Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên: Quãng đường rất xa và gập ghềnh!

0:00 / 0:00

Giá trị lịch sử, văn hóa

Công ty Cổ phần tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) hôm 15 tháng 9 có công văn gửi tới Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Sông Tô Lịch là một con sông nhỏ chảy trong địa phận thành phố Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua các quận, huyện Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang. Sông Tô Lịch là một đường bao của kinh đô Thăng Long xưa, nó là một cạnh của tứ giác nước Thăng Long.

Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông về đề xuất này:

“Tôi thì tôi cho ý tưởng là hoàn toàn hợp lý vì sông Tô Lịch ngày xưa, ở Thăng Long cũ, đã ghi nhận đây là một giòng sông rất đẹp và lịch sử vì có Vua đi dạo trên sông Tô Lịch bằng thuyền rồng. Thứ hai nữa là cũng có thông tin liên quan việc thầy Thích Viên Thành là người muốn gỡ cái trấn yểm nào đó trên sông Tô Lịch thời mở rộng sông này (gọi là khơi sâu sông tô Lịch). Tôi cho rằng sông Tô Lịch đúng là một phần của lịch sử.”

Ví dụ như giòng sông Tô Lịch thì gắn bó với vị Thành Hoàng Thăng Long, gắn bó với hai ông bà bán dầu thời Lý, gắn bó với những lễ hội, những nghi lễ, những vị thần được thờ suốt giòng sông. - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện

Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng việc cải tạo, gìn giữ con sông Tô Lịch là việc cần làm. Ông kể hồi năm 2005 có những nhà học giả Nhật đến Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức buổi nói chuyện về hệ thống thủy văn, hệ thống ao, hồ ở Hà Nội. Họ cho một con số khiến ông vô cùng ngạc nhiên và buồn. Đó là tính đến năm 2005, Hà Nội đã bị mất 70% diện tích ao, hồ so với đầu thế kỷ thứ 20.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, các con sông ở Hà Nội có những giá trị văn hoá, lịch sử và tâm linh dày đặc. Trong đó có văn hóa về nước, văn hóa về thờ cúng, văn hóa về tế lễ, nghi lễ. Lấy nước sông đó để làm lễ tế thần hoặc lễ mộc dục, tức là tắm rửa cho các pho tượng. Ông nói thêm:

“Trên mỗi một giòng sông thì nó lại có những yếu tố tâm linh. Ví dụ như giòng sông Tô Lịch thì gắn bó với vị Thành Hoàng Thăng Long, gắn bó với hai ông bà bán dầu thời Lý, gắn bó với những lễ hội, những nghi lễ, những vị thần được thờ suốt giòng sông.

Gần đây, báo chí có đưa thông tin phía Nhật Bản sẽ giúp cho Hà Nội một dự án cải tạo giòng sông Tô Lịch và xây dựng thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh. Kết hợp như vậy là đã hiểu về giòng sông Tô Lịch này.”

Cần lấy ý kiến người dân

Để cải tạo, xây dựng sông Tô Lịch thành công viên thì việc đầu tiên cần làm là lọc sạch nước con sông này. Công ty JVE nêu một số giải pháp tổng thể để giải quyết một số vấn đề chính như thu gom nước thải; cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; xử lý tầng bùn đáy; xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông. Ngoài ra cần bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của giòng sông.

Công ty JVE từng thí điểm làm sạch một góc hồ Tây và một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor.

Dự án được triển khai từ ngày 16 tháng 5 năm 2019 và dự kiến đến giữa tháng 7 sẽ công bố kết quả. Tuy nhiên, Công ty Thoát nước Hà Nội bất ngờ xả nước từ hồ Tây qua khu vực thí điểm vào ngày 9 tháng 7 năm 2019 nên toàn bộ kết quả thí điểm bị cuốn trôi. Toàn bộ hệ thống máy móc phục vụ thí điểm của đơn vị này cũng đã được tháo dỡ khỏi sông Tô Lịch.

Các chuyên gia Nhật Bản đánh giá trước khi có công nghệ Nano-Bioreactor, ở Việt Nam chỉ nghĩ đến việc nạo vét sông, hồ và đợi đến khi nào có đủ tiềm lực tài chính mới có thể hoàn thiện toàn bộ hệ thống cống bao, thu gom, tách nước thải từ nguồn để đưa về các nhà máy xử lý nước thải tập trung. Và như cách của Việt Nam sẽ mất 50 đến 100 năm mới hoàn thiện được hệ thống này.

Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định:

“Ở đây tôi cho rằng việc đầu tiên là phải giải quyết được vấn đề làm sạch sông Tô Lịch. Đây là vấn đề mà tôi thấy sao mà nó quá nan giải với Hà Nội!

Cũng đã thử nghiệm rất nhiều giải pháp với việc rửa sông Tô Lịch, nhưng rồi giải pháp nọ đá giải pháp kia, cuối cùng không dẫn đến kết quả nào cả.

Cái thứ hai là tôi cho rằng phải có một quy hoạch hợp lý. Từ đấy lấy ý kiến của mọi người dân xem ý tưởng quy hoạch có hợp hay không. Rồi cũng phải tính toán lợi ích, chi phí xem phương án nào chi phí thấp nhất và lợi ích cao nhất. Đấy là những việc phải làm. Từ ý tưởng tới thực tế là quãng đường rất xa và gập ghềnh.”

Ở đây tôi cho rằng việc đầu tiên là phải giải quyết được vấn đề làm sạch sông Tô Lịch. Đây là vấn đề mà tôi thấy sao mà nó quá nan giải với Hà Nội!...Từ ý tưởng tới thực tế là quãng đường rất xa và gập ghềnh. - Giáo sư Đặng Hùng Võ

Về việc lấy ý kiến người dân, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, thứ nhất là những người có quyền quyết định phải thực sự thành tâm muốn nghe ý kiến của dân. Thứ hai là trong các nhóm lấy ý kiến thì phải phân tích được những nhóm có xung đột lợi ích và những nhóm khách quan trong việc đóng góp ý kiến. Ví dụ nhóm có ý kiến là nhóm có xung đột lợi ích thì nghe ý kiến gì và không nghe ý kiến gì để làm cơ sở giải trình sau khi lấy ý kiến.

Là đơn vị đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên, Công ty Cổ phần tập đoàn Môi trường Nhật Việt cho biết, sắp tới họ sẽ tổ chức hội thảo và mời đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để cùng tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước về đề án mà họ cho là có nhiều ý nghĩa cho sự phát triển của Hà Nội và góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hai nước Việt - Nhật.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho hay, việc xây một công viên mang ý nghĩa lịch sử, tâm linh có nhiều việc cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể trước khi bắt tay vào làm. Ông nói:

“Làm như thế nào, xử lý nước như thế nào cho trong sạch, chấn hưng lại các lễ hội và giới thiệu các vẻ đẹp dọc giòng sông, rồi thể hiện những tượng đài cũng như những sinh hoạt văn hóa như con thuyền, bến nước như thế nào là chuyện phải tính nữa. Hiện nay những người đưa ý tưởng cũng chưa đưa một cách cụ thể, hoặc đã có kế hoạch cụ thể nhưng người dân cũng chưa tiếp cận được, ngay cả những người quan tâm đến văn hóa như chúng tôi.”