Trong lúc sự việc trường tiểu học Quốc tế Gateway “bỏ quên” học sinh dẫn đến cái chết của một học sinh 7 tuổi còn chưa lắng xuống thì mới đây, báo chí nhà nước tiếp tục đưa tin có thêm vụ việc tương tự làm một bé trai 3 tuổi phải nhập viện cấp cứu.
Tuy vậy hành xử của cơ quan chức năng lại khác nhau?
Cơ sở mầm non Đồ Rê Mí bị đóng cửa ngay?
Vụ việc xảy ra vào ngày thứ Sáu 13/09/2019 tại cơ sở mầm non Đồ Rê Mí ở tỉnh Bắc Ninh. Một cháu bé 3 tuổi lại bị “bỏ quên” suốt 7 tiếng đồng hồ trong xe đưa đón học sinh. Sau đó bé được phát hiện trong tình trạng sốt cao, hôn mê, sốc nhiệt…
Sau hai ngày điều trị, cháu bé đã tỉnh và được tiếp xúc với gia đình.
Mạng báo Lao Động dẫn lời ông Phạm Đăng Thuyên, Trưởng Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Tiên Du, Bắc Ninh cho biết đây là “tai nạn không mong muốn”, do “sơ xuất của tài xế”.
Đồng thời, ông Thuyên cũng cho biết ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ sở mầm non này đã bị đình chỉ hoạt động.
Vụ việc trên xảy ra chỉ khoảng hơn một tháng sau vụ một em học sinh khác bị thiệt mạng vì bị bỏ quên trên xe của trường tiểu học Gateway ở Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Khả Thành đưa ra lí giải cũng như những hệ lụy về biện pháp đình chỉ ngay cơ sở mầm non Đồ Rê Mí sau khi xảy ra vụ việc:
"Tôi nghĩ người lãnh đạo, trưởng phòng giáo dục hay chính quyền tại địa phương họ sợ dư luận cho nên họ có thể cho đóng cửa chứ thực sự ra đóng cửa cũng rất nguy hiểm.
Nhân viên, giáo viên, học sinh phải ở nhà thì cũng rất tai hại, rồi các em sẽ đi học ở đâu? Chỉ có cách làm sao mà phòng ngừa được thì hay hơn."
Trả lời RFA qua mail, luật gia Nguyệt Hà nêu ra nghi ngại về 'một lỗ hổng về quy trình trong việc đưa đón học sinh do pháp luật đã không theo kịp và điều chỉnh các quan hệ dân sự mới.
Trước đây học sinh nhỏ tuổi thường được bố mẹ, người thân đưa đến trường. Những năm gần đây, đời sống bận rộn hơn và cũng xuất hiện nhiều dịch vụ vận tải hỗ trợ bố mẹ trong việc đưa đón con cái nên hình thành quan hệ vận tải này.
Các cơ quan liên quan đang bắt tay vào xử lý lỗ hổng này nhưng có vẻ như còn khá chậm chạp.'
Cơ sở pháp lí nào cho cách hành xử khác biệt của chính quyền giữa 2 vụ việc tương đồng?
Dư luận còn đặc biệt thắc mắc lí do vì sao hai sự việc xảy ra ở trường tiểu học Quốc tế Gateway ở Hà Nội và cơ sở mầm non Đồ Rê Mí ở Bắc Ninh là tương tự nhau, thậm chí hậu quả của vụ việc ở trường Gateway còn nặng nề hơn. Tuy nhiên, đến giờ trường Gateway vẫn hoạt động bình thường, còn cơ sở mầm non đã bị đình chỉ ngay lập tức.
Luật gia Nguyệt Hà trích dẫn luật để lí giải cho 2 trường hợp này:
Trước hết xét về loại hình hoạt động của hai trường: một là nhóm trẻ độc lập-tự quản mẫu giáo, một là trường tiểu học.
Căn cứ vào Nghị định 46/2017/NĐ-CP
Điều 13. Đình chỉ hoạt động giáo dục của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập khi: Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
a) Không bảo đảm một trong các điều kiện thành lập.
b) Vi phạm các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ theo quy định hiện hành.
Trong các điều kiện thành lập không có quy định về vấn đề Đưa đón học sinh bằng xe.
Điều 20. Đình chỉ hoạt động giáo dục đối với trường tiểu học khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây:
a) Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục;
b) Không bảo đảm một trong các điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập theo quy định.
c) Người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền.
d) Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục.
đ) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ.
e) Các trường hợp vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, hiện không có cơ sở pháp lý về vấn đề đưa đón và trách nhiệm của các bên liên quan (nhà trường và bên dịch vụ nếu có) trong quy trình đưa đón trẻ. Vì vậy nếu xét các điều khoản quy định về lý do để một cơ sở giáo dục phải bị đình chỉ, cả hai cơ sở đều không vi phạm quy định nào để bị đình chỉ.
