống tại Thủ Thiêm và là đại diện cho 71 hộ dân khiếu kiện tại đây nhận xét về phát biểu của tân Bí thư Nguyễn Văn Nên như sau:
“Nói chung bây giờ ai nói gì thì nói, chỉ biết nghe thôi, khi nào mình thực hiện mình mới biết họ nói thật hay chỉ tuyên truyền. Thành ra chúng tôi không mừng gì khi nghe tin này, chỉ có chút hy vọng mỏng manh là ông Nên sẽ làm nên chuyện vì sai phạm ở Thủ Thiêm này là sai phạm liên ngành, sai phạm không chỉ của thành phố Hồ Chí Minh mà còn của chính phủ, thanh tra chính phủ, của trung ương.
Việc giải quyết khiếu nại Thủ Thiêm rất phức tạp vì ăn chia với nhau. Cứ tưởng tượng để cho dân 1 triệu mấy/m2, bây giờ bán 500-600 triệu/m2, tiền chênh lệch đi đâu, trôi vào túi ai thì bây giờ lấy lại rất khó.”
Nói chung bây giờ ai nói gì thì nói, chỉ biết nghe thôi, khi nào mình thực hiện mình mới biết họ nói thật hay chỉ tuyên truyền. Thành ra chúng tôi không mừng gì khi nghe tin này, chỉ có chút hy vọng mỏng manh là ông Nên sẽ làm nên chuyện… - ông Cao Thăng Ca
Ông Nguyễn Đình Đệ, cũng là một dân oan Thủ Thiêm, bày tỏ rằng nếu ông Bí thư nói sẽ dồn hết sức để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm thì hy vọng mọi chuyện sớm được giải quyết. Ông Đệ cho hay:
“Theo tôi nghĩ đó cũng là hy vọng nhỏ chứ thật sự nếu ông Nên muốn làm điều đó thì ông Nên phải thay đổi toàn bộ bộ máy. Thứ hai nữa là muốn giải quyết vấn đề Thủ Thiêm thì chính ông Nên là Bí thư phải chỉ đạo cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố là Nguyễn Thành Phong phải hủy Quyết định 1997 của Lê Thanh Hải ký vì Quyết định 1997 cực kỳ sai phạm, gây ra bao nhiêu oan ức cho dân Thủ Thiêm, có thể nói là nó vô pháp, coi luật pháp không ra gì.”
Tại hội nghị ngày 13/4, ông Nguyễn Văn Nên cho hay việc giải quyết các vấn đề quan trọng, bao gồm cả Khu đô thị Thủ Thiêm là công việc quan trọng, cấp bách đòi hỏi nỗ lực lớn và làm có thời gian chấm dứt.
Theo ông Nên, trách nhiệm trước hết là của chính quyền thành phố và tập thể ban chấp hành, thường vụ.
Ông Nguyễn Đình Đệ nhận định:
“Vấn đề đặt ra là các anh dám mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, dám dẹp bỏ quyền lợi tư, phe nhóm lợi ích của các anh và đứng thẳng, nhìn thẳng vào sự thật 1997 là quyết định sai lầm, vi hiến, không có giá trị, một quyết định của thành phố mà thay đổi toàn bộ quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là hoàn toàn sai, vi hiến rồi. Các anh phải thấy điều đó và phải sửa sai.”
Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào năm 1996 đã ký phê duyệt Quyết định 367 quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quy mô 930 ha.
Trong đó bao gồm Khu đô thị mới 770 ha và Khu tái định cư 160 ha nằm giáp ranh, thuộc địa bàn phường An Khánh, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh và Thủ Thiêm.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, phía thành phố Hồ Chí Minh đã giao 23,3 ha đất ở phường Bình An cho 5 doanh nghiệp đầu tư dự án kinh doanh nhà ở, khu vui chơi, giải trí, thương mại trước khi Quyết định 367 được ban hành.
So với quy hoạch được phê duyệt, diện tích Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã giảm 26,3 ha, bao gồm 3 ha mặt nước.
Do đó, để bù vào phần hụt này, ngày 16/9/1998, theo yêu cầu của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt quy hoạch 1/2000 có nội dung bổ sung ranh quy hoạch khoảng 4,3 ha đất phía Bắc - thuộc một phần Khu phố 1, phường Bình An.
Theo ông Cao Thăng Ca, từ thực tế tình tiết trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, việc ‘làm có thời gian chấm dứt’ theo lời ông Bí thư Nguyễn Văn Nên khó có thể xảy ra:
“Bây giờ người ta nói thời gian thời hạn bao nhiêu mà bao nhiêu người trước đều sai hết, không được kết quả nào. Thậm chí khi họ giải quyết khiếu nại ví dụ như họ xác định được khu 4,3 hecta nằm ngoài Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra chính phủ đã kết luận ngoài ranh quy hoạch theo Quyết định 367, ngoài ranh thu hồi đất theo Quyết định 1997, nhưng bây giờ họ vẫn căn cứ vào Quyết định 367, căn cứ quyết định thu hồi đất 1997 của thành phố để họ tiếp tục lấy đất của người dân ở 4,3 hecta.”
Tân Bí thư Nguyễn Văn Nên không phải là người đầu tiên nói sẽ giải quyết vụ việc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thiện Nhân trước đó cũng đã nhiều lần nhắc đến việc này trong lúc ông còn giữ chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Đình Đệ cho rằng ông Nguyễn Thiện Nhân rất có thiện chí, tuy nhiên:
“Vấn đề ở đây là Quyết định 1997 vướng nhiều quá nên ông Nhân phải bỏ chứ thật sự ghi nhận Bí thư Nguyễn Thiện Nhân rất cố gắng giải quyết vấn đề Thủ Thiêm nhưng cứ quanh quẩn.
Nếu ông Nên không giải quyết vấn đề Thủ Thiêm là nhìn thẳng vào Quyết định 1997 thì cũng như ông Nhân, chẳng đi đến đâu.”
Theo tin từ truyền thông nhà nước đăng tải, ông Bí thư Nguyễn Văn Nên tại hội nghị Đảng bộ thành phố lớn nhất phía Nam cũng cho rằng giải quyết vấn đề dư luận bức xúc, kể cả vụ Thủ Thiêm để tăng cường sự đồng thuận của xã hội.
Thật sự ghi nhận Bí thư Nguyễn Thiện Nhân rất cố gắng giải quyết vấn đề Thủ Thiêm nhưng cứ quanh quẩn. Nếu ông Nên không giải quyết vấn đề Thủ Thiêm là nhìn thẳng vào Quyết định 1997 thì cũng như ông Nhân, chẳng đi đến đâu. - ông Nguyễn Đình Đệ
Sau nhiều năm trời khiếu kiện, ông Cao Thăng Ca bày tỏ băn khoăn nếu nói đồng thuận trong vụ việc này, người dân phải đồng thuận cái gì, chẳng lẽ lại đồng thuận với cái sai?
“Bây giờ chúng tôi chỉ mong rằng nhà nước chỉ làm đúng theo luật pháp, chủ trương của nhà nước. Mấy ông có luật pháp mấy ông không làm đúng thì ông kêu gọi người dân đồng thuận cái gì?
Chúng tôi không thể đồng thuận được, chúng tôi không thể chia sẻ tài sản của chúng tôi cho những người quan, tham nhũng được, chúng tôi không thể chia sẻ với nhà đầu tư dự án lời mấy trăm triệu một mét vuông, những chuyện đó chúng tôi không thể đồng thuận.”
Chính quyền TPHCM bắt đầu tiến hành giải toả khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu ở Thủ Thiêm từ khoảng năm 2012 để tiến hành xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 730 ha bên sông Sài Gòn.
Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, dự án vẫn gặp khó khăn tại một số nơi khi hàng trăm hộ dân Thủ Thiêm nhiều năm qua đã đi khiếu kiện lên tận trung ương, yêu cầu giá đền bù hợp lý, phản đối việc giải tỏa sai quy định của giới chức thành phố.