Kim ngạch xuất khẩu giảm
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VASEP dự báo sản lượng cá tra 2011 sẽ giảm trầm trọng và kim ngạch xuất khẩu có thể giảm khoảng 400 triệu USD so với năm 2010, nếu không có đột biến giá cá tra trên thị trường thế giới. Năm ngoái các doanh nghiệp đã xuất khẩu ra thị trường thế giới hơn 600 nghìn tấn cá tra thành phẩm, phần lớn là filet đông lạnh, trị giá 1,42 tỷ USD.
Người ta bỏ nuôi nhiều hơn năm rồi, mười người bỏ hết tám còn hai. Dân muốn nuôi nữa cũng không có tiền đâu để nuôi.
Nông dân ĐBSCL
Ngày 18/2 giá cá tra nguyên con mua tại ao đã đạt mức 24.500 đ/kg. Với mức giá này ai có cá tới lứa có thể được lời hơn 4.000đ cho 1kg cá tra. Một nông dân nuôi cá ở đồng bằng sông Cửu Long nói rằng, nhiều năm liền người nuôi cá bị thua lỗ cụt vốn, những ai cầm cự được thì đã có lời chút ít trong mùa cá năm ngoái. Tuy nhiên chuyện tiếp tục nuôi mới đã gặp nhiều trở ngại:
“Người ta bỏ nuôi nhiều hơn năm rồi, mười người bỏ hết tám còn hai. Dân muốn nuôi nữa cũng không có tiền đâu để nuôi. Ông ngân hàng sợ cho người nuôi cá tra vay, trả vốn là bị cắt luôn. Nuôi cá chỗ vùng của em họ bỏ cỡ 80%. Mấy đại gia còn tồn tại một số cũng ít, một số đại gia banh xác cũng ‘nhóc’ lỗ lã chồng chất. Nguyên nhân chính là ngân hàng cắt đưa vô trả nợ đáo hạn là bị cắt không cho vay lại, thành thử buộc phải bỏ không tái đàn nổi.”
Theo các thông tin ghi nhận, các ngân hàng thương mại rất ngại cho vay vốn nuôi cá tra, do mấy năm liền nhiều chủ nuôi vỡ nợ, tiến hành cưỡng chế nhà đất không êm thấm và bị phản kháng. Người nông dân nói với chúng tôi về trường hợp của ông và những người may mắn giữ được nguồn vốn để tái sản xuất:
“Nợ ngân hàng mình biết đưa vô đóng thì mấy ông cắt ngang, buộc lòng phải chiếm dụng nợ ngân hàng không trả mà để đóng lãi, xin gia hạn chấp nhận đóng phạt, vậy mới duy trì được. Những anh em còn nuôi lại là giống trường hợp như tôi, còn số anh em nghe lời ngân hàng đưa vô nó cắt hết, số này nhiều lắm. Không có chính sách nào cho mấy người nuôi cá hết, để cho vay để tái đàn, ngân hàng sợ như năm 2008-2009 lỗ lã mất công họ.”
Giá thức ăn chăn nuôi tăng
Đối với người nuôi cá tra và thủy sản nói chung, ngoài những khó khăn về nguồn vốn, thị trường tiêu thụ bấp bênh còn có một vấn đề nữa là giá thức ăn chăn nuôi tăng dồn dập và có khả năng tăng thêm nữa, sau khi đã tăng 14 lần trong năm ngoái và 4 lần từ đầu năm tới nay. Tiền đồng Việt Nam vừa bị phá giá 9,3% so với đồng đô la Mỹ, giá điện và xăng dầu sắp tăng sẽ tiếp tục đẩy giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới. Công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam lệ thuộc 70% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài như bắp, khô dầu đậu nành, bột cá và các dưỡng chất khác.
Đối với vấn đề các nhà máy chế biến thiếu cá tra nguyên liệu trầm trọng và giải pháp nào để giúp đỡ người nuôi tái đàn duy trì sản xuất, ông Nguyễn Tử Cương Ủy viên Thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam từ Hà Nội phát biểu:
Chúng tôi hy vọng giá xuất khẩu sẽ tăng, bởi vì cũng giống như thực phẩm trên toàn thế giới khi bị khan hiếm thì giá đều tăng.
Ô. Nguyễn Tử Cương
“Chúng tôi đang tìm cách giải bài toán là diện tích nuôi vẫn được giữ vững nhưng vẫn phải đảm bảo có hiệu quả kinh tế ở tất cả các công đoạn. Những bài toán này đang được các nhà chiến lược, tổ chức hội và hiệp hội đặc biệt là người nuôi đang phải tính toán. Chúng tôi tin rằng sẽ tìm được cách giải quyết dù là rất khó.”
Hiện nay phi lê cá tra xuất khẩu chào giá hơn 3 USD/kg so với 2 USD/kg mức giá trung bình nhiều năm. Ngoài ra tỷ giá đô la và tiền đồng mới được điều chỉnh, doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi hơn, nên đang xảy ra tình trạng tranh mua lùng sục tận ao nuôi.
Nhận định về vấn đề giá cá tra xuất khẩu phải ổn định ở mức có lời cho cả doanh nghiệp lẫn người nuôi, ông Nguyễn Tử Cương phát biểu:
“Chúng tôi hy vọng giá xuất khẩu sẽ tăng, bởi vì cũng giống như thực phẩm trên toàn thế giới khi bị khan hiếm thì giá đều tăng. Chúng tôi sẽ thuyết phục các nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng là, nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi đã tăng cho nên giá xuất khẩu đầu ra sẽ tăng lên. Tôi tin rằng sẽ được thị trường ủng hộ.”
Việt Nam cần một giải pháp lâu dài cho nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Ban chỉ đạo sản xuất cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng ký quyết định thành lập từ năm 2009, hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ có lời giải đáp để phát triển ngành cá tra bền vững, có qui hoạch thích hợp, tổ chức thành công vấn đề liên kết chuỗi sản xuất, từ nhà cung cấp vật tư đầu vào cho đến ao nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Sản phẩm cá tra Việt Nam khi đó sẽ có thể truy xuất nguồn gốc với lý lịch ao nuôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, điều hòa thị trường, bảo đảm một nguồn lợi lớn cho đất nước trong đó nông dân không bị bỏ quên.
Theo dòng thời sự:
- Thức ăn gia súc tăng giá vì thuế
- Thức ăn chăn nuôi: Thiếu qui hoạch phát triển
- Bình ổn giá thức ăn chăn nuôi: biện pháp tình thế?
- Chăn nuôi tăng trưởng trong suy thoái
- Chiến lược phát triển chăn nuôi khó đạt được yêu cầu
- Gia súc bị chết vì rét ở các tỉnh miền Bắc tăng nhanh
- Thoát sách đỏ cá tra vẫn bấp bênh