Theo đánh giá ban đầu thì không có cơ sở pháp lý vững vàng nào cho sự khác biệt. Đây có thể đánh giá là những hành động tùy tiện trong thực thi pháp luật, dựa vào cảm tính, độ ồn ào của dư luận, hoặc mối quan hệ với quan chức.
Ngay cả Quyết định đình chỉ của trường Đồ Rê Mí cũng không đúng Luật, vì theo Nghị định 46 quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ phải xác định rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, giáo viên, cán bộ và nhân viên trong trường và phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Luật sư Nguyễn Khả Thành cũng cùng quan điểm cho rằng hiện nay pháp luật không quy định rõ ràng cụ thể về những trường hợp này nên lãnh đạo địa phương thường là người đưa ra hình thức xử phạt:
"Thông thường người ta cho nghỉ hay không là do đánh giá của cơ quan ở địa phương đó.
Theo tôi được biết hiện giờ không có căn cứ nào quy định nào rằng khi có một tai nạn xảy ra thì sẽ đóng cửa trường học.
Những vụ việc như thế này thì pháp luật thường cũng không dự báo trước được nên chẳng có quy định nào cụ thể. Khi một hiện tượng xảy ra thì người ta xử tùy theo người lãnh đạo ở địa phương họ sẽ đưa ra quyết định."
Hành xử bất nhất của cơ quan công quyền đối với vụ việc tương đồng
Sau khi sự việc “bỏ quên” trẻ xảy ra ở trường tiểu học Quốc tế Gateway, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin rằng con gái Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Xuân Trang có góp cổ phần trong công ty mẹ của trường tiểu học Quốc tế Gateway.
Chính những thông tin này cộng với việc công an Hà Nội không thông tin rõ ràng minh bạch về nguyên nhân cái chết của bé trai 7 tuổi càng khiến dư luận hoài nghi về chuyện phải chăng Gateway được đối xử đặc biệt là vì có quan hệ với quan chức cấp cao.
Trước đây, từng có những vụ việc xảy ra mang tính chất tương tương tự nhau, nhưng cách xử lí, xử phạt của cơ quan chức năng hoàn toàn khác nhau.
Ông Vũ Huy Hoàng, một người đang sống tại TPHCM nêu ý kiến về vấn đề này:
"Tôi nghĩ đơn giản là luật pháp ở Việt Nam được đặt ra không phải là để phục vụ, bênh vực cho người dân.
Cứ nhìn nhận những sự việc xảy ra đối với đảng viên thì sẽ bị xử lý khác và người dân sẽ bị xử lý một cách khác. Từ đó chúng ta có thể suy ra là trong "trại súc vật" những con vật đều bình đẳng với nhau nhưng sẽ có những con vật bình đẳng hơn."
Ông Hoàng cũng nêu ra trường hợp của ông Nguyễn Khắc Thuỷ, từng là đảng viên, cựu giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm ví dụ.
Vào tháng 5/2014, ông Nguyễn Khắc Thủy đã nhiều lần xâm hại những bé gái sống cùng chung cư.
Sau thời gian dài gia đình các nạn nhân khiếu nại, tố cáo các nơi, đến tận tháng 8/2016, Công an thành phố Vũng tàu mới khởi tố vụ án.
Toà phúc thẩm năm 2017 chỉ tuyên ông Thuỷ 18 tháng tù treo. Bản án này làm dư luận vô cùng tức giận, nhiều người lên tiếng yêu cầu phải xử lí nghiêm thì mới có tính răn đe.
Toà án Cấp cao sau đó đã phải hủy bản án phúc thẩm, tuyên phạt ông Thuỷ 3 năm tù giam về tội “Dâm ô trẻ em”.
Ông Thuỷ từng tuyên bố trước toà rằng nếu bị tuyên có tội thì sẽ đốt thẻ đảng và tự thiêu.
Ngoài ra, có nhiều vụ cảnh sát giao thông đánh, tấn công người dân, được báo chí đưa tin nhưng chưa thấy có ai phải ra toà.
Vào tháng 1/2018, một Đại uý cảnh sát giao thông ở Cà Mau dùng chân đạp người vi phạm đến ngất xỉu, phải nhập viện.
Ba tháng sau, ông cảnh sát này chỉ bị cơ quan cảnh cáo và bồi thường 20 triệu cho nạn nhân.
Tháng 4/2019, một video ghi lại hình ảnh cảnh sát giao thông chĩa súng rồi đạp vô mặt người dân lan truyền trên mạng xã hội. Công an TPHCM cho biết đã xác minh vụ việc nhưng sau đó không hề có thông tin nào cho thấy hình thức xử phạt cảnh sát giao thông trong video trên.