Mỗi đợt Tết đến xuân về luôn là dịp để cả gia đình đoàn tụ, ngồi lại bên nhau trò chuyện về những gì đã trải qua trong một năm. Tuy nhiên, với nhiều người, dịp gặp gỡ đầu năm này còn là nỗi sợ hãi khi liên tục bị người thân hỏi quá nhiều câu hỏi cá nhân như lương bổng, kết quả học hành, chiều cao, cân nặng, tình trạng hôn nhân, gia đình… Việc quan tâm, hỏi thăm là nét đẹp trong truyền thống người Việt từ bao đời, nhưng quan tâm thế nào để không khiến người bị hỏi khó chịu vì quá xâm phạm vào đời sống cá nhân lại là một vấn đề khiến nhiều người lo ngại.
Mức độ thăm hỏi!
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, trình bài về nguồn gốc việc thăm hỏi của người Phương Đông:
“Xét về phương diện truyền thống, lời hỏi thăm của người Á Đông, nhất là người Việt Nam thì câu hỏi càng cụ thể, càng gần hơn với nhân thân, tuổi tác, sinh hoạt, đạo lý, hành xử của con người càng tỉ mỉ bao nhiêu càng chứng tỏ sự thân tình, quan tâm. Người Việt sống theo mô thức ‘cộng cảm’ thành ra trở thành văn hóa lời hỏi thăm không còn mang tính hình thức mà rất cụ thể, tỉ mỉ. Như vậy trở thành một khuôn mẫu người Việt hỏi thăm nhau ngày Tết, thường nhắm vào tiến trình, giai đoạn cuộc đời con người để hỏi.”
Về phương diện truyền thống, lời hỏi thăm của người Á Đông, nhất là người Việt Nam thì câu hỏi càng cụ thể, càng gần hơn với nhân thân, tuổi tác, sinh hoạt, đạo lý, hành xử của con người càng tỉ mỉ bao nhiêu càng chứng tỏ sự thân tình, quan tâm. - TS. Trịnh Hòa Bình
Còn Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi, Phó Viện Trưởng Viện Xã hội học Việt Nam lại cho rằng cần phải tôn trọng quyền riêng tư của người khác, vì thế không nên hỏi những câu hỏi quá chi tiết về từng cá nhân.
“Mỗi người có nhiều lý do khác nhau để người ta có cuộc sống không giống nhau, cuộc sống xã hội hay và đẹp ở chỗ đó. Tôi nghĩ đó là truyền thống của người Việt xưa là quan tâm, hỏi thăm. Tôi nghĩ sở dĩ họ có tính như vậy vì họ nghĩ vậy là tốt. Bây giờ mình hiểu biết hơn, hiểu rõ hơn về quyền riêng tư của mỗi người thì những câu hỏi đấy không thích hợp và không nên. Tôi biết người Việt, ít nhất ở miền bắc vì tôi sống ở bắc nên biết những câu hỏi như vậy rất phổ biến và người ta không ác ý mà chỉ quan tâm nhau thôi. Nhưng trong rất nhiều trường hợp lại khiến người được hỏi cảm giác không hay. Trong giao tiếp nếu gây cho người khác cảm giác không hay thì cũng không tốt, không nên tiếp tục, không nên ủng hộ.”
Treo biển cấm hỏi trước nhà: nên hay không?
Những ngày gần đây, trên mạng rộ lên phong trào nhiều người chụp ảnh những tấm biển “Nhà có đứa đang… khách đến chơi Tết xin đừng hỏi” được treo trước cửa nhà. Trong đó, những vấn đề được chủ nhà đề cập mong khách đừng hỏi chủ yếu về những việc riêng tư như bao giờ lấy chồng/ lấy vợ, lương tháng bao nhiêu, học hành thế nào, lên bao nhiêu ký…
Nhiều người chia sẻ hình ảnh này và bày tỏ sự cảm thông khi mỗi dịp đoàn tụ lại bị ‘tra khảo’ những câu hỏi như trên, không chỉ từ một người mà từ rất nhiều người. Trong khi đó, nhiều người khác lại thích thú với cách giải quyết vấn đề này.
Tuy nhiên, một số người lại không đồng ý với việc treo bảng trước nhà như thế, như lời chị Hà Anh, quê ở Đồng Nai và hiện đang sống ở Sài Gòn. Chị cho biết mỗi lần về quê cũng hay bị hỏi những câu tương tự nhưng chị không đồng ý với việc treo biển cấm hỏi trước cửa nhà như vậy:
“Bây giờ xã hội ngày càng phát triển, bản thân những người trẻ cũng ít quan tâm nhiều đến xung quanh, cộng đồng và không muốn bị làm phiền, muốn được riêng tư nên Anh nghĩ có những người quá bực vì từ năm này sang năm khác cứ hỏi vấn đề riêng tư của họ thì họ cảm thấy xâm phạm đời tư, không được thấu hiểu. Do văn hóa, con người Việt Nam phần nào thiếu đi sự riêng tư nên người ta đến hỏi những câu hỏi mà theo Anh là bất lịch sự và mất riêng tư, như vậy không hay. Có thể quá bức xúc, cộng thêm cộng đồng mạng ngày càng nhiều trò dẫn đến người ta cũng hơi lố khi treo biển này.”
Theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, việc treo bảng này chỉ do một vài người làm quá lên vì người Việt không cư xử như thế. Dù vậy, ông cho rằng cách phản ứng này cho thấy đến lúc người Việt hiện đại không chấp nhận cung cách, lời hỏi han cụ thể, xăm soi, quá sức đào bới vào đời tư làm người ta mất tự do:
“Dẫu sao cũng phải thừa nhận rằng giới trẻ ngày nay và bố mẹ chúng cũng cảm thấy áp lực, nặng nề khi người ta cứ soi vào những điều như thế để hỏi thăm không chỉ đường đột, mất tự nhiên, thiếu tế nhị mà còn đụng chạm sĩ diện, sự xấu hổ rằng con cái mình không được như con nhà người…”
Dưới góc nhìn cá nhân, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi việc treo bảng cấm hỏi là hơi cực đoan và những người khác làm theo là dấu hiệu buồn cho xã hội hơn là đem lại điều tốt đẹp. Ông giảng giải:
“Tôi nghĩ việc đó làm trầm trọng thêm tình hình. Tự mình chường ra vì rất nhiều người không định hỏi, đến nhà chơi vì mục đích khác. Nếu chương ra cái biển như vậy thì thu hút sự chú ý của người ta. Điều đó làm mất hứng cả người đến thăm và làm hại cả người trong cuộc. Tôi không cho đây là một biện pháp tốt để giải quyết vấn đề người ta hỏi những câu không nên.”
Giải pháp
Vấn đề trò chuyện, thăm hỏi nhau mỗi dịp sum họp khi xuân về nhưng vẫn giữ được sự quan tâm đúng mực, không xâm phạm vào đời sống cá nhân người khác luôn là trăn trở của nhiều người.
Với kinh nghiệm của mình, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi cho rằng truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng các hành vi của mọi người. Vì thế ông đề xuất:
“Thời thế thay đổi, có thể thời xưa những câu hỏi như vậy phù hợp nhưng bây giờ không phù hợp nữa. Tôi nghĩ nhà trường, những thiết chế giáo dục, nhất là truyền thông vì ảnh hưởng rất lớn, có thể giải thích thêm cho người ta hiểu. Tôi tin sự thay đổi có thể xảy ra trong thời gian khá ngắn. Khi người ta hiểu chuyện thì người ta thay đổi.”
Tôi nghĩ đó là truyền thống của người Việt xưa là quan tâm, hỏi thăm. Tôi nghĩ sở dĩ họ có tính như vậy vì họ nghĩ vậy là tốt. Bây giờ mình hiểu biết hơn, hiểu rõ hơn về quyền riêng tư của mỗi người thì những câu hỏi đấy không thích hợp và không nên. - PGS. TS. Vũ Mạnh Lợi
Không đồng quan điểm với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi, chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình có cách nhìn nhận khác:
“Chúng tôi nghĩ rằng đây là văn hóa, tập quán và khắc phục, sửa chữa cần có thời gian, không thể ngày một ngày hai được và có liên quan cả thế hệ. Có lẽ cách khắc phục rõ ràng nhất là người ta phải nói thẳng, nói thật với nhau chứ không có cách khác. Phải đặt vấn đề đó lên bàn nghị sự, chương trình, kịch mục nội dung để trao đổi trong ngày Tết đến xuân về. Chuyện này là vấn đề không thể lảng tránh, buộc phải đặt vấn đề ra để nói chứ câu chuyện này không liên quan đến chuyện giáo dục phẩm hạnh, tư cách con người để phải đưa vào trong nhà trường.”
Hoặc theo cách đơn giản hơn của chị Hà Anh, mà nhiều người vẫn hay áp dụng xưa nay, người được hỏi nếu không muốn người khác hỏi tới có thể né hoặc trả lời qua loa vì có thể nhiều lúc khách đến nhà không có chuyện để nói thì việc hỏi những câu như gia đình thế nào, khi nào lấy chồng, lấy vợ chỉ như câu hỏi chung chung mang tính chất xã giao chứ không phải là soi mói đời tư người khác!