Vài ngày trước khi cơn bão Yagi hay còn được gọi là cơn bão số ba đổ vào các tỉnh miền Bắc Việt Nam, anh T. (người giấu tên đầy đủ vì lý do an toàn) đã nghe thông tin về bão lũ từ các phương tiện truyền thông và chuẩn bị để đón cơn bão được coi là mạnh nhất ở Biển Đông trong vòng một thập kỷ qua đổ vào Việt Nam hôm 7/9. Tuy nhiên anh không thể ngờ rằng mọi sự chuẩn bị của mình đều không đủ vì mưa quá nhiều, lũ quá lớn đã ồ ạt đổ vào TP Thái Nguyên trong đêm ngày 9/9, cuốn trôi mọi thứ trên đường đi, và cuốn đi hai thành viên trong gia đình anh gồm một con nhỏ và người em vợ. Xác con trai năm tuổi của anh T. chỉ được các nhân viên cứu hộ tìm thấy vào đầu giờ chiều ngày hôm sau.
Nói với phóng viên RFA vào ngày 16/9/2024, khi vừa tổ chức lễ tang cho cậu bé, bà H. (giấu tên về lý do an toàn), là bác của cháu nhỏ vừa thiệt mạng, cho biết:
“Hôm đó 9/9, thật ra mình cũng không biết chính xác là như thế nào, lúc đấy rất nhiều thuyền. Đấy là thuyền phao, có gắn máy xăng, chẳng biết mô tả như thế nào. Lúc đấy khoảng 11 giờ 30 sáng, mọi người ở trên mái, mực nước lên rất cao, nước lên đến tầng hai, tổng nhà là hai tầng có mái. Thuyền đón mọi người trước cửa nhà, chỉ quay thuyền một cái, thật ra không phải lật, quay vòng một cái là tất cả đã bị văng ra.”
Không có ai trên thuyền có áo phao cả, tại thời điểm đấy rất là rối ren và lũ dâng cao, những người ủng hộ vào chưa có nhiều. Mình đính chính là thông tin đưa lên Báo Mới là hai mẹ con tự chèo thuyền là sai.
-Bà H.
Bà H. cho biết, chiếc thuyền phao cứu hộ chở năm người gồm hai trẻ nhỏ, một phụ nữ là mợ của cháu bé, một lái thuyền và một lái phụ. Bà xác định thông tin theo báo Nhà nước đăng tải là có ba người đã bị văng ra khỏi chiếc thuyền gồm một phụ nữ và hai trẻ nhỏ nhưng chỉ có một em nhỏ được cứu sống ngay sau đó. Người phụ nữ là người mợ của em bé thiệt mạng cũng được vớt lên ngay sau đó và đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Bà H. cho biết tất cả những người trên thuyền đều không có áo phao:
“Không có ai trên thuyền có áo phao cả, tại thời điểm đấy rất là rối ren và lũ dâng cao, những người ủng hộ vào chưa có nhiều. Mình đính chính là thông tin đưa lên Báo Mới là hai mẹ con tự chèo thuyền là sai.”
Báo trong nước hôm 10/9 đưa tin người mẹ và hai em nhỏ khi lũ lên cao đã tự chèo thuyền nhỏ từ khu dân cư ngập lụt ra bên ngoài, nhưng dòng nước chảy mạnh đã khiến chiếc thuyền lật úp.
Ngập bất thường
Cơn bão Yagi tràn vào Việt Nam đã gây lũ lớn và sạt lở đất ở nhiều tỉnh thành. Hàng loạt các nhà máy thủy điện phải mở cửa xả lũ do nước quá lớn cũng góp phần khiến nhiều vùng dân cư ngập nước.
Theo thống kê của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến sáng ngày 17/9 bão Yagi đã làm 291 người chết và 38 người mất tích. Có khoảng 20 tỉnh, thành ở phía Bắc chịu ảnh hưởng của cơn bão, trong đó có Thái Nguyên.
Ước tính thiệt hại về kinh tế do bão Yagi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là 1,6 tỷ đô la.
Hai tỉnh có thiệt hại về người nhiều nhất gồm: Lào Cai với 150 người, Yên Bái với 54 người. Phần lớn những người chết và mất tích là do lũ và sạt lở đất do bão gây ra. Tỉnh Thái Nguyên có bốn người chết do lũ.
Trong các ngày 9 và 10/9, trên mạng xã hội ở Việt Nam tràn ngập các thông tin kêu cứu của người dân ở các vùng ngập nước ở phía Bắc, trong đó có thành phố Thái Nguyên. Anh T. chia sẻ:
“Mình không nghĩ là bão nó lớn như thế, mới đầu cũng nghĩ nó như mọi năm và chỉ ngập nước đến chân cầu thang. Năm nay ngập hết cả tầng một.
