Bài học về đàm phán với Trung Quốc trên vịnh Bắc Bộ

Trong ngày thứ hai của buổi hội thảo về an ninh hàng hải trên biển Đông tại Washington, các diễn giả đã đưa ra một số những đề nghị về giải pháp cho các tranh chấp trong khu vực.

0:00 / 0:00

Đại diện Việt Nam là luật sư Nguyễn Duy Chiến, cộng tác viên của Học viện quốc tế cũng có bài phát biểu trong buổi hội thảo này. Trong thuyết trình của mình, ông đã nói đến những bài học rút ra từ việc đàm phán giữa Việt nam và Trung Quốc với biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ. Việt Hà phỏng vấn Luật sư Nguyễn Duy Chiến bên lề cuộc hội thảo.

Thu hẹp bất đồng bằng đàm phán

Việt Hà : Câu hỏi đầu tiên muốn dành cho ông là trong bài phát biểu ngày hôm nay của ông, ông có nói rằng để giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc thì có 3 bước quan trọng là đàn phán, hòa giải và mang ra tòa án quốc tế. Hiện tại mình đang ở bước đầu tiên là bước đàm phán, có đúng không ạ? Và hiện tại, theo ông đánh giá thì khả năng thành công ở bước đầu tiên với Trung Quốc là như thế nào?

LS Nguyễn Duy Chiến : Đàm phán để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia thì trong đó có tranh chấp về lãnh thổ, thường được các nước tận dụng rất là nhiều, sử dụng rất nhiều. Và trong thực tế, Việt Nam cũng đã sử dụng đàm phán để mà phân tích cái ranh giới biển giữa Việt Nam với Thái Lan, với Indonesia và với Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ.

Thậm chí chúng ta cũng đã tiến hành đàm phán để giải quyết vấn đề biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thế thì đấy là trực tiếp làm như vậy. Thế còn cái kết quả sau này đàm phán về các vấn đề Biển Đông có đạt được kết quả hay không thì thông thường nó cần phải có sự cố gắng nội lực của hai bên. Nếu một bên cố gắng, một bên không có thiện chí thế thì cũng không giải quyết được.

Về phía Việt Nam thì Việt Nam cố gắng tìm mọi cách đối thoại với các nước có vấn đề tranh chấp, trong đó có Trung Quốc, để giải quyết tranh chấp biên giới lãnh thổ, thu hẹp các bất đồng. Thế nhưng quá trình đàm phán có lâu dài và kết quả bao nhiêu thì còn phụ thuộc vào tình hình thực tế, tức là về phía các đối tác họ có sẵn sàng thiện chí để giải quyết hay chưa. Đấy, đại thể là như vậy.

Việt Hà : Nếu như trong trường hợp đàm phán không thành công, ông có nói đến hai bước tiếp theo, đó là bước về hòa giải và mang ra tòa án, vậy thì khi mình phải tiến hành hai bước này thì khả năng mình làm như thế nào, và mức độ thành công ra làm sao? Ông đánh giá thế nào?

LS Nguyễn Duy Chiến : Thật ra, theo đúng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc thì các biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế thì nó có đến 5 biện pháp cơ bản, là đàm phán, trung gian, môi giới, hòa giải, trọng tài quốc tế và ra đến tòa án quốc tế.

Việt Nam cố gắng tìm mọi cách đối thoại với các nước có vấn đề tranh chấp, trong đó có Trung Quốc, để giải quyết tranh chấp biên giới lãnh thổ, thu hẹp các bất đồng.

LS Nguyễn Duy Chiến

Trên thực tế hiện nay thì các nước cũng sử dụng các biện pháp đó, nhưng mà mức độ khác nhau. Còn về phía chúng ta thì chúng ta hiện nay đang tiến hành đàm phán, chủ yếu là đàm phán với các nước láng giềng. Thế còn khả năng đưa ra các biện pháp khác thì bây giờ cũng chưa nói trước được, nó còn tùy thuộc vào cái quá trình, nếu mà đàm phán đạt được kết quả thì không phải vận dụng đến các biện pháp hòa bình khác, nhưng mà nếu đàm phán mà kéo dài và nó không giải quyết được, không đưa lại kết quà thì chắc chắn cũng phải sử dụng các biện pháp khác. Thế nhưng, lúc nào sử dụng thì hiện nay cũng chưa thể nói được, mà nó còn phụ thuộc vào tình hình đàm phán giữa các bên với nhau.

Song phương hay đa phương?

Việt Hà : Nhưng khả năng mà mình đưa ra thì nó thành công như thế nào?

ndc-250-rfa.jpg
Ông Nguyễn Duy Chiến thuyết trình tại buổi Hội thảo về An ninh Biển Đông hôm 21/6/2011. RFA photo (Ông Nguyễn Duy Chiến thuyết trình tại buổi Hội thảo về An ninh Biển Đông hôm 21/6/2011. RFA photo)

LS Nguyễn Duy Chiến : Khả năng như thế này, ví dụ vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta thì theo hồ sơ mà tôi biết được là chúng ta có rất nhiều chứng cứ để khẳng định chủ quyền của mình.

Đấy là cái đánh giá của mình, mình có nhiều chứng cứ như vậy, nhưng còn cái ra tòa án thế nào thì còn tùy thuộc vào các thẩm phán họ quyết định, cho nên tôi cùng không thể nói được là thẩm phán có thể đồng ý ngay với mình. Nhưng mà chỉ khẳng định một điều là chúng ta có nhiều cơ sở mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của mình.

Việt Hà : Cũng trong bài phát biểu ngày hôm nay ông có nói đến bài học về đàm phán thành công với Trung Quốc về Vịnh Bắc Bộ và biên giới trên đất liền, nhưng mà ở đây là sự áp dụng bài học đó đối với vấn đề Biển Đông.

Vịnh Bắc Bộ cũng như trên đất liền thì đó là đàm phán song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, còn vấn đề Biển Đông thì đó là vấn đề đàm phán đa phương, có liên quan đến nhiều nước khác trong khu vực, vậy thì làm sao mà ta có thể áp dụng kinh nghiệm của đàm phán song phương đó đối với vấn đề này trong Biển Đông?

LS Nguyễn Duy Chiến : Thật ra thì những kinh nghiệm đàm phán song phương vẫn có giá trị khi đàm phán đa phương, tức là khi đàm phán thì phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Thế thì bất kể đó là đàm phán song phương hay đàm phán đa phương đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, thứ hai nữa là phải tuân thủ Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, thế thì cũng áp dụng cho cả song phương và cả đa phương.

Rồi ví dụ như hiện nay, trong quá trình các vấn đề Biển Đông là chưa có giải pháp đàm phán được, thì các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký tuyên bố về ứng xử của các bên về Biển Đông, trong đó thể hiện các cam kết của mình, đó là trách nhiệm của tất cả các nước là phải thực hiện đúng các cam kết đó.

Thật ra thì những kinh nghiệm đàm phán song phương vẫn có giá trị khi đàm phán đa phương, tức là khi đàm phán thì phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

LS Nguyễn Duy Chiến

Do đó, tôi nói những kinh nghiệm trong đàm phán về Vinh Bác Bộ và trên đất liền cũng có thể áp dụng đối với các đàm phán đa phương được, tức là:
- Một là phải có ý chí chính trị.
- Hai là tranh chấp phải có thực chất của tranh chấp, chứ không phài là vùng biển của một nước rồi nước khác vào tự đòi đó là vùng biển của mình, rồi tạo nên tranh chấp thì không được.
- Ba là phài tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc.
- Thứ tư là phải sử dụng bằng các biện pháp hòa bình. Và trong quá trình đàm phán đó thì không có hành động làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Chia sẻ lợi ích Biển Đông

Việt Hà : Một câu hỏi nữa mà tôi muốn hỏi ông, cũng liên quan đến kinh nghiệm (đàm phán) Vịnh Bắc Bộ của mình, thì mình có hiệp ước nghề cá đối với Trung Quốc, theo một khía cạnh nào đó mình hiểu là chia sẻ nguồn lợi. Vấn đề trên Biển Đông thì như một diễn giả trong buổi hội thảo hôm nay có nói là có 3 tranh chấp chính, đó là vấn đề tranh chấp chủ quyền, tranh chấp về nguồn lợi, rồi tranh chấp về vấn đề di lại tự do trên biển, thế thì để giải quyết một trong những vấn đề tranh chấp trên Biển Đông đó, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp hoặc cách thức mà mình đã tiếp cận trước kia đối với Vịnh Bắc Bộ, đó là chia sẻ về nguồn lợi, hay không?

LS Nguyễn Duy Chiến : Thật ra thì về các loại tranh chấp ở Biển Đông, theo cá nhân tôi nhận thấy là có hai loại: một là tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta, thì chúng ta có chủ quyền nhưng một số nước khác cũng nêu yêu sách cho nên mới nảy sinh các yêu sách đó, còn loại yêu sách thứ hai là yêu sách về các vùng biển chồng lấn. Như vậy, thực ra như tôi nói là chỉ có hai loại tranh chấp đấy.

Còn vấn đề tài nguyên nó gắn với các tranh chấp vấn đề vùng biển, tức là nếu mà tài nguyên là dầu khí thì nó gắn với vấn đề là tài nguyên thềm lục địa. Còn ví dụ như tôm cá thì nó gắn với tài nguyên của vùng đặc quyền kinh tế.

Do đó câu chuyện tranh chấp là như vậy. Thế còn xử lý nó như thế nào thì rõ ràng ở những vùng biển hoàn toàn thuộc của ta đấy, ví dụ vùng đặc quyền kinh tế của ta, thế thì cái phạm vi 200 hải lý đó thì không có tranh chấp, do đó vấn đề tài nguyên trong vùng này không có chuyện chia sẻ với người khác mà hoàn toàn của ta.

Chỉ có vấn đề phức tạp là ở vùng chồng lấn, ví dụ như là giữa chúng ta và Malaysia có một vùng nho nhỏ thì ta với Malaysia và Thái Lan cùng nhau hợp tác để mà giải quyết, nếu mà phân định được là tốt nhất, còn nếu chưa phân định được thì cũng có thể có các biện pháp hợp tác. Nhưng điều kiện như tôi nói là phải thực sự có sự chồng lấn của thềm lục địa Việt Nam, hoặc là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với thềm lục địa, hoặc là vùng kinh tế của các nước khác.

Còn việc người dân chúng ta đánh cá ở Hoàng Sa, thì vùng biển Hoàng Sa là của chúng ta, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của chúng ta cho nên ngư dân chúng ta đánh cá ở đây là việc bình thường. Chỗ này là ngư dân chúng ta đã đánh cá hàng trăm năm nay rồi, cho nên chỗ này không phải là vấn đề vùng chồng lấn hoặc là như các nước khác.

Tất nhiên thời gian vừa rồi một số ngư dân chúng ta khi đánh cá ờ Hoàng Sa thì có bị phía Trung Quốc bắt, cái đó thì nhà nước cũng đã đấu tranh qua đường ngoại giao đề yêu cầu Trung Quốc phải thả ngư dân của chúng ta và không được tịch thu các tài sản của ngư dân chúng ta.

Việt Hà : Câu cuối cùng muốn hỏi ông, đó là cũng trong ngày hội thảo hôm nay thì Tiến sĩ Stein Tonnesson có nói đến một số giải pháp để giải quyết vấn đề tranh chấp, thì trong đó tiến sĩ Tonnesson có nói rằng ông ấy phản đối vấn đề có Mỹ tham gia để giải quyết vấn đề Biển Đông, trong khi đó phía Việt Nam cũng như ông có đề cập đến là Mỹ có thể tham gia ở mức độ nhất định nào đó để đảm bảo an ninh và hòa bình trong khu vực. Tiến Sĩ Stein thì nói rằng việc tham gia cùa Mỹ chỉ gây thêm rắc rối thôi, vậy ông nghĩ thế nào về những nhận xét đó?

LS Nguyễn Duy Chiến : Cá nhân tôi thấy thế này. Vấn đề Biển Đông có những khía cạnh rất là quan trọng mà tất cả các nước đều có lợi ích, ví dụ duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, hoặc là thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các nước về Biển Đông thì cái này nó cũng đáp ứng lợi ích của nhiều nước. Và ví dụ như Mỹ thì họ cũng có lợi ích trong vấn đề duy trì hòa bình ở Biển Đông, và có lợi ích trong vấn đề tự do hàng hải.

Do đó sự đóng góp của tất cả các nước, trong đó có Mỹ, vào việc duy trì và tăng cường hòa bình và ổn định ở Biền Đông là rất cần thiết, và cái này hoàn toàn là đáng hoan nghênh. Thế còn các ý kiến khác thì mỗi người có cái nhìn nhận khác nhau.

Việt Hà : Xin cảm ơn ông.

Theo dòng thời sự: