Sáng ngày 22/1/2019 có khoảng 300 người Việt biểu tình trước tru sở Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva nhằm phản đối những đàn áp nhân quyền trong nước.
Một trong những người tổ chức cuộc biểu tình là Luật sư Trần Kiều Ngọc, Chủ tịch Phong trào giới trẻ thế giới vì nhân quyền.
Sau cuộc biểu tình, Luật sư Trần Kiều Ngọc cho đài RFA cuộc phỏng vấn sau đây từ thành phố Adelaide, nước Úc.
Luật sư Trần Kiều Ngọc: Tổ chức Phong trào giới trẻ vì nhân quyền của chúng tôi là một tổ chức còn non trẻ, mới thành lập vào năm 2016 thôi. Mục đích của chúng tôi ngay từ đầu là qui tụ các bạn trẻ có mối quan tâm với tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Đặc biệt đối với giới trẻ hải ngoại thì chúng tôi mong dấy lên được lòng yêu nước, cội nguồn, để làm sao các bạn trẻ đó có thể cùng đến với nhau, đóng góp cho quê hương Việt Nam của chúng ta có được nhân quyền.
Đối với giới trẻ ở quốc nội thì chúng tôi cũng mong muốn là trên hành trình đấu tranh cho dân chủ nhân quyền ở Việt Nam thì các bạn trẻ đó không cảm thấy cô đơn trên con đường dấn thân của mình. Chúng tôi hy vọng rằng có thể qui tụ được các bạn trẻ trong nước để các bạn trẻ đó có điểm tựa về tinh thần, có sự hỗ trợ quốc tế một cách cụ thể.
Đó là mục tiêu chính của phong trào Giới trẻ vì nhân quyền của chúng tôi thưa anh.
Một khó khăn nữa là khoảng cách thế hệ, không ngồi xuống nói chuyện với nhau được.<br/>-Luật sư Trần Kiều Ngọc.
Kính Hòa RFA: Cuộc sống ở hải ngoại và Việt Nam khác nhau nhiều lắm, vậy khi một người trẻ ở hải ngoại quan tâm đến chuyện bên trong Việt Nam thì họ có khó khăn gì không?
Luật sư Trần Kiều Ngọc: Cảm nhận của tôi là làm sao dấy lên được cái tinh thần, cái mối quan tâm về Việt Nam, về cội nguồn của các bạn, nhưng mà khi các bạn có sự quan tâm đến tình hình đất nước mà các bạn muốn dấn thân thì cái tôi cảm nhận là các cô chú bác cộng đồng chúng ta đã nổ lực rất nhiều nhưng tôi thấy vẫn chưa đủ tạo một môi trường cho các bạn trẻ có cơ hội tham gia, dấn thân, để mà hoạt động một cách tích cực và dễ dàng hơn.
Bởi vì theo tôi thấy thì khi chúng tôi dấn thân vào sinh hoạt cộng đồng thì thấy những sinh hoạt đó rất là tốt, chúng ta luôn duy trì nét văn hóa truyền thống của chúng ta, điều đó rất là tốt, nhưng mà cơ hội để cho các bạn dấn thân cho dân chủ nhân quyền ở quê hương Việt Nam vẫn chưa đủ để cho các bạn tham gia, để các bạn đóng góp hết khả năng của các bạn.
Ngoài ra còn có những khó khăn khác mà ai cũng thấy là đa số các bạn rất say mê đeo đuổi ước mơ sự nghiệp của mình, vì vậy mặc dù các bạn rất quan tâm, nhưng cuộc sống ở đây gây khó cho các bạn tìm thêm được thời gian để mà mình hoạt động. Vấn đề gia đình và sự nghiệp cũng là một trở ngại rất lớn cho các bạn trẻ cho công cuộc này.
Kính Hòa RFA: Luật sư có nói đến việc mặc dù có sự hoạt động tốt của các thế hệ trước nhưng chưa tạo được sự tham gia củ các bạn trẻ, vậy có phải chăng là cách tiếp cận vấn đề Việt Nam của các thể hệ đi trước và các bạn trẻ như thế hệ của luật sư, có khác nhau không?
Luật sư Trần Kiều Ngọc: Theo tôi nghĩ thì chuyện đó là có nhưng nó cũng rất là hiển nhiên, bởi vì các cô chú bác sinh ra trong thời bình, trải qua chiến tranh, rồi biến cố năm 75, cả một quá trình tan thương bi đát của đất nước, rồi vượt biên với hai bàn tay trắng, làm lại từ đầu.
Kinh nghiệm từng trả cuộc sống như vậy rất khác so với thế hệ thứ hai thứ ba của chúng tôi đây, về cả ngôn ngữ sử dụng, vì vậy có thể gây ra những mâu thuẫn giữa hai thế hệ, khó mà hiểu nhau thấu đáo. Phải nói là số đông các bạn trẻ đã gặp phải. Khi mà các bạn trẻ khó hiểu được cha mẹ của mình, mà không đủ kiên nhẫn, hoặc là các bậc trưởng thượng không đủ kiên nhẫn thì đôi bên dễ gây ra những mâu thuẫn.
Tuy nhiên trong thời gian qua tôi cũng rất là vui mừng vì thế hệ thứ nhất, các cô chú bác đã rất là kiên nhẫn, sãn sàng dung hòa, biết lắng nghe cảm nghĩ của chúng tôi.
Kính Hòa RFA: Cái khó khăn nhất của tổ chức của luật sư hiện nay là gì?
Luật sư Trần Kiều Ngọc: Dạ thưa tôi nghĩ rằng là bất cứ tổ chức hội đoàn nào cũng có những khó khăn rất là giống nhau, tức là trong những hoạt động của mình mà mình không có tài chánh và không có nhân sự thì mình không làm được gì hết.
Điều khó khăn đối với tổ chức non trẻ của chúng tôi là chúng tôi không có tiền, rồi sau đó là chúng tôi bắt đầu từ con số không chỉ gồm bốn năm bạn trẻ, phải nói là đi thuyết phục hết nước miếng để các các bạn trẻ them gia, rồi tài chánh nhân sự, rồi thời gian nữa. Ba yếu tố khó khăn đó chiếm hết công sức thời gian.
Cái nữa là như tôi có trình bày với anh lúc nãy là cái khoảng cách thế hệ. Có thể cái cách làm việc của chúng tôi khác với các cô các chú các bác, mà các cô chú không hiểu và làm ngơ, thì cái đó làm chúng tôi rất dễ nản lòng.
Như việc tổ chức của chúng tôi ngay trong năm đầu tiên đã tổ chức Đại hội giới trẻ thế giới tên là Việt Nam con đường nhân bản, chúng tôi nghĩ là chúng tôi tổ chức thành công, gây được tiếng vang. Nhưng sau đó thì chúng tôi tuy nhận được rất nhiều lời khen nhưng cũng có búa rìu và những chống phá.
Tôi nghĩ đó là sự không hiểu nhau giữa các thế hệ thôi, không thể ngồi xuống với nhau được. Điều đó là một khó khăn và chúng tôi rất buồn.
Nhưng mới đây chúng tôi tổ chức được hai cuộc biểu tình ở Geneva, chúng tôi đã tha thiết kêu gọi các tổ chức hội đoàn thuộc về thế hệ thứ nhất, và chúng tôi nhận được rất là nhiều sự hỗ trợ, đó là một niềm khích lệ rất lớn lao đối với chúng tôi.
Có thể nói là sự an ủi, sự nâng đỡ của thế hệ đi trước đối với chúng tôi là niềm khích lệ, một động lực rất lớn.<br/>-Luật sư Trần Kiều Ngọc.
Có thể nói là sự an ủi, sự nâng đỡ của thế hệ đi trước đối với chúng tôi là niềm khích lệ, một động lực rất lớn. Tôi nghĩ là nếu các cô chú bác nhận ra được, chúng tôi nhận được sự hổ trợ đó thì chúng tôi sẽ phát triển rất là nhiều trong tương lai.
Kính Hòa RFA: Luật sư nhận xét chung thế nào về cộng đồng Việt Nam hải ngoại? Nhất là cộng đồng tại Úc, Châu Âu, Bắc Mỹ?
Luật sư Trần Kiều Ngọc: Tôi nghĩ là cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản của chúng ta trải qua ba giai đoạn. Thứ nhất là ra đi với hai bàn tay trắng, phải ổn định cuộc sống với đồng hương, phải hội nhập với cuộc sống mới.
Thứ hai khi đã hôi nhập vào quê hương thứ hai của đất nước tự do, thì cộng đồng của mình thấy cái nhu cầu bảo vệ văn hóa của mình tiếng nói của mình.
Bên cạnh đó cộng đồng của chúng ta rất khác với các cộng đồng các sắc tộc di dân khác, là chúng ra đi nhưng có một đất nước vẫn sống dưới chế độ độc tài của đảng cộng sản. Cho nên mình muốn làm chuyện lớn lao hơn nữa là tiếp tục con đường đấu tranh cho đất nước của chúng ta có dân chủ và nhân quyền đích thực.
Sự đóng góp của giới trẻ thế hệ thứ hai thứ ba vào cuộc đấu tranh rất là quan trọng. Cộng đồng người Việt hải ngoại khắp nơi nên tạo một môi trường cho giới trẻ dấn thân hơn cho đất nước của chúng ta. Nếu chúng ta liên kết tạo một mô hình cụ thể trên khắp thế giới thì tiếng nói của chúng ta, thông điệp của chúng ta sẽ đến với thế giới xa hơn và mạnh hơn.
Kính Hòa RFA: Câu hỏi cuối cùng xin luật sư nói về mình một chút, nhất là khả năng tiếng Việt tuyệt vời của luật sư như thế này.
Luật sư Trần Kiều Ngọc: Thưa anh đây là câu hỏi tôi rất thường nhận được khi đi nói chuyện khắp nơi, và cũng là câu hỏi mà tôi nhận được rất nhiều lời khen và cũng rất nhiều đánh phá tơi bời vì câu hỏi này nữa, vì nói về người khác thì dễ những nói về mình thì rất là khó.
Tôi rất yêu tiếng Việt, ngay từ bé tôi đã say mê đọc truyện tranh, truyện cổ tích trước khi đi học. Tôi sang Úc lúc 7 tuổi, sang rồi tôi nhớ tiếng Việt quá nên tôi hay tìm tòi đọc rất nhiều sách mặc dù đọc mạt chữ vậy thôi chứ không hiểu nội dung là gì. Ba mẹ tôi cũng rất khó, ở nhà tôi và các chị không được nói tiếng Anh. Cho nên tôi còn giữ được tiếng Việt cho đến giờ, dù không xuất sắc lắm (cười) nhưng cũng tại dùng được phải không anh?
Kính Hòa RFA: Cám ơn Luật sư Trần Kiều Ngọc cho chúng tôi cuộc trao đổi thú vị như thế này.