Nam Nguyên trình bày vấn đề này.
Mô hình ‘cánh đồng mẫu lớn’
Nông hộ nhỏ cánh đồng lớn là ý tưởng của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn từ nhiều năm qua. Nhưng phải đến vụ hè thu 2011, 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long mới tổ chức thí điểm được một số cánh đồng kiểu mẫu trên diện tích tập trung và quen gọi là 'cánh đồng mẫu lớn'.
Báo cáo tại hội nghị tổ chức ngày 22/8 tại Long Xuyên, Cục trồng trọt cho biết với 6.400 hộ nông dân tham gia vào các cánh đồng lớn, nông dân đã giảm được giá thành sản xuất mỗi kg lúa từ 120đ tới 600đ tùy vùng, lợi nhuận mỗi héc-ta cũng tăng thêm ít nhất 2 triệu, thậm chí ở Trà Vinh tăng 7 triệu đồng/ha so với sản xuất ngoài mô hình.
Nông dân còn sản xuất nhỏ rất nhiều, do vậy chúng tôi muốn có cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu tốt có chất lượng cao hơn, thì phải làm trên diện rộng thay vì làm từng người nông dân một rất là khó khăn.
TS Phạm Văn Dư
Ở những cánh đồng mẫu lớn nông dân làm trên ruộng của mình, nhưng được hướng dẫn kỹ thuật canh tác để sản xuất chung một hoặc hai giống lúa theo đơn đặt hàng. Doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào như giống phân bón thuốc trừ sâu, cung cấp dịch vụ bơm tưới, dịch vụ thu hoạch bằng cơ giới và phụ trách tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục trồng trọt phát biểu với chúng tôi:
“Nông dân còn sản xuất nhỏ rất nhiều, do vậy chúng tôi muốn có cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu tốt có chất lượng cao hơn, thì phải làm trên diện rộng thay vì làm từng người nông dân một rất là khó khăn. Do vậy phải tổ chức lại sản xuất, làm cánh đồng mẫu lớn trong đó hàng ngàn nông dân cùng làm chung, cùng hưởng những dịch vụ, cùng hưởng những yếu tố kỹ thuật và sự đầu tư ngang nhau. Như vậy năng suất bình quân sẽ tăng lên, thay vì 1.000 nông dân sẽ có những kiểu năng suất khác nhau. Như vậy mình sẽ đưa lên năng suất bình quân cao nhất của từng nông nông dân hợp lại, bước đầu đã được sự hưởng ứng rất tốt.”
Chi phí giảm, lợi nhuận tăng

Tại sao có sự chênh lệch quá lớn về tăng lợi nhuận giữa các cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Các chuyên gia giải thích rằng, kết quả tốt nhất là ở những nơi mà doanh nghiệp đầu tư bỏ vốn lớn để hoàn chỉnh lò sấy lúa, nhà máy xay xát, nhà kho, cung cấp toàn bộ vật tư đầu vào, tổ chức tốt thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và tiêu thụ lúa cho nông dân với giá tốt.
Trên thực tế, Bộ NN-PTNT đã khởi động chương trình cánh đồng mẫu lớn vào tháng 3/2011, sau khi một doanh nghiệp lớn ở An Giang đã thành công trước đó với mô hình sản xuất tập trung của riêng mình. Cánh đồng lớn ở Xã Vĩnh Bình tỉnh An Giang rộng tới 1.000 ha, đây là diện tích tập hợp từ những cánh đồng nhỏ lẻ của 485 hộ nông dân ở địa phương. Vụ Đông Xuân hồi đầu năm, nông dân tham gia cánh đồng lớn Vĩnh Bình giảm chi phí sản xuất hơn 1.000đ/kg lúa, nếu trước kia họ chi phí từ 3.200đ tới 3.500đ/kg lúa thì sản xuất tập trung chỉ chi phí 2.200đ/kg lúa.
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, ông Huỳnh Thế Năng Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh An Giang giải thích rằng, khái niệm nông hộ nhỏ cánh đồng lớn là của Bộ NN-PTNT, còn ở An Giang đã kiên trì thực hiện mô hình gọi là cụm dịch vụ lúa gạo chung quanh một cánh đồng sản xuất lúa, có thể gọi là vùng nguyên liệu của cụm dịch vụ sản xuất lúa gạo.
Ở tại mô hình này tạo ra một điều kiện mà chúng tôi gọi là điều kiện để người nông dân thể hiện được quyền của mình hay nói cách khác là quyền của người bán.
Ô. Huỳnh Thế Năng
Theo lời ông Huỳnh Thế Năng, khâu quan trọng nhất cho tính cách thành bại là sự đề xuất và hưởng ứng của doanh nghiệp trong chủ trương sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Vấn đề thứ nhất là nông dân được cung ứng vật tư nguyên liệu đầu vào với giá ổn định nhất và chất lượng bảo đảm. Vấn đề thứ hai đặc biệt quan trọng là khâu tiêu thụ sản phẩm, ông Huỳnh Thế Năng phát biểu:
“Tiêu thụ là một khái niệm mở, nó gắn chặt trách nhiệm của doanh nghiệp trong suốt quá trình nông dân thu hoạch. Ở tại mô hình này tạo ra một điều kiện mà chúng tôi gọi là điều kiện để người nông dân thể hiện được quyền của mình hay nói cách khác là quyền của người bán.
Khi lúa được đưa đến kho được đo độ ẩm, xác định được khối lượng thì người nông dân có quyền bán hoặc gởi lại kho trong một tháng mà không phải tính tiền lưu kho. Nếu giá cả vẫn chưa thuận để bán, người ta vẫn cho gởi lại kho nhưng nông dân phải chịu chi phí.”
Ở nhiều vùng nông dân vẫn còn e ngại khi góp ruộng sản xuất tập trung, bắt nguồn từ những kinh nghiệm cay đắng thời xa xưa. Nhưng tiếng lành đồn xa và lợi nhuận thực tế đã thay đổi cách nghĩ cách làm của nhiều người. TS Phạm Văn Dư trấn an nông dân, là trong tương lai dù có tiến tới chỗ bỏ những bờ ruộng giữa các hộ để sử dụng tối ưu máy móc nông nghiệp, thì nông dân vẫn có thể yên tâm về vấn đề sở hữu.

“Nếu anh muốn được hưởng dịch vụ máy gặt đập liên hợp tất nhiên anh phải tối thiểu hóa những cái ngăn cách giữa các thửa ruộng với nhau. Đó là tùy theo sự hợp tác của người nông dân, nhưng để hưởng những dịch vụ ấy thì có thể chỉ còn lại những cột mốc thôi. Nhưng chúng ta đưa vào máy tính… quản lý bằng cách ấy sẽ tốt hơn. Người nông dân vẫn sở hữu ruộng đất của mình nhưng bờ ruộng sẽ không còn, nó được tạm thời mở ra để có diện tích lớn để gieo cùng một giống đồng loạt, thí dụ như thế.”
Theo TS Phạm Văn Dư nếu vận dụng được nguồn vốn của xã hội, liên kết chặt chẽ 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp thì sự phát triển những cánh đồng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long là khả thi. Người đại diện của Cục trồng trọt lạc quan tin tưởng cuối năm 2011 có thể nâng tổng diện tích cánh đồng lớn lên 20.000 ha, cuối năm 2012 từ 40.000-80.000 ha và đến năm 2013 đạt 200.000 ha.
Dù có thể phải hàng chục năm nữa, sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng lớn mới phủ trùm hết diện tích trồng lúa gần 2.000.000 ha ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng trong ý nghĩa nào đó cuộc cách mạng lúa gạo đã bắt đầu.