Ngày Chủ nhật, 12 tháng 11, 2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói tại Hà Nội, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông rằng ông có thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong các xung đột ở Biển Đông.
Trong giới nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam có sự đón nhận khác nhau về tuyên bố có thể đứng ra làm trung gian hòa giải của Tổng thống Hoa Kỳ.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người có nhiều nghiên cứu về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thấy rằng cách tiếp cận của ông Trump là một sự khôn khéo:
“Đối với Trung Quốc có tham vọng như vậy, thì theo tôi vừa cứng vừa mềm như vậy là phù hợp. Nếu mềm hẳn thì chưa chắc ngăn được tham vọng của Trung Quốc. Ông Trump hồi đầu cứng mà bây giờ thể hiện sự mềm đó thì cũng là sự khôn ngoan của một siêu cường.”
Nhưng một nhà nghiên cứu Biển Đông khác là Thạc sĩ Hoàng Việt lại cho rằng nếu thực sự ông Trump và Hoa Kỳ mong muốn như vậy, điều đó chứng tỏ rằng Trung Quốc đang lớn mạnh, và Hòa Kỳ đang rút ra khỏi khu vực Biển Đông:
Tôi cho là phía Chính phủ Việt Nam đón nhận việc này một cách thận trọng.<br/>-Thạc sĩ Hoàng Việt.
"Thái độ của Hoa Kỳ, mà cụ thể là Tổng thống Donald Trump có sự thay đổi, điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến Biển Đông. Trước đây khi ông mới đắc cử thì ông nói cần phải hạn chế Trung Quốc, cô lập Trung Quốc ra khỏi những cái đảo này, các đảo mà Trung Quốc xây lấn hay chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng mà bây giờ cách tiếp cận của ông Trump về Trung Quốc đã khác, với chính sách Hoa Kỳ đứng ra làm trung gian hòa giải, thì điều đó dẫn đến hệ lụy bất lợi rất nhiều cho Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác trên khu vực Biển Đông."
Khi chúng tôi đặt câu hỏi là liệu Chính phủ Việt Nam đón nhận lời đề nghị của Tổng thống Hoa Kỳ như thế nào, những câu trả lời cũng khác nhau. Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho rằng nếu ông Donald Trump được làm trung gian hòa giải thì Việt Nam sẽ hài lòng để giải quyết tốt đẹp những xung đột:
“Theo tôi nếu được như vậy thì Việt Nam hoan nghênh thôi, bởi vì như Bà Nguyễn Thị Bình từng nói là như Trung Quốc là một láng giềng, làm sao mình thay đổi được láng giềng. Nên đối với một nước tham vọng như vậy thì cách đó cũng là một cách giải quyết tốt đẹp.”
Bà Nguyễn Thị Bình mà Tiến sĩ Nguyễn Nhã đề cập từng là Phó Chủ tịch nước Việt Nam, và trước đó bà có thời gian dài làm trong ngành ngoại giao.
Thạc sĩ Hoàng Việt lại nói rằng Chính phủ Việt Nam thận trọng khi tiếp nhận lời đề nghị của ông Trump:
"Nếu mà chỉ dựa vào những lời phát biểu của ông Donald Trump thì rất là khó đoán, ông ấy hay có phát biểu ngẫu hứng, thay đổi liên tục, không thể nói nhất thời được. Tôi cho là phía Chính phủ Việt Nam đón nhận việc này một cách thận trọng. Ở đây có một thông tin quan trọng nữa là ông Trump có nói Mỹ sẳn sàng bán những vũ khí hạng nặng cho Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đón tin này một cách tốt đẹp hơn."
Sau tuyên bố có thể làm trung gian hòa giải của ông Trump được đưa ra hôm Chủ nhật, 12 tháng 11, trong buổi họp báo chung sau đó, Chủ tịch Việt Nam, ông Trần Đại Quang nói rằng chính sách của Việt Nam là giải quyết bất đồng bằng thương lượng hòa bình, tôn trọng những qui trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông Quang không trả lời trực tiếp lời đề nghị của ông Trump.
Ông ấy đề nghị như vậy nhưng các bên có để ông ấy làm chuyện đó hay không?<br/>-Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế tại Đại học khoa học xã hội nhân văn tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét:
"Ông ấy đề nghị như vậy nhưng các bên có để ông ấy làm chuyện đó hay không? Có thể là Việt Nam cũng sẽ hoan nghênh việc ông Trump làm trung gian hòa giải giữa Việt Nam với Trung Quốc, cũng như giữa Trung Quốc với ASEAN, nhưng không chắc Trung Quốc sẽ hoan nghênh, bởi vì quan điểm của Trung Quốc là họ ưa chuộng đàm phán song phương các vấn đề Biển Đông, họ không muốn quốc tế hóa các vấn đề ở Biển Đông."
Trả lời hãng tin Reuters vào hôm Chủ nhật, Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc là ông Cảnh Sảng nói rằng nước ông kiên trì việc thảo luận trưc tiếp với các quốc gia có quan hệ trực tiếp tới xung đột để gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực.
Còn Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte thì nói là tốt nhất nên đừng đụng đến vấn đề Biển Đông, vì không có quốc gia nào có thể chịu được chiến tranh cả. Sang đến ngày thứ Hai, 13 tháng 11, khi chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Đông Nam Á ở Manila, đã nói rằng mặc dù các bên xung đột có những bất đồng nhưng không nên nói đến Biển Đông.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung nói tiếp về lời đề nghị của ông Donald Trump:
"Hiện tại chưa rõ là ông Trump thực sự có một chính sách rõ ràng hay không, hay chỉ là một cơn bộc phát của ông ấy. Tôi chưa thấy cái gì nó nhất quán của ông Trump trong chính sách đối ngoại của ông ấy, chưa có thể đưa ra được một nhận xét mang tính chiến lược cho vấn đề này."
Ông lấy dẫn chứng từ những thái độ bất nhất của ông Trump khi ông đưa ra những tuyên bố rất khác nhau về Bắc Hàn, lúc thì đe dọa sẽ hủy diệt Bình Nhưỡng, khi thì lại nói rằng ông có thể làm bạn với lãnh tụ nhà nước Bắc Hàn là Kim Jong Un.
Một nhà quan sát từ nước ngoài là Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược ở Hawaii, Hoa Kỳ, được Báo Bưu Điện Hoa Nam tại Hồng Kong trích lời, lại nhận xét rằng mặc dù trong chuyến công du châu Á lần này Bắc Kinh đã làm hài lòng ông Trump, nhưng quan hệ Mỹ Trung cũng sẽ không có gì thay đổi, và quan hệ đó, ông Lâm nói tiếp là sẽ được thử thách tại Manila khi Hoa Kỳ gặp các đồng minh chiến lược trong bộ tứ Mỹ, Ấn, Nhật, Úc, một liên minh của cái gọi là khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.
Ấn Độ Thái Bình Dương là một khái niệm cũ, gần đây được một số người trong chính giới Mỹ nhắc lại, trong đó có ông Trump, ngầm ý là một liên minh nhắm đến việc bao vây Trung Quốc.
Chúng tôi nhận được thêm ý kiến của ông Lê Vĩnh Trương, một người nghiên cứu ở Quĩ Nghiên cứu Biển Đông tại Sài Gòn, ông có bình luận như sau về lời đề nghị trung gian hòa giải của ông Donald Trump:
"Chúng tôi cho rằng đây là một động tác có ý nghĩa lễ tân hơn là một động thái chính trị can dự và dấn thân. Tuy nhiên động tác này thể hiện ông Trump chưa hẳn đi đến cùng chủ nghĩa biệt lập như thời gian tranh cử cho thấy. Một mặt nào đó câu đề nghị này đã bác bỏ lập luận Biển Đông là chuyện của Trung Quốc với các nước có tranh chấp ở Đông Nam Á mà thôi, và bác bỏ kiểu nói và tư duy ru ngủ: Biển Đông không có vấn đề. Lời đề nghị làm trung gian của ông Trump, một người theo chủ nghĩa duy lợi, cũng ngầm cho thấy nước Mỹ và ông Trump quan tâm đến lợi ích đối với Mỹ trong câu chuyện trên Biển Đông. Đó là điều mà Việt Nam cần quan tâm và tận dụng một cách khéo léo vì quyền lợi của mình.
Mặt khác, cách nói này gợi nhớ Ngoại Trưởng Mỹ James Baker từng nói nếu cần ông ta có thể đàm phán với quỷ Sa tăng, tức bất chấp độ gai góc để đàm phán vì quyền lợi Mỹ. Ngoại giao-chính trị- thương buôn luôn có thể dùng đàm phán như công cụ xử lý nhiều việc.
Việt Nam phải nâng cao sức mạnh tự lực thì mới có thể là một bên đáng được tính đến trong–cuộc trung gian giả định hoặc có hoặc không này của Tổng thống Trump, nếu không muốn trở thành một bên được đem ra mặc cả trong các ván cờ Trung Mỹ (như giai đoạn 1972,1974…). Hẳn nhiên, sức mạnh đó không thể đến chỉ từ niềm tin vào một câu nói ngoại giao, với một nền kinh tế kiệt quệ và câu nói điềm nhiên rằng "Biển Đông không có vấn đề"