Vấn nạn thanh toán trực tuyến của khách Trung Quốc

0:00 / 0:00

Chuyển tiền trái phép qua thanh toán trực tuyến

Hình thức thanh toán điện tử xuyên biên giới đang trở nên phổ biến trên khắp thế giới. Các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia và Việt Nam đều chấp nhận thanh toán bằng Alipay và Wechat Pay cho khách du lịch Trung Quốc.

Tại Việt Nam, song song với việc thanh toán điện tử trực tuyến xuyên biên giới một cách hợp pháp thì gần đây xuất hiện một số doanh nghiệp do người Trung Quốc làm chủ, đang sử dụng hình thức thanh toán bằng máy PoS và QR-Code được phát hành từ Trung Quốc có nhận thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ dành cho khách Trung Quốc trong khi đang giao dịch trên lãnh thổ của Việt Nam.

Phương thức thanh toán như thế khiến dòng tiền từ thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử của người mua sang thẳng ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng của người bán ngay tại Trung Quốc chứ không về Việt Nam. Điều này dẫn đến các nhà quản lý tài chính không quản lý được giao dịch và thất thu thuế.

Luật sư Đặng Đình Mạnh tại Sài Gòn nói với chúng tôi rằng, việc thanh toán cho giao dịch trong lãnh thổ Việt Nam mà không sử dụng tiền đồng Việt là ảnh hưởng đến chủ quyền Việt Nam.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng việc này là vi phạm luật pháp của Việt Nam. Ông cho biết:

“Luật pháp Việt Nam quy định, trên lãnh thổ Việt Nam phải sử dụng đồng tiền Việt Nam. Điều này hiện nay các cơ quan của Việt Nam theo như tôi biết đang tìm cách giải quyết để khắc phục. Nhưng vấn đề ở đây là khách Trung Quốc chuyển tiền qua Alipay và các công cụ chuyển tiền trực tuyến khác cho nên là tôi không nắm được rõ là vấn đề phía Việt Nam sẽ xử lý kỹ thuật như thế nào để khắc phục tình trạng này.”

Vị chuyên gia cho rằng đây là một câu hỏi lớn đặt ra dành cho các cơ quan quản lý Việt Nam.

Với công nghệ hiện nay, khách du lịch Trung Quốc thậm chí không cần quẹt thẻ ở máy PoS, mà chỉ cần sử dụng các ứng dụng AliPay, WeChat Pay để thanh toán tại chỗ. Chủ doanh nghiệp chỉ cần nhờ người đứng tên mở tài khoản tại Trung Quốc là có thể nhận tiền hoặc chuyển tiền từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại.

Các giao dịch này không thông qua hệ thống Cổng Thanh toán nhà nước hay các ngân hàng và trung gian thanh toán của Việt Nam. Cơ quan quản lý Việt Nam cũng không thể kiểm soát được dữ liệu về quy mô và số lượt giao dịch.

Thất thu lớn và đe dọa tiền tệ

Hiện nay, lượng du khách Trung Quốc vào Việt Nam khá đông tại nhiều địa phương như Nha Trang, Đà Nẵng và Quảng Bình… nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ, khách sạn , nhà hàng đều treo biển chấp nhận thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng Alipay và Wechat Pay.

Vào cuối năm 2017, ví điện tử VIMO của Công ty cổ phần công nghệ Vi Mô tuyên bố trở thành đơn vị trung gian thanh toán cho phép khách du lịch Trung Quốc sử dụng ví điện tử thanh toán bằng đồng Việt Nam tại các cửa hàng chấp nhận VIMO khi họ đến du lịch tại Việt Nam. Đại diện các công ty ví điện tử đều hứa hẹn khách du lịch Trung Quốc sẽ giúp tăng doanh thu cho các doanh nghiệp khi họ du lịch Việt Nam.

Anh Thuận, đại diện cho một công ty lữ hành tại Nha Trang cho chúng tôi biết qua email rằng, trên thực tế điều này không hẳn như vậy. Anh cho biết hiện nay nhiều tour du lịch Trung Quốc sang Việt Nam giá 0 đồng, các chi phí ăn ở được giảm ở mức thấp nhất và hầu như khách sẽ bị ép tham quan và mua sắm tại các nơi được chỉ định trước.

Anh nhấn mạnh rằng "Các địa điểm này đa phần là chủ do người Trung Quốc mở và họ móc nối với các công ty du lịch Trung Quốc, nên cho dù có tăng chi tiêu thì doanh thu đó cũng không có vào túi Việt Nam đâu."

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng hình thức giao dịch này gây ảnh hưởng lớn đến việc thu thuế trong giao dịch ngoại tệ của Việt Nam. Ông chia sẻ:

“Khi họ kinh doanh trên đất nước Việt Nam sử dụng đồng tiền VN thì họ phải nộp thuế theo đúng các quy đinh của nhà nước VN như là thuế doanh thu và thuế lợi nhuận doanh nghiệp. Các công ty nước ngoài hoạt động tại VN đều phải thực hiện nghĩa vụ đó một cách sòng phẳng và nghiêm túc, chỉ riêng trường hợp này thì tôi thấy về kỹ thuật không biết phía VN sẽ làm như thế nào để quản lý được thanh toán trực tuyến qua mạng và qua thẻ như thế này.”

Dẫn lời của ông Nguyễn Văn Đoan, phó giám đốc chi nhánh ngân hàng nhà nước tại Quảng Ninh trả lời với báo chí trong nước rằng, việc sử dụng các máy thanh toán PoS hay các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thì phải có giấy phép và đăng ký sử dụng qua các hệ thống ngân hàng Việt Nam. Và đề nghị các cơ quan chức năng cũng yêu cầu chủ doanh nghiệp lắp hệ thống thanh toán điện tử thông qua các ngân hàng Việt Nam và gắn camera để theo dõi.

Tuy nhiên, facebooker Bùi Dũng chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng "Người bán và người mua thỏa thuận giá sản phẩm rồi họ đi ra khỏi khu vực khác để quẹt thẻ hay dùng ứng dụng di động thanh toán thì ai sẽ quản lý giao dịch này? Đối với các máy thanh toán PoS ngân hàng sẽ không thể quản lý các máy thanh toán trái phép, bởi vì các máy PoS chỉ có sim 3G là có thể hoạt động được xuyên biên giới, mà đối với những người nước ngoài thì chỉ cần trình hộ chiếu là có thể mua đươc sim 3G rồi."

Qua phân tích của các chuyên gia mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc thì thấy rằng, việc thanh toán bằng các hình thức này đang khá phổ biến và nó ảnh hưởng rất lớn đến an ninh tiền tệ của Việt Nam. Doanh thu không thu được về Việt Nam mà chuyển thẳng về Trung Quốc, điều này vừa trốn thuế vừa gây thất thoát thuế và các cơ quan quản lý Việt Nam không thể kiểm soát được vì các giao dịch này hoàn toàn xử lý tại nước ngoài.