Ngập như thế là bất thường, không như mọi năm, mọi sự chuẩn bị của bọn em đều không tác dụng gì, mặc dù mình chuẩn bị gấp hai gấp ba lần năm ngoái, nhưng mực nước quá cao, mọi sự chuẩn bị đều thất bại.”
Khi nước ngập lên cao, anh T. cho biết khu dân cư của anh gồm khoảng 30 hộ, gần như bị cô lập:
“Đường ngập, giao thông tắc nghẽn, chỉ có thuyền chuyên dụng của quân đội mới đi được, tổ của em bị cô lập, nước ngập từ 2,5m đến 3m ngoài đường.”
Trên mạng xã hội Facebook vào các ngày 9 và 10/9 có nhiều dòng trạng thái kêu cứu của người dân từ các vùng ngập ở Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, trong đó bao gồm những kêu gọi thuyền và áo phao đến cứu cùng lương thực và nước uống. Có lời kêu cứu viết: “thiếu trầm trọng áo phao và cứu hộ SOS”, “Cần gấp áo phao. Mọi người ai còn cho em xin”.
Gia đình anh T. cũng ở trong tình huống tương tự khi thực phẩm mà họ chuẩn bị đã không đủ cho gia đình chống chọi với cơn bão và kéo theo là lũ:
“Thật ra cũng không có gì ăn chỉ có nước uống, bánh kẹo hoặc một số lương thực thực phẩm còn sót lại, nhưng cũng chỉ mất một hai ngày.”
Bão Yagi đã gây mất điện diện rộng ở nhiều nơi tại miền Bắc bao gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên…
Bão mạnh, lũ lớn kéo theo mất điện, người dân gần như mất phương tiện liên lạc để kêu cứu.
"Bọn em ở trong này mất điện, mất cả thông tin, điện thoại thì có sóng nhưng hầu như không gọi được, không liên lạc được vì mất mạng. Cũng thấy chính quyền có hành động, tuy nhiên trong lúc hoạn nạn không thể nói là kịp thời, có thể do điều kiện nước lũ dâng cao chẳng hạn. Một hai ngày sau thì thấy chính quyền có đến thăm hỏi nhà cửa, cử người đến phụ đám tang." - anh T. chia sẻ.
Người dân có kinh nghiệm về bão
Theo số liệu của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm Việt Nam hứng chịu 10 đến 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Cũng trong khoảng thời gian này, trung bình mỗi năm có hơn 205 người chết, hơn 29 người mất tích do thiên tai, gây thiệt hại trung bình mỗi năm hơn 23 ngàn tỷ đồng.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia Biến đổi Khí hậu – Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu, Đại Học Cần Thơ hôm 17/9 nhận định:
“Bão thường hay thay đổi, ví dụ như những cơn bão vào đầu mùa mưa bão thường đổ bộ vào khu vực phía Bắc nhiều hơn. Nhưng càng về cuối năm thì nó dịch chuyển xuống gần miền Trung và một phần ảnh hưởng miền Nam, nhưng ít… Chủ yếu là miền Trung và phía Bắc Trung phần.”
Những cơn bão lớn đổ vào Việt Nam trước bão Yagi có thể kể đến như bão Noru vào tháng 9/2022 với sức gió lên tới cấp 12-13 tương đương từ 118 đến 149 km/h, gây ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam, đặc biệt là khu vực thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, và Thừa Thiên-Huế… Làm ít nhất 16 người thiệt mạng và mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng, nhiều khu vực bị ngập lụt…
Bão Molave đổ vào miền Trung (tháng 10/2020) làm khiến hơn 80 người chết và mất tích, gây thiệt hại khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Bão Hải Yến (11/2013), là một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận trên thế giới. Cơn bão này đổ bộ vào Philippines đầu tháng 11/2013, làm khoảng 6.300 người chết và hơn 1.000 người mất tích tại Philippines. Sau khi càn quét Philippines, bão Hải Yến đi vào Biển Đông với sức gió giật trên cấp 17. Cơn bão đã quét qua vùng biển các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình và đổ bộ vào Hải Phòng-Quảng Ninh của Việt Nam làm 18 người chết, hai người mất tích, 93 người bị thương.
Ông Liêu Thái ở Quảng Nam, người từng trải qua trận bão Hải Yến hồi năm 2013, kể với RFA:
“Lúc bão vào nó khủng khiếp lắm, anh cảm giác giống như nó có thể hất tung nhà mình bất kỳ giờ nào, mình nghe tiếng nhà mình rung chuyển. Khi bão đi ngang khiếp lắm, có thể chết bất kỳ giờ nào. Mình ở Quảng Nam cũng bị nặng, nhưng nhiều chỗ còn bị nặng hơn nhiều, nhà bị tốc mái hết.”
Ông Liêu Thái cho rằng người miền Trung đã quen với bão và cũng đã có kinh nghiệm chống chọi với bão, nhưng việc trông chờ vào chính quyền lại là một vấn đề khác:
“Người miền Trung thì ai cũng trải qua ít nhất một chục cơn bão trong đời, nếu sống thọ nữa thì có lẽ phải vài chục cơn bão. Cho nên ai cũng có kinh nghiệm về bão. Lúc bão Hải Yến vào thì việc đầu tiên là mình phải tự chống bão, chứ đừng trông chờ vào chính quyền.”
Ông Liêu Thái nói việc cảnh báo về bão lũ ở miền Trung được làm khá đầy đủ nhưng công tác hỗ trợ khi bão đi qua lại phụ thuộc vào từng địa phương.
Người miền Trung thì ai cũng trải qua ít nhất một chục cơn bão trong đời, nếu sống thọ nữa thì có lẽ phải vài chục cơn bão. Cho nên ai cũng có kinh nghiệm về bão. Lúc bão Hải Yến vào thì việc đầu tiên là mình phải tự chống bão, chứ đừng trông chờ vào chính quyền.
-Ông Liêu Thái
Điều này cũng được những người dân trong cơn bão Yagi chia sẻ với phóng viên RFA hôm 10/9.
Ông M (giấu tên vì lý do an toàn), nhà ở huyện Lục Yên, Yên Bái nói với RFA rằng ngày 9/9, mực nước lũ lên nhanh do mưa lớn, cộng với các đập thuỷ điện xả lũ khiến bà con trở tay không kịp. Nhiều xã ở tỉnh này đã hoàn toàn bị cô lập. Người dân không kịp sơ tán đã bị kẹt lại giữa biển nước:
“Lượng mưa rất là nhiều. Nó tạo nên lũ, kết hợp với một số thủy điện xả lũ. Tình hình căng lắm, chưa bao giờ tôi thấy lũ lớn như bây giờ. Nhiều xã ở trong huyện đã mất điện, mất internet, không kết nối được. Họ không kêu ra bên ngoài được.”
Ông M cho rằng việc cứu nạn cho người dân của chính quyền địa phương ở tỉnh Yên Bái vô cùng lúng túng:
“Rất nhiều người kêu cứu nhưng chính quyền địa phương không có phương tiện. Tôi không hiểu kiểu gì luôn. Năng lực kém cỏi, không có chuyên môn, dự báo yếu kém và tệ hại về mọi mặt mới dẫn tới tình trạng nguy cấp như bây giờ.”
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng Việt Nam gặp những khó khăn nhất định trong những năm gần đây do diễn biến bão trở nên phức tạp.
“Việt Nam là vùng thường xuyên bị lụt bão nên có cả một hệ thống đối phó với bão. Có cả ban chỉ đạo phòng chống lụt bão từ Trung ương đến địa phương, hằng năm vẫn diễn tập đối phó. Tuy nhiên những năm gần đây diễn biến bão có vẻ như càng ngày càng mạnh hơn, khắc nghiệt hơn. Nó một phần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự gia tăng của thiên tai cực đoan, nên không phải lúc nào cũng có đầy đủ dự báo đối phó.”
Bão số ba đã đi qua, lũ cũng rút dần trên các con sông và người dân đang sửa chữa nhà cửa, cố gắng quay lại với công việc bình thường trước bão, trong khi công việc cứu trợ tại nhiều địa phương vẫn tiếp tục. Tại một số vùng núi có sạt lở đất và lũ quét, việc tìm kiếm người mất tích vẫn đang được tiến hành.
Tại gia đình của anh T. sau lễ tang của hai người bị chết trong lũ, mọi việc cũng đang dần trở lại bình thường khi nước rút. Anh không muốn nói nhiều về những gì đã qua. Còn bà H. chỉ muốn đính chính điều mà báo chí Nhà nước đăng rằng những người trong gia đình bà đã tự tìm cách bơi thuyền.
“Ở thành phố Thái Nguyên thì làm gì có thuyền để tự chèo lái. Đâu phải vùng sông nước mà có sẵn thuyền tự chế như một số báo chí đưa tin… Mà đó là thuyền cứu hộ vào, nhưng lúc đó tỉnh Thái Nguyên tình hình lộn xộn, áo phao không đủ cung cấp, nên khi cháu lên thuyền không có áo phao.”