Bước tiến dân chủ?
Đề xuất về việc bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm đối với các cấp lãnh đạo hàng đầu như chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, và các chức danh do quốc hội bầu, đã được Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam đồng ý trong phiên họp ngày 23 vừa qua.
Đây là cuộc họp để thảo luận đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của quốc hội. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội, cho rằng thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các giới chức lãnh đạo cao cấp do quốc hội phê chuẩn hoặc bầu lên là phản ảnh tinh thần của Nghị Quyết Trung Ương IV.
Như vậy, hàng năm, quốc hội sẽ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm và kết quả sẽ được công khai cho dân biết. Đối tượng chịu sự bỏ phiếu tín nhiệm là thủ tướng và phó thủ tướng chính phủ, chủ tịch và phó chủ tịch nước, chủ tịch và phó chủ tịch quốc hội, uỷ viên Ban Thường Vụ Quốc Hội, Chánh Án Tòa Án Tối Cao, viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, Tổng Kiểm Toán Nhà Nước.
Những trường hợp nào hai lần liên tiếp không đạt số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu lập pháp thì quốc hội sẽ xem xét để yêu cầu miễn nhiệm hoặc từ chức.
Ông Ngô Quang Xuân, từng là phó chủ nhiệm Uỷ Ban Đối Ngoại khi còn làm đại biểu quốc hội khóa XII, nhận định:
"Đấy là một đổi mới trong công việc của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội, một bước đổi mới mà tôi nghĩ chắc chắn được dư luận quan tâm và ủng hộ. Bây giờ cả nước đang tiến tới xây dựng dân chủ thì càng ngày phải càng dân chủ hơn, hiểu như thế thì tốt cho hoạt động của quốc hội thôi, tạm thời bình luận thế."
Nhà văn Vũ Hạnh, ủy viên đoàn chủ tịch Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Thành Phố Hồ Chí Minh:
Bây giờ cả nước đang tiến tới xây dựng dân chủ thì càng ngày phải càng dân chủ hơn, hiểu như thế thì tốt cho hoạt động của quốc hội thôi, tạm thời bình luận thế.
Ô. Ngô Quang Xuân
"Nếu được như vậy thì quốc hội sẽ có vai trò quan trọng hơn, nâng cao vai trò của quốc hội lên, dân chủ càng ngày càng được thực hiện tốt hơn. Thoạt nghe qua thì tôi nghĩ đó là tốt bởi vì trong quốc hội hiện có nhiều người phát biểu mạnh mẽ lắm. Tôi nghĩ nếu quốc hội muốn có cái này thì lần lần sẽ được hoàn chỉnh, nếu có chi chưa đúng mức thì người ta sẽ góp ý sẽ phê phán. Thành thử có một chủ trương như vậy tôi nghĩ sẽ tốt hơn."
Một ký giả ở thành phố Hồ Chí Minh, không muốn tiết lộ danh tánh, bình luận rằng về mặt chủ trương thì đúng nhưng vấn đề là giải pháp thực hiện mà nếu không ổn thì khó mang lại kết quả.
Theo anh nếu việc bỏ phiếu tín nhiệm cấp lãnh đạo mà không bị can thiệp không bị chi phối thì thực chất của sự việc đó rất tốt. Vẫn theo lời phóng viên này, mọi thiết kế để bảo đảm dân chủ đều có sẵn, vấn đề là giải pháp thực hiện như thế nào và trong bối cảnh Việt Nam thực ra chuyện này có cần thiết hay không khi mà trong quá trình bầu cử và xác định các chức danh thì người ta đã có qui trình chọn lựa sẵn hết rồi. Đó là điều thứ nhất.
Điều thứ hai, anh lý giải tiếp, bản thân các cơ quan, đảng, chính phủ, đoàn thể và chính quyền đều có các thiết kế để kiểm tra. Đảng thì có Uỷ Ban Kiểm Tra Đảng, chính quyền thì có thanh tra, bản thân những cán bộ lãnh đạo cũng có những tập thể sinh hoạt như chi bộ đảng chẳng hạn. Vì thế, nhà báo này nghĩ việc bỏ phiếu tín nhiệm các cấp lãnh đạo mang tính cách biểu tượng nhiều hơn là thực tế.
Dân nghĩ gì?
Một người dân ở Hà Nội cho rằng xét về mặt hình thức thì sự nhất trí của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội là một bước tiến đáng kể so với sự kiện đầu tiên hồi năm ngoái là khi quốc hội phủ quyết một nghị quyết của thủ tướng về dự án xây dựng đường sắt cao tốc.
"Đấy là một bước hơn hẳn mọi khi tại vì từ trước tới nay chưa bao giờ xảy ra một chuyện như thế cả. Đây là một bước cải tổ, hình thức là chính nhưng ít ra đã có một sự thay đổi về hình thức.
Đây là một bước mà người ta không thể nào làm khác được nữa, khi chung quanh đều thay đổi mà mình không thay đổi thì sẽ dẫn đến sự suy tàn. Có thể mọi người sẽ kỳ vọng nhiều nhưng cá nhân tôi nghĩ kỳ vọng nhiều là không nên. Ở nước ngoài khi xảy ra một sự kiện hay sự việc gì đấy thì có văn hoá từ chức, nhưng ở Việt Nam thì chưa bao giờ. Mai kia không được tín nhiệm tức không làm được việc thì phải làm sao? Cụ thể hôm nay đảng nói thế nhưng mai đảng lại nói khác."
Một người dân ở Quảng Nam phát biểu rằng sự nhất trí bỏ phiếu tín nhiệm của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội nghe ra rất đáng phấn khởi:
"Lâu nay chưa bao giờ có vấn đề này xảy ra mà nếu bây giờ có thì tôi nghĩ đây là điều vui mừng cho người dân. Miến Điện đã có những bước tiến dân chủ đáng mừng, tôi nghĩ Việt Nam mình từng hồi từng lúc cũng phải đi theo con đường đó nếu không thì sẽ bị lạc hậu và sẽ bị đào thải mà điều đó không thể chấp nhận được."
Một số người lại có vẻ dửng dưng, nếu không muốn nói là hoài nghi, trước thông tin vừa nêu. Điển hình một nông gia ở Bến Tre:
"Cái đó thì nhà nước mấy ổng tự làm sao mấy ổng làm chứ dân biết cái gì đâu. Suy nghĩ của em là không có quan trọng không có thay đổi gì đâu. Tự mấy ổng làm ra mấy ổng sắp đặt đâu đó hết rồi chứ người dân có được biết cái gì đâu."
Tín nhiệm hay không tín nhiệm chỉ là vấn đề chia ghế với nhau thôi, không thấy gì chuyển biến hết, đó là suy nghĩ cá nhân tôi.
Một cư dân Saigon
Hay một cư dân ở Saigon:
"Đừng vội, để coi mọi sự có sáng tỏ thêm không. Tín nhiệm hay không tín nhiệm chỉ là vấn đề chia ghế với nhau thôi, không thấy gì chuyển biến hết, đó là suy nghĩ cá nhân tôi."
Hoặc một người khác ở miền Trung:
"Theo mình nghĩ đây cũng như một vở hài kịch thôi. Bày vẽ ra quốc hội nói như vậy để tạo tâm lý cho người dân là nhà nước đang thay đổi và đi đến chỗ tốt đẹp hơn là đổi mới nhưng thật sự là không phải. Đây là đóng kịch cho công luận rồi thế giới rồi mọi người thấy đây là sự đổi mới của đảng cộng sản Việt Nam nhưng mà thực ra bình cũ rượu mới thôi, không có thay đổi gì đâu."
Đó là một số ý kiến của người dân trong nước khi chuyện quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm giới lãnh đạo hàng đầu trong nước chưa thực sự xảy ra.
Dù cho phép đài Á Châu Tự Do phát lên hay chỉ trích dẫn quan điểm của mình, những người được hỏi ý kiến ở đây đều gặp nhau tại một mẫu số chung là xem ra quyền hành của quốc hội Việt Nam còn nhiều hạn chế và còn chịu sự chi phối, chưa hoàn toàn độc lập để có thể khẳng định tầm mức quan trọng và cần thiết của mình trong tư cách một cơ quan lập pháp đúng nghĩa.