Chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm có đạt được mọi mục tiêu?

0:00 / 0:00

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn trong trả lời báo chí Nhà nước hôm 29/9 cho rằng chuyến công tác của ông Tô Lâm trong cương vị Chủ tịch nước- Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại New York từ ngày 21 đến 25 tháng 9 đã thành công tốt đẹp, "đạt được ở mức cao tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra".

Theo ông Bùi Thanh Sơn, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chuyển tải được thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng ở cấp cao nhất về đường lối đối ngoại của Việt Nam, và cùng các nước đề ra các định hướng chính sách quan trọng nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.

Củng cố vị thế của Việt Nam?

Một nhà quan sát chính trị hiện đang ở trong nước, yêu cầu giấu danh tính nói với RFA rằng chuyến đi này mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung, cũng như đối với cá nhân ông Tô Lâm nói riêng.

Nhà quan sát giấu tên nhận thấy trong khoảng 2 - 3 năm gần đây, Việt Nam đang trở mình rất mạnh trong chính trường thế giới. Bằng chứng là từ năm ngoái đến nay, Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Úc, Nhật bản. Các nguyên thủ từ các quốc gia lớn trên thế giới như Tập Cận Bình hay ông Biden đều đến Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã nhắc đến Việt Nam trong bài phát biểu trước đại hội đồng LHQ ở New York hôm 24/9. Ông nói rằng việc gặp gỡ và nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam vào năm ngoái là “minh chứng cho sự bền bỉ của nhiệt huyết con người và khả năng hòa giải” và “mọi thế đều có thể trở nên tốt đẹp lên".

Từ những diễn biến trên, nhà quan sát giấu tên cho rằng:

“Cho nên chuyến đi này giống như để đánh tín hiệu ra cho thế giới biết là Việt Nam đã sẵn sàng nhận một vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong chính trường thế giới.”

Cũng theo nhà quan sát giấu tên, qua chuyến đi Mỹ lần này, cuộc chơi chính trị của Việt Nam cũng đã được nâng lên một cấp bậc mới:

“Tức là những người lãnh đạo Việt Nam đã hiểu hơn về chính trị quốc tế và tình hình thế giới họ hiểu rất rõ vị trí của họ ở đâu trong cộng đồng quốc tế. Tôi nhìn nhận việc này như là một sự tích cực bởi vì họ hiểu cuộc chơi hơn vì vậy họ trở nên dễ đoán hơn. Nếu như vậy thì nó sẽ tốt hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài và cả trong nước.”

Đánh giá sự thể hiện của Tô Lâm

Về góc độ cá nhân ông Tô Lâm, nhà quan sát giấu tên cho rằng chuyến đi này mang tính chất giới thiệu một Tổng bí thư, Chủ tịch nước mới. Một người được biết như là người kế thừa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lần đầu tiên bước ra “vũ đài chính trị quốc tế”:

“Cá nhân tôi đánh giá thì kết quả chuyến đi này, về mục tiêu đối ngoại của Việt Nam thì được 6/10 điểm thì, còn đối với ông Tô Lâm được khoảng 8/10 điểm.”

Trong khuôn khổ chuyến công du, ngoài công việc chính được công bố là tham dự thượng đỉnh tại Đại hội đồng LHQ, ông Tô Lâm còn có nhiều hoạt động khác như gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, phát biểu tại Đại học Columbia và hội kiến với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày cuối cùng làm việc ở Mỹ.

Đánh giá về sự thể hiện của ông Tô Lâm trong lần đầu ra mắt lãnh đạo Mỹ và các nước phương Tây, nhà phân tích giấu tên cho biết ông chưa thấy có gì đột phá:

“Các hoạt động của ông Tô Lâm ở LHQ đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng từng câu từng chữ rất rõ ràng vì vậy cũng không có gì đột phá, nhưng ông Tô Lâm đã thể hiện tròn vai của mình ở LHQ.

Về mặt doanh nghiệp thì đây cũng là một điều lạ bởi vì thường thì thủ tướng là người điều hành chính phủ gặp thì nó phù hợp hơn về mặt phát triển kinh tế.”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Huy Vũ nhận định những hoạt động, phát biểu của ông Tô Lâm ở Mỹ chỉ mang tính chất khoa trương là chính, chưa thực chất, ngay cả khi gặp trực tiếp Tổng thống Biden thì cũng không đạt được điều gì cụ thể để phát triển mối quan hệ hai nước và cả phát triển kinh tế.

Về bài phát biểu tại Đại học Columbia, ông Vũ cho rằng nó giống như là một cái show đã được dàn dựng sẵn và ông Tô Lâm đã thể hiện là một nhà lãnh đạo thất bại:

“Bởi vì một lãnh đạo đất nước khi đứng trước công chúng thì ông ta phải nhìn vào tờ giấy để trả lời những điều đã được chuẩn bị trước. Đối với những vấn đề đi ra ngoài thì ông ta không có trả lời được, thường là chung chung.”

Né tránh câu hỏi về hòa giải

Tại trường Đại học Columbia, giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng - Giám đốc Viện Đông Á Weatherhead của Đại học Columbia - đặt câu hỏi cho ông Tô Lâm, đề cập đến câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, rằng ngày 30/4 có “triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn”, với vai trò lãnh đạo, ông Tô Lâm sẽ làm gì để thúc đẩy hòa giải giữa người Việt trong nước và hải ngoại.

Ông Tô Lâm không đi thẳng vào nội dung câu hỏi mà trả lời rằng "quan hệ Việt - Mỹ có được những bước tiến như ngày nay là vì tinh thần hàn gắn và tôn trọng lẫn nhau, hướng về phía trước.”

Theo tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ, cách trả lời của ông Tô Lâm cho thấy nhà Đảng lãnh đạo hiện nay chưa thể hiện dấu hiệu nào cho thấy họ thật lòng muốn hòa giải dân tộc:

“Thực chất là Đảng Cộng sản hiện nay không thể hiện một cái dấu hiệu nào gọi là họ sẽ thực hiện một cuộc hòa giải dân tộc. Lúc nào họ cũng cho rằng họ là lực lượng giải phóng dân tộc, lãnh đạo dân tộc. Ông ta đặt cái Đảng Cộng sản lên trên quốc gia, lên trên lịch sử dân tộc.”

Nhà phân tích giấu tên lại cho rằng ông Tô Lâm tham dự sự kiện tại Đại học Columbia với tư cách là nguyên thủ quốc gia nên ông chỉ nói về các vấn đề liên quan đến các quốc gia với nhau:

“Tôi nghĩ rằng ông Tô Lâm thể hiện rất là rõ là đây là quan điểm của giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo tôi nghĩ ông Tô Lâm không trả lời câu hỏi đấy bởi vì ông ấy có quan điểm là chuyến đi này ông ấy đại diện cho Việt Nam trao đổi với Hoa Kỳ. Khi ông ấy đã mang góc nhìn đó thì ông ấy thì chỉ bàn về những vấn đề giữa quốc gia với Hoa Kỳ hơn là với cộng đồng người việt tại Hoa Kỳ